Những vấn đề di sản
Văn khắc Champa tại làng Vân Thê
14:26 | 26/01/2021

VŨ HÙNG

Hiện nay, tại nhà thờ tộc Chế làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, lưu giữ một thanh đá dài khoảng 1,2 m, khá vuông, mỗi cạnh khoảng trên 20 cm, trong đó có một cạnh khắc kín chữ còn khá rõ nét.

Văn khắc Champa tại làng Vân Thê
Thanh đá tại nhà thờ tộc Chế làng Vân Thê, 04/11/2019. Ảnh: Vũ Hùng

Theo đề tài nghiên cứu “Khảo sát hiện trạng và triển khai thí điểm một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, thực hiện từ năm 2004 đến năm 2008, của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bên cạnh thanh đá này, tại làng Vân Thê còn có hai tượng voi và 2 tượng nam thần1. Tuy nhiên, các tượng trên không còn nữa.

Bên cạnh nhà thờ tộc Chế làng Vân Thê là một gò đất cao nhiều cây cổ thụ gọi là Lâm Lục, nơi có ngôi mộ ngài thủy tổ tộc Chế và miếu thành hoàng của làng thờ người con của vị thủy tổ, tại chỗ đất cao nhất còn có dấu vết một di tích văn hóa Chàm, có thể là một đền tháp. Các tượng voi và nam thần, thanh đá trên được phát hiện tại gò đất Lâm Lục.

Thanh đá có khắc chữ này không có trong các công trình nghiên cứu về văn khắc Chàm từ trước cho đến nay2. Mặc dù đã có một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu nhưng cũng chưa có bản dịch nào về văn khắc này được công bố.

Qua trao đổi hình ảnh tư liệu về thanh đá, các nhà nghiên cứu Jaya Thiên và Sri Jayahajan3 đã dày công giải mã được nhiều nội dung khắc trên thanh đá. Từ trước cho đến nay, chỉ có các nhà nghiên cứu và chuyên gia Phạn ngữ nước ngoài dịch văn khắc Champa sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh sau đó chuyển ngữ sang tiếng Việt. Vì vậy, việc hai nhà nghiên cứu trong nước giải mã văn khắc này trực tiếp sang tiếng Việt là nỗ lực rất trân trọng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về giá trị nội dung bản dịch. Trong khi chờ công bố bản dịch đầy đủ, được sự thống nhất của hai nhà nghiên cứu trên, bài viết này cung cấp toàn bộ bản dịch âm, bản dịch nghĩa và từ bản dịch nghĩa có vài suy nghĩ dưới góc độ lịch sử.

Dịch âm:
 



Dịch nghĩa:

 


Ngôn ngữ trong văn khắc là chữ Chàm cổ và chữ Phạn. Văn khắc có 4 dòng, bố cục có 3 phần chính: Khôi phục lại ngôi đền tháp cũ để phụng thờ vị hoàng tử Harijit do hoàng tộc bảo trợ; thời điểm khôi phục vào năm 1268 theo lịch Saka (năm 1346 Tây lịch) bởi các vương tôn; cuối cùng là những đồng ruộng dâng cúng cho khu đền tháp.

Như vậy, khi khôi phục lại đền tháp cũ đã hư hại, văn khắc này có thể là một lanh tô mới gắn trên cửa đền tháp thay cho văn bia.

Thời điểm hình thành văn khắc là năm 1346, sau 40 năm kể từ khi vùng đất này thuộc về Đại Việt. Năm 1306, hai châu Ô và Rí của Chiêm Thành là sính lễ của cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân, năm 1307, nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận, tương đương tỉnh Quảng Trị ngày nay, đổi châu Rí thành châu Hóa, tương đương vùng đất từ Thừa Thiên Huế đến bờ bắc sông Thu Bồn. Bốn thập kỷ đã thuộc về Đại Việt, người Chàm vẫn ở đây xây dựng và sửa chữa đền tháp, phù hợp với một nhận định rằng: “Giữa đời Trần, tuy có mở thêm đến hai châu Ô Lý, nhưng cũng chỉ là vùng đất cho có mà thôi”7 .

Đền tháp thường thờ Thần - Vua. Văn khắc có ghi “tu viện tôn giáo” nhưng chưa rõ có thờ thần Siva thông qua biểu tượng Linga - Yoni thường thấy tại các khu đền tháp ở miền Trung hay không. Vị vua thờ tại đây là hoàng từ Hajirit. Theo Georges Maspero, hoàng tử Harijit, Sri Harijit là vua Sinhavarman III, tức vua Chế Mân8.

Mặc dù có những dấu hiệu bất đồng trong triều đình Chiêm Thành đối với cuộc hôn nhân lấy đất đai làm sính lễ của Chế Mân, nhưng người Chàm ở châu Rí vẫn tôn kính xây tháp thờ phụng và khi hư hại đã khôi phục lại. Vị “hoàng hậu của hương thơm” và “vị vua thần thánh Sri Yavane” có thể là những người của “dòng dõi hoàng gia” huyết thống của Chế Mân bảo trợ việc khôi phục. Po Nai Kralao, Po Sit, Nai Lamvaik gắn liền với niên đại Saka của văn khắc có thể là những vương tôn tài trợ cho việc khôi phục đền tháp.

Trong suốt thế kỷ 14, ngoại trừ vua Trà Hoa Bố Để, hoàng tộc Chế trị vì Chiêm Thành, từ Chế Mân (1288 - 1307) cho đến Chế Bồng Nga (1360 - 1390). “Vị vua thần thánh Sri Yavane” là vị vua nào trong hoàng tộc Chế?

Sau khi vua Chế Mân qua đời, con trai là Cri Jaya Sinhavarman IV kế vị9, tức Chế Chí. Năm 1312, vị vua này bị bắt, nhà Trần phong người em của ông là Chế Đà A Bà Niêm làm vua, tước Á hầu10. Theo G. Maspero, Chế Đà A Bà Niêm là vua Chế Năng, và đến năm 1318, vị vua này thua trận phải chạy sang Trảo Oa (Java, tức Indonesia ngày nay). Sau Chế Năng, một vị tù trưởng là Chế A Nan lên làm vua (1318 - 1342), đã làm cho thần dân an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình và độc lập11. Sau khi Chế A Nan chết, con rể là Trà Hoa Bố Để tự lập làm vua (trị vì từ năm 1342 đến 1360). Năm 1352, người con ruột của Chế An Nan là Chế Mỗ phải chạy sang nhà Trần nhờ giúp để trở lại kế vị nhưng không thành. Phải chăng Chế A Nan chính là “vị vua thần thánh Sri Yavane”12 bảo trợ cho việc khôi phục lại ngôi đền tháp của “người ông vĩ đại xuất sắc” Chế Mân?

Lần đầu tiên hai nhà nghiên cứu trong nước phiên âm, dịch nghĩa một văn khắc chữ Chàm cổ và chữ Phạn, một công việc đòi hỏi không chỉ kiến thức sâu về các ngôn ngữ ấy mà còn đòi hỏi kiến thức đa ngành. Văn khắc tại làng Vân Thê có thể còn những bí ẩn sẽ được làm sáng tỏ khi được giải mã đầy đủ.

V.H  
(SHSDB39/12-2020)

------------------
1, Trần Đức Anh Sơn, “Bảo tồn di sản văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 127, tháng 7 năm 2020.
2. Karl-Heinz Golzio, Inscriptions of Campa based on the editions and translationsof Abel Bergaigne, Etienne Aymonier, Louis Finot, Edouard Huber and other French scholars and of the work of R. C. Majumdar, Shaker Verlag Aachen 2004.
Arlo  Griffiths,  Amandine  Lepoutre,  William  A. Southworth, Thành Phần, Văn khắc Chămpa tạo Bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng. The inscription ò Campã at the Museum ò Cham sculpture in Đà Nẵng, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM, VNU-HCM publishing house, 2012.
3. Hai nhà nghiên cứu Jaya Thiên và Sri Jayahajan, dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận.
4. namaś: chúng tôi có một dự kiến từ cho hai đơn vị khó nhận dạng này do hiện trạng xuống cấp của văn khắc, dự kiến đó là dhāna nhưng dấu phụ ś tiếp sau đã đưa đến việc cân nhắc namaś nhiều hơn.
5. ksatrayā: hoặc kṣatrayā, sự khác biệt giữa ṣ hay s thường không còn quan trọng trong các văn khắc văn vần bốn dòng xuất hiện cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chàm cổ.
6. grāmṃko: chúng tôi không rõ nghĩa của từ này, giả định của chúng tôi ở đây là tu viện đã được tạo dựng lại ở một địa điểm nào đó tên Ko, nhưng văn cảnh tiếp theo với từ này lại không thích hợp với giả định trên.
- Các ký hiệu số đặt trong dấu ( ), đặt đầu dòng là để đánh dấu số thứ tự dòng văn khắc.
- Các ký hiệu số đặt trong dấu { }, thể hiện những nội dung chữ hoàn toàn không đọc được nữa.
- Các chữ đặt trong dấu ( ), thể hiện nội dung chữ có thể suy đoán được nhờ vào chữ đi kèm với nó.
- Ký hiệu [......] thể hiện nội dung mà tấm bia đã bị hư hại, không còn nhận diện được có hay không có nội dung văn bản tại vị trí bị hư hại đó, nên chúng tôi tạm đặt ký hiệu này.
7. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2003 (Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu), trang 11.
8. Georges Maspero, Vương quốc Champa, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2020, trang 285, 307, 321.
9. Georges Maspero, Vương quốc Champa, sđd, trang 307.  
10. Đại Việt sử ký toàn thư ( ĐVSKTT), bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lưu dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2017, trang 266.
11. Georges Maspero, Vương quốc Champa, sđd, trang 310.  
12. Sri Yavane: Sri phiên âm thành Chế, Yavane phiên âm thành A Na? 



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng