Festival Huế 2008
“Ghim chặt tôi vào Huế”
09:03 | 09/06/2008
Trong những ngày tháng 5, 27 nhà điêu khắc đến từ 16 quốc gia đã hội tụ về Abalone Resort & Spa để tham dự Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 5 tại Huế, hoạt động nghệ thuật được xem như là mở đầu cho Festival Huế 2008. Có  người lần đầu tiên đến Việt Nam, có người đến nhiều lần với những cảm xúc khác nhau. Một tháng ròng rã, họ khắc chạm cảm xúc của mình lên đá với mong muốn được kết nối, thậm chí, nói như điêu khắc gia Horst Delkus: -“Ghim chặt tôi vào Huế!”
“Ghim chặt tôi vào Huế”
Mô hình tác phẩm “Kiếp người” của Phan Gia Hương


Các dãy nhà nghỉ trong Abalone nằm ven đầm phá với rất nhiều khung cửa sổ để du khách có thể ngắm không gian đầm phá vào bất kỳ thời khắc nào trong ngày. Đặc biệt mùa hè, nơi đây tràn ngập gió và âm thanh biển khơi. Quả thật khó có thể tìm đâu ra một nơi thật lý tưởng cho những người ưa thích thiên nhiên và sự lãng mạn như thế này... Ông Trần Quang Hào, Giám đốc điều hành Abalone Resort & Spa cho tôi biết là Abalone đã tài trợ tuyệt đối để các nghệ sỹ có điều kiện tốt nhất cho việc sáng tạo. 
Có tám nữ điêu khắc gia đại diện cho Việt tham gia Trại lần này và bản thân điều đó đã làm nên điều đặc biệt. Làm việc với đá, thế nhưng các chị lại rất đỗi dịu dàng không chỉ trong câu chuyện với tôi. Dưới bàn tay Phan Gia Hương, “Kiếp người” nằm nghiêng như một triết lý: Đi qua cuộc đời, đến một lúc nào đó, con người sẽ sức tàn lực kiệt. Bấy giờ, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại bóng dáng con người ấy tạc vào thiên nhiên như một khối đá, như một cái vỏ cây khô. Nhưng sự tồn tại là vĩnh cửu, cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi dẫu có những con người ra đi... Vi Thị Hoa thì tỏ ra tâm đắc với “Một cõi đi về”. Với chị, hình tượng người đàn ông như một căn nhà, người phụ nữ sẽ toại nguyện trong căn nhà đó khi được yêu chân thành, được bao bọc. Nếu không, tất cả sẽ chơi vơi. Vì vậy có tình yêu là có tất cả, đó chính là “Một cõi đi về”. Hình tượng một cõi đi về ấy, lại có bóng dáng lăng tẩm, đền đài xứ Huế được cách điệu ám ảnh của vùng đất. Còn Lưu Thị Thanh Lan, giảng viên Khoa Kiến trúc công trình, Đại học Phương Đông thì muốn qua “Chim Việt”, nói về tâm hồn con người, về tình yêu, mơ ước được như cánh chim bay qua những điều tốt đẹp trên thế gian, khát khao sự hoàn thiện trong cuộc sống. Nguyễn Thị Kim Liên thì đơn giản hơn, hai phiến đá đặt xích lại gần như như đôi tình nhân và đưa ra thông điệp: đây là gia đình của tôi, là nụ hôn của tôi...
-“Tôi sẽ kết nối quê hương tôi với Huế”-Lim Min Taek nói. Chàng trai chỉ mới 31 tuổi, là nhà điêu khắc trẻ nhất của Trại lần này. Anh là con trai của điêu khắc gia nổi tiếng Hàn Quốc Lim Seuk Yoon, người từng thực hiện tượng đài kỷ niệm tại Sân vận động quốc gia Hàn Quốc trong dịp Worl Cup 2002 được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Với anh, Huế thơ mộng, thoải mái như vùng Chon-Ju quê hương anh. Anh sẽ làm một “Không gian”, dùng vật liệu đá của Huế để làm một biểu tượng Hàn Quốc tại Abalone, với ý niệm kết nối quê hương anh với vùng đất mà anh đã kịp đến và sáng tác. -“Huế giống quê tôi một điểm nữa là ăn cay. Kim chi Hàn Quốc rất cay và tôi gặp cái vị cay da diết đó ở đây”. Lim Min Taek đưa ngón tay út trong bàn tay to bè của anh ra, ngón tay có hình một trái ớt mập mạp ngọ nguậy trong nắng sớm.
Kết nối, đó cũng là ý niệm của điêu khắc gia người Đức -Horst Delkus. Cách làm việc yêu thích của Horst là tự mình khoan thẳng một cách dứt khoát vào phiến đá tự nhiên . -“Đá tự nhiên sẽ dễ sáng tạo hơn khi vừa làm vừa suy nghĩ, còn đá cục đã chẻ sẵn như thế này hơi khó đấy”-Horst cười cười nhìn phiến đá khá to được chẻ từ trên núi và chở về đây dành cho ông:-“Nhưng tôi sẽ làm cái gì đó”. Với Horst, đá đã được tạo lập từ hàng vạn năm trước và nó già nhất trên trái đất. Được làm việc trực tiếp với đá bao giờ cũng hay hơn bởi như đang đối thoại với người có hàng vạn năm tuổi, già nhất trên thế gian. Và cũng bởi vì thế, Horst thích tự tay mình “đối thoại” cùng đá hơn là để cho những người thợ đá làm. Tác phẩm của Horst là một cái đinh vít khổng lồ khoan vào đất, ghim sâu vào đó những ý tưởng kết nối con người và thiên nhiên, trời và đất, kết nối nước Đức với Việt Nam.-“Và ghim chặt cả tôi vào mảnh đất này nữa”-Horst nói. Đây là lần đầu tiên ông đến Huế và vùng đất thơ mộng này đã cho ông rất nhiều cảm xúc. -“Chắc chắn đá sẽ giúp tôi nói được những điều đó”-Horst nói như đã khoan được cái đinh vít vào đá rồi. Buổi sáng tôi gặp Horst, nắng trong ngần, Horst cầm hai cái que thép giơ ngang trước ngực: “Tôi đi dò xem xem tôi sẽ ghim tôi vào Huế ở đâu trong khu Abalone này”...
Điềm tĩnh và luôn có nụ cười thân thiện, nhà điêu khắc John Maine đến từ nước Anh nói về “Đài quan sát” của ông. -“Đài quan sát của tôi như một cái nhìn từ thiên nhiên. Tác phẩm không lớn nhưng đó là cảm xúc của tôi”-John nói. Ông đã tham gia rất nhiều trại sáng tác ở Nhật Bản, Ấn Độ, Ai-Len, Trung Quốc...Tác phẩm của ông không nói về những câu chuyện mà là những ý tưởng hoặc khơi gợi những ý tưởng. Những ý tưởng kết nối con người và thiên nhiên, con người và nhận thức vị trí của mình đang ở đâu trong vũ trụ, trong cõi người...? “Nhà của tôi ở cách những hòn đá khổng lồ rất nổi tiếng của nước Anh, được sắp xếp một cách lạ lùng mà đến nay nhân loại vẫn chưa biết do đâu, chỉ 20km. Mỗi ngày tôi đi làm việc đều đi qua chúng, tôi thấy mình nên làm một đài quan sát tại vùng Abalone này để kết nối nơi đây với những hòn đá khổng lồ ở quê hương tôi.” John mơ màng... Ngoài điêu khắc, công việc yêu thích mà ông đang làm là tư vấn bảo tồn một số di tích của Hoàng gia Anh. John cười rất vui khi khoe rằng những ý kiến của ông đều được chính quyền sở tại lắng nghe. -“Họ cũng đọc nhiều bài báo của tôi viết để tham khảo”. Và khi tôi thay mặt Sông Hương mời John viết bài cho tạp chí vì bảo tồn di sản văn hoá nhân loại cũng là vấn đề tạp chí quan tâm, ông ồ lên một tiếng:-“Tại sao tôi lại không kết nối mình với Huế?”...
Họ đã để lại 27 ý tưởng trình diễn bằng đá ở Abalone vùng cửa Thuận. Những ý tưởng đang bộc phát trong gió biển, trong nắng ngời mùa hạ cùng với đá, đầy cảm xúc, đầy triết lý, đầy nhân văn... 


HẢI MIÊN
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng