Những vấn đề di sản
Di sản văn hóa thế giới - Di tích cố đô Huế - 10 năm nhìn lại
15:20 | 25/06/2009
LƯU TRẦN TIÊUHiếm có một miền đất nào mà ở đó những giá trị văn hóa lại đậm đặc, phong phú, đa dạng và đặc sắc như ở Huế. Từ góc nhìn địa - chính trị - văn hóa, xứ Huế xưa như là một vị trí chiến lược trọng yếu, vừa là cầu nối, vùng đất mở, vừa là nơi diễn ra sự chồng lấn, dung hợp, tiếp biến các vùng văn hóa, các dòng văn hóa để tạo dựng thành một trung tâm văn hóa trên cái nền chung của văn hóa Việt Nam, lóng lánh những nét riêng đặc sắc của mình.

Huế là Kinh đô xưa duy nhất còn lại ở nước ta với sự hiện diện của một quần thể khá hoàn chỉnh các công trình kiến trúc cung điện, thành quách, lăng tẩm, đền miếu..., cùng với những thiết chế hoạt động cung đình và dân gian chứa đựng một kho tàng đồ sộ về văn hóa vật chất và tinh thần, hài hòa, nhuần nhụy trong môi trường cảnh quan đến mức tuyệt diệu, đúng như lời của cựu Tổng Giám đốc UNESCO, ngài M'Bow đã nhận xét: "Huế là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị". Chính vì thế chúng ta không bất ngờ khi được tin tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức tại Cartagena ngày 11 tháng 12 năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được chính thức ghi nhận là địa danh thứ 410 trong Danh mục các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Mười năm nhìn lại, chúng ta vui mừng nhận thấy công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế đã có những bước tiến khá xa so với quỹ thời gian vật chất mà nó có.

Trước hết vẫn là bước tiến về nhận thức. Đã có một thời di tích Huế gần như bị lãng quên, chỉ còn là sự hoài niệm hoặc xót xa cho vẻ hoang tàn, không còn sức sống của nó. Nhưng nay đã khác rồi, di sản văn hóa Huế đã trở thành niềm tự hào và sự quan tâm chung của người dân xứ Huế, người dân Việt Nam, bởi tầm giá trị toàn cầu nổi bật của nó, bởi công sức, tiền của và tài năng của những nhà chuyên môn, những người thợ, những nhà quản lý và những người yêu Huế bỏ ra cho việc bảo tồn di tích Huế đã được trả công xứng đáng: Hơn 80 công trình di tích và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hỏng khác nhau đã được tu bổ, diện mạo Quần thể Di tích Huế dần dần được hiện ra. Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của chúng ta là cơ sở để Kỳ họp lần thứ 9 Nhóm Công tác Huế -UNESCO tháng 2 năm 1998 đưa ra nhận định: "Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang đi dần vào công cuộc bảo tồn vững chắc". Di sản văn hóa Huế đang thu hút ngày một nhiều khách tham quan (từ hơn 200.000 người năm 1993 đến hơn 1,3 triệu người năm 2002) và doanh thu từ di tích đã tăng một cách đột biến (từ hơn 4 tỷ đồng năm 1993 đến gần 34 tỷ năm 2002). Việc bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Huế không còn là việc riêng của những người làm công tác văn hóa mà trở thành trách nhiệm chung, sự quan tâm chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng. Thực tế hoạt động của di tích Huế cho thấy, đầu tư cho văn hóa, cho di tích chính là đầu tư cho phát triển; di sản văn hóa không những là tài sản tinh thần vô giá đối với đất nước mà còn là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Huế cũng là địa phương đi đầu trong việc tiếp cận với cách nhìn mới về hoạt động bảo tồn. Thay vì bảo tồn đơn lẻ đối với từng di tích, khái niệm bảo tồn mới tập trung bảo tồn diện mạo tổng thể của văn hóa, cả những giá trị vật thể và phi vật thể, bảo tồn cả môi trường cảnh quan, giải quyết một cách hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy di tích với quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng cư dân cư trú trong khu vực xung quanh di tích thông qua quy hoạch và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những nhà quản lý và chuyên môn về bảo tồn di tích Huế đã rất thành công trong việc khai thác những lợi thế riêng có của mình để tạo nên sự sinh động, hiệu quả hoạt động trong môi trường di tích. Việc phục hồi Nhà hát Hoàng cung, phục hồi các môn nghệ thuật truyền thống như Nhạc cung đình, Tuồng cung đình, Múa cung đình và Lễ hội cung đình Huế là một ví dụ. Đi xa hơn, việc tổ chức sản xuất các vật liệu truyền thống như ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly; từng bước bảo tồn các ngành nghề thủ công truyền thống như nghề chạm khảm, nề ngõa, điêu khắc, hội họa, lắp ghép sành sứ, sơn thếp, đúc đồng truyền thống... không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật và mỹ thuật trong công tác bảo tồn di tích Huế mà còn tạo ra được những sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ du lịch bền vững, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân, gắn bó người dân với di sản văn hóa.

Trong một thời gian không dài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thiết lập được hơn 200 bộ hồ sơ khoa học; ghi chép, phiên âm dịch nghĩa hơn 6.000 đơn vị văn tự chữ Hán; tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo khoa học; xuất bản gần 25 công trình về di tích Huế, là một cố gắng, một kết quả đáng trân trọng, chưa có một khu di tích nào ở nước ta làm được như vậy.

Cũng khó tìm thấy một di tích nào ở nước ta lại hội tụ được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tu bổ hoặc giúp đỡ về tài chính như ở di tích Huế. Chúng ta luôn gặp ở đây những chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau từ Thủ đô Hà Nội, những người thợ lành nghề của các địa phương đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Chúng ta đã học được nhiều kinh nghiệm quý về công tác tu bổ của các chuyên gia Ba Lan ở di tích Thế Miếu, của các chuyên gia Nhật ở các di tích Hữu Tùng Tự; về kỹ thuật phục hồi tranh tường ở cung An Định của chuyên gia Đức; về phương pháp bảo tồn thích nghi của các chuyên gia vùng Lille (Pháp) ở ngôi nhà di sản 73 Lê Thánh Tôn; về phương pháp điều tra, vẽ ghi những ngôi nhà ở truyền thống và phương pháp nghiên cứu, phục hồi điện Cần Chánh của Đại học Waseda (Nhật Bản); phương pháp chống mối mọt của các chuyên gia tổ chức Rhône Poulenc (Pháp) ở di tích Hiển Lâm Các...

Thời gian đã cho chúng ta lòng quyết tâm và sự tự tin vào khả năng bảo tồn và phát huy giá trị với hiệu quả cao Di sản Thế giới được UNESCO công nhận lần đầu tiên ở nước ta - Di tích Cố đô Huế. Thời gian đã khẳng định những kết quả to lớn mà chúng ta đạt được, nhưng đồng thời cũng chỉ ra những gì mà những nhà quản lý, nhà chuyên môn, những người thợ trực tiếp thực hiện việc bảo tồn di tích quan trọng này cần rút kinh nghiệm kịp thời để đáp ứng những yêu cầu cao hơn, đạt được những kết quả toàn diện hơn, vững chắc hơn so với 10 năm đã qua.

Hoạt động bảo tồn - tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đòi hỏi trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật và tay nghề cao; không chỉ đòi hỏi những kiến thức về lịch sử, về mỹ thuật, mà còn cần tâm huyết, lòng kiên trì nhẫn nại, sự cẩn trọng của những người thực hiện bảo tồn di tích. Nó cũng rất cần lời động viên, tính khách quan và sự chia sẻ của công luận.

Đối với Quần thể Di tích Cố đô Huế, độ phức tạp và khó khăn trong công tác bảo tồn vượt xa những di tích khác ở nước ta. Ở đây không chỉ hiện diện với số lượng khổng lồ những công trình cần tu bổ (hơn 300 công trình), không chỉ khó khăn về mặt tư liệu, mà những yêu cầu cao về mặt kiến thức, kỹ thuật, tay nghề đối với các đối tượng bảo quản với những chất liệu rất khác nhau như gỗ, gạch, đá, sơn thếp, sành sứ, vật liệu xây dựng... còn là một thử thách không nhỏ đối với chúng ta. Tất cả những vấn đề nêu trên cần được tổ chức nghiên cứu và đánh giá việc ứng dụng các công nghệ truyền thống và hiện đại trong việc bảo tồn di tích Cố đô Huế. Đó là công nghệ ngâm tẩm gỗ trước khi lắp dựng, phục hồi các chi tiết gỗ nguyên gốc; công nghệ chống mục cho các kết cấu gỗ do dẫn ẩm từ nền lên và chống thấm trên mái; công nghệ sơn thếp truyền thống phù hợp với điều kiện khí hậu Huế; công nghệ vật liệu xây dựng gạch (gạch, ngói, vữa xây và trát); công nghệ khảm sành sứ. Công tác bảo quản, phục hồi các tranh tường, mẫu tự Hán cổ - những "ô thơ" trên di tích Huế, cũng cần được quan tâm đúng mức.

Đi đôi với công tác nghiên cứu và kiểm định trên thực tế những công nghệ hiện đại, công nghệ truyền thống đã và đang được áp dụng trong công tác tu bổ ở các di tích Huế, cần tổ chức các hình thức đào tạo, truyền nghề; có cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia vào công tác tu bổ và truyền dạy của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ. Thành lập một đội thợ ổn định, có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ các di tích đã được tu bổ. Có như vậy mới kéo dài được tuổi thọ của công trình.

Trong quá trình tổ chức triển khai việc bảo tồn - tôn tạo một di tích, cần phân công hoặc hợp đồng với một chuyên gia có trình độ chuyên môn cao thực hiện trách nhiệm như là người giám sát, thường xuyên có mặt trên công trường để theo dõi, kiểm tra việc thi công, chỉnh sửa những chi tiết làm chưa chuẩn xác; đồng thời ghi chép thành tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm về sau. Sau khi kết thúc việc tu bổ một công trình, cần công bố kết quả của sản phẩm thi công để nhân dân biết và đánh giá. Đây cũng là một hình thức dân chủ hóa trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Thay mặt Nhóm Công tác Huế - UNESCO, xin nhiệt liệt chúc mừng những kết quả to lớn về nhiều mặt mà tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đạt được trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới - Di tích Cố đô Huế. Với tình yêu đối với Huế, chúng ta tin rằng Di sản Văn hóa Huế trường tồn với thời gian, lan tỏa rộng hơn trong không gian, trở thành điểm hẹn có sức cuốn hút đối với nhân dân mọi miền đất nước và bè bạn quốc tế, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

L.T.T

(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng