Ca dao - Cổ tích
Đọc xuôi một bài ca dao nói ngược
09:56 | 21/02/2020

ĐỖ LAI THÚY

Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi 

Đọc xuôi một bài ca dao nói ngược
Ảnh: internet

Bài ca dao mở đầu bằng sự nói ngược về thời tiết: mùa hè thì lạnh, mùa đông thì nóng. Sự không thuận ở thiên nhiên này dường như là điềm báo trước những sự không thuận lợi ở con người và xã hội con người theo cái quan niệm thiên nhân tương cảm tưởng như ngây thơ nhưng lại rất sâu sắc nào đó. Bàn chân buốt giá và cái lưng trần bức đổ mồ hôi là những ngôn từ duy nhất nói về con người, sự giao tiếp trần trụi của nó với thiên nhiên, trong một bài thơ nói về những con vật. Nó thổi một hơi thở nhân hóa làm sống động thế giới không có ý thức, và là một tín hiệu chỉ ra tính chất ngụ ngôn của bài ca dao đồng thời chuẩn bị cho người đọc một tâm lý tiếp nhận.

Kế đó bài ca dao tiến ngay đến đỉnh điểm. Trên bình diện thứ nhất của bức tranh là hình ảnh con chuột, một con vật nhỏ bé, còm nhom phải làm một công việc không thể làm nổi là kéo cày trong khi con trâu sức vóc to lớn ngồi trong cong bốc gạo ăn:

Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong


Hòn đá trong truyện cổ tích nhìn thấy một con chó kéo cày đã bật cười, nhưng nếu thay vào đó là con chuột thì đá phải bật khóc. Con chó kéo cày chỉ sự đi chệch khỏi trật tự thông thường của sự vật ít nhiều đủ để tạo ra sự hài hước, còn con chuột mà làm việc ấy thì đã là sự đảo ngược trật tự của sự vật, nhất là trong sự qui chiếu với hình ảnh con trâu ở câu dưới, thì không thể không gây ra cảm giác thương tâm.

Đó là hoạt động sản xuất, còn đây là hoạt động chiến đấu:

Voi kia nằm ở gậm giường
Cóc kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn.


Cái cặp chuột-trâu, voi-cóc là những nốt bi-hài vừa đối lập nhau, vừa quyện chặt lấy nhau trong một câu sáu tám, tạo ra cảnh "cười ra nước mắt". "Trào phúng và bi kịch là hai chị em sinh đôi có cùng một cái tên là sự thật" (Đốtxtôiépxki), sự thật trong hiện thực đời sống và sự thật trong sự tự nhận thức của người đọc.

Chuột, cóc là thân phận của người nông dân Việt trong làng xã cổ truyền của họ - một xã hội tiểu nông nửa công xã, nửa phong kiến với nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp, tù đọng, bế tắc. Ở đây mọi thang bậc giá trị bị đảo lộn:

Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc
Gan lợn thì đắng, bồ hòn thì bùi
Hương hoa thì hôi, nhất thơm thì cú...


Mọi vật cũng dường như không ở đúng chỗ của chúng, không được sử dụng đúng chức năng của chúng:

Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu giữa đồng vãi cải lấy ngồng làm dưa
Một đàn con bò đi tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương


Những cảnh tượng ngược đời còn lại của bài ca dao được vẽ lại bằng gam màu sẫm hơn, âm thanh trầm hơn, độ lùi xa hơn vừa làm nền, vừa là sự giải thích, lời ghi chú bên góc bức tranh.

Trung thành với quan niệm thẩm mỹ dân gian, bài ca dao cũng muốn hướng tới một kết thúc có hậu, tác giả dường như đưa ta đi ngược dòng thời gian trở về một thời đại cổ tích nào đó, "thuở ấy con người làm ăn dễ dàng, đến vụ lúa má ngoài đồng cứ tự nhiên kéo nhau về nhà...", thậm chí:

Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu...


Nhưng tha thiết hơn cả vẫn là ước muốn có một sự thay đổi lớn - trời mưa - để những con vật nhỏ yếu có thể xoay đảo số phận:

Trời mưa cho mối bắt gà
Thòng đong cân cấn đuổi cò lao xao
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm


Trong không khí nặng nề u uẩn của bài ca dao, những câu thơ ước kia như một hơi thở phào nhẹ nhõm, một đốm sáng lung linh trên nền đen kịt. Nhưng rồi bài ca dao được chốt lại cân bằng những câu khẳng định sự ngược đời còn đang tiếp tục tồn tại, như muốn nhấn mạnh rằng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, rằng cái đốm sáng lung linh kia không xua tan được bóng tối mà chỉ làm cho người ta cảm thấy sâu sắc sự dày đặc của bóng tối.

Cơ chế nói ngược của bài ca dao, thực ra, rất đơn giản. Từng cặp những con vật, sự vật đối lập nhau về đặc tính, lối sống, sự hoạt động "hoán vị" nhau tạo nên những nghịch cảnh phi lôgic. Đó là điều ấn tượng mạnh vào đầu óc chúng ta vốn dễ mòn nhẵn, trơ lỳ vì nhu cầu tự động hóa của nhận thức. Nói bằng lý luận hiện đại đó chính là sự lạ hóa, sự phá vỡ trật tự thông thường, quen thuộc của sự vật rồi cấu trúc lại theo một ý đồ tư tưởng và nghệ thuật nhất định. Sự nói ngược của bài ca dao không chỉ là một yếu tố hình thức mà còn là một yếu tố nội dung, bởi thế hiệu quả thẩm mỹ do nó mang lại thật to lớn, thức tỉnh sự tự ý thức trong tâm hồn bạn đọc.

12.1986
Đ.L.T
(TCSH47/01&2-1992)

--------------------
(1) Nguyên văn:

Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi.
Con chuột kéo cày lồi lồi,
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong.
Vườn rộng thì thả rau rong,
Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa.
Đàn bò đi tắm đến trưa,
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương.
Voi kia nằm ở gậm giường,
Cóc kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn.
Chuồn kia thấy cám liền ăn,
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua.
Trời mưa cho mối bắt gà,
Thòng đong, cân cấn đuổi cò lao xao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Thóc giống cắn chuột trong bồ,
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu.
Chim chích cắn cổ diều hâu,
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm.
Bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi.
Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai.
Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc.
Gan lợn thì đắng, Bồ hòn thì bùi.
Hương hoa thì hôi, nhất thơm thì cú.


(theo Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng