Thông báo của Ban tổ chức, Festival Huế 2014 sẽ diễn ra từ 12 đến 20/4, đáng chú ý sẽ trùng với Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2558, một quãng thời gian thiêng liêng có sức cộng hưởng mạnh mẽ trong đời sống của người dân Huế.
Tiến sĩ Thái Kim Lan, một trí thức Huế sống và dạy triết học tại Đức, nhận định: "Ở Việt Nam, lễ hội Phật đản đã đi vào lòng người. Nếu ai ở Huế vào dịp đó chứng kiến nơi nơi, từ miền quê xa xôi cho đến phố xá, người dân Thừa Thiên - Huế treo đèn kết hoa, dòng người đến chùa lũ lượt, các gia đình Phật tử trang hoàng nhà cửa và xe hoa rước Phật, làm bánh trái đem tặng cho người nghèo. Nhìn cảnh ấy ắt biết sức sống mãnh liệt của ngày Phật đản vì mang đúng ý nghĩa, đậm chất lễ hội dân gian, ai ai cũng nức lòng tự nguyện, không bị ép buộc. Đây là ngày rất đẹp trong năm, ngày mang niềm tin và hy vọng, mang an lạc nội tâm, được cùng chia sẻ trong đồng đẳng Phật tính và lạc quan giải thoát dưới ánh sáng từ bi của đức Phật".
Tuy nhiên, theo các chương trình chính thức tại Festival Huế 2014 mới đây đã công bố mang chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", một lần nữa, văn hóa Phật giáo dưới hình thức các lễ hội dân gian chưa được khai thác đưa vào giới thiệu tại lễ hội văn hóa lớn nhất Việt Nam. Sự lỗi hẹn vô cùng đáng tiếc.
Văn hóa Phật giáo từng được giới thiệu mang tính chất hưởng ứng và thăm dò tại Festival Huế 2010, với vài hoạt động như biểu diễn lễ nhạc, phục dựng điệu múa giải thoát cho người oan khiên, ẩm thực chay, triển lãm đồ cổ của các chùa. Những hoạt động này không nhận kinh phí tổ chức, được Tỉnh Hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế và bà con Phật tử góp sức, góp công, tạo nhiều sân chơi cho du khách.
Tuy vậy, với quy mô đó, chỉ là khai thác một phần rất nhỏ chiều sâu văn hóa của kinh đô Phật giáo lớn đã được các vua chúa nhà Nguyễn dày công xây dựng và phát triển trong hơn 200 năm. Một trong các tour văn hóa tâm linh du khách chú trọng là tham quan chùa chiền, thưởng thức vẻ đẹp của di sản kiến trúc Phật giáo qua gần 100 ngôi chùa lớn nhỏ tại Huế.
Di sản kiến trúc chùa chiền được bảo tồn tốt, hoạt động nghi lễ và Phật sự được thực hiện tôn nghiêm, có ảnh hưởng rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa và tôn giáo.
Huế còn nơi giao lưu thường xuyên các nhà sưu tập cổ vật Phật giáo nổi tiếng, có một nền văn thơ, mỹ thuật từ cung đình đến thứ dân phục vụ tôn giáo, những tập quán sinh hoạt tâm linh phong phú.
Nhưng dòng văn hóa Phật giáo đậm đặc chảy trong đời sống Huế đó chưa được nhận diện đầy đủ, chưa từng được giao lưu với văn hóa Phật giáo Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc như một sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của Festival Văn hóa Huế.
Sự e dè trong nghiên cứu và khai thác đó đã quá vô tình trước nhu cầu đòi hỏi của đời sống một bộ phận rất lớn người dân Huế và khách tham dự Festival muốn thưởng thức những đặc sản tinh thần đậm đặc nhất của Huế.
Huế còn nhiều đặc sản khác. Chỉ tính riêng về văn học, nơi này chắc chắn chứa đựng một kho tàng văn thơ cung đình nay còn lưu lạc trong các phủ đệ, trong các bản gia phả các dòng tộc lâu đời.
Huế còn lưu giữa một nền văn học, mỹ thuật, âm nhạc 1945 - 1975 rất phong phú bởi nơi đây tập trung nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ miền Nam nổi tiếng và tiến bộ. Những giá trị ấy chưa được đánh giá đúng vị trí, chưa có những hội thảo, triển lãm thu hút du khách và trí thức trong dịp Festival 2014 lần này là một sự thiếu hụt cho diện mạo văn hóa Huế.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn