Những vấn đề di sản
Một vài ý tưởng về việc thiết lập và số hóa tư liệu lịch sử văn hóa Huế
10:39 | 12/11/2008
NGUYỄN ĐẮC XUÂNHuế là một trung tâm văn hóa Việt Nam, các di tích thuộc Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là hai di sản văn hóa của nhân loại. Điều đó không có gì phải bàn luận nữa. Điều mà chúng ta quan tâm, ngoài cái phần vật chất đó, ngoài Nhã nhạc cung đình Huế thì cái hồn, cái phần phi vật chất của trung tâm văn hóa Huế là cái gì, hiện ở đâu, làm thế nào để có thể tiếp cận và toàn cầu có thể sử dụng phát huy được?

I. Để có thể hình dung được diện mạo của kho tàng tư liệu văn hóa lịch sử triều Nguyễn và của Huế từ xưa đến nay, xin điểm qua một số nét về tư liệu lịch sử văn hóa Huế trước đây:
I.1 Trước thời kỳ Âu hóa, có thể nói Huế là Trung tâm tư liệu Hán Nôm vào bậc nhất nước.
Điều dễ nhận thấy nhất, trong kho tàng Hán Nôm Việt : Thời các vua Nguyễn - Huế thế kỷ XIX, là thời kỳ rực rỡ nhất của văn học, sử học Việt . Có thể kể các tác gia Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am, Huệ Phố ..., các sử gia thuộc Quốc Sử Quán triều Nguyễn, các nhà thiên văn ở Khâm Thiên Giám...

Ngoài các tác giả đã có mặt trong văn học sử, các quan lại, các ông hoàng bà chúa, các Nho gia đã đóng góp vô số trước tác mà cho mãi đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá hết được.
Cố đô Huế cũng là kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong với hàng trăm ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục ngôi chùa tổ, hàng năm sáu ngôi có Sắc tứ do hàng trăm nhà sư uyên bác trụ trì để lại vô số kinh sách, đối liễn, văn bia có giá trị văn học và triết học, đặc biệt là thời kỳ chấn hưng Phật giáo vào những năm ba mươi của thế kỷ trước v.v...
Và, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến gia phả, tộc phả của các dòng họ lớn như Nguyễn Phước tộc, Nguyễn Khoa, Thân Trọng, các Hương ước ở làng xã.
Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm đã từng nhận định rằng: tác phẩm Hán Nôm triều Nguyễn thế kỷ XIX bằng 19 thế kỷ cộng lại.
Không những thế, ngoài các trước tác đã ra đời ở Huế, hồi đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng còn hạ chiếu truy tầm sách cũ với nhiều trước tác của các triều đại trước đem về lưu giữ ở Huế. Có thể nói trước thời kỳ Âu hóa, Huế là Trung tâm tư liệu Hán Nôm quan trọng vào bậc nhất nước.

I.2 Khi Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với người Âu rồi Âu hóa cho đến nay Huế được bổ sung nhiều tư liệu ngoại ngữ và chữ quốc ngữ.
Từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (thế kỷ XVII) trải qua thời các chúa Nguyễn, nhiều thế hệ Thừa sai Thiên chúa giáo đã đến Huế. Do yêu cầu của việc truyền giáo họ đã để lại Huế nhiều tài liệu viết bằng chữ Nôm, chữ Pháp, chữ quốc ngữ và một số viết bằng chữ La Tinh. Nhiều thư từ báo cáo của các vị Thừa sai phản ánh tình hình truyền giáo ở Việt Nam có liên quan đến Huế, đến triều Nguyễn gởi về Paris, Vatican, trong đó có nhiều thông tin về lịch sử Huế, lịch sử Việt Nam. Theo chân thực dân Pháp và các vị Thừa sai, nhiều nhà buôn (Pierre Poivre), những trí thức đi theo đoàn quân viễn chinh (bác sĩ Hocquard), nhà văn hóa, nhà văn (Loti), người đi du lịch (Marcel Monnier), các Toàn quyền Pháp tại Đông Dương (Doumer, Pasquier) đã viết nhiều sách chuyên đề về Huế hay một phần về Huế mà ngày nay chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận hết.

I.3 Tư liệu Huế nửa đầu thế kỷ XX.
Sau ngày Thất thủ Kinh đô (7-1885), ngôi vua Nguyễn vẫn còn được thực dân Pháp duy trì, nhưng quyền lực cai trị đều nằm trong tay các Khâm sứ Pháp. Tòa Khâm sứ cũng là nơi phát hành và lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý giá, không những tư liệu viết bằng Pháp ngữ mà còn cả bằng Hán văn và quốc ngữ.
Đứng đầu trong loại sách vở tài liệu viết bằng Pháp ngữ là bộ Tập san quý giá Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué) tồn tại trong 30 năm (1914-1944) mà bất cứ ai nghiên cứu Huế không thể không biết đến, không thể không tham khảo.
Ngoài tài liệu bằng chữ viết, trong thời kỳ nầy còn có tài liệu ảnh, bưu ảnh, tranh khắc và phim. Bộ sưu tập bưu ảnh Huế rất phong phú cho ta biết được diện mạo của Huế đầu thế kỷ XX. Bộ phim màu La Ville Impériale do Richard thực hiện là một di sản văn hóa của Huế.

Đặc biệt trong thời kỳ nầy có nhiều tác giả uyên thâm Hán văn và giỏi Pháp văn. Có thể nêu tên những người tiêu biểu là Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Khoa Vi, Hoàng Yến (chuyên về ca nhạc), Nguyễn Khoa Tân. Lực lượng “tân cổ giao duyên” nầy có Hương Bình Thi Xã khá đông. Ngoài ra còn có những cây bút tương đối độc lập mà tiêu biểu là Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn.
Tư liệu quốc ngữ phải kể đến sách vở báo chí Huế với phong trào Thơ mới trong thập niên ba mươi. Huế đã sản sanh ra nhiều nhà thơ mới như Thanh Tịnh, Phan Văn Dật, Phạm Hầu, đã tác động đến tâm hồn các nhà thơ mới hàng đầu như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Tâm và nhiều nhà thơ nhà văn khác mà Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đã trân trọng giới thiệu trong Nhà Văn Hiện Đại và Thi Nhân Việt Nam.
Cùng với Thơ mới, báo chí Miền Trung mà trung tâm là Huế đã có một tác động mạnh trong xã hội. Tờ báo có ảnh hưởng hàng đầu là tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ Thần Kinh Tạp Chí.

I.4 Thế hệ “sau tiền chiến”còn bị bỏ quên
Hiện nay chúng ta đang sống với thế hệ ra đời trong kháng chiến chống Mỹ và trưởng thành sau ngày hòa bình lập lại 1975. Giới nghiên cứu đã bỏ quên mất cái thế hệ “sau tiền chiến” tức là thế hệ trong chiến tranh chống Pháp (1947-1954).
Tư liệu của thế hệ nầy hình thành trong hai môi trường có nhiều yếu tố đối nghịch nhau. Tức là vùng đô thị và vùng kháng chiến. Ngay trong vùng đô thị cũng chia làm hai loại: loại thuộc chế độ bị tạm chiếm và giới văn nghệ sĩ đấu tranh yêu nước hợp pháp. Các tác giả trong vùng kháng chiến chưa được nghiên cứu đã đành, các tác giả ở đô thị cũng không mấy người được nhắc đến. Tôi chưa có điều kiện sưu tầm nghiên cứu thế hệ nầy dù tôi đã được đọc và quen biết nhiều người thuộc lớp cha chú và đàn anh của tôi như nhà báo Phạm Bá Nguyên, nhà văn Võ Đình Cường, nhà thơ Võ Ngọc Trác (tác giả tập thơ siêu thực Thượng Thẩm), nhà thơ Trụ Vũ, nhà thơ Tôn Thất Quán, Phong Sơn Phan Mỹ Trúc... Ngoài ra còn có các nhiếp ảnh gia như Tôn Thất Dung, Nguyễn Khoa Lợi, Trần Nguyên Cáo, Phan Anh..., các họa sĩ như Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Đào..., các kiến trúc sư như Hồ Đắc Cáo..., các đạo diễn phim, các nhạc sĩ như Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Văn Giảng... Đàn em của thế hệ nầy cũng khá đông, hiện nay nhiều người vẫn còn sống (một số vào TP HCM và ra nước ngoài) như Tường Phong (Trăng Phương Đông), Thanh Thuyền (Trăng Nước Tầm Dương), Diên Nghị, Hoàng Hương Trang (Hoa Trang Trắng), Cao Hoàng Nhân, Trần Nhất Hoan, Trần Hoan Trinh, Thương Nguyệt, Thanh Tuyền, Ái Mộng Liên, Thanh Nhung ... và nhiều tác giả khác mà đến nay tôi không tài nào nhớ hết.
Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm trong giai đoạn nầy hay dở, tích cực tiêu cực ra sao còn chờ sự đánh giá của các nhà viết lịch sử văn học và lịch sử các ngành nghệ thuật, lịch sử của lịch sử Huế giữa giai đoạn hậu chiến chống Pháp và tiền chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, nếu thiếu tư liệu giai đoạn nầy thì lịch sử các ngành nói trên ở Huế sẽ có một khoảng trống mà càng về sau khoảng trống đó sẽ lớn dần và khó lấp đầy.

I.5 Tư liệu về cuộc vận động của Phật giáo chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm.
Cuộc vận động của Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm chỉ kéo dài từ ngày 7-5-1963 đến 21-8-1963 và tác động của cuộc vận động đó đưa đến cuộc đảo chính 1-11-1963 của các tướng lãnh trong quân đội VNCH. Tất cả chỉ trên 6 tháng nhưng đây là một cuộc đấu tranh nổi tiếng thế giới chỉ đứng sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến thắng Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1975 mà thôi. Tài liệu hình ảnh của cuộc đấu tranh nầy nhiều vô số. Tài liệu ở hai miền Nam Bắc, tài liệu ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Điều kỳ lạ là sau hơn 40 năm mà người ta vẫn còn tìm được nhiều tài liệu mới có liên quan đến cuộc vận động ấy. Cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá và sẽ còn nhiều tài liệu, nhiều thông tin lịch sử hấp dẫn đang chờ khác.

I.6 Tư liệu về phong trào hòa bình
Ở Huế có 3 lần đề cập đến hai chữ hòa bình. Lần đầu diễn ra sau ngày ra đời của Hiệp định Genève 1954 (tài liệu nổi tiếng là tập san Ngày Mai), lần thứ hai sau khi Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến tranh cục bộ năm 1964 (các tác phẩm nổi tiếng Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của thầy Nhất Hạnh, Vùng tủi nhục của Thái Luân, Lời mẹ dặn của Tâm Hằng NĐX) và lần thứ ba những năm đầu thập niên bảy mươi với thơ Ngô Kha (Ngày mai có hòa bình), nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.

I.7 Tư liệu về Phong trào đấu tranh ở các đô thị miền
Bắc đầu từ cuộc vận động của Phật giáo năm 1963. Phong trào đấu tranh đô thị diễn ra rất phức tạp: lúc đầu xuất phát từ Phật giáo, phát triển mạnh vào giới sinh viên Đại học rồi trở thành của Đại học, về sau chịu ảnh hưởng của Mặt trận Giải phóng ở Thừa Thiên Huế. Nói như thế để đi tìm tài liệu trong cả ba không gian ấy. Tư liệu Phong trào đô thị rất phong phú. Tài liệu trong nước (Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ...) và nước ngoài (đặc biệt ở Hoa Kỳ), dưới nhiều hình thức: thơ, văn, báo chí, âm nhạc, tranh (đặc biệt của Bửu Chỉ),  ảnh.
I.8 Tư liệu về Đảng bộ Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954), chống Mỹ (1960-1975) và 30 năm xây dựng hòa bình vừa qua.
Chuyên đề nhóm tư liệu nầy đã được Ban Lịch sử Đảng TTH sưu tập, Tổ lịch sử quân sự TTH biên soạn và phần nào đã được lưu trữ, sử dụng viết thành tác phẩm và đã phát hành.

II. Những rủi ro vì chiến tranh và sự khắc nghiệt của khí hậu
Rất tiếc kho tàng tư liệu nêu trên đã bị hủy hoại do chiến tranh, khí hậu và những chủ trương sai lầm của con người.
II.1 Chiến tranh hủy hoại tư liệu
Tư liệu lịch sử văn hóa Huế đã bị chiến tranh hủy hoại vào các năm:
* Tháng 7 năm l885, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, Hoàng cung bị bỏ ngỏ, thực dân Pháp đã chiếm đóng Kinh đô Huế. Họ đã cướp phá tất cả của cải, trong đó có nhiều sách vở văn hóa lịch sử lưu giữ ở Quốc sử quán. Số của cải nầy theo tài liệu của Pháp thì vị tướng chỉ huy trận cướp phá Hoàng cung Nguyễn phải giao cho một Đại đội lính Pháp gồng gánh khuân vác xuống tàu đậu trên sông Hương trong một tháng mới xong. Về sau Tổng tài Quốc sử quán là Cao Xuân Dục phải cho in lại từ mộc bản hay mượn sao chép của tư nhân mới phục hồi được một phần tư liệu của Quốc sử quán.

* Cuối năm 1945, để chuẩn bị kháng chiến trường kỳ, chính quyền Việt Minh đã cho di chuyển tài liệu lưu trữ trong Quốc sử quán, trong các thư viện Hoàng gia ra làng Hiền Lương (huyện Phong Điền). Sau đó một số tư liệu được chuyên chở ra Bắc, số lớn còn lại bị dân chúng phân tán bán làm giấy hút thuốc. Học giả Hoàng Xuân Hãn từng mua được nhiều bộ sách, tư liệu quý từ các bà bán chai chén ở Huế. Đến chính quyền miền (sau 1947) thu thập lại được một ít và phân phát lưu giữ ở nhiều nơi. Bộ Châu bản triều Nguyễn (độc bản) về sau (sau 1957) chuyển cho Thư viện Đại học giữ và làm mục lục.
* Đầu năm 1968, phản kích cuộc tấn công và nổi dậy của Mặt trận Giải phóng Huế, bom đạn của Mỹ tàn phá làm hư hại đến 90% nhà cửa, cung điện, phố xá ở Huế. Dân chúng bờ sông Hương sợ hãi chạy vào Đại học Sư phạm và Thư viện Đại học Huế ẩn núp. Trời lạnh và thiếu củi nấu cơm, dân chúng đã dùng sách, tài liệu lưu giữ trong các thư viện để nấu cơm và sưởi ấm.

II.2 Các cuộc di tản
Tôi được biết thời gia đình họ Ngô cầm quyền ở Sài Gòn, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu - một chuyên gia hàng đầu về lưu trữ, đã hạ lệnh di tản nhiều tài liệu lịch sử văn hóa Huế vào Nam để tránh vùng hỏa tuyến gần vĩ tuyến 17.
Năm 1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại cho di tản thêm một lần nữa. Và những mộc bản Châu bản triều Nguyễn đã bị đưa lên lưu trữ tại Đà Lạt. Sau năm 1975 tôi đã được ông Phạm Bạch Tần thủ thư ở đây cho vào kho xem thấy tận mắt khối lượng mộc bản đồ sộ và quý giá nầy(nghe nói sau nầy đã chuyển ra Thủ đô Hà Nội); Và, tôi cũng không nhớ từ năm nào, bộ Địa bạ lưu lạc vào tầng hầm Dinh Độc Lập và sau nầy học giả Nguyễn Đình Đầu đã khai thác, dịch thuật in ấn phát hành như các nhà nghiên cứu đã biết.

II.3 Khí hậu khắc nghiệt và “trời hành cơn lụt mỗi năm”
“Kẻ thù truyền kiếp” của tư liệu sách vở cổ vật Huế là khí hậu khắc nghiệt của Huế. Độ ẩm trong không khí rất cao. Mưa dầm, nắng gắt. Tư liệu sách vở dễ bị bạc màu, mục nát, đặc biệt về phim ảnh. “Trời hành cơn lụt mỗi năm” cuốn trôi đi không biết bao tài liệu sách vở lưu giữ trong dân chúng và ngay cả trong các kho lưu trữ của nhà nước. Bão năm Thìn 1904, lụt năm ba (1953), trận hồng thủy 1999 là những cái mốc lịch sử ác liệt đối với những nhà làm tư liệu Huế.
Riêng về các tư liệu, sách báo ra đời trong kháng chiến hầu như bị hư hại do chiến tranh và khí hậu. Lịch sử kháng chiến mới diễn ra cách đây chưa đầy 60 năm mà ngày nay muốn tìm một tư liệu gì gốc của kháng chiến cũng khó lòng tìm được.
II.4 Cuộc “chống văn hóa nô dịch năm 1976”
Trong cuộc chống văn hóa dâm ô đồi trụy đầu năm 1976, chính quyền cách mạng đã thu được hàng vạn sách vở, tạp chí, tài liệu. Một số sách thuộc loại dâm ô, đồi trụy độc hại đã bị hủy bỏ nhưng lẫn vào số sách bị hủy bỏ đó cũng có nhiều tư liệu lịch sử văn hóa quý hiếm.

II.5 Ra đi theo đường sách cũ
Trải qua khó khăn kinh tế của thập niên tám mươi, nhiều tài liệu sách vở, đồ cổ giữ gìn được qua bao đời, vượt qua được chiến tranh, khí hậu và sự ấu trĩ của con người, đã đội nón ra đi bằng con đường sách cũ, buôn bán đồ cổ. Có thể nói thập niên tám mươi Huế đã bị “băng huyết” đồ cổ, sách, tư liệu cổ.
Nói như thế không có nghĩa gia tài tư liệu lịch sử văn hóa Huế không còn gì. Trong một bài viết về việc tìm tư liệu lịch sử văn hóa Huế sau Tết Mậu Thân (1968), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã nêu một hình ảnh thú vị đại ý là: Tư liệu lịch sử văn hóa (LSVH) Huế giống như một anh chàng lực sĩ. Mặc dù anh bị chặt đầu, bẻ hết chân tay nhưng thân thể còn lại của anh vẫn là thân thể của một lực sĩ. Không có một thân thể nào khác có thể nhầm lẫn với thân thể lực sĩ của anh.

III. Thử đề xuất một vài biện pháp phấn đấu cho một trung tâm tư liệu lịch sử văn hóa Huế được số hóa.
Trung tâm Học liệu Đại học Huế đã có chủ trương thành lập Trung tâm Tư liệu lịch sử văn hóa Huế. Và, với cơ ngơi của một trung tâm như Trung tâm Học liệu Đại học Huế, đề cập đến chuyện phương tiện và cả một phần tài chính nữa không có gì khó lắm. Vấn đề cần đặt ra là biện pháp thực hiện. Có biện pháp tốt mới giúp cho chủ trương tốt thành hiện thực tốt, đỡ tốn kém, nhanh và hiệu quả. Với kinh nghiệm ít ỏi của một người sưu tập và nghiên cứu tư liệu lịch sử văn hóa Huế, tôi xin gợi ý một số biện pháp sau đây:
III.1 Các hình thức tư liệu
Thông thường tư liệu LSVH phổ biến nhất là dĩa CD, VCD, DVD, sách, báo chí, tranh, ảnh, bưu ảnh, bản dập văn bia,  bản gỗ, đồ cổ, tiền cổ, tài liệu khảo cổ học; hiện vật trưng bày trong các bảo tàng v.v...

III. 2 Những công việc cần quan tâm
* Làm Thư mục những tư liệu hiện đã có tại Trung tâm Học liệu, chuyển những tư liệu đó vào một Phòng riêng; từ đó biết được mình sẽ tập họp tiếp những gì, tránh trùng lặp.
* Sưu tập Thư mục đã có tại Huế, đã có trên các phương tiện truyền thông, trên mạng toàn cầu (Google); chọn những thư mục mới.
* Xin hoặc hợp đồng được sử dụng thư mục riêng của các học giả, các gia đình; lập danh sách địa chỉ tài liệu quý hiếm.
* Mời chuyên gia quốc tế huấn luyện sắp xếp lưu trữ theo phương pháp thông dụng quốc tế hiện nay.
* Lập một trang Web Trung tâm tư liệu lịch sử văn hóa Huế; trao đổi với giới nghiên cứu trong và ngoài nước.
* Bắt đầu số hóa những tư liệu đã có.

III.3 Các phương thức trao đổi, tập hợp tư liệu
Tùy hoàn cảnh và nhu cầu mà chọn lựa phương thức tập hợp, trao đổi. Xin nêu những cách thức thông thường:
* Tiếp nhận tư liệu sách báo (bản chính hoặc bản sao) của các nhà hảo tâm tặng; ghi tên những nhà hảo tâm vào Sổ Vàng của Trung tâm và lưu giữ đời đời.
* Trao đổi (đổi tài liệu lấy tài liệu) trực tiếp hoặc qua mạng Internet; hai bên đều có lợi.
* Mua bản sao với giá thỏa thuận.
* Qua phương tiện tin học của Trung tâm Học liệu “load” Tư liệu LSVH Huế từ các trang Web (Internet) tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp mà ở Huế có thể truy cập được
* Trung tâm dùng ngân sách mua bản chính vừa xuất bản.
* Liên hệ với các Đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước xin bản sao các Luận văn tốt nghiệp Đại học và trên Đại học; đặt mối liên lạc thường xuyên với Thư viện tỉnh TTH, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các thư viện tủ sách khác (Huế Xưa và Nay, tạp chí Khoa học và Công nghệ TTH, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin miền Trung).

III.4 Xây dựng bền vững: Lập Câu lạc bộ những người quý sách
Để Trung tâm tư liệu lịch sử văn hóa Huế tồn tại, lớn mạnh, phát huy tác dụng đúng chức năng, cơ quan chủ quản Trung tâm nên vận động thành lập một Câu lạc bộ những người quý sách. Mời các nhà nghiên cứu, các giáo sư, các nhà văn hóa tham gia. Thành viên Câu lạc bộ có nhiệm vụ và quyền lợi rõ ràng. Cũng có thể mời các ông bà phụ trách các nhà xuất bản các ông bà chủ hiệu sách cũ, nhân sĩ trí thức, giáo viên có tủ sách gia đình có nhiều sách và tư liệu lịch sử văn hóa Huế làm thành viên. Thậm chí mời cả những trí thức ở xa Huế mà quan tâm đến lịch sử văn hóa Huế như nhà nghiên cứu đồ cổ Trần Đình Sơn, nhóm Nhớ Huế tại TP HCM và Hà Nội. Những người thường trực của CLB những người quý sách phải quen thuộc sách vở tài liệu LSVH Huế, phải có uy tín đối với người chơi sách và có thời gian để giúp.
                                    N.Đ.X

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng