Ngày 16-6, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã gửi văn bản khẩn đến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ VH-TT&DL đề nghị sớm có ý kiến với Chính phủ và Bộ Ngoại giao tìm giải pháp đưa hiện vật của vua Thành Thái vừa mua được về nước.
Đầu tháng 6-2014, nhà sử học Dương Trung Quốc đã báo cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ngay sau khi biết tin trong số các hiện vật sắp đấu giá ở Pháp có hai hiện vật quý của triều Nguyễn: chiếc long sàng (giường của vua) và chiếc xe kéo. Trung tâm này xác định chiếc long sàng nhiều khả năng được làm khi vua Thành Thái còn là thái tử và được vua tiếp tục dùng khi ở ngôi. Riêng chiếc xe kéo làm bằng gỗ trắc khảm xà cừ, do vua Thành Thái đặt làm ở Hà Nội để tặng mẹ là thái hậu Từ Minh dạo chơi trong cung. Hai hiện vật được xem là độc bản và có giá trị rất cao cả mặt kỹ thuật, mỹ thuật lẫn văn hóa lịch sử, hiện đang nằm ở Pháp.
“Giành giật” hiện vật
Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết sau khi xác định thông tin đã tham khảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới buôn cổ vật. Các hiện vật được áng chừng trong khoảng 50.000 USD. Chấp nhận giá này, gần như lần đầu tiên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã duyệt chi số tiền 50.000 USD để mua “báu vật”. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã vận động các Việt kiều Pháp góp thêm khoảng 10.000 euro. Đại sứ quán Việt Nam không thể trực tiếp tham gia vì sợ bị đẩy giá quá cao, hai Việt kiều tại đây đã nhận lời giúp đỡ tham gia với mong muốn đưa các “báu vật hoàng cung” về lại Huế.
Nguồn gốc hợp pháp
Các nhà chuyên môn xác định hai hiện vật đấu giá lần này có nguồn gốc hợp pháp. Theo đó, sau khi bị phế truất và lưu đày vào năm 1907, chính nhà vua đã nhượng cho ông Prosper Jourdan, chỉ huy đội cận vệ của nhà vua (có lẽ do Pháp đặc phái). Việc sang nhượng này kèm theo một giấy tay của nhà vua. Những người cháu có quyền thừa kế hợp pháp của ông Jourdan đã quyết định bán đấu giá các vật thông qua văn phòng Rouillac. Sau cuộc đấu giá, hậu duệ ông Jourdan cũng có mong muốn hiện vật được đưa về trưng bày ở Huế...
uộc đấu giá diễn ra tại văn phòng Rouillac, TP Tours (Pháp) vào ngày 13-6. Đại diện bên mua (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là ông Phan Thanh Hải được nối máy điện thoại trực tiếp để tham gia. Chiếc long sàng mang số hiệu 84 với giá khởi điểm 1.000 euro, sau năm phút đã được đẩy giá lên 100.000 euro. Kèm theo 24% chi phí tổ chức, mức giá lên đến 124.000 euro, vuột khỏi tay người Việt kiều được nhờ cậy.
Đến chiếc xe kéo số hiệu 85, giá khởi điểm 2.000 euro, sau một hồi một người nước ngoài đẩy lên 44.000 euro. Phía Việt Nam quyết định nâng lên 45.000 euro và được nhà tổ chức khẳng định trúng đấu giá. Kèm theo 24% chi phí, giá của xe lên đến 55.800 euro.
Bất ngờ diễn ra ngay sau cuộc đấu giá, bà Katia Mollet - phụ trách trưng bày của Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet, Paris - có mặt tuyên bố rằng Nhà nước Pháp đã đề nghị mua chiếc xe này cùng giá trên. Theo ông Hải, bà Katia Mollet viện dẫn “quyền ưu tiên mua” của nước sở tại, quyền này do Nhà nước Pháp ban hành: các tổ chức thuộc nhà nước được quyền ưu tiên mua hiện vật đấu giá bằng giá các tổ chức, cá nhân đã trúng trong các cuộc đấu giá. Ông Hải cho biết phía Pháp khẳng định Nhà nước Pháp sẽ công bố xác định quyền này cho Bảo tàng Guimet trong việc mua chiếc xe kéo trong thời hạn 15 ngày. Do đó, cho đến nay văn phòng Rouillac vẫn chưa xác định bán cho Huế hay cho Bảo tàng Guimet.
Tìm cách thu hồi
GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đánh giá rất cao giá trị hai hiện vật của vua Thành Thái bán đấu giá vừa qua. Ông cho rằng Bảo tàng Guimet là một bảo tàng về văn hóa phương Đông nổi tiếng, đã bảo quản tốt một số di vật Việt Nam và qua các cuộc trưng bày góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới. “Theo tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề tranh kiện mà là vận động để họ không giành quyền mua lại của ta. Vận động có nhiều cách, trước hết nên trực tiếp với Bảo tàng Guimet thông qua tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hay đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Đồng thời chúng ta vận động qua một số cơ quan văn hóa hay nhà khoa học Pháp, những nhà Việt Nam học hiểu biết về Việt Nam. Nếu chúng ta vận động một cách có tình có lý thì chắc rằng Bảo tàng Guimet sẽ vui lòng rút lui ý kiến giành mua lại cổ vật mà chúng ta đã trúng đấu giá” - GS Lê nói.
Về lâu dài, GS Phan Huy Lê cho rằng còn rất nhiều cổ vật, tranh, ảnh và tư liệu quý về Việt Nam đang ở Pháp, Hà Lan, Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Mỹ... cần thiết tìm cách đưa trở lại cố quốc. “Tôi rất mong muốn có một cuộc vận động lớn để từng bước thu thập những di vật, tư liệu quý này về Việt Nam. Nhưng chúng ta cần lưu ý đến nguồn gốc của từng loại để có sự vận động phù hợp. Có loại có nguồn gốc mua bán hợp pháp, trao tặng qua quan hệ cá nhân hay tổ chức, tự sáng tạo trong thời gian ở Việt Nam như các sưu tập ảnh, có cả nguồn gốc cướp đoạt thời thực dân...” - GS Lê lưu ý.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải cho rằng do nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà di sản văn hóa Việt Nam đã bị mất mát quá nhiều. Hiện nay, trong rất nhiều cuộc đấu giá trên thế giới có hiện vật quý của Việt Nam, vì không chủ động được nguồn tiền lẫn thông tin nên rất nhiều hiện vật rất quý giá đã bị vuột khỏi tầm tay. Trong đó, việc không mua được bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi trong cuộc đấu giá ở Paris hôm 24-11-2010 là một dẫn chứng. Ông cho biết sẽ kiến nghị các cấp hữu quan sớm ban hành chính sách cụ thể đối với các hiện vật tương tự để khỏi bị động như trong trường hợp vừa rồi. Trong đó rất chú ý đến hình thức tôn vinh những người có công. Đối với các hiện vật có xuất xứ đánh cắp hay cưỡng đoạt, ông cho biết trong tương lai sẽ kiến nghị làm rõ nguồn gốc, sau đó có ý kiến mạnh mẽ, thậm chí tranh kiện để đưa hiện vật quay về Việt Nam.
Theo Tuổi Trẻ