Những vấn đề di sản
Di sản thế giới Huế - những ảnh hưởng và thách thức
10:23 | 29/06/2009
BEATRICE KALDUN         (Nhân viên chương trình Văn hoá của UNESCO tại Bangkok)Xin chào quý vị đại biểu!Hôm nay, tôi xin bày tỏ sự vui mừng khi có mặt tại đây, đại diện cho Ngài Richard Engelhardt, Cố vấn Văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia cuộc Hội thảo về vấn đề bảo tồn và phát triển hội nhập của Huế, một trong những di sản quý giá nhất của Việt Nam và Thế giới.
Di sản thế giới Huế - những ảnh hưởng và thách thức
Bà Beatrice Kaldun

Cuộc Hội thảo được tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới, thay mặt cho UNESCO tôi xin chúc mừng các bạn đã đảm bảo được công cuộc bảo tồn Di sản Văn hóa Huế, một công cuộc đầy gian nan vất vả trong 10 năm qua. Sự cống hiến lớn lao của các bạn trong sự nghiệp bảo tồn Di sản Huế đã đưa Quần thể Di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Thế giới vào năm 1993.

Đặc biệt, tôi cũng xin chúc mừng đơn vị tổ chức cuộc Hội thảo này về sáng kiến liên kết nhiều chuyên gia với các tổ chức, chính phủ khác trong mối quan tâm chung đến tình trạng tốt đẹp lâu dài của khu di tích Huế, cũng như nhiều di sản khác ở châu Á và trên Thế giới, đang đối mặt với vấn nạn phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng.

Gặp mặt tại cuộc Hội thảo này là một bằng chứng cho việc các Di sản Văn hóa Thế giới luôn đòi hỏi được bảo tồn hơn nữa và cải cách việc quản lý. Chính quá trình tự lão hóa dạy cho chúng ta rằng trong việc chăm lo cho di sản lịch sử, nhiệm vụ của chúng ta không bao giờ có thể kết thúc được. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tình trạng mà chúng ta có thể quay lưng lại, nói rằng mọi công việc đã được làm tốt rồi về nhà và xem Tivi.

Nếu chúng ta có thể đảm bảo các di tích như di tích Huế sẽ còn tồn tại ở những thế kỷ sau thì các nhà khảo cổ học và các nhà bảo tồn di tích phải liên kết mạnh mẽ với trách nhiệm lập các kế hoạch phát triển địa phương nhằm đảm bảo việc bảo tồn di sản là một phần trong quy hoạch phát triển của thành phố và đất nước. Trên cơ sở đôi bên cùng chung mối quan tâm và lợi ích, việc liên kết này cũng phải được thiết lập cùng với ngành công nghiệp du lịch - một ngành công nghiệp kinh doanh di sản như một loại hàng hóa chủ yếu, dựa vào việc bảo tồn và phát huy di sản ấy để đạt được sự phát triển bền vững và khả năng tồn tại như một nhân tố kinh tế.

Tất cả chúng ta phải cùng gánh vác trách nhiệm trong việc bảo tồn Huế. Đây là bức thông điệp chính mà tôi muốn đem đến cho các bạn tại cuộc Hội thảo này. Vấn đề bảo tồn di sản cũng quan trọng như vấn đề xã hội và kinh tế, không chỉ là công việc của các nhà khảo cổ. Di sản của chúng ta là tất cả những gì chúng ta có được từ quá khứ, những gì mà chúng ta sống trong hiện tại và những gì mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai. Nhưng di sản còn là cái hơn cả giá trị tồn tại giữa các thế hệ. Nó cũng là nguồn để phát triển tương lai và là công cụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nó như là một đặc điểm để nhận biết một vị trí đặc biệt, một di sản văn hóa không chỉ là sự hiện thân của lịch sử mà còn là "nét đặc trưng" của cộng đồng, hàm chứa một tính cách độc đáo và một diện mạo riêng của mỗi vùng trong hệ thống thế giới ngày càng bị đồng hóa. Vì vậy Huế là nền tảng cho sự phát triển tương lai của một vùng Huế rộng lớn hơn.

Sự phát triển dựa trên nền tảng văn hóa của mỗi cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường tự nhiên và xã hội nhân tính hơn, thân thiện hơn, một môi trường vật chất và xã hội dễ chấp nhận hơn. Một nơi không có sự bảo tồn các di tích có tính biểu tượng của cộng đồng, không có môi trường xây dựng truyền thống và cảnh quan văn hóa, nơi đó có thể phát triển về mặt kinh tế nhưng sự phát triển này không có bản sắc riêng và không có giá trị về mặt tinh thần.

Ở mức độ cảm tính, chúng ta có thể nhận thức được giá trị của việc bảo vệ di sản của chúng ta, nhưng thực tế khắc nghiệt của những gì đang xảy ra quanh chúng ta sẽ khiến chúng ta ngừng lại. Tỷ lệ gia tăng dân số hiện nay được nâng lên do sự di dân nông thôn - thành thị, kết quả của việc bùng nổ xây dựng và nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng, sự coi thường việc bảo tồn các điều kiện tiên quyết về môi trường ở mức tối thiểu cần thiết cho cuộc sống như nước và không khí, sự độc lập về kinh tế dựa trên phát triển du lịch đồng loạt ở các di tích lịch sử, tất cả gây nên tình trạng nghiêm trọng đáng báo động về sự tồn tại lâu dài của các tài nguyên lịch sử và văn hóa của chúng ta.

Tình thế nan giải của chúng ta là ở đó. Làm sao chúng ta có thể sử dụng di sản văn hóa của chúng ta như một nguồn tài nguyên kinh tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội mà không làm lãng phí và giảm giá trị của nguồn tài nguyên này?

Đây là mối quan tâm chính của UNESCO khi vạch ra Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Công ước này - còn gọi là Công ước Di sản Thế giới, là phản ứng có tính liên kết quốc tế đầu tiên trước sự quan tâm được nêu lên trong Hội nghị Quốc tế về môi trường ở Stockholm, về nhu cầu hành động cẩn trọng và có hệ thống trên quy mô toàn cầu để bảo vệ các di sản địa phương ở khắp nơi.

Công ước Di sản Thế giới không phải là công cụ để lựa chọn ra những di sản nhất định, bằng cách này hay cách khác đề cao tầm quan trọng của nó hơn những di sản khác và để mặc những di sản còn lại cho số phận, như một số suy nghĩ lệch lạc. Trái lại, Công ước Di sản Thế giới là một phương tiện để phát huy việc bảo tồn di sản với quy mô càng rộng càng tốt, nó được ghi vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, các chính quyền và cộng đồng ở khắp nơi.

Những di sản, như Huế chẳng hạn, được ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới, là sự công nhận giá trị toàn cầu của nó như một ví dụ cho tất cả chúng ta về việc bảo tồn di sản có thể được kết hợp thành công ra sao với các kế hoạch và sự thịnh vượng trong tương lai của cộng đồng.

Vì thế, nếu chúng ta chịu trách nhiệm về một Di sản Thế giới, phận sự của chúng ta là phải đảm bảo rằng Di sản ấy là Di sản được bảo vệ tốt nhất, một mặt để thế giới tham quan và học hỏi, mặt khác nhằm thúc đẩy mọi tổ chức - cả tập thể lẫn tư nhân, cả thương mại lẫn từ thiện - (để thúc đẩy tất cả các thành phần) trong cộng đồng có Di sản Văn hóa để bảo vệ các tài nguyên văn hóa khác và sử dụng như một nguồn vốn cho sự phát triển trong tương lai.

Điều này giải thích vì sao Công ước Di sản nhấn mạnh đến việc quản lý Di sản, như một trọng tâm chính của Công ước. Điều này cũng giải thích vì sao sự trợ giúp từ Quỹ Di sản Thế giới lại dành cho các cơ quan quản lý Di sản để giúp đỡ họ duy trì các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trong công việc. Điều này giải thích vì sao UNESCO lại dành sự ưu tiên vào việc ủng hộ cho Di sản, vì sao việc duy trì và quản lý Di sản Thế giới lại có nhiều mối quan tâm và khảo sát kỹ lưỡng ở cấp quốc tế, quốc gia, cộng đồng, học đường, hợp tác và tư nhân đến vậy.

Trong một bài phát biểu rất ngắn, tôi không muốn tuyên bố bất kỳ điều gì về việc Huế nên được quản lý và bảo tồn như thế nào. Đó là vấn đề phải do nhiều người quyết định và sẽ được bàn vào kỳ họp của Nhóm Công tác Huế - UNESCO lần thứ X sắp đến về việc giữ gìn Di tích Huế và Di sản Thế giới. Tôi và các cộng sự của mình đến đây để lắng nghe và học hỏi từ các bạn, giúp đỡ các bạn bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật lẫn tài chính mà UNESCO và Trung tâm Di sản Thế giới có thể mang đến để đảm bảo rằng Huế đang và sẽ tiếp tục được quản lý, giữ gìn như một Di sản Thế giới điển hình.

Ngày hôm qua, chúng tôi đã thăm các di tích và rất hài lòng khi thấy rằng bất cứ những khó khăn nào còn tồn đọng trong vấn đề bảo tồn, dù khó khăn đến đâu cũng không phải là không có cách giải quyết.

Xin được nói ngoài lề một chút rằng tất cả các khu di sản đều có những khó khăn trong việc bảo tồn, tu bổ và quản lý. Do bản chất thực sự của các di tích lịch sử, có những vấn đề khó khăn trong việc bảo tồn mà di tích càng cổ thì khó khăn càng lớn. Điều này không cần phải khiến chúng ta sợ hãi hoặc phải có những biện pháp khoa trương để phục hồi hoặc trùng tu di tích, nhưng điều đó nhắc chúng ta nhớ rằng phải luôn luôn cần hết sức chú ý đến việc quản lý và bảo tồn di tích lịch sử, cũng như việc cần thiết phải chú ý đến việc bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta lúc tuổi già.

Tôi muốn gợi nhớ lại vào năm 1998, trong kỳ họp thứ IX của Nhóm Công tác Huế - UNESCO bàn về việc bảo tồn di tích Huế và Di sản Thế giới, Ngài Richard Engelhaldt đã tuyên bố giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” của di tích Huế đã qua đi và đã đến lúc chuyển sang giai đoạn “phát triển bền vững”.

Thách thức trước mắt chúng ta hồi đó và bây giờ là củng cố những thành tựu của hơn 20 năm qua, đẩy mạnh công cuộc bảo tồn và quản lý di sản cấp quốc tế ở Huế để đảm bảo rằng những di tích lịch sử được bảo tồn một cách chân xác, việc bảo tồn những di tích này sẽ đóng góp vào sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Những nguyên tắc cho việc bảo tồn dài hạn và quản lý di sản đã được Nhóm Công tác Huế - UNESCO (kỳ họp lần thứ VIII) chính thức thông qua vẫn còn rất có hiệu lực và những người thực sự mong muốn đóng góp vào việc bảo tồn di sản phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng (xem Báo cáo của kỳ họp thứ VIII Nhóm Công tác Huế - UNESCO, trang 62 - 65, bản tiếng Anh).

Tóm lược những nguyên tắc này gồm có 4 mảng hoạt động chính:

I. Sự cần thiết trước tiên là phải bảo vệ tính toàn vẹn của di tích trong một khối thống nhất, có nghĩa là bao gồm toàn bộ cảnh quan văn hóa phong thủy với những khung cảnh rộng lớn và các yếu tố tự nhiên của chúng, cũng như phải bảo vệ những công trình di tích lịch sử riêng lẻ nằm trong khu vực cảnh quan. Những vấn đề được đề cập đến trong các nguyên tắc này là: phát triển đường sá và cơ sở hạ tầng, các điều luật xây dựng, và vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan.

II. Nguyên tắc thứ hai liên quan đến tính chân xác. Nguyên tắc này đặt ra bốn tiêu chuẩn nghiên cứu và ứng dụng bảo tồn, đặt ra những giới hạn chặt chẽ có thể chấp nhận được đối với việc sử dụng phương pháp phục hồi các công trình đã sụp đổ hoàn toàn (Nghị định Hội An)

III. Nguyên tắc thứ ba là việc quản lý con người và vạch ra những nguyên tắc đào tạo đội ngũ cán bộ, quản lý khách tham quan và sự tham gia của nhân dân địa phương trong nỗ lực bảo tồn.

IV. Nguyên tắc thứ tư, cũng là nguyên tắc cuối cùng, là khuyến khích phương pháp làm việc theo nhóm trong việc quản lý di sản, đòi hỏi sự tham gia của mọi thành viên có liên quan. Nguyên tắc này cũng đề cập đến việc phát triển các kỹ năng và thiết bị cần cho phương pháp quản lý theo nhóm này.

Đối với việc bảo tồn dài hạn và quản lý di sản, có 3 vấn đề được xác định:

A. Việc chuẩn hóa các kỹ thuật bảo tồn và việc thực hành tại công trường nhằm đảm bảo rằng công việc được thực hiện với tiêu chuẩn quốc tế cao một cách đồng đều.

B. Việc bảo vệ cảnh quan văn hóa thông qua luật khoanh vùng bảo vệ di tích đã được mở rộng phạm vi và điều chỉnh lại, thông qua việc quản lý môi trường, được phát huy tác dụng bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS)

C. Sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân Thừa Thiên Huế, và đặc biệt nhất là những người sống trong khu vực Kinh thành - thông qua các hoạt động dùng công tác bảo tồn di sản văn hóa làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển về kinh tế.

Đến thăm các di tích và xem các thành tựu của 10 năm qua, chúng ta hẳn không bao giờ quên rằng “cái tốt là kẻ thù của cái tốt nhất”. Chúng ta phải luôn luôn thử thách chính chúng ta, không được chấp nhận cái tầm thường là “đủ tốt rồi” mà phải cố gắng vươn tới tầm cao hơn, để chúng ta có thể đảm bảo rằng không chỉ các di tích lịch sử được cứu vãn, mà di sản văn hóa lớn hơn của nhân dân Việt Nam cũng như của Huế được bảo tồn với những tiêu chuẩn Di sản Thế giới cao nhất ở mức có thể.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Huế được ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới, tôi xin được gửi lời khen ngợi chân thành của UNESCO đối với tất cả các bạn (TTBTDT CĐ Huế, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa - TT) trong những nỗ lực không mệt mỏi để bảo tồn các di tích, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của Huế.

B.K

(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng