TRIỀU NGUYÊN
1. Đặt vấn đề
+ “Nối vòng” được hiểu là quay trở lại từ đầu khi văn bản kết thúc. Việc đọc loại văn bản này cũng tương tự như chiếc xe chạy trên một đường vòng nhất định, càng chạy thì càng giẫm lên những vết đường đã đi qua, và cứ quẩn quanh như thế mãi.
+ Năm 2008, người viết có bài “Tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao”, đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (số 7, tr. 31-33). Bài viết này đã dựa vào tài liệu Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt (Nguyễn Thúy Loan và tgk. (1998), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, các tr. 115, 140, 88, 145, 94), để chép lại năm bài đồng dao có cùng kiểu cấu tạo văn bản theo lối nối vòng, dưới đây, là hai trong số ấy:
(I)
Con kiến mày leo cành đa,
Leo phải cành cộc, leo ra leo vào;
Con kiến mày leo cành đào,
Leo phải cành cộc, leo vào leo ra.
(II)
Vân Tiên cõng mẹ đi ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ đi vô;
Vân Tiên cõng mẹ đi vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ đi ra.
Từ đó xác định cách nối vòng, là: a) Về thể thơ, theo thể lục bát, mỗi bài gồm hai cặp, 28 tiếng; b) Về đối tượng được đề cập, mỗi bài chỉ kể một sự việc (sự việc ấy gồm hai chi tiết bổ sung cho nhau, hay chúng là hai mặt của nó); c) Về phương thức tạo lời, mỗi chi tiết của sự việc được thể hiện bằng một cặp lục bát (hai cặp lục bát biểu hiện hai chi tiết như hai cánh của cái ná, chúng đối xứng nhau); d) Về cách gieo vần có tác dụng kéo người đọc trở lại điểm xuất phát (theo cách quay vòng trở lại, đó là: AA’B-BB’A(1)).
Bài viết cũng cho thấy việc nối vòng của tục ngữ, ca dao và một số thể thơ của văn học viết, để dẫn đến kết luận: “Đây là một sáng tạo độc đáo, một đóng góp đáng kể cho nghệ thuật văn chương của đồng dao”. Điều ấy đúng, chỉ có chuyện, việc nêu các vấn đề liên quan (trong đó, thường nói đến các luận cứ, luận chứng) để đưa đến một kết luận như vậy, là chưa đủ. Cho nên, nếu tên gọi của bài viết trên là “Bước đầu tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao” thì hợp lẽ hơn. Bởi đây là việc chưa ai đặt ra khi nghiên cứu về đồng dao. Ngoài nội dung được trình bày, còn một số lĩnh vực khác mà bài viết thứ hai về cùng vấn đề này bổ sung, tìm hiểu cặn kẽ hơn.
+ Việc xác định cách nối vòng theo bốn yêu cầu như vừa nêu, tỏ ra phù hợp với thể lục bát (các bài I, II), mà không đáp ứng được ở một số thể thơ khác của đồng dao. Như các thể thơ 4 tiếng (các bài III, IV), 6 tiếng (bài V), và thể hỗn hợp (bài VI), trình bày dưới:
(III)
Kéo cưa lừa xẻ,
Ông thợ nào khỏe,
Thì ăn cơm vua,
Ông thợ nào thua,
Thì về bú mẹ.
(IV)
Ăn một quả na,
Bằng ba quả quýt,
Tôi ngồi nói thiệt,
Quả quýt thì chua,
Bắt vua phải trẻ,
Quả vả thì chát,
Tôi tát mặt quan,
Quan chạy la làng,
Quăng đi quả quýt,
Quăng đi quả vả,
Trả về quả na.
(V)
Bồ các là bác chim ri;
Chim ri là dì sáo sậu;
Sáo sậu là cậu sáo đen;
Sáo đen là em tu hú;
Tu hú là chú bồ các;
Bồ các là bác chim ri…
(VI)
Con vỏi con voi,
Cái vòi đi trước,
Hai chân trước đi trước,
Hai chân sau đi sau,
Còn cái đuôi đi sau rốt, Tôi xin kể nốt câu chuyện con voi.(2)
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Với bốn bài đồng dao (các bài III, IV, V, VI) đang đặt ra, có sử dụng lối nối vòng không? Câu trả lời là có. Vậy cách thức nối vòng ra sao? Có giống với các bài theo thể thơ lục bát (đã nêu) không?
Cách thức nối vòng của bốn bài đồng dao này không hoàn toàn giống với năm bài theo thể lục bát đã dẫn ở bài viết trước. Cụ thể: trong bốn mục để xác định, ít ra, mục a và c phải xem lại. Việc xác định cách thức nối vòng, chung cho các bài đồng dao cả cũ lẫn mới, sẽ là:
- Về thể thơ, gồm tất cả các thể thơ. Số thể thơ được xét ở bài viết này gồm thơ 4 tiếng, thơ 6 tiếng, thơ lục bát, thơ hỗn hợp, của thể loại đồng dao. Ở đây, tạm cho gồm tất cả. Bởi đã có thơ 4/6 tiếng, thì cũng có thể có thơ 5/7 tiếng (và số thể ít hay nhiều tiếng đều đặn của mỗi dòng: thơ 2 tiếng, thơ 6 tiếng,…); đã có thơ lục bát, thì có thể có thơ song thất lục bát;…
- Về đối tượng được đề cập, mỗi bài có thể chỉ nêu một sự việc. Sự việc ấy có khi chỉ vài chi tiết, có khi hơn. Như bài (V) là để bé làm quen với các từ chỉ vai vế những người là anh chị em của bố mẹ (“bác”, “chú”, “cậu”, “dì”,…), vai bề trên của em, thì mỗi chi tiết tương ứng với một từ ấy (3).
- Về phương thức tạo lời, do sự việc được nêu lắm khi nhiều hơn hai chi tiết, nên có thể đối xứng hay không. Chẳng hạn, với thể lục bát gồm hai cặp 6-8, với thể song thất lục bát gồm hai khổ 7-7-6-8 thì có khả năng đối xứng, còn với các thể thơ khác có độ dài không đều, thì khả năng ấy hiếm xảy ra hơn.
- Về cách gieo vần, có tác dụng kéo người đọc trở lại điểm xuất phát. Đây là điều mấu chốt của lối thơ nối vòng. Làm sao để tiếng mang vần ở cuối bài vần với tiếng đứng cuối dòng đầu, vì vần ở hai vị trí vừa nêu là vần chân, và có nối vần như vậy mới đọc nối vòng được. Như các tiếng mang vần ở bài (II): “ra” - “nhà” - “vô” - “vô” - “bồ” - “ra”; trong đó, “ra” là tiếng mang vần ở cuối bài, điệp với tiếng cuối dòng đầu, có vần “-a bằng”. Như các tiếng mang vần ở bài (III): “xẻ” - “khỏe” - “vua” - “thua” - “mẹ”; trong đó, “mẹ” là tiếng mang vần ở cuối bài (vần “-e trắc”) với “xẻ” tiếng đứng cuối dòng đầu.
Bên cạnh việc gieo vần là cách lặp lại một tổ hợp từ, gồm tiếng mang vần ở cuối bài (cùng một vài tiếng đứng cạnh), với tiếng/một vài tiếng đứng cuối dòng đầu. Thí dụ, tổ hợp “quả na” ở cuối bài lặp lại “quả na”, là hai tiếng đứng cuối dòng đầu của bài (IV);… Cách lặp một tổ hợp từ này, có thể gồm cả dòng của thể thơ liên quan, như “Bồ các là bác chim ri” ở bài (V) (4).
Riêng bài “Ông Nỉnh ông Ninh(5)”, như sau:
(VII)
Ông Nỉnh ông Ninh,
Ông ra đầu đình,
Lại gặp ông Nang;
Ông Nảng ông Nang,
Ông ra đầu làng,
Lại gặp ông Ninh.
Khi chép vào “Tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao”, và để chú giải, phải quy về thể lục bát, vần lưng ở tiếng thứ tư của dòng bát, đồng thời, tương ứng với vị trí dòng lục, chỉ bốn tiếng (như sau: “Ông Nỉnh ông Ninh/ Ông ra đầu đình, lại gặp ông Nang/ Ông Nảng ông Nang/ Ông ra đầu làng, Lại gặp ông Ninh”). Ở đây, có thể giữ nguyên thể thơ 4 tiếng như bản gốc, mà vẫn giải thích việc nối vòng không mấy khó khăn. Ấy là: bài đồng dao đã lặp tổ hợp “ông Ninh” nằm cuối bài, với “ông Ninh” hai tiếng ở cuối dòng đầu.
2.2. Nếu so sánh hình thức nối vòng giữa thể thơ lục bát với các thể thơ có lượng dòng cố định, và loại thơ hỗn hợp khác, qua số bài đã dẫn; có thể thấy, giữa chúng có sự khác biệt khá rõ: nối vòng theo lục bát bị ràng rịt, gò bó; trong lúc nối vòng theo các thể thơ đã nêu thì rộng mở, phóng khoáng hơn nhiều.
Như một số trường hợp, việc tách làm hai chi tiết của hai cặp lục bát chỉ là hình thức, tức giả tách làm hai, thật chất chỉ là một; chẳng hạn:
(VIII)
Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp, cháo kê thịt gà;
Em tôi buồn ngủ buồn ngà,
Buồn ăn cơm nếp, thịt gà cháo kê(6).
Vì là hai mặt tương liên, hoặc chỉ giả làm hai của cùng một sự việc, nên nhân tố thứ hai không có gì mới, nó lặp thông tin, khiến toàn bài hình thành một nghĩa có tính chất khái quát: sự quanh quẩn.
Góp phần làm nên điều khác biệt vừa nêu còn bởi thể thơ, với sự phong phú của lượng dòng và số tiếng mỗi dòng, với thanh bằng hay trắc của vần, và sự linh hoạt trong việc tạo ra (tức vần vừa bằng vừa trắc, tránh được sự đơn điệu khi chỉ sử dụng một trong hai thanh này, và sự thay đổi linh hoạt của vị trí vần trong dòng thơ). Ví như: a) “Tôi ngồi nói thiệt/ Quả quýt thì chua/ Bắt vua phải trẻ” (bài IV): tiếng cuối dòng đầu “thiệt”, vần trắc với tiếng thứ hai dòng hai “quýt”(7); tiếng cuối dòng hai “chua” vần bằng với tiếng thứ hai dòng ba “vua”;… b) “Còn cái đuôi đi sau rốt/ Tôi xin kể nốt câu chuyện con voi” (bài VI): tiếng cuối dòng đầu “rốt”, vần trắc với tiếng thứ tư dòng sau “nốt”;... So sánh điều vừa trình bày với thể lục bát, chỉ mỗi loại vần bằng ở các vị trí cố định (gieo vào tiếng cuối dòng lục, tiếng thứ sáu và thứ tám của dòng bát tiếp theo).
2.3. Tìm kiếm từ một số thể loại thuộc văn học dân gian và thể thơ của văn học viết về lối nối vòng, có thể thấy:
+ Với một số thể loại thuộc văn học dân gian, như tục ngữ, ca dao, cũng bắt gặp một số văn bản sử dụng lối nối vòng.
- Trong tục ngữ, qua các câu:
+ Gà ăn mối, mối ăn thổ công, thổ công ăn gà.
+ Cực lòng nên phải biến dời; biến dời lại gặp phải nơi cực lòng.(8)
- Ở ca dao, có một số lời:
+ Thà mà ăn cá liệt bàu,
Không thà lấy khách trên đầu có đuôi;
Thà mà ăn cá liệt xuôi,
Không thà lấy khách có đuôi trên đầu. (9)
+ Cơm chiên ăn với cá mè,
Vợ chồng âu yếm ngáy khè cả đêm;
Cá mè ăn với cơm chiên,
Vợ chồng ôm ấp cả đêm ngáy khè.
+ Khi xưa em quyết em thề,
Con dao lá liễu đặt kề tóc mai;
Bây giờ em đã nghe ai,
Con dao lá liễu, tóc mai không kề!(10)
Có thể nhận ra, ba lời ca dao đều gồm bốn dòng lục bát. Hai bài đầu có cấu tạo cách nối vòng không khác số bài đồng dao đã dẫn (các bài I, II và VIII). Bài sau, ngoài việc hiệp vần của tiếng cuối bài (“kề”) với tiếng cuối của dòng đầu (“thề”), không cùng kiểu cấu tạo như đã nói.
+ Trong nền thơ của văn học viết trung đại, lối nối vòng thường gặp là dạng thủ vĩ ngâm, ở thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Nhiều nhà thơ đã sử dụng dạng thơ này, như Nguyễn Bỉnh Khiêm (bài thơ Nôm 89), Hồ Xuân Hương (Khóc ông Phủ Vĩnh Tường), Nguyễn Công Trứ (Tương tư), Trần Tế Xương (Cảm Tết),...
Một dạng khác, gọi là thủ vĩ liên hoàn (thể thất ngôn bát cú luật Đường, có vài ba tiếng ở đầu dòng một và cuối dòng tám giống nhau), và thủ vĩ liên hoàn điệp dụng (thể thất ngôn tứ tuyệt, vừa có vài ba tiếng ở đầu dòng một và cuối dòng bốn giống nhau, vừa dùng phép điệp mạnh), cũng rất ít gặp (chỉ một vài nhà thơ sử dụng, như Nguyễn Khoa Vy với Khuyên đời, Hỏi bạn,…).
+ Có thể thấy rằng, lối nối vòng không phù hợp với mảnh đất tục ngữ, và cũng tỏ ra bất thuận với ca dao. Còn ở văn chương bác học, dạng thủ vĩ ngâm, việc nối vòng do áp lực của hình thức (sự giống nhau về lời, về luật hài thanh của hai dòng thơ đầu và cuối), chứ không phải từ đòi hỏi của đối tượng được đề cập (nội dung sự việc). Điều này không phải luận giải, bởi nó được thể hiện rõ ràng qua hình thức bình thường của thể thơ. Riêng với dạng thủ vĩ liên hoàn điệp dụng, thì sự nối vòng được cả nội dung lẫn hình thức của dạng thơ tập trung thể hiện. Có điều, đây là dạng thơ mà sự dụng công lộ ra khá rõ, nó tạo hấp dẫn khi tiếp xúc đơn lẻ và dễ gây nhàm chán khi tiếp xúc cùng lúc với nhiều bài. Trong lúc, ở đồng dao, thì điều ấy hầu như không xảy ra. Những bài được cấu tạo theo lối nối vòng rất tự nhiên, thanh thoát, càng đọc càng thú vị(11), đến mức, các phân tích, khảo tả vừa trình bày có thể sẽ khiến không ít người lấy làm lạ, bởi tưởng chừng như không phải từ chúng.
3. Nhận xét, kết luận
+ Đọc ba bài sau:
(1)
Con cóc là cậu ông Trời,
Hễ ai đánh nó thì Trời đánh cho;
Con cóc là cậu thầy Nho,
Hễ ai đánh nó, Trời cho quan tiền!
(2)
Chim bay, cá lội dưới cầu,
Dưới cầu cá lội, trên đầu chim bay.
(3)
Con chim tù quých tù quy,
Vợ mi chết sớm, mi đi kêu sầu;
Mi kêu cho đến bạc đầu,
Mi đi theo vợ, vợ hầu cho mi.(12)
Ba bài này, bài (1) thường được cho là đồng dao, bài (3) là ca dao, bài (2) có người xếp vào đồng dao, cũng có người chép chung với ca dao. Chúng đều theo thể thơ lục bát. Bài (1), tiếng cuối cùng (“tiền”) không vần với tiếng cuối của dòng đầu (“Trời”); do không nối vần nên nó cũng không thuộc hiện tượng nối vòng(13). Bài (2) có tổ hợp “Chim bay” ở cuối dòng bát lặp với hai tiếng đầu của dòng lục trước; vậy nó có nối vòng không? Nếu cần phải trả lời dứt khoát, thì đó là không. Bởi trong thơ, việc lặp từ ngữ yếu hơn nhiều so với việc hiệp vần. Bài (3), tiếng cuối cùng (“mi”) vần “-i/-uy” với tiếng cuối của dòng đầu (“quy”); dù việc hiệp vần này có thể do ngẫu nhiên và bài ca dao cũng không có yêu cầu phải đọc/hát lại, nhưng vẫn có chỗ cho khả năng nối vòng (nếu xét các yếu tố khác như đã làm với bài (1), thì bài (3) đang bàn cũng có nhiều khác biệt). Theo đó, trong hiện tượng nối vòng, yêu cầu của việc nối vần cao hơn các yêu cầu khác.
+ Cùng với nhận xét vừa nêu và việc trình bày ở tiểu mục § 2.3., đã cho thấy cần có sự nhìn nhận đầy đủ và hợp lẽ hơn về hiện tượng nối vòng. Đó là, có hai hình thức nối vòng, cùng xuất phát từ hiện tượng nối vần trong đồng dao: 1/ Lối nối vòng từ bốn dòng lục bát, chia hai cặp đối xứng, như đã nêu ở bài viết “Tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao”; 2/ Lối nối vòng từ các thể thơ khác (mà bài viết này bổ sung). Với mỗi lối nối vòng ấy đều có thể chia làm hai nhóm nhỏ: nhóm có kết hợp với việc điệp tiếng ở dòng cuối và dòng đầu của văn bản, và nhóm không có sự kết hợp này.
Không khó nhận ra: tính chất của nối vòng theo lối 1 mạnh hơn lối 2; ở mỗi lối, nhóm đầu mạnh hơn nhóm sau (càng điệp nhiều tiếng, khả năng nối vòng càng vững chắc). Bên cạnh đó, hiện tượng nối vòng cũng chỉ thừa nhận ở thể loại đồng dao.
Theo hai lối nối vòng đã nêu, có thể xếp số bài đồng dao vừa trình bày vào hệ thống ấy, như bảng sau:
Qua bảng, có thể thấy, lối nối vòng từ bốn dòng lục bát, kèm các yêu cầu đã nêu, thường không kết hợp với việc điệp tiếng(14); trong lúc lối nối vòng từ các thể thơ khác, thì có kết hợp với việc điệp tiếng. Có lẽ lí do của việc làm này là để lối nối vòng được vững chắc, mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cũng có thể nhận xét: lối nối vòng từ bốn dòng lục bát có tính chính thức, lối nối vòng từ các thể thơ khác chỉ là thứ yếu, kết hợp(15).
+ Tóm lại:
- Về nội dung bài viết, do sự việc được đề cập phân hướng rồi kết hợp trong một phép hiệp vần (và điệp tiếng) tạo liên thông giữa dòng đầu với dòng cuối, nên kiểu văn bản đồng dao đang bàn có thể đọc nối vòng bất tận. Chúng nhằm tạo ý quanh quẩn, cuốn hút người nghe vào cái vòng tưởng chừng đơn giản mà thật ra là rất khó thoát này, để giải trí. Đây là một trong số những lối nói phổ biến ở độ tuổi thiếu niên ngày trước. Trẻ sáng tạo, diễn xướng (đọc, hát,... ) các bài hát thuộc lối nói này nhằm tạo ấn tượng với người nghe, và để thể hiện mình. Ở phía người lớn, nó cho thấy cái tinh nhanh, sắc sảo, dấu hiệu về sự phát triển trí tuệ mạnh mẽ cần được quan tâm của lứa tuổi thiếu niên (khoảng 9 đến 15 tuổi).
- Về công việc của người nghiên cứu, cần hết sức thận trọng khi đưa ra một kết luận, sự đánh giá hay nhìn nhận về vấn đề đang quan tâm. Ngay cả trường hợp một kết luận không sai nhưng luận cứ, luận chứng chưa đầy đủ, cũng cần đính chính, bổ sung. Đành rằng, trong việc tìm hiểu về khoa học xã hội và nhân văn, chân lí thường không cố định, và tầm với của con người bao giờ cũng có hạn, nhưng không vì thế mà nảy sinh sự tùy tiện, cảm tính.
T.N
(TCSH357/11-2018)
----------------
(1) AA’B-BB’A: vị trí các vần, tiếng mang vần (chúng đều vần bằng, ở vị trí gieo vần của hai cặp lục bát, mỗi cặp ba vần) từ hai bài đồng dao (I) và (II) đã dẫn (và các bài khác); theo bảng Cách hiệp vần của hiện tượng nối vòng ở thể lục bát của đồng dao, như sau:
Ghi chú: (1): Các tiếng trong dòng; (2): Các dòng của bài.
Chẳng hạn, với bài (I), cặp lục bát đầu (trong ngoặc kép là vần, trong ngoặc vuông là tiếng mang vần): A = “-a” [“đa”]; A’ = “-a” [“ra”]; B = “-ao” [“vào”]; cặp lục bát sau: B = “-ao” [“đào”]; B’ = “-ao” [“vào”]; A = “-a” [“ra”]. Vị trí A (ở tiếng cuối dòng lục đầu và tiếng cuối dòng bát sau cùng của văn bản) cho thấy việc “nối vần”, để đọc “nối vòng” - ở vị trí A (và B), tiếng mang vần có thể khác nhau, nhưng vần là một.
(2) Nguồn (các bài III, IV, V, VI): Khuyết danh và thời điểm viết, “Tuyển tập thơ, vè, ca dao hay cho bé”, https://daytretho.vn, ngày truy cập 17/9/2018.
(3) Sở dĩ nói mục đích của bài (V) là để bé làm quen với các từ trong quan hệ thân thuộc, bởi ngoài điều này ra, các nội dung khác của bài phải bỏ đi (Chẳng hạn, nếu cho «bác», «chú», «cậu», «dì» trong quan hệ với cháu, là cùng hàng, thì các nhân vật «chim ri», «bồ các», «sáo sậu», «sáo đen», đều bậc cháu của họ, cũng vậy; thế nhưng «Bồ các là bác chim ri/ Chim ri là dì sáo sậu/ Sáo sậu là cậu sáo đen», nên suy luận trên bị bác bỏ, kéo theo sự sụp đổ của nội dung lời ca).
(4) Do lối lặp vừa nêu bao hàm việc gieo vần, nên vấn đề đã không tách thành tiểu mục riêng.
(5) Ông Ninh, là tên thường gọi của Ninh Quốc công Trịnh Toàn, con út của Thanh vương Trịnh Tráng (1623 - 1657). Chúa Trịnh Tráng sai Trịnh Toàn vào trấn giữ Nghệ An để chống lại chúa Nguyễn. Trịnh Tráng mất, Tây vương Trịnh Trạc (1657 - 1682) lên thay. Trịnh Trạc đố kị em, đã sai con là Trịnh Căn vào cùng trấn đất Nghệ An, và dụ Ông Ninh về Thăng Long để tước đoạt binh quyền. Dân gian lấy làm tiếc con người tài năng này, nên đã làm truyện thơ Ông Ninh cổ truyện để thể hiện (phổ biến từ Nghệ Tĩnh trở ra). Tuy vậy, ông Ninh trong bài đồng dao đang bàn có thể không phải là ông Ninh đã nêu (cho dù xem “ninh nang” là một từ - từ láy). Bài đồng dao được chép lại từ Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, sđd., tr. 242.
(6) Nguồn: Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, sđd., tr. 140.
(7) “Thiệt” và “quýt” vần thông với nhau.
(8) Câu đầu, tài liệu Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Dũ Dung và tgk. (1993), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 317), sau khi chép, đã nêu nghĩa: “Cuộc đời lẩn quẩn, người này ăn chặn của người khác, áp bức lẫn nhau” - dẫn theo: Nguyễn Xuân Kính (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 1163. Câu sau, từ Tục ngữ phong dao, tập 1 (Nguyễn Văn Ngọc (1957), Nxb. Minh Đức, Hà Nội, tr. 70 - sách này được công bố lần đầu ở Hà Nội, năm 1928) - dẫn theo: Kho tàng tục ngữ người Việt, sđd., tr. 855.
(9) Cá liệt xuôi và cá liệt bàu đều chỉ loại cá liệt nước ngọt, ở sông hói cạn, thịt không béo lại có nhiều xương. “Khách trên đầu có đuôi”: chỉ người đàn ông Minh Hương (Trung Quốc), tuy ở Việt Nam nhưng vẫn để tóc tết thành bím dài, theo lối người Thanh.
(10) Lời đầu, từ Ca dao Thừa Thiên Huế (Triều Nguyên (2005), Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, tr. 786); hai lời sau, từ Ca dao Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (1984), Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh xuất bản, Vinh, các tr. 351, 452).
(11) Chú ý các bài hát sử dụng số văn bản đồng dao nối vòng này, đã lặp đi lặp lại lời ca một cách hào hứng, tự nhiên.
(12) Nguồn: bài (1), từ Đồng dao người Việt, tuyển chọn, bình giải (Triều Nguyên (2008), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 11-12); bài (2), từ “Tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao”, bđd., tr. 33; bài (3), từ Ca dao Nghệ Tĩnh, sđd., tr. 363 (“chim tù quých tù quy” của dân gian gần với chim tử quy (đỗ quyên, cuốc,…), gồm một đôi trống mái, hay kêu gọi nhau vào ban đêm; “mi”: mày; “hầu”: hầu hạ, chăm sóc).
(13) Nếu xét thêm các yếu tố khác (thuộc thể lục bát, nêu ở mục 1), như: a) Về đối tượng được đề cập, dù bài chỉ nêu một sự việc “Con cóc là cậu của ai, ông Trời hay thầy Nho?”, nhưng sự việc ấy được giải quyết riêng rẽ, theo hướng triệt để (nếu là cậu ông Trời thì Trời thương (giúp đỡ cóc, theo cách đánh lại kẻ đánh nó), nếu là cậu thầy Nho thì Trời ghét (trách phạt cóc, theo cách cho tiền kẻ đánh nó), tức hai chi tiết được nêu tách làm hai nhánh riêng rẽ; b) Về phương thức tạo lời, do hai cặp lục bát đều bị chi phối bởi sự xử phạt của Trời, nên chúng không đối xứng nhau (chú ý về sự có mặt của nhân vật Trời ở cả hai cặp), cũng không xác định việc “nối vòng” của tác phẩm.
(14) Do tỉ số của việc kết hợp điệp tiếng-không điệp tiếng là 1-2, nên có thể chép thêm hai bài đồng dao gồm bốn dòng lục bát còn lại (trong số năm bài đã nêu, hai bài này ở các tr. 88, 145), nhằm vấn đề được rõ ràng và tăng thêm sức thuyết phục: 1/ “Mẹ em đi chợ Đường Ngoài/ Mua em cây mía vừa dài vừa cong/ Mẹ em đi chợ Đường Trong/ Mua em cây mía vừa congvừa dài”; 2/ “Ba bà đi bán lợn con/ Bán đi chẳng được lon ton chạy về/ Ba bà đi bán lợn sề/ Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.
(15) Theo đó, việc quy về thể lục bát để giải thích bài “Ông Nỉnh ông Ninh” (trình bày ở § 2.1.) cũng có cơ sở của nó.