Những vấn đề di sản
“Bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa
09:27 | 20/12/2016

LTS: Đầu tháng 12-2016, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Việt Nam, có luồng ý kiến cho rằng, những biến tướng từ tín ngưỡng này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là gì và tại sao một bộ phận người Việt có cái nhìn như vậy?

“Bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa
Một nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẹ

Từ thế kỷ 16, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị thánh mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Lý, tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh chính bởi đó là một nghệ thuật trình diễn tổng hợp có âm nhạc, bài hát, điệu múa, trang phục, có các đạo cụ, lề lối trong trình diễn cùng những thực hành văn hóa như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, phát lộc hoặc lắng nghe lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng… Tất cả những cái đó là giá trị văn hóa. Đâu đó có trong các nghệ thuật trình diễn khác của Việt Nam cũng có, nhưng nó đã được hội nhập, tích hợp và sáng tạo ở tín ngưỡng này tạo thành giá trị văn hóa đặc sắc - lên đồng.

Giá trị văn hóa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình diễn với thể hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh. Các thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu như một vở kịch có lớp lang, được trình diễn theo thứ tự bởi ý niệm, bởi thực hành với sự thay đổi âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cách thức trình diễn. Ngoài ra không thể không kể đến giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí, thêu may trong điện thờ, trong trang phục và đồ lễ.

“Chúng ta phải nhìn nhận rõ, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng…”, TS Nguyễn Thị Minh Lý nhấn mạnh. Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.

Hầu đồng chỉ là một phần của thực hành tín ngưỡng Tam phủ

Chia sẻ về việc nhiều người đánh đồng việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với hầu đồng, PGS-TS Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia khẳng định, điều này là hoàn toàn sai lầm. Hầu đồng chỉ là một mắt xích, một phần rất nhỏ của di sản này.

Theo PGS-TS Từ Thị Loan, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc bộ, Bắc Trung bộ và TPHCM mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt; là nơi người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Cùng chung quan điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, khi trở thành một hệ thống tín ngưỡng, tục thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng nhiều yếu tố Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo và đặc biệt là sân khấu của diễn xướng dân gian. Trong đó, điểm đặc sắc nhất của tín ngưỡng này là một tập hợp của nghệ thuật ngôn từ (các bài văn), nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật nhảy múa dân gian… cộng với các nghi lễ tôn giáo như dâng hương, cầu cúng, hầu đồng…

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa mang tính thực hành, vừa mang tính sân khấu rất rõ. Trong đó, về mặt vũ đạo, nó tích hợp các điệu múa từ cung đình đến dân gian của các loại hình khác nhau như tuồng, chèo… Về âm nhạc thì có cung văn với đàn, sáo, nhị… Ngoài ra, còn là các yếu tố về trang phục, không gian, thời gian”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ phân tích.

“Do đó, nếu coi tôn vinh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chỉ là tôn vinh hầu đồng, thì đó đã làm giảm giá trị của di sản này”, PGS-TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Theo Mai An - SGGP





 

Các bài mới
Các bài đã đăng