LÊ VĂN HÀ - TRẦN THỊ HỢI
Thừa Thiên Huế là mảnh đất đã gắn liền với cuộc sống của Bác Hồ và gia đình trong gần mười năm thời niên thiếu. Khoảng thời gian đó và hình ảnh thân thương của Người vẫn luôn in đậm trong tâm thức người dân xứ Huế.
Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu trong văn học dân gian của người dân sông Hương, núi Ngự. Những câu ca, điệu hò tuy mộc mạc đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm, là ân tình sâu nặng, là tình cảm thiêng liêng của người dân xứ Huế dành cho Người. Tất cả đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo làm đa dạng thêm bản sắc văn hóa Huế.
Điệu hò, ca dao, câu vè là một thể loại văn học dân gian, nói lên tình cảm, nguyện vọng tha thiết của người dân lao động, câu từ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng cũng rất sâu lắng và dễ đi vào lòng người. Đối với người Huế, từ những câu ca dao có thể chuyển thành những điệu hò, khi sâu lắng, khi tha thiết mênh mang trên phá Tam Giang hay êm ả theo nhịp chèo sông Hương trìu mến.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong những đêm trăng ở làng Vỹ Dạ người ta thường nghe thậm thịch vang lên điệu hò giã gạo với lời ca tha thiết. Trong lời ca ấy, hình ảnh thân thương của Cụ Hồ hiện lên như thúc giục, như động viên, như ngọn đèn soi đường chỉ lối:
“Cụ Hồ Chí Minh mới là người thiệt tình yêu nước
Anh em mình kẻ trước người sau
Đứng lên theo ngọn cờ đào
Đã có người anh minh chỉ lối
Thì cách mạng nào cũng thành công...”.
Hay lắng đọng trên dòng Hương giang trong xanh, một giọng hò mái nhì xao xuyến dưới ánh trăng:
“Bát ngát hương sen tỏa trên thành Huế
Trăng sáng mênh mông gió nhẹ nhẹ lay
Sen từ làng Sen, sen quyện đất này
Con sông Hương nhớ Bác, những hàng cây bồi hồi”.
... “Trường Quốc Học về làng Dương Nỗ
Đường ven sông Hương thuở nhỏ Bác thường qua
Cây đơm hoa chim rộn rã tiếng ca
Từ thành Vinh đến Huế Bác không xa chúng mình”
... “Vầng trăng Ba Đình vẫn tròn tình xứ Huế
Sóng nước sông Hương vẫn nhớ thời còn trẻ Bác đã ở đây
Phượng nở bên sông, rực rỡ cả trời mây
Tháng năm càng nhớ Bác, Bác về đây với chúng mình”.
Có khi những câu hò, câu ca dao thật cảm động về nỗi lòng khát khao, thương nhớ và mong mỏi của người dân xứ Huế được gặp Bác Hồ:
“Á... ạ... A... ơi. Đường đi Việt Bắc bao xa?
Mần răng đi được... mà ra Cụ Hồ
Hầu thăm Cụ ở nơi mô?
Răng chừ... độc lập! để Cụ vô... Huế mình ”.
Để ủng hộ chính sách diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Huế có những câu hò:
“Ai thương dân mình bằng Cụ Hồ Chí Minh vĩ đại...
Diệt dốt, diệt đói rồi lại đánh Tây...
Cho nông dân mình có ruộng cày, để công nhân có nhà máy, dựng xây nước nhà”.
Hay:
“Cụ Hồ gọi thi đua diệt dốt
Bà con mình cùng tới lớp bình dân
Thi đua học tập chuyên cần
Đến ngày bầu cử ghi hai chữ ân nhân là Cụ Hồ
Khi chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên nhằm phá hoại cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhằm phản đối chính quyền họ Ngô và ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở xứ Huế lại vang lên những điệu hò, câu ca thâm thúy:
“Ăn bí Ngô1 nó làm tôi xách quần chạy ra, chạy vô bạc mặt...
Chẳng khác gì bị giặc đuổi sau lưng
Lòng dạ nôn nao rệu rã cả tay chân
May nhờ đọi nước Hồ2 lay tỉnh, không thì cứng lưng trong hòm!
Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ muốn xóa bỏ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cấm nhân dân theo Đảng, theo Bác, nhưng người dân xứ Huế vẫn giữ một lòng thủy chung son sắt và gắn kết keo sơn, thể hiện qua những điệu hò, câu ca hết sức sâu sắc:
“Em có giữ hình chí mô3 mà anh nói hình Cụ Hồ em thu em giấu. Thưa thiệt với anh dù đổ máu, đầu rơi. Trong trái tim em giữ mãi trọn một lời. Dù nhà tan cửa nát em vẫn đời đời thủy chung
Hay: “Em lên rừng lấy miếng gỗ trắc. Đem về em khắc bốn câu thơ. Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ. Dẫu non mòn, biển cạn ơn nghĩa Cụ Hồ không quên”.
Ở mỗi vùng miền đều có những câu ca quen thuộc về Bác Hồ, những câu ca ấy thường gắn liền với cảnh vật, cỏ cây, sông núi hay những sản vật đặc trưng của mỗi vùng miền. Đồng bào Nam Bộ có câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ ”.
Còn ở xứ Huế nhân dân lấy sông An Cựu, chùa Bồng Lai, biển Cảnh Dương, nón bài thơ... để làm biểu tượng thể hiện tình cảm, lòng thành kính biết ơn sâu sắc đến Người:
“Trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết
Nước sông An Cựu4 nắng đục, mưa trong
Miền Nam muôn thuở một lòng
Nhớ ơn cách mạng, nhớ công Bác Hồ ”.
Hay:
“Trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết
Nước dưới sông có khúc cạn, khúc sâu
Ai ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ
Lòng miền Nam vẫn tròn vành vạnh như nón bài thơ5 đội đầu”
Hoặc:
“Ngó lên chùa Bồng Lai cây cao bóng mát
Ngó xuống bãi biển Cảnh Dương6 dào dạt sóng xao
Nhờ ai đường rộng nhà cao
Nhờ Cụ Hồ lãnh đạo đồng bào mình được ấm no...”
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những câu ca, điệu hò được truyền tụng trong dân gian xứ Huế hiện lên thật gần gũi, thân thương. Những tác phẩm đó đã góp phần giúp chúng ta thấy rõ hơn tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc của người dân xứ Huế dành cho Người. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung là một việc làm quan trọng, bởi nó mang tính giáo dục, tính nhân văn, dễ đi sâu vào lòng người và được rộng rãi quần chúng nhân dân đón nhận.
L.V.H - T.T.H
(SHSDB42/09-2021)
------------------------
1. Ngô: Ngô Đình Diệm.
2. Hồ: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. “Hình chí mô” tức là “Hồ Chí Minh”, một cách nói lái của nhân dân miền Trung.
4. An Cựu là một con sông đào ở phía Nam thành phố Huế, trong ca dao Huế có câu: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong...”.
5. Nón bài thơ là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, khi soi lên ánh sáng sẽ hiện lên bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, cân đối giữa hai lớp lá nón.
6. Đây là hai địa danh nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.