Festival Huế 2006
Vũ điệu của huyền thoại
09:08 | 17/04/2008
Đẳng cấp Festival Huế bây giờ đã khác trước. Nhiều chuyên gia Festival nước ngoài cũng bắt đầu công nhận Festival Huế đã mang tầm quốc tế. Đó là bởi chất nhân văn của lễ hội này đang ngày một có hàm lượng cao hơn
Vũ điệu của huyền thoại
Khai mạc Festival Huế 2006 (ảnh TL)

Nắng! Nắng tràn lên khắp mọi nẻo đường Huế! Nắng treo mình trên các nhánh thông núi Ngự Bình rồi tràn xuống sông Hương. Nắng từ đỉnh núi Kim Phụng rồi tỏa ra khắp mênh mông đầm phá Tam Giang...Chưa bao giờ thời tiết Huế lại lạ lùng như năm nay, giữa tháng tư trời hành cái lụt xiêu viêu đầu hè, rồi nắng riết róng từ đó sang tháng sáu-tháng của lễ hội Festival Huế 2006. Có người đùa: lâu nay Huế được mùa mưa, khiến mưa cũng là đặc sản Huế. Bây giờ Huế làm Festival nên trời cũng cho Huế được mùa nắng, khiến nắng Huế cũng là đặc sản. Đùa đấy nhưng mà cũng rất thật. Năm 2004, Huế có một mùa lễ hội trong mưa. Huế làm lễ hội mà mỗi ngày cứ mỗi âu lo, gan ruột rối bời. Năm nay Huế nắng tươi mơn, các lễ hội có quy mô lớn hơn rất nhiều so với trước, vậy mà mọi người vẫn cứ như không, mắt người về dự hội cứ ngời lên trong nắng. Ấy là nhờ nắng đấy! Bình thường thì nắng làm cho sông Hương chuyển màu sáng xanh, trưa tím, chiều vàng; còn trong những ngày lễ hội, những sắc màu lễ hội cứ rực rỡ lên, lộng lẫy bay lên trong gió; như là những sắc màu tung tẩy cùng những vũ điệu huyền thoại.
***
Đẳng cấp Festival Huế bây giờ đã khác trước. Nhiều chuyên gia Festival nước ngoài cũng bắt đầu công nhận Festival Huế đã mang tầm quốc tế. Đó là bởi chất nhân văn của lễ hội này đang ngày một có hàm lượng cao hơn: có bản sắc văn hóa riêng biệt, không trộn lẫn; tạo được sự giao thoa giữa các nền văn hóa; gìn giữ và phát huy ngày càng tốt hơn di sản văn hóa nhân loại; tính cộng đồng hun đúc ngày mỗi cao hơn...Festival Huế năm nay có hàng chục chương trình lễ hội, trong đó có ba lễ hội lớn làm điểm nhấn là Lễ hội Đêm Hòang Cung, Lễ hội Truyền lô-Vinh quy bái tổ, Lễ hội Nam Giao.
Đạo diễn Lê Quý Dương vừa mới từ Úc về định cư ở Việt đã được mời làm Tổng đạo diễn cho Đêm Hòang Cung. Anh đi lui đi tới hùng hục, in cái bóng to lớn trên nền phế tích trong Tử Cấm Thành. Hôm gặp anh đi giữa phế tích hòang cung, hoa tranh trắng bay đầy trong gió, tôi cứ sợ anh cô đơn. Thế rồi cái nụ cười của anh khiến tôi bất giác an lòng.
-Tôi đang rất hào hứng-đạo diễn Lê Quý Dương nói với tôi sau cái bắt tay làm quen- Công việc đang trôi chảy, mọi người đang rất gấp rút cho Lễ hội Đêm Hòang Cung mà tôi được mời làm đạo diễn.
            - Đêm Hòang Cung sẽ là gì ?
            - Ý tưởng về lễ hội Đêm Hòang Cung ban đầu là từ chỗ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Họ đã xây dựng kịch bản bao gồm các trò chơi cung đình như đầu hồ, bài vụ, thả thơ...Sau đó, Ban tổ chức Festival Huế muốn có một Đêm Hòang Cung với quy mô lớn. Đáp ứng yêu cầu của Ban tổ chức, tôi đã xây dựng kịch bản tổng thể quy mô với các hoạt động phủ kín ba mươi sáu ngàn mét vuông trong Kinh thành Huế. Vùng đất này có trữ lượng văn hóa rất lớn, là mảnh đất của cầm-kỳ-thi-họa. Sau khi nghiên cứu, tôi nảy sinh ý tưởng về mặt nội dung của Đêm Hòang Cung sẽ là “Khám phá Huyền thoại Huế”. Tại sao lại là Huyền thoại? Tôi cho rằng tất cả những gì đã diễn ra của 700 năm lịch sử Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, trong đó có 130 năm tồn tại triều Nguyễn đó là huyền thoại. Huyền thoại xưa vẫn đang còn sống, và muốn mọi người cùng đến với Festival Huế, chúng ta hãy tạo điều kiện cho họ “Khám phá Huyền thoại Huế”.
            - Tôi có nghe nhiều người nhắc đến cụm từ “phát sáng”...
            - Vâng. Để cho mọi người "Khám phá Huyền thoại Huế", chúng tôi sẽ cho “Phát sáng Huyền thoại Huế”. Nói cách khác, đó chính là hình thức, là cách thức để người dân Huế và du khách cùng khám phá Huế xưa. Tôi quan niệm huyền thoại vẫn diễn ra hằng đêm mà chúng ta không nhìn thấy, vậy nên phải “phát sáng” để nhìn thấy. “Phát sáng” là làm cho ánh sáng phát ra từ tất cả những gì có ở trong Kinh thành. Từ bụi cây, hốc đất, góc nhà, mái ngói...; từ con ngựa, con voi, con lân...cho đến cả con người. Ví dụ sẽ có ba mươi con lân và đặt đèn vào trong. Cửu đỉnh cũng sẽ phát sáng với chín ngọn đèn cực lớn, đặc biệt là sẽ có bảy trăm đèn lồng bừng sáng ngay trước tường thành Ngọ Môn...
Nhưng “phát sáng” không chỉ là ánh sáng, nó còn làm cho những người đến dự Đêm Hòang Cung thông qua sáu giác quan của họ sẽ có một cơ hội khám phá huyền thoại Huế bấy lâu họ chỉ biết tới mà chưa được tực tiếp cảm nhận bằng giác quan của mình. Thị giác sẽ giúp du khách nhìn thấy và xem không gian huyền ảo đang hiện ra. Thính giác sẽ giúp du khách nghe tiếng nhạc, tiếng chuông khánh, tiếng cười nói của cung tần mỹ nữ và cả tiếng vó ngựa của đoàn cấm vệ quân đi tuần. Vị giác sẽ giúp du khách nếm các loại trà Huế, ăn các thứ bánh mức Huế...Khứu giác sẽ giúp du khách ngửi được mùi trầm hương, mùi hoa sen thoang thoảng. Xúc giác sẽ tác động đến du khách thông qua việc tay cầm chiếc đèn lồng để nhìn thấy đường đi, xiêm y của các nhân vật...Cảm giác chính là những ấn tượng mạnh và bất ngờ của những gì mà du khách vừa khám phá...
            - Có cái gì là ấn tượng nhất không?
            - Không. Không có cái gì ấn tượng nhất hết-Dương cười-Tất cả mọi cái sẽ mang lại ấn tượng. Tất cả sẽ dẫn dắt du khách đi từ khám phá này đến khám phá khác. Đêm Hoàng Cung sẽ là chuỗi khám phá liên tiếp. Nhà thơ sẽ ấn tượng với những câu thơ trên ngọn đèn lồng, em bé sẽ ấn tượng với những cánh diều đêm...Như vậy, Đêm Hoàng Cung sẽ là của tất cả mọi người.
            - Có vẻ như ai cũng sẽ là Từ Thức nhỉ?
            - Thì đấy, du khách sẽ đến với Đêm Hoàng Cung như là du khách lạc vào động tiên. Đêm Hoàng Cung diễn ra đồng hành hai hiện thực. Một là của du khách đang đi tham quan. Hai là hiện thực huyền ảo đang được tái tạo lại. Du khách với cây đèn lồng vào thăm Đêm Hoàng Cung là một thế giới. Còn xe ngựa và cung tần mỹ nữ được tái hiện lại thuộc về một thế giới khác.
            - Đêm Hoàng Cung sẽ vừa sang trọng song lại vừa gần gũi?
            - Đúng vậy. Tòan bộ kết cấu dàn dựng trên nguyên tắc: tôn trọng một cách tuyệt đối đặc thù văn hóa Huế. Festival này là của Huế, là niềm tự hào của Huế. Nó phải khác hàng nghìn festival khác trên thế giới. Tôi đang khắt khe và khó tính để có Đêm Hoàng Cung sang trọng song lại rất gần gũi với tất cả mọi người. Tôi muốn làm một Đêm Hoàng Cung cho những người dân Huế, cho đất nước Việt và cho du khách. Phải dành cho những người dân Huế trước bởi vì họ chính là chủ nhân của lễ hội. Tôi muốn mỗi người dân Huế sẽ tự làm cho mình một cây đèn lồng để thắp sáng khi đi vào Đại Nội. Ánh đèn đó sẽ không chỉ phát sáng thông thường mà còn phát sáng trong mắt du khách và thắp sáng niềm tự hào của người dân Huế…
Và Lê Quý Dương thật sự đã cho Kinh thành Huế sáng rực huyền ảo trong đêm. Ngay sau Lễ khai mạc Festival Huế 2006, những suối màu rực rỡ bất ngờ chảy xuống từ lầu Ngũ Phụng, dọn đường cho Kinh thành Huế mở cánh cửa lùi về thời quá vãng của hàng trăm năm trước bởi một Đêm Hòang Cung huyền ảo và lịch lãm vừa bao trùm. Vừa đặt chân vào bên trong Đại Nội, tất cả đều quá đỗi bất ngờ vì không gian huyền ảo đang hiện ra trước mắt. Cũng là khuôn viên Đại Nội quen thuộc, thế nhưng hôm nay tất cả đang được đánh thức bởi ánh sáng và một thế giới khác đang được dựng lên. Từ trên lầu Ngũ Phụng nhìn về phía bên trong Đại Nội, cảm nhận rất rõ hiệu ứng ánh sáng đang diễn ra. Những ngọn đèn skylight chiếu theo phương thẳng đứng soi rõ không gian bên dưới, soi rõ cả những cánh diều đang chao lượn trong gió trên cao. Các hồ sen hai bên cầu Trung đạo phủ một màu đỏ hồng huyền diệu. Và ngay phía trên mái ngói lưu ly của Điện Thái Hòa, màu tím, màu xanh nhạt phảng phất làm tăng thêm vẻ huyền ảo lộng lẫy của không gian đêm. Bỗng từ trong không gian huyền ảo ấy, một giọng ca Huế vút lên trên tầng không, thu hút du khách đi về phía ấy-sân Đại triều. Trên đường qua cầu Trung đạo với không gian huyền ảo ấy, bắt gặp thế giới xưa bởi các thái giám đứng chầu và những cung tần mỹ nữ đứng hai bên soi đèn cho du khách. Một chiếc xe ngựa với viên coi ngựa mặc triều phục chạy qua lắc cắc tiếng lục lạc đã bắt đầu gợi cho du khách cảm giác khác lạ về Đêm Hoàng Cung...
-“Tôi như đang lạc vào một thế giới khác rất cổ xưa. Hình như có hai thế giới đang song song tồn tại. Một thế giới tôi đang sống và một thế giới của cung đình ngày xưa đang sống cạnh tôi, ngay trong Đêm Hoàng Cung”-Quang, một đạo diễn trẻ đến từ TP HCM thốt lên.
***
Không gian Kinh thành Huế tiếp tục được “phát sáng” trong buổi sớm mai với Lễ hội Truyền lô-Vinh quy bái tổ. Đó là một buổi sáng mà màu vàng kiêu sa của chốn cung đình rực lên trong nắng sớm trên lầu Ngũ Phụng, trên Quảng trường Ngọ Môn, trên Phu Văn Lâu. Tất cả những rực rỡ, lộng lẫy ấy và uy nghi ấy lại nhằm để tôn vinh đạo học. Hay vào buổi chiều trước ngày bế mạc Festival, Lễ hội Nam Giao với quy mô lớn hơn trước với đủ lộ trình: đoàn ngự đạo xuất cung, tế Nam Giao, đòan ngự đạo hồi cung. Cái đặc biệt của lễ hội lần này là phục hiện một buổi tế Nam Giao với đầy đủ các tấu chương nhã nhạc. Một trong những yếu tố không thể thiếu trong nhã nhạc tế Nam Giao là Thài đã được sưu tầm khá đầy đủ và tập gấp rút trong vòng ba tháng, có sự hướng dẫn kỹ lưỡng của cụ Lữ Hữu Thi-một trong số rất ít những nghệ nhân trong đội nhã nhạc phục vụ cung đình xưa còn sống. Những câu xướng Thài trong nhã nhạc tế Nam Giao cũng như đánh thức không gian tâm linh của cung đình Huế xưa, khiến cho nắng chiều cũng mang một màu sắc tâm linh huyền ảo...
Bên cạnh những lễ hội cung đình, hàng chục lễ hội dân gian đã diễn ra sôi động: Hương xưa-Làng cổ, Chợ quê ngày hội, trình diễn hoa giấy Thanh Tiên...Lễ hội Hương xưa-Làng cổ diễn ra tại làng Phước Tích, ngôi làng có cây thị ngàn năm và hàng chục ngôi nhà rường cổ kính trên hai trăm năm tuổi. Vang lừng trong nắng, tiếng tu húyt được làm từ những bàn tay nghệ nhân lại được cất lên sau hai mươi năm trời lò gốm vang bóng một thời tắt lửa bởi cơn gió mạnh của thị trường đầy những đồ dùng công nghiệp hóa. Những bàn xoay lại được quay vòng xên chuốt, những lò nung lại đỏ lửa quảng diễn cho du khách xem, thắp lại niềm vui như nắng mai trong mắt những nghệ nhân đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Lớp trẻ Phước Tích có duy trì được làng nghề có truyền thống trên sáu trăm năm này không vẫn là câu hỏi cháy riết róng như lửa nung lò gốm. Tuy nhiên, người già vẫn giữ làng, giữ những mảnh vườn sum xuê cây trái, tất cả để hy vọng cho một tương lai khi lớp trẻ đi làm ăn xa trở lại quê nhà...Chưa bao giờ hoa giấy làng Thanh Tiên lại được lên ngôi như Festival Huế lần này. Hoa giấy dân gian có mặt ở chương trình khai mạc, nằm trên tay các người đẹp trong Lễ hội Aó dài, nằm trên tay các em nhỏ trong chương trình bế mạc...Cứ thế, lễ hội cung đình và lễ hội dân gian giao hòa với nhau, tạo nên bản sắc Huế rất riêng biệt …
***
-“Đây là một cơ hội rất lớn để chúng ta hiểu thêm về Nhã nhạc và học hỏi cách thức giữ gìn di sản này ở Việt ”-Giáo sư -nhạc sỹ Trần Văn Khê nói trong đêm khuya nơi hoàng cung sau khi xem chương trình giao lưu nhã nhạc Việt-Nhật-Hàn. Lần đầu tiên tại Huế, ba nền nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã cùng hội tụ để trình diễn cho công chúng xem. Người ta nhận ra điểm chung của ba nền nhã nhạc là cùng sử dụng các nhạc cụ tiêu, sáo, trống, đàn...; nhưng sự khác biệt về phong thái trình diễn đã đem lại những giá trị riêng của mỗi dân tộc.
Nhã nhạc cung đình Việt Nam trong đêm giao lưu đem đến cho khán giả và đồng nghiệp những tiết mục quen thuộc do Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế trình diễn với năm tiết mục đặc sắc: song tấu kèn trống Đại nhạc với các khúc “Mã Vũ”, “Du Xuân” và “Tẩu mã”; Tiểu nhạc trình tấu các khúc “Ngũ đối thượng”, “Long ngâm” và “Tiểu khúc”; múa “Lân mẫu xuất lân nhi”; múa “Vũ Phiến” và múa “Lục Cúng hoa đăng”. Các tiết mục ấy đã nhận được nhiều sự trân trọng tán thưởng như thường lệ.
Tiếp đó, Đoàn Nhã nhạc Ryukyu của thành phố Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản đã đem đến buổi giao lưu một chương trình Nghệ thuật nhạc Cung đình truyền thống Nhật Bản đặc sắc. Nghệ thuật cung đình Nhật Bản được truyền đến ngày nay của vùng Ryukyu ra đời vào Thế kỷ mười tám và được hòan thiện trong các đội múa cung đình phục vụ cho nhà vua. Có khoảng vài chục hình thức múa được truyền lại đến ngày nay như Rojinodori, Wakashudori, Onnadori, Utsikumidori, Zoodori.. Trong đó, Zoodori đã được sáng tác vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19, được nhiều người dân rất yêu thích nên đã nhanh chóng trở thành điệu múa tiêu biểu của nhiều địa phương ở Nhật Bản.
Tiết mục thứ nhất trình diễn có tên gọi “Ofu Omono”. Đây là nhạc cổ cung đình của vùng Okinawa được sáng tác vào Thế kỷ mười bảy và thường được trình tấu trong những lễ nghi lớn của cung đình. Loại nhạc này hiện chỉ còn bảy tác phẩm nhưng đã được Nhà Aniya gìn giữ qua nhiều thế hệ, như là bảy viên kim cương huyền thoại. Phần trình diễn của tiết mục là múa “Kagiyadefu” trong “Ofu Omono”, là một điệu múa nghi lễ tiêu biểu để mang lại sự vui vẻ cho nhà vua. Tiếp đó là múa nữ “Kasekake”, mô tả lại cảnh cô gái đang ngồi trước khung cửi để dệt bộ trang phục đẹp nhất cho người mình yêu. Múa “Wakashukuteishi” là điệu múa mà các thiếu niên mang trong mình nguồn sinh lực mạnh mẽ thường cầu nguyện để cầu mong sự trưởng thành mạnh mẽ không ai sánh được như loài trâu đực. Điệu múa Niseodori “Zei” là điệu múa thể hiện uy thế mạnh mẽ để tăng khí trên chiến trường. Điệu múa Uchikumiodori “Shundo” là tiết mục múa cung đình cuối cùng. Đây là điệu múa gây cười của một cô gái đẹp và một cô gái xấu. Cô gái xấu đã đeo mặt nạ. Khán phòng đã sôi động hẳn lên trước “Nuchibana” là điệu múa mô tả cảnh các thiếu nữ trẻ lên núi chơi, hái hoa kết thành vòng đeo cổ để làm cho các chàng trai trẻ ngạc nhiên…
Điều thú vị là tất cả các điệu múa của Đoàn Nhã nhạc Ryukyu đều được múa theo “Địa ca”, gồm các bài hát có đệm đàn ba dây, sáo Fue, sáo Sakuhachi và trống. Những nhịp điệu và vũ điệu lúc trầm tĩnh, lúc tươi vui song đa phần nhẹ nhàng đã tạo nên một phong cách hết sức đặc biệt của Nhã nhạc Nhật Bản.
Trình diễn Nhã nhạc Hàn Quốc là Đoàn nghệ thuật Shilla được thành lập vào năm 1981 nhằm làm sống lại truyền thống một ngàn năm của Gyeonyu ở thiên niên kỷ mới, nhằm nối kết truyền thống xưa và nay của Hàn Quốc cũng như tạo chiếc cầu nối giữa truyền thống và văn hóa phương Đông và phương Tây. Đến với giao lưu Nhã nhạc lần này, Đòan trình diễn năm tiết mục. Khác với phong thái trầm tĩnh của Nhã nhạc đến từ đất nước Mặt trời mọc đầy ắp tinh thần võ sỹ đạo; Đoàn nghệ thuật Shilla đem đến những điệu múa sôi động, tưng bừng và đẹp lộng lẫy từ vóc dáng diễn viên đến trang phục và vũ điệu. “Taepyungmu” là điệu múa truyền thống nhẹ nhàng và uyển chuyển được trình diễn bởi các cô gái. Điệu múa xuất phát từ ước muốn hòa bình, thịnh vượng và múa màng bội thu. Sau tiết mục độc tấu “DeaGeum” sâu lắng, sân khấu lại rộn ràng bởi màn múa hết sức đặc sắc có tên gọi “Seonyeo Chum”. Đây là điệu múa thần tiên được sáng tạo từ truyền thống Shilla, mô tả sự thích thú của các tiên nữ xuống trần gian vui đùa. Nội dung như thế nên vũ điệu và trang phục rất đỗi thướt tha, uyển chuyển, mềm mại mà rất sôi động. Rồi sân khấu lại trữ tình bởi màn múa “Kim-Yoo-sin và Sheon-gwan-nyeo” mô tả mối tình rất đẹp của hai nhân vật nổi tiếng này trên xứ xở Kim chi. Cuối cùng, chương trình khép lại bởi một màn múa ấn tượng khác có tên “Buchac Chum” với những chiếc quạt đẹp lộng lẫy…
Những “Nàng Dea Chang Geum” trong những chiếc váy cổ truyền quá đẹp đã thật sự làm nhiều chàng trai ngây ngất. Tôi ngồi bên cánh gà và thấy mình như lạc vào cõi tiên khi những vũ công bay xuống như đàn thiên nga thấm đẫm mồ hôi sau điệu múa “Seonyeo Chum". Những cánh chim trắng muốt êm đềm đã bay vào trong giấc mơ của tôi rất nhiều ngày sau đó, và tôi biết nhiều người cũng giống như tôi vậy.
***
Có một sự trùng hợp khá lý thú là có khá nhiều tiết mục múa ở An Định Cung trong các chương trình phục vụ Festival. Trong không gian cổ cận đại của biệt cung, những điệu múa Nga như cháy đến tận cùng của vũ điệu di gan. Người Nga múa trên nền nhạc của thiên tài Trai-cốp-xki tự nhiên như gió thổi qua thảo nguyên chiều vàng bất tận, tươi trẻ và thơ ngây. Cũng vậy, những vũ điệu của Champa, những vũ khúc hòanh tráng của Nhà hát Thăng Long, những vũ điệu mượt mà, giàu sức biểu cảm của Nhà hát Bông sen, những điệu múa trữ tình đến từ xứ Thái, những điệu múa sôi động của Geronimo đến từ Indinesia...Tất cả đã làm nên một tiểu Festival múa trong những đêm Huế sâu thẳm. Tất cả như tạo nên trong tôi những lung linh riêng biệt của vũ điệu huyền thoại.
Một sự giao thoa khác của một số chương trình nghệ thuật rất đáng kể là sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc hiện đại. Nhóm Viet Vo Da House đem đến những tác phẩm dân ca được phối khí trên nền nhạc điện tử. Công chúng đã thật sự bị các chàng trai Pháp chinh phục khi chứng kiến Christiant Bouaziz đàn kìm cũng điêu luyện như chơi ghi ta. Cũng vậy, tiếng đàn piano trên Hiển Lâm Các đã có dịp “đối thoại” với các nghệ nhân hò mái nhì hay hát Cọi. Hay “Vòng cát” là sự hóa trang giữa hóa trang tuồng Việt cổ và mặt nạ phương Tây, xóa khoảng cách ngôn ngữ để đem lại cho công chúng thông điệp về lòng bao dung, sự hào phóng, sự hy sinh và lòng chung thủy…
Có một sự giao thoa đầy sôi động mà nếu không có nó, Festival khó thành công, đó là sự giao thoa của cộng đồng. Một buổi sáng mở mắt ra đi ăn tô bún rất ngon của Bà Rơi trong Thành Nội Huế, ăn xong, chủ gánh bún lấy từ trong cái thúng ra một tờ cac-vi-dit có dòng chữ “Bún Bà Rơi xin chào Festival Huế 2006!”. Thế mới biết là người dân xứ Huế đã quan tâm đến sự kiện này như thế nào. Có nhiều người tham gia hết sức độc đáo, như ông Trần Văn Mãng vẽ bức tranh trên vải bố dài nhất Việt Nam; ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ có quyển truyện thơ “Lục Vân Tiên” chữ quốc ngữ và chữ Nôm được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam 2006; tập thơ Nhật ký trong tù được viết thư pháp trên gỗ cũng được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam...Đặc biệt năm nay, họa sỹ Lê Bá Đảng cũng đã chuyển một phần kho tàng di sản của mình từ Pháp về cho Huế để “Tôi đã trao tôi cho các bạn”-nói như cách nói của cố họa sỹ điêu khắc Điềm Phùng Thị trước đây...Tất cả đã làm nên một sự sống động cho Huế. Từng góc phố mỗi chiều, các nghệ sỹ Anh (nhóm nghệ thuật đường phố), Pháp (nhóm sắp đặt Rémi Polack)...chơi với công chúng bên bờ sông Hương và bên Mùa lục lạc (tác phẩm sắp đặt của Đinh Khắc Thịnh)...Nhiều người đã đứng lặng trong bóng chiều bên góc phố Nguyễn Đình Chiểu chỉ để nghe nhóm nhạc “giang hồ” của Đặng Ngọc Phú Hòa chơi nhạc zazz bằng ghi ta hay cả măng-đô-lin...Những nốt nhạc của họ xao xuyến cả đường chiều, làm lay động những giá vẽ chân dung free gần đó, hay những bức tượng đồng của nghệ thuật đường phố xa xa...
***
Truyền thống, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn...đó là những gì người ta nói về Festival Huế 2006. Xây dựng Huế thành thành phố Festival nhằm thúc đẩy Huế phát triển. Đó không chỉ là khát vọng mà là mệnh lệnh, bởi vấn đề phát huy lợi thế của di sản cố đô để tập trung xây dựng Huế thành vùng đất trung tâm văn hóa, du lịch quan trọng của Việt Nam đã được ghi vào các nghị quyết quan trọng. Từ đó, Festival Huế đang ngày càng có quy mô lớn hơn, đầy ắp tính nhân văn hơn
Và trên cái nền nhân văn ấy, sự sáng tạo nghệ thuật đang không ngừng đang tuôn chảy. Cái đọng lại trong lòng người là những dấu ấn của nghệ thuật, của tấm lòng và đặc biệt là cái gì đó nữa thuộc về tâm linh. Như thể cái tâm linh vọng về trên ngọn cây cao hay cao hơn thế nữa ở tầng không nơi sân Duyệt Thị Đường trong chiều nào đó tôi xem các diễn viên tập Thài. Cái tâm linh của những giờ khắc diễn ra Lễ hội Nam Giao cứ âm ba trong mỗi người về dự hội. Và trong sáng nắng ngày trước khi diễn ra Festival Huế 2006, tôi gặp Dương:
- Có vẻ như Huế đang thấm vào đạo diễn Lê Quý Dương?
- Tôi là người Hà Nội, đến với Huế ban đầu cũng chỉ qua những trang thơ, trang văn. Tôi đặc biệt cảm nhận Huế sâu sắc qua bút ký Hòang Phủ Ngọc Tường. Sau này có dịp, tôi tiếp cận văn hóa Huế qua nhiều tài liệu sách vở. Nhưng đã có những lúc đứng quạnh quẽ trong không gian hoang vu ở những nơi phế tích trong Kinh thành Huế, tôi cảm nhận tâm linh văn hóa Huế đang len vào trong tôi. Tâm linh văn hóa Huế đang dẫn dắt tôi đi. Cũng phải có căn cơ nào đó mới có những ý tưởng Khám phá Huyền thoại Huế đến với tôi. Cần chú ý cụm từ của ý tưởng đó có năm chữ. Nếu sắp xếp theo thứ tự sinh-lão-bệnh-tử-sinh, thì từ "Huế" trùng với vị trí của từ “Sinh”, nghĩa là Huế sẽ sống mãi...Bởi thế, có những ý tưởng về Đêm Hòang Cung của tôi, Festival Huế lần này chưa thực hiện được, nhưng tôi tin lần sau, nó sẽ được thực hiện...
Và Dương lại tiếp tục hùng hục bước đi, đưa cái dáng khổng lồ cao một mét tám ra trong nắng tâm linh xứ Huế...

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Các bài mới