Những vấn đề di sản
Di sản thế giới bị thổi còi
14:56 | 27/10/2014

Cho tới giờ, sau 4 lần UNESCO đề nghị phía VN giải trình về quản lý, bảo tồn, vịnh Hạ Long vẫn nằm trong danh sách bị khuyến cáo. Huế đã thoát án sau nhiều năm cố gắng. Làm sao để không rơi vào, hoặc thoát khỏi danh sách đen?

Di sản thế giới bị thổi còi
Đốt nến trong hang ở vịnh Hạ Long để tổ chức hòa nhạc. Trước đó chuyên gia đã khuyến cáo không đốt lửa, hút thuốc trong hang - Ảnh: Vũ Khánh

Chưa ra khỏi danh sách “đen”

Cho tới nay, VN đã có 2 di sản bị UNESCO khuyến nghị về bảo tồn. “Những khuyến cáo với di sản Huế xuất hiện từ năm 2004, họ khuyến cáo vì tình trạng quản lý, phát triển đô thị. Huế đã có chương trình hành động cụ thể, cố gắng để ra khỏi danh sách này. Liên tục từ đó mình phải giải trình hằng năm, cho tới 2013 tại Campuchia, Huế đã được công bố rút khỏi danh sách”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nói.

 
 

Tôi nghĩ không chỉ Huế hay vịnh Hạ Long, ở Hoàng thành Thăng Long và Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng ta cũng có thể bị UNESCO thổi còi

 
 Một chuyên gia di sản
 

Theo Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, nhiều năm trở lại đây, UNESCO luôn đưa ra những khuyến nghị đối với công tác quản lý, bảo tồn vịnh Hạ Long (HL). Cụ thể là tại các kỳ họp lần thứ 33, 35, 37, 38 của Ủy ban Di sản thế giới, VN đã bị đề nghị giải trình những vấn đề làm ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh HL. Đó là tác động của du lịch, của làng chài Cửa Vạn, việc nuôi trồng thủy sản bên trong và xung quanh vịnh, tác động của các dự án xây dựng, đổ đất lấn biển, việc bảo vệ môi trường...

Hồi tháng 10 năm ngoái, trong chuyến kiểm tra thực địa, chuyên gia quốc tế cũng đã đưa ra 7 khuyến nghị cụ thể về tình trạng bảo tồn vịnh HL. Những khuyến nghị này sau đó đã được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO thông qua tại Quyết định số 38 COM 7B.72 năm 2014. Theo đó, ủy ban yêu cầu quốc gia thành viên tiến hành tất cả các khuyến nghị của đoàn kiểm tra từ năm 2013, nâng cao khả năng quản lý của Ban Quản lý vịnh HL. Ủy ban này cũng yêu cầu đẩy mạnh những nỗ lực để sức ép từ du khách trong khu vực di sản tiếp tục được giảm đến mức độ tương thích với công tác bảo tồn lâu dài của di sản. Các làng chài cũng được yêu cầu quản lý bền vững mà không có bất cứ sức ép nào đối với giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

“Vào tháng 2.2015 sẽ có báo cáo cuối cùng về tình hình vịnh HL. Vịnh HL cũng đã có tiến bộ và có thể có khả năng lớn là sẽ được rút ra vào khoảng tháng 6. Nếu nói rằng hiện đã được rút ra khỏi danh sách là không đúng”, PGS-TS Đặng Văn Bài - đại diện của VN tại Ủy ban Di sản thế giới trả lời Báo Thanh Niên sáng 26.10. Như vậy là cho tới ngày kỷ niệm 20 năm nhận danh hiệu đầu tháng 11 này, vịnh HL vẫn còn trong danh sách bị UNESCO khuyến nghị về bảo tồn.

Mới đây thôi, vịnh HL tuy còn trong danh sách khuyến cáo, đã cho phép tổ chức một buổi hòa nhạc đông người trong hang Đầu Gỗ. Tại buổi hòa nhạc đó, nến đã được đốt bất chấp cảnh báo của chuyên gia về lượng khí mê tan có thể gây cháy nổ. Dây thép cũng được buộc để níu sân khấu vào thạch nhũ. Điều đó đã dấy lên nghi ngại trong dư luận về quyết định quản lý này. Nó cho thấy vịnh HL chưa có động thái chủ động giảm dần sức ép từ du khách lên di sản. Cùng lúc, ban quản lý cũng chưa nghiên cứu và đưa ra được “ngưỡng” chịu tải người hay “lịch nghỉ dưỡng” cho hang động.

Không chỉ vịnh Hạ Long

“Tôi nghĩ không chỉ Huế hay vịnh HL, ở Hoàng thành Thăng Long và Phong Nha - Kẻ Bàng chúng ta cũng có thể bị UNESCO thổi còi”, một chuyên gia di sản nói. Theo vị chuyên gia này, việc Hoàng thành Thăng Long bị ngập nước trong hố khảo cổ, có tranh cãi về cột mốc di sản, hoặc khả năng xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng đều khiến giá trị cốt lõi của các di sản bị ảnh hưởng.

“Điều chung nhất của các khuyến cáo từ UNESCO đều là nâng cao năng lực quản lý”, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói. “Bảo tồn di sản cần cái nhìn tổng hòa. Dù có kỹ càng đến đâu nếu chỉ nhìn di sản từ một góc độ, kinh tế hay văn hóa hay môi trường đều là phiến diện”.

Ở Huế, mô hình mà ông Phan Thanh Hải thực hiện và hướng tới là một trung tâm đủ các bộ phận nghiên cứu, dự án, và có thể trực tiếp làm trùng tu. Đây cũng là mô hình mà chuyên gia nước ngoài tư vấn Huế nên theo.

“Nếu ta có một tổ chức đủ mạnh để có thể thấy được từng phần, còn nếu không thì ta phải có một liên kết với chuyên gia, như thế cũng đòi hỏi một tầm quản lý đủ để có thể điều tiết và sử dụng hết chuyên gia các ngành. Nhà quản lý phải trở thành đầu mối, thì các chuyên gia sẽ có ý kiến”, ông Lê Thành Vinh nói.

Có như vậy, danh sách đen của UNESCO tại VN mới có thể không dài thêm và sau đó biến mất.

Xung phong vào danh sách “đen” để giữ di sản

Tại một chương trình đào tạo kiến thức di sản, bà Phạm Thị Thanh Hường,  một chuyên gia của UNESCO tại VN đã làm nhiều người kinh ngạc khi kể câu chuyện về công viên Đá Vàng. Đây là một di sản thế giới của người Mỹ. Tuy nhiên, cũng vì đá và vàng, mà cụ thể hơn là quặng vàng, công viên đó đã bị những người khai thác vàng đe dọa. Và người Mỹ khi đó đã có một ứng xử kỳ lạ: họ xung phong bước vào danh sách bị cảnh báo, cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Khi có tên trong danh sách này, di sản sẽ được chú ý hơn về chính sách, cũng như được thêm một khoản tiền hỗ trợ việc cứu nó thoát hiểm. “Đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Đặc biệt, vì những trường hợp khác vào danh sách khuyến cáo của UNESCO đều do tổ chức này kiểm tra, thấy không ổn và thổi còi”, bà Hường nói.

Trường hợp ở Mỹ cho thấy việc vào danh sách đen nhiều khi cũng là cơ hội cho chính di sản. Nó phụ thuộc vào ứng xử của nhà quản lý ở chính di sản đó.

Nguồn: Trinh Nguyễn - TN

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng