Festival Huế 2010
Dấu ấn nghệ thuật đương đại
10:07 | 02/06/2010
PHAN THANH BÌNHTrong đời sống tinh thần xã hội hiện nay, các cuộc triển lãm mỹ thuật luôn được coi là một trong những hoạt động có tính cộng đồng cao, nhất là qua các lễ hội văn hóa, chính trị của đất nước. Tại Huế, mỹ thuật là một loại hình có truyền thống phát triển lâu năm, trong 5 kỳ Festival Huế, các hoạt động mỹ thuật có mặt gần như kín các không gian lễ hội.
Dấu ấn nghệ thuật đương đại
Từ Festival năm 1992 do CODEV Việt - Pháp tài trợ với mục tiêu quảng bá cho di sản văn hóa cung đình và dân gian Huế đã dẫn đến thành một cơ hội đầu tiên, một hướng mở cho sự hình thành Festival Huế về sau. Đây cũng là lần đầu tiên, BTC huy động được đông đảo, đa dạng các hoạt động mỹ thuật dân gian truyền thống và mỹ thuật đương đại tham dự. Từ đó đến Festival Huế 2008, các hoạt động mỹ thuật đã góp một phần quan trọng trong sự thành công của các dịp Festival và tạo nên dấu ấn thẩm mỹ mới, làm đọng lại, gợị lên những vấn đề văn hóa cộng đồng cần được xem xét, suy ngẫm.

(Tác phẩm trên đường phố - Ảnh: PVT)

Nằm trong khuôn khổ các Festival, đã có 5 trại sáng tác Điêu Khắc quốc tế được tổ chức tại Huế, tuy nhiên đến Festival Huế 2010, hoạt động này đã không còn trong chương trình. Cái khó chắc chắn không phải là kinh phí hay thiếu sự tài trợ mà ở chỗ dường như có quan niệm và sự đánh giá rằng có cảm giác bão hòa về hoạt động này và tác phẩm. Ngay cả sự cần thiết phải có hay không những tác phẩm điêu khắc cho Huế - thành phố Festival cũng đã từng được nêu ra. Nếu để xây dựng những vườn tượng hay để có đủ tượng đặt ở đôi bờ sông Hương thì chưa đủ và còn lâu nữa mới dám nói là đủ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ lệ tác phâm tốt, có tính nghệ thuật thực sự, có những ý nghĩa văn hóa - nhân văn tích cực chỉ chiếm khoảng 10% trong hơn 100 tác phẩm được sáng tác từ 1998 - 2008. Có khoảng 50% tác phẩm thuộc dạng chấp nhận được ở tính chuyên môn nhất định. Còn lại khoảng 40% tác phầm là “có vấn đề”. Tỷ lệ này so với các trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Hàng Châu hay Vân Nam (Trung Quốc), các trại sáng tác Hàn Quốc, Nam Phi, Nhật Bản gần đây thì cũng tương đương. Vậy 40% còn lại bị hạn chế ở chỗ nào? Phải chăng đó là sự mô phỏng, ít sáng tạo, sự hời hợt, sự thiếu chiều sâu và thiếu đầu tư ở một số tượng. Ngoài ra còn cả có sự thiếu chuyên nghiệp của một số ít, rất ít tác giả, họ “bị mời”, còn Ban tổ chức thì đã lỡ mời. Ngay cả nguyên tắc tác phẩm phải làm bằng chất liệu bền vững (đá, đồng, kim loại,..) đặt để ngoài trời như một quy định cứng thì vẫn có những tác giả không thực hiện, để rồi hậu quả là tác phẩm thiếu tính thẩm mỹ, không bền vững về chất liệu, cẩu thả (như cục đá sơn màu tím) vẫn được trưng ra đôi khi phản cảm, đúng là “để thì vương, thương thì tội”.

Trong các hoạt động mỹ thuật cộng đồng, luôn có những sự nổi bật và cũng là những hình thức nghệ thuật có những thuộc tính rất phù hợp và gần gũi với tinh thần đại chúng của Festival. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động mỹ thuật sắp đặt của các tác giả Lê Thừa Tiến với hàng ngàn thuyền giấy sắp xếp, gắn kết trên bãi cỏ bờ Bắc sông Hương và tác phẩm Ánh trăng đầy ảo giác tao nhã và lạ mắt trên một góc sông Hương trong Festival Huế 2002. Những tác phẩm sắp đặt ấn tượng vẽ nón lá, chuông gió, quạt của các nhóm tác giả, trong đó họa sỹ Đinh Khắc Thịnh là một cái tên nổi bật với những ý tưởng mới mẻ, có tư duy sâu sắc khi trình bày tác phẩm. Tác phẩm đôi Rồng khổng lồ, chói ngời sắc vàng hoàng cung đặt trên dòng Hương hay Rồng – Phụng trưng bày tại điện Kiến Trung, Đại Nội của Nguyễn Thanh Tùng- Ngô Lan Hương đã được thực hiện trong 2 kỳ Festival và trở thành hình ảnh cần và quen thuộc đối với công chúng. Lâu nay chúng ta vốn quen một các nhìn cung đình hóa về Tứ linh thì nay cái dấu ấn cung đình đó đã được đại chúng hóa và chuyển tải trong đó tinh thần văn hóa, cốt cách tinh thần của xứ Huế, con người Huế một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, đem lại cho du khách sự thích thú. Trường hợp tổ chức nghệ thuật sắp đặt của 2 họa sỹ Hàn Quốc là Junghee Choi và Kang So Young tại Trường Đại học Nghệ thuật và Cung An Định là những nét nhấn đáng kể của hoạt động mỹ thuật trong Fesstival. Tuy nhiên khi làm ở sân trường Đại học Nghệ thuật thì thành công hơn rất nhiều so với làm tại nơi khác ở số lượng người xem, người tham gia và sự hào hứng tích cực. Như vậy ngay cả việc bố trí không gian cho những hoạt động mỹ thuật cộng đồng cũng cần phải được cân nhắc thận trọng mới đảm bảo tạo hiệu quả tốt nhất.

(Nghệ thuật sắp đặt - Ảnh: PBT)


Nghệ thuật trình diễn cũng tạo ra được những nét mới trong hoạt động mỹ thuật của Festival. Nổi bật là các phần trình diễn của 2 họa sỹ song sinh Lê Ngọc Thanh- Lê Đức Hải tại Festival 2006. Gần như cả hồ nước phía Đông Bắc Đại Nội đã rực lên ánh sáng khác lạ của nghệ thuật này, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng của 2 tác giả trong mỗi hành động, động thái đều đã mang những ý nghĩa nghệ thuật cụ thể, để mọi người có thể hiểu theo cách của mình và tạo được những ý tưởng cảm thụ nghệ thuật riêng. Yếu tố bản sắc và tính trọng tâm của hoạt động mỹ thuật trong Festival đã dần được chính các nghệ sĩ tạo hình trẻ khẳng định, nhưng qua các hoạt động mỹ thuật đa dạng, mật độ dày đặc và nhiều tác giả thì những gì còn đọng lại vẫn là quá khiêm tốn. Những điều du khách yêu thích, thu hút người xem, người tham gia như vẽ tranh trên đường đi bộ, ký họa chân dung, vẽ áo, mũ và nhiều hoạt động mỹ thuật khác rất cộng đồng... lại chưa được coi là hoạt động chính thống của mỹ thuật trong các Festival, nhiều khi chính các họa sỹ trẻ tự phát tạo ra sân chơi nghệ thuật không có sự quản lý hay tài trợ nào của Ban tổ chức.

Qua các Festival cũng cho thấy bên cạnh hiệu quả nghệ thuật, tạo dựng không gian văn hóa Huế hiện tại, thì vẫn có những tính chất khiêng cưỡng xen vào trong các hoạt động mỹ thuật. Có khi chưa thực sự tập trung phân tích, chọn lọc kỹ các hoạt động mỹ thuật, quan tâm đến số lượng hơn coi trọng phân tích hiệu quả, chất lượng. Đôi khi tác phẩm của ta, của Tây cứ đối chọi nhau, có cái ta không được làm nhưng Tây thì dễ dàng được chấp nhận, vì vậy có khi phản cảm. Có những cuộc tạo dựng nghệ thuật gây nên tranh cãi về tính nghệ thuật thì ít mà tranh cãi về tính pháp lý thì nhiều, ví dụ cuộc trưng bày các hình nộm người, vật của Remi Polack (Pháp) tại Đại Nội và tâm điểm giao thông bờ Nam cầu Trường Tiền. Nếu ở Đại Nội cho thấy có vẻ kỳ dị bởi những hình này còn thiếu ăn nhập và hài hòa với nét cổ xưa trầm mặc của di tích thì các hình nộm ở nút giao thông chính trên gây phản cảm về thẩm mỹ đô thị, dường như an toàn giao thông đã không được bất cứ ai có trách nhiệm quan tâm. Nếu một họa sỹ Huế muốn trưng bày theo kiểu chiếm lĩnh không gian giao thông như vậy chắc chắn sẽ không được các cơ quan chức năng chấp nhận.

Nhìn chung, hoạt động mỹ thuật tại các kỳ Festival Huế đã tạo được dấu ấn văn hóa mới lạ cho thành phố. Bên cạnh những triển lãm cổ vật, đồ đồng, đồ gốm, đồ thêu thì vẫn còn nhiều giá trị mỹ thuật dân gian, truyền thống và cung đình chưa được khai thác như tranh dân gian Làng Sình, phục dựng làm hạt bỏng cúng, đồ chạm gỗ, trang trí nón bài thơ, vẽ áo dài truyền thống Huế, nghệ thuật graffiti trên diều hay phục trang lễ nghi tôn giáo... Nghệ thuật đương đại tỏ rõ sức mạnh hấp dẫn bởi cái mới, năng động và tính đại chúng, tạo nên sắc thái đặc biệt của Festival Huế. Những điều đó một mặt cần được khẳng định, mặt khác cũng cần điều chỉnh, chọn lọc và đề cao tính thẩm thấu nhân văn, thẩm mỹ nghệ thuật hơn để không chỉ làm đẹp, làm hay, làm nổi bật tâm hồn, bản sắc văn hóa Huế mà trên hết là tạo nên tình cảm cộng đồng, dân tộc và quốc tế chân thực, sâu sắc và nhân văn, thể hiện được diện mạo văn hóa, tinh thần cộng đồng, nhân loại đã được tích tụ trong con người - thiên nhiên xứ Huế.
 

(SDB – 5-2010)



Các bài mới
Các bài đã đăng