Những chùm hoa sưa trên Cồn Dã Viên lần đầu tiên kết nụ đã trinh tiết, khôi nguyên nở trắng màu sữa trong sương sớm chớm tháng tư, nhìn thấy sao mà quen, sao mà lạ, rồi sao mà bồi hồi cho một mùa hè mới bắt đầu của Huế. Trong màn sương trắng đục lúc bình minh, hoa sưa trên cồn sông Hương trắng từng chùm vọng vang âm màu như nhịp đi của cung La thứ, rồi đến khi nắng lên trên những mui đò trên sông và gợn lăn tăn ánh vàng trên sóng nước, đã nghe hoa sưa bắt đầu điệp khúc âm giai Fa trưởng. Ca khúc thanh cao và rộn ràng được trình tấu bởi màu hoa sưa trong nắng sang hè trên sông Hương như mở đầu cho hiện thực lời hứa hai năm trước: Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ đến hẹn lại lên kể từ đầu tháng Sáu lịch dương, với hàm lượng nhân văn lớn hơn, nhiều cái mới lạ hơn trong bối cảnh văn hoá hội nhập toàn cầu mà vẫn giữ nguyên cái bản sắc Huế như ri như rứa...
Lời hẹn của Festival Huế năm nay sẽ có nhiều cái mới, trong đó có chương trình vừa cổ điển vừa lãng mạn: Huyền thoại sông Hương. Khởi thủy của hàng triệu năm trước, sông Hương với nhịp chảy miên man sâu thẳm đầy minh triết dạy cho các quần cư ven bờ lẽ sống hòa mình vào thiên nhiên nên mỗi cư dân ven bờ đều thấy mình là những triết nhân biết lễ độ với thiên nhiên, để trở thành một công dân sông Hương. Câu chuyện dòng sông này bắt đầu từ nhịp đi của dòng chảy điệu slow êm ái đầy trăn trở để có lúc cao trào như một cơn rock hoang dã, dậy sóng và cuồng nhiệt. Lịch sử dòng sông có quá nhiều vỉa tầng văn hóa, vì vậy kể lại những câu chuyện huyền thoại này không phải dễ. Trong khuôn khổ một chương trình của Festival Huế, những câu chuyện đầu tiên mà Huyền thoại sông Hương lần này sẽ kể là truyền thuyết khởi thủy của đất nước mang tên Lạc Long Quân và Âu Cơ “xưa khi xưa mẹ đẻ ra trăm cái trứng, sinh lũ con, trăm đứa con cùng một dòng”. Tiếp đó là truyền thuyết cậu bé Thánh Gióng cỡi ngựa sắt dẹp giặc xong lập tức bay về trời như một cử chỉ nhân văn độc đáo. Về sau, trên nền tảng nhân văn sông Hương, triều Nguyễn xây dựng Kinh đô của một thời mà đến nay, di sản để lại đã ghi tên âm vang trong danh sách di sản nhân loại. Và sau nữa, quanh Kỳ Đài Phu Văn Lâu, lịch sử giữ nước được soi rọi bởi một Xuân 68, 11 cô gái sông Hương... như những điểm nhấn của tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh...Hiểu cho hết một dòng sông, dĩ nhiên không phải Huyền thoại sông Hương sẽ giúp cho du khách tìm về đáp ứng được hết, nhưng theo Ban tổ chức, ít nhiều trong bóng dáng những huyền thoại được phục dựng ấy, sẽ làm cho người ta nhận ra cái đẹp của sông Hương bởi các yếu tố đã góp phần tạo nên vóc dáng một dòng sông. Du khách sẽ được ngồi trên thuyền cung đình mang tên Tế Thông để xem lễ hội này. Hãy tưởng tượng thuyền rồng cung đình xưa giống như một tòa lâu đài trên sông nước và di chuyển bằng cách cho các con thuyền nhỏ (gọi là Lê thuyền) buộc dây vào kéo đi. Thuyền nhỏ nhất cũng phải cần đến 8 lê thuyền. Mỗi đội lê thuyền thường gồm khoảng 40 tay chèo. Đội thuyền của vua có nhiều chiếc với các chức năng khác nhau, Festival Huế lựa chọn loại tiêu biểu nhất là Tế Thông, dùng để tổ chức hội họp và yến tiệc như trong một cung điện thứ hai, trên sông... Ngay bên sông Hương, từ đổ nát của Võ Thánh, Festival Huế 2008 đang cố gắng phục dựng một Lễ thi Tiến sỹ Võ ngày xưa với ước vọng đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Đã bao nhiêu năm rồi Võ Thánh hoang phế trong tiếng kêu gần như tuyệt vọng, bây giờ, với một quyết tâm gìn giữ và phát huy di sản, Huế sẽ cho du khách biết đến một dấu ấn khó phai mờ của một tư duy thuộc về thời đại đầy biến động đã qua. Lùi sâu vào bên trong Thành Nội Huế, Đàn Xã Tắc không xa bờ sông Hương vừa được khai quật để trùng tu theo đứng quy cách “khảo cổ đi trước một bước”, đã giúp Huế hình dung khá rõ ràng về cấu trúc chiếc đàn đắp bằng đất đai của trăm miền đất nước để tiến hành lễ tế đầy chung thủy: tạ ơn đất trời cho con người cái ăn cái mặc, được tồn tại của con người Việt trên thế gian. Ý nguyện của những người phục dựng lễ tế là sẽ tổ chức trưng tập đất đai trăm miền được bồi lắng từ những con sông chảy vào lòng mẹ Đất Việt để phục dựng lại đàn. Ông Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay là Lễ tế Đàn Xã Tắc lần này sẽ khẳng định lại một điều và đặt ra một dấu hỏi là chúng ta sẽ phải làm gì, làm như thế nào đối với những giá trị vật thể và phi vật thể-những giá trị văn hóa tiềm ẩn trong nhận thức của con người về thiên-địa-nhân, đặc biệt là vấn đề mưu cầu sung túc của con người trong sự biết ơn lễ trời, lẽ tình... Một chương trình rất mới khác được phục dựng ngay trên núi Bân huyền thoại, nằm uyên nguyên giữa đất trời hàng trăm năm bên Núi Ngự sau khi hòan tất sứ mệnh lên ngôi của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ: Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng-người từng đạo diễn khá thành công phim “Ngọn nến Hoàng Cung” đã được mời dàn dựng lễ hội này. Sách sử xưa nay chỉ ghi lại một cách vắn tắt về lễ lên ngôi của người anh hùng áo vải rằng nghe tin quân Thanh sang xâm lấn, Bắc Bình Vương cho đắp đàn lên ngôi ở núi Bân và sau đó lập tức xuất quân. Những cứ liệu sơ sài ấy làm đau đầu bao nhà nghiên cứu sử. Về sau, cuốn tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác có một số trường đọan về quân đội Tây Sơn và đòan làm phim của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng đã mua bản quyền tiểu thuyết này để chuyển thể thành phim. Hy vọng với những gì đã làm cho Huế qua “Ngọn nến hoàng cung”, với những gì “Sông Côn mùa lũ” đã gợi nhắc, cùng với kinh nghiệm xây dựng phim trường hoành tráng, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng sẽ dựng được một không gian rộng của lễ xuất quân hừng hực khí thế chiến đấu. Góp phần tạo nên bối cảnh buổi lễ hoành tráng này, là âm thanh được tổ chức bởi nhà sọan nhạc Bảo Chấn rất am hiểu về âm nhạc dân gian Bình Định, là vũ đạo được tổ chức bởi nghệ sỹ nhân dân Đặng Hùng - chuyên gia về vũ khúc Tây Nguyên vốn là cái nôi sản sinh hàng vạn binh lính Tây Sơn từng làm nên những chiến thắng oanh liệt nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Những chương trình hoành tráng thu hút hàng vạn du khách của các kỳ Festival Huế trước đây cũng sẽ được thêm một lần phục dựng lại, với sự tùy biến về quy mô và thời lượng để phù hợp với ước vọng của Ban tổ chức và công chúng. Lễ hội Nam Giao sẽ tiếp tục được tái hiện với không khí uy ngiêm song được rút gọn lại. Không còn có đoàn ngự đạo đi dọc đường Điện Biên Phủ nữa, song thay vào đó, như ông Phùng Phu cho biết, là sẽ xuất cung từ Đại cung môn ra Ngọ Môn, sau đó ra bến thuyền đi thuyền cung đình lên thượng nguồn sông Hương. Cái mà Ban tổ chức chú trọng là chuẩn mực lễ tế. Nguyên xưa kia, khi xây dựng thành Phú Xuân, 8 làng ở Phú Xuân được thu hồi về để xây dựng Kinh thành. Lần này sẽ có đại diện các làng theo địa chí ngày xưa để thiết lập bàn án ở phương đàn. Còn Ban tổ chức sẽ thiết lập bàn án chính ở viên đàn. Điều này cho thấy Lễ tế Nam Giao sẽ mang tính xã hội hóa cao, với sự tham gia của cộng đồng. Ông Nguyễn Duy Hiền - Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, một trong những đích nhắm của Ban tổ chức là thông qua Festival Huế, lần lượt phục dựng lại các nghi lễ cung đình Huế xưa và sau đó, sẽ bàn giao lại cho cộng đồng để phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng và du lịch trong tương lai. Theo đó, các lễ hội như lễ tế Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc... sẽ được chuyển giao như thế, theo cái cách mà Đêm Hòang Cung đã từng làm. Và Đêm Hòang Cung, cùng với Huyền thoại sông Hương là hai lễ hội mang tính văn hóa hội nhập và phát triển, sẽ phong phú hơn trước sau một thời gian dài thử nghiệm dành cho du lịch. Lần này, phát sáng huyền thoại cung đình Huế về đêm ngoài những chương trình quen thuộc trước đây sẽ có những chương trình, những trò chơi mới như lễ thiết triều ban đêm, đổi gác, cờ tướng, cờ đèn...
Giới văn nghệ sỹ trong nước và Thừa Thiên Huế trong những ngày qua đã có những khởi động lớn cho lễ hội. Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen sẽ đem đến những tiết mục toàn múa với các vũ điệu tinh xảo, độc đáo đại diện cho nghệ thuật múa Việt
. Đòan ca múa nhạc Phú Yên vừa mới thành lập sẽ góp mặt với những yếu tố âm nhạc truyền thống Trung bộ - Tây Nguyên mà điểm nhấn đàn đá chắc chắn sẽ đem lại âm thanh độc đáo và mới lạ cho mùa lễ hội. Nhóm ca nhạc nữ Cỏ Lạ-Hà Nội, với 8 cô gái thanh sắc nhung nhi sẽ trình tấu những ca khúc cùng 20 nhạc cụ dân tộc cũng chắc chắn sẽ góp một thứ cỏ lạ trong miền cỏ hoa di sản của rêu phong và trinh nữ hòang cung. Du khách gặp lại những âm vang cao vút một cõi bên trời của Ánh Tuyết, sẽ được nghe một chất giọng lạ của dòng nhạc Mai Hoa trình bày những ca khúc tiền chiến ngay bên bờ sông Hương. Và với lần thứ hai góp mặt cùng Festival Huế, Phó An My sẽ mang theo chương trình “Phiêu thanh” - những âm thanh phiêu lãng trình tấu sự đối thoại giữa piano và đàn nhị dành cho bảy tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc khác của Nhà hát ca múa Quân Đội, Ca múa nhạc Thăng Long, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, CLB Ca trù Thái Hà, Nhóm nhạc tài tử Nam Bộ... Và Huế sẽ có sự góp mặt lần đầu tiên của Học viện Âm nhạc Huế mới thành lập, của Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát ca kịch Huế... Cái lạ của thời trang trong lễ hội năm nay là chương trình “Dáng xưa” bởi Minh Hạnh đem lại. Lạ ở chỗ “Dáng xưa” sẽ là sàn diễn của các diễn viên nghiệp dư, của các cô, các bà lớn tuổi ngày xưa từng là nữ sinh Đồng Khánh, các công chức, doanh nhân... để giới thiệu những món trang phục giới quý tộc Huế xưa. Họ sẽ mặc lại y áo mùa xưa và đàn hát những bản tình ca yêu thích một thời từng góp phần làm giàu văn hóa tinh thần xứ Huế. Và văn nghệ sỹ xứ Huế, cũng như những khởi động muà lễ hội trước đây, cũng đã háo hức vào cuộc chơi với những ý tưởng lý thú. Ví như “Quảng trường thi ca” với sự xuất hiện hàng trăm ngôi sao cát đề tên các nhà thơ. Hay như “Bóng thơ” với ước muốn soi bóng thơ trên miền du khảo của du khách... Hàng chục ý tưởng khác cũng đã được gửi đến Ban tổ chức với những đề xuất mới lạ và hấp dẫn. Ý tưởng nào sẽ được chọn và được chọn lựa đến đâu vẫn đang còn nằm trên bàn Ban tổ chức, cái đáng nói ở đây là những ý tưởng ấy đã thể hiện tinh thần “ham chơi” rất nhân văn và đầy trách nhiệm của anh em văn nghệ sỹ miền Hương Ngự trong công cuộc xây dựng Huế - thành phố Festival. Trong những ngày này, lặng lẽ cuối làng hoa giấy Thanh Tiên, “họa sỹ làng” Thân Văn Huy cũng đang chuẩn bị đón khách với một góc vườn hoa giấy của riêng mình, với những hứa hẹn một cách thức mới tôn vinh những cánh hoa mọc lên từ vẻ đẹp thẩm mỹ và sáng tạo của dân gian khúc sông nước mênh mông Ngã Ba Sình...
Đưa cái tiêu biểu bộc lộ bản sắc văn hóa Huế trong sự hội nhập của các đòan nghệ thuật quốc tế là một trình thức đã quen thuộc của các kỳ Festival Huế trước. Khởi đầu là Trại điêu khắc quốc tế lần thứ V với sự tham gia của 19 nhà điêu khắc quốc tế, 8 nhà điêu khắc Việt Nam (toàn nữ) thuộc 16 quốc gia, sẽ tung hứng hình khối trong Abalon Resort & Spa ở khu đầm phá Tân Mỹ bên cửa Thuận. Khỏang 40 chương trình nghệ thuật của các đòan nghệ thuật quốc tế đến từ 20 quốc gia đã được xác định sẽ góp mặt cho một Festival Huế thêm đông vui bè bạn. Các nghệ sỹ Pháp thuộc Nhóm múa +84 phối hợp với Nhà hát Vũ Kịch Hà Nội trình diễn vở “Vừng ơi”. Nhạc kịch múa này sẽ cho thấy rằng không gian này và không gian kia nơi chúng ta đang sống được phân cách bằng một cánh cửa, mỗi lần mở cánh cửa là một thế giới mới hiện ra, soi rọi cho chúng ta những cảm xúc mới, sáng tạo mới, chiêm nghiệm mới... Sân khấu với vở diễn “Ăngtigôn tại Việt Nam”, hợp tác giữa Nhà hát Monte Charge de Pau và Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ thể hiện câu chuyện nhân văn một phụ nữ vượt qua bao nhiêu dèm pha, khó khăn định lệ xã hội để dành lấy hạnh phúc. Xiếc mới với vở “Peut être” (Có thể) chỉ với 2-3 diễn viên trên chiếc cột cùng với âm nhạc đem lại một triết lý về những trăn trở của con người về cuộc sống với những điều có thể xảy ra. Đất nước Ixraen của dân du mục và đa sắc tộc, hòa quyện văn hóa Á-Âu sẽ đem đến một chương trình nghệ thuật pha trộn văn hóa Á-Âu độc đáo. Thổ Nhĩ Kỳ có đại diện là nhóm múa bụng hấp dẫn mang tên Berrak Yedek. Chúng ta đã từng xúyt xoa trước các tiết mục tuyệt vời của múa Hàn Quốc thì lần này sẽ gặp lại những cánh thiên nga ấy phô diễn những gì tinh hoa qua chương trình “Nghệ thuật ngàn năm, hát múa truyền thống Hàn Quốc”, được trình diễn bởi Đòan nghệ thuật truyền thống Viện Âm nhạc quốc gia Namdo. Nước Bỉ với Đòan nghệ thuật cà kheo Koninlike Steltenlopers Merchte đã từng lưu diễn khắp thế giới sẽ đưa 30 diễn viên biểu diễn ngay trên các đường phố Huế, trong dòng người xuôi ngược. Chuyến dạo chơi này của họ khởi đầu từ một tập quán đi cà kheo để vượt qua lụt lội của xứ xở hay bị ngập lụt của họ, ứng xử khéo léo trước thiên tai đã khiến tất cả dân cư trong vùng đều là những nghệ nhân cà kheo, và dĩ nhiên, người Huế cũng có thể học cái cách vượt qua lụt lội này... Còn rất nhiều những đặc sắc mà các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ đem đến cho mùa lễ hội Huế mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể đề cập đến. Ví như sẽ bất ngờ xuất hiện con ngựa dài 12m bên bức tường Hoàng thành rêu phong mà tác giả của nó cho rằng, khi công chúng tự hỏi tại sao con ngựa lại đứng ở đó, là họ đã thành công.
Có một câu chuyện cảm động mang đậm dấu ấn nhân văn của cuộc chơi Festival Huế 2008. Thoma Vuille là một nghệ sỹ Pháp. Một ngày đáng nhớ, Thoma Vuille đi chơi với cô bé người Nicaragoa, cô bé rất thích vẽ những con mèo trên đất. Chia tay nhau, hình ảnh con mèo ấy cứ ám ảnh Thoma Vuille, và anh bắt tay vào vẽ hình những con mèo từ đó. Vẽ mãi, cuối cùng anh nổi tiếng bởi những tác phẩm vẽ mèo, làm mặt nạ mèo. Thoma Vuille đã có những tác phẩm mang hình ảnh con mèo rất lớn trưng bày ở các đường phố nước Pháp. Anh sang Việt và với sự giới thiệu của anh Nguyễn Duy Hiền, Thoma Vuille đã gặp nữ nhà báo trẻ My Hoàng của chuyên mục “Chuông gió”- Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Chuông gió đã từng tổ chức vẽ tranh thiếu nhi qua chương trình “Nối những tấm lòng vì vạn trái tim” bán để lấy tiền xây trường học ở Quảng Trị. Chuông gió sẽ tổ chức “Hành trình nối dài chuyện cổ tích” dịp 1.6, cho trẻ em sáng tác sau đó đưa 2008 tác phẩm về Huế triển lãm, trình diễn. Tại Huế, với sự giúp đỡ của Ban tổ chức, sẽ có một Tiểu Festival Thiếu nhi mời các nhà thiếu nhi trong cả nước và các em thiếu nhi người nước ngòai đang sống tại Việt Nam. Các em sẽ có những ngày bên nhau cùng làm diều, vẽ tranh, diễn các câu chuyện cổ tích. Tất cả sẽ cùng diễn câu chuyện “Con ngỗng vàng”, và sẽ làm một con ngỗng có cánh 15m, làm 3 lồng đèn lớn để treo 2008 tác phẩm thiếu nhi. Thoma Vuille sẽ làm sẵn 10.000 mặt nạ mèo cho con nít đến lễ hội đeo chơi, sau đó các em cùng làm 1 con diều lớn, 7 con diều nhỏ và ký tên rồi cùng thả lên bầu trời cao rộng. Các em sẽ vẽ mặt nạ mèo và diễu hành trên phố cùng lân-sư-rồng và mặt nạ mèo nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Doanh nhân thành phố mang tên Bác đã tặng 10.000 hộp màu sáp cho các em vẽ. Tác phẩm của các họa sỹ nhí sẽ được Thoma Vuille mang sang Pháp bán lấy tiền giúp đỡ trẻ em Việt . Tối 9.6, một chương trình văn nghệ thiếu nhi sẽ được tổ chức và sau đó bán đấu giá tranh và diều. Tất cả số tiền quyên góp được sẽ trao tặng cho 28 trẻ mổ tim, với trị giá 2008 USD cho mỗi cas bệnh. Sau Festival Huế 2008, Chuông gió sẽ có chương trình để xây trường học ở Thái Nguyên và sang năm 2009, sẽ quay về lại làm chương trình xây trường ở Nam Đông hoặc A Lưới. Và trong chương trình truyền hình nhân ái ấy, sẽ có mặt của Thoma Vuille.. Lấp lánh đằng sau những khởi động cho mùa lễ hội, đã thấy rất nhiều ý tưởng nhân văn, những nụ cười trẻ thơ và những tấm lòng nhân ái...Hoa sưa nở trên cồn Dã Viên cũng cho biết thế.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC (nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008) |