Những vấn đề di sản
Hành trình mười năm của di sản văn hóa Huế - di sản văn hóa thế giới
15:16 | 25/06/2009
NGUYỄN QUỐC HÙNGNăm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm Quần thể Di tích Kiến trúc Huế được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, 10 năm với rất nhiều thành tựu đổi thay. Nhớ lại chỉ sau 5 năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Tiến sĩ Richard Engelhardt chuyên gia về văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã mạnh dạn tuyên bố: “tình trạng cứu nguy khẩn cấp của khu di tích Huế đã qua đi” và “chúng ta chuyển từ giai đoạn khẩn cấp sang giai đoạn ổn định trong chiến dịch vận động bảo tồn di tích Huế”(1)

Đạt được thành quả ấy, chúng ta đã phải nỗ lực phấn đấu trong một thời gian dài, những thành công bước đầu của công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế gắn chặt với những bước đi lên của đất nước. Nhớ lại những năm giữa thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, bị bao vây, cấm vận; nền kinh tế quan liêu bao cấp trong kháng chiến không còn phù hợp ở thời kỳ hậu chiến. Quần thể Di tích Huế sau bao năm rơi vào lãng quên, bị chiến tranh và thiên tai tàn phá; những đền đài cung điện đổ nát, cỏ cây um tùm; tường thành chỗ sập đổ, chỗ nứt nẻ, chỗ mang đầy vết đạn; sông, hào, hồ nước chỗ trồi, chỗ sụt; lăng mộ hoang vu... cộng thêm vào đó là những xóm nhỏ mọc lên chen lấn trong các eo bầu, ngõ ngách của thành nội.

Ngay trong thời kỳ khó khăn nhất ấy, chúng ta đã chú ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế. Với quan niệm di tích Huế là tài sản chung của đất nước, sản phẩm của công sức và tài năng sáng tạo của nhân dân ta, ngày 29 tháng 4 năm 1979, di tích Thành nội Huế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng đặc cách theo Quyết định số 54/VHTT-QĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn, không chỉ đối với di tích Huế, nhiều di tích khác trên đất nước ta cũng rơi vào tình trạng bị hư hại nặng nhưng nguồn lực về kinh phí đầu tư, con người (tổ chức quản lý, cán bộ chuyên gia) còn thiếu và yếu. Sự hấp dẫn của di tích thời gian này cũng chưa cuốn hút bằng những hoạt động nhằm vực dậy nền kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Dần dà, cùng với sự đi lên của đất nước, di tích Huế cũng từng bước khởi sắc, bộ máy tổ chức quản lý di tích Huế được nâng lên, hoàn thiện dần. Từ chỗ là một bộ phận nằm dưới sự quản lý của phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin, đến năm 1977 ra đời một Ban Kiến thiết di tích, cuối năm 1980 lại tách ra làm hai đơn vị là Ban Quản lý di tích và Xí nghiệp tu sửa di tích trực thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh. Năm 1982, một tổ chức ổn định đủ tầm cỡ để quản lý di tích Huế ra đời, đó là Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (tiền thân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 1992), trực thuộc Ủy ban Nhân dân Tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Cùng với sự lớn mạnh về bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công nhân viên của cơ quan quản lý di tích Huế cũng ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Ban đầu chỉ có một số ít cán bộ trong phòng Bảo tồn Bảo tàng chăm lo công tác bảo tồn Quần thể Di tích Huế, ngày nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có đội ngũ cán bộ công nhân viên gần bảy trăm người, với nhiều phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong số họ, nhiều người có trình độ đại học, trên đại học, được đào tạo ở trong và ngoài nước. Hiệu quả tất yếu của sự lớn mạnh đó là sự phát triển của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế.

Những bước đi mang tính bứt phá của công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Huế được đánh dấu bằng bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật về bảo tồn di tích Huế đã được bảo vệ ở cấp Nhà nước, trong đó có 20 di tích được tập trung đầu tư trong giai đoạn 1983-1987(2). Từ sau khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập, nền kinh tế có những bước phát triển quan trọng, nhiều thành tựu mới trong kinh tế, xã hội, ngoại giao đã nâng vị trí nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế. Sự bao vây cấm vận nước ta đã được dỡ bỏ, tạo cơ hội cho sự hội nhập quốc tế. Về mặt di sản văn hóa, bên cạnh những chính sách, văn bản của Đảng và Nhà nước, Pháp lệnh Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1984 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta. Trong bối cảnh đó, bằng những nỗ lực của chúng ta cộng thêm với sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới thông qua tổ chức UNESCO, Quần thể kiến trúc Huế đã được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Năm 1994, Chính phủ thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích là một bước ngoặt quan trọng, một bước đột phá trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta. Đó là một cơ hội cho sự ra đời các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng xây dựng Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cố đô Huế 1996-2010, ngày 12/2/1996 Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 105/TTg phê duyệt dự án với tổng mức kinh phí 720 tỷ đồng.

Sự kiện được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới và Dự án Quy hoạch nêu trên được Chính phủ phê duyệt đã tạo sự ổn định vững chắc cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế. Đó cũng chính là lý do vì sao chỉ sau 5 năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Quần thể Di tích Huế đã thoát khỏi giai đoạn cứu nguy khẩn cấp.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tháng 7 năm 1998 và Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua tại kỳ họp thứ chín ngày 26 tháng 6 năm 2001, đến ngày 12 tháng 7 năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh ban hành, là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Huế nói riêng và các tài sản văn hóa của nước ta nói chung trong thời kỳ mới.

Ngoài những thuận lợi do sự phát triển của đất nước đem lại, những hoạt động quốc tế cũng tác động không nhỏ vào quá trình bảo tồn di sản Huế. Việc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập, phát triển của các Di sản Văn hóa Thế giới ở nước ta.

Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thời gian qua(3) cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể tại tỉnh nhà ngày một bài bản, khoa học hơn. Nhà hát Cung đình Huế được thành lập, nhiều vốn cổ trong kho tàng nghệ thuật cung đình được nghiên cứu tìm tòi, phục dựng và bảo tồn. Công tác đào tạo, tuyển chọn nghệ nhân và truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng đã được Ủy ban Nhân dân Tỉnh và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quan tâm. Một số chương trình Nhã nhạc chọn lọc đã được dàn dựng tham gia các hoạt động trong nước và quốc tế. Nhiều cuộc Hội thảo trong nước và quốc tế về âm nhạc cung đình và di sản văn hóa phi vật thể đã được tổ chức tại Huế. Năm 2002, với sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hồ sơ Âm nhạc cung đình Việt Nam thời Nguyễn (Nhã nhạc) đã được Chính phủ cho phép gửi đến UNESCO để đề nghị ghi tên vào Danh mục kiệt tác Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Đây là bộ hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được hoàn thiện gửi đến UNESCO để đưa vào tuyên bố của tổ chức này.

Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế là một sự kết hợp hài hòa giữa những tác động của ngoại lực và những kết quả vận động tự thân của Huế. Có thể nói trong mỗi bước đi lên, khởi sắc của khu di tích Huế không thể tách rời sự đóng góp to lớn của mỗi người dân xứ Huế. Ít có nơi nào trên đất nước ta người dân địa phương lại có những am hiểu sâu sắc về di sản văn hóa của mình như người dân Huế. Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, dịch vụ du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là những nguồn lực tiềm tàng và cũng là nguồn động viên đối với những người trực tiếp được giao trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huếú là những người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa. Thời gian mười năm kể từ khi Huế được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới chưa phải là dài so với quãng đường 21 năm của Trung tâm, 24 năm được xếp hạng Di tích quốc gia và 28 năm kể từ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Các thế hệ làm công tác bảo tồn phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế đã đổ bao công sức, tâm huyết, trăn trở để việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản ngày một tốt hơn. Ngày nay, đứng trước những vận hội mới của đất nước, những cơ hội bảo tồn ổn định của Di sản Văn hóa Huế đang mở ra, nhưng không phải đời sống của tất cả cán bộ công nhân viên của Trung tâm đều khá giả. Nhiều người vẫn phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Dẫu vậy, mọi người vẫn đồng lòng nhất trí quyết tâm chăm lo cho Di sản Văn hóa Huế ngày một tốt hơn. Bởi đây không chỉ là một công việc đơn thuần vì miếng cơm, manh áo, đây còn là tấm lòng của chúng ta đối với các bậc tiền nhân đã xây dựng và truyền lại cho chúng ta một Di sản Văn hóa - Di sản Thế giới. Người Huế chăm lo cho Di sản Văn hóa, ngược trở lại Di sản Văn hóa đã và đang trả công cho người Huế bằng việc tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn, hàng vạn lao động trên các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, giao thông, giải trí... và cao hơn cả là các giá trị văn hóa Huế đang ngày một được đề cao.

Không phải đến bây giờ khi Di sản Văn hóa Huế trở thành Di sản Văn hóa Thế giới mới được biết đến, mà ngay từ xa xưa Huế đã nổi tiếng là chốn đế đô của triều Nguyễn với sông Hương- núi Ngự và bao nhiêu nét riêng tư độc đáo trong nếp ăn, ý ở của xứ Huế. Để Di sản Văn hóa Huế trở thành một địa chỉ hội tụ thường xuyên hơn của nhân dân trong và ngoài nước, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã có sáng kiến tổ chức Festival Huế 2 năm một lần. Chính qua các hoạt động như vậy, Di sản Văn hóa đã hội nhập tích cực hơn với cuộc sống chung của cả nước và thế giới. Hình ảnh Huế và Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn, đậm nét hơn; mỗi năm Huế đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và nghiên cứu là thành quả rất đáng khích lệ. Chắc chắn trên đà phát triển đi lên của đất nước, sự hấp dẫn của Di sản Văn hóa Huế sẽ còn thu hút ngày càng nhiều hơn khách tham quan du lịch.

Trước khi Di sản Văn hóa Huế trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Huế đã đón được đón nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan nghiên cứu, trao đổi; sau khi trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, các cơ hội hội nhập, trao đổi nghiên cứu lại càng được đẩy mạnh và bài bản hơn. Huế đã trở thành một trung tâm của các cuộc Hội thảo khoa học về Di sản Văn hóa của cả nước. Nhiều cuộc Hội thảo quốc tế lớn đã được tổ chức tại đây. Nhiều cán bộ chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ở nước ngoài. Thông qua các hoạt động này đội ngũ cán bộ của Trung tâm ngày một trưởng thành về cả trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quan hệ quốc tế. Hình ảnh Di sản Văn hóa Huế thông qua họ nhờ thế được tôn thêm. Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, Huế còn nhận được sự tài trợ của rất nhiều tổ chức quốc tế và các nước như: UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Anh, Pháp, Đức... trong quá trình nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ bảo tồn di tích.

Sau mười năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, với những tiền đề thuận lợi về chính trị xã hội, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ chuyên gia đang lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên để Di sản Văn hóa Huế mãi mãi tồn tại với thời gian, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn lại những việc đã làm, những thành quả đã đạt được thật to lớn, rất đáng trân trọng. Song để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế, chúng ta cần đi sâu tìm hiểu những điều còn bất cập trước đòi hỏi của thời kỳ mới, thời kỳ ổn định của công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế.

Để có thể đánh giá khách quan những tồn tại nhằm tìm ra những giải pháp tốt hơn trong thời gian đến, chúng ta cần nghiêm túc tập hợp, phân loại những ý kiến phản đối khác nhau về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế thời gian qua. Loại trừ những yếu tố khách quan, chúng ta còn yếu và thiếu ở những khâu nào? Phải chăng chúng ta còn bị thúc ép về mặt thời gian thực hiện dự án cho kịp với các kỳ lễ hội, hay chúng ta còn thiếu cơ quan tư vấn lập dự án, thiếu chuyên gia, nghệ nhân và công nhân kỹ thuật thực thi dự án, thiếu cơ chế cho việc bảo dưỡng thường xuyên di tích, thiếu những chuyên gia nghiên cứu về công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, thiếu đầu tư chiến lược cho các di sản văn hóa phi vật thể... Cần phải phân tích, đánh giá thật kỹ lưỡng để đề ra những quyết sách ổn định lâu dài, phù hợp với công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế trong giai đoạn tiếp theo.

Việc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới cũng tức là những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản của chúng ta phải tiến tới đạt chuẩn thế giới. Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta không cầu toàn, không rập khuôn máy móc, song cũng không được phép hành sự một cách đơn giản, chủ quan. Khi chúng ta bước ra khỏi thời kỳ cứu nguy khẩn cấp, bước vào giai đoạn ổn định thì những việc làm mang tính cấp cứu vội vã phải được loại bỏ dần để đi vào những hoạt động bài bản và chuẩn mực hơn. Cần kiên quyết loại bỏ những dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, những tổ chức, cá nhân thi công không đủ tay nghề và phẩm chất; tăng cường hơn nữa chất xám cho công tác chuẩn bị và thực thi dự án. Để chuẩn bị cho tương lai và để đáp ứng nhu cầu của công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế, cần phải có chiến lược lâu dài trong việc thu hút nhân tài, huy động tối đa chất xám của đội ngũ trí thức, nghệ nhân tại địa phương và trong cả nước; tập trung đào tạo đội ngũ nghệ nhân thực thi công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi Di sản Văn hóa; nghiên cứu, hoạch định, phát triển nguồn nguyên vật liệu truyền thống ổn định cho công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; tổ chức tốt công tác thí nghiệm trước khi đưa ra thực thi đại trà; nghiên cứu, sưu tầm các vốn cổ, ưu tiên cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa; chỉnh sửa những khiếm khuyết do giai đoạn trước để lại xây dựng các phương án giảm thiểu các tác động tiêu cực do sự phát triển du lịch đưa lại.

Di sản Văn hóa Huế là tổng hợp các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đối với mỗi loại hình có tính chất phức tạp và đặc thù riêng, do đó cần phải có sự ứng xử phù hợp với từng trường hợp cụ thể, không nên máy móc, nhưng cũng không được xa rời nguyên tắc bảo tồn tính chân xác của di sản.

Đối với Quần thể Di tích Kiến trúc Huế, công tác nghiên cứu về các giá trị di tích thời gian qua đã được đẩy mạnh, rất nhiều ấn phẩm về di tích Huế và triều Nguyễn đã được xuất bản. Tuy nhiên, phần lớn xuất bản phẩm chỉ mới tiếp cận Di sản Huế dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, còn những chuyên khảo về kỹ thuật bảo tồn, vật liệu kiến trúc truyền thống, kết cấu kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, hội họa, các công nghệ truyền thống còn rất thiếu vắng. Do vậy, trong những năm tới cần tập trung đầu tư hơn nữa cho các lĩnh vực chuyên môn này để có thể đúc rút thành những bài bản khoa học, phục vụ công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được tốt hơn.

Đối với Di sản Văn hóa phi vật thể ở Huê,á vẫn còn thiếu vắng một chiến lược lâu dài cho công tác quản lý, điều tra, sưu tầm, kiểm kê các bài bản, kỹ năng nghệ thuật truyền thống, lập hồ sơ nghệ nhân, đào tạo thế hệ kế cận... Đó là những việc làm vừa mang tính chất cấp bách, lại vừa phải có tầm nhìn xa. Trong những năm tới cần xây dựng một dự án về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể xứ Huế cho xứng với tầm vóc của Di sản Thế giới.

Sau 10 năm, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Di sản Văn hóa Huế đang ngày càng hội nhập và phát triển cùng sự đi lên của đất nước, từng bước vươn lên trình độ quốc tế, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng. Di sản Văn hóa Huế được phát huy đã hòa nhập với cuộc sống đi lên của đất nước, Di sản Văn hóa được bảo tồn góp phần không nhỏ cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch, hàng không và các ngành dịch vụ khác của đất nước. Ngược trở lại, kinh tế phát triển tạo thêm cơ hội cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa. Cùng với thời gian, tầm vóc của văn hóa Huế vươn cao hơn, xa hơn, Di sản Văn hóa Huế đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa của nước ta, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa của xã hội.

Trong giai đoạn tới đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn thử thách. Thuận lợi thì đã rõ, chỉ cần chúng ta biết nắm bắt và phát huy; còn khó khăn thách thức lại nằm ngay trong nhận thức và hành động của chúng ta trong công tác quản lý điều hành và thực thi công việc, chúng ta hãy luôn thận trọng để Di sản Văn hóa Huế còn mãi với thời gian.

 N.Q.H
(178/12-03)


-----------------
1. Richard Englhardt, Di sản Văn hoá Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn, Di sản Văn hoá Huế 20 năm bảo tồn và phát huy giá trị, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, 2002, tr.80-81.
2. Văn Nhĩ, Dấu ấn 20 năm của hành trình văn hoá hai thế kỷ, sđd, tr.61-65.
3. Khuyến nghị về bảo vệ di sản văn hoá truyền thống và dân gian năm 1989 của UNESCO – Tuyên bố về các kiệt tác của di sản truyền miệng và phi vật thể của nhân loại của UNESCO tháng 11 năm 1977.
Ngày 18 tháng 5 năm 2001, lần đầu tiên UNESCO tuyên bố 19 kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Các bài mới
Các bài đã đăng