THƠM QUANG - NGUYỄN DUYÊN
Trong những năm qua, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cùng với một số cơ quan lưu trữ, bảo tàng đã có những nỗ lực trong việc sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Trong chuyến công tác năm 2013, tại đất nước Pháp, các cán bộ, viên chức của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã vô cùng may mắn khi sưu tầm được nhiều tác phẩm quý, hiếm của các tác gia Việt Nam, trong đó có bài thơ “Đưa đồng bào” của tác giả Nguyễn Thượng Hiền. Xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc. |
Thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Thượng Hiền
Nguyễn Thượng Hiền có tự là Đỉnh Nam, sinh năm 1866 trong một gia đình Nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Sinh thời, Nguyễn Thượng Hiền sử dụng nhiều tên hiệu khác nhau như Mai Sơn, Long Sơn, Thiếu Mai Sơn Nhân, Giao Chỉ Khách, Bão Nhiệt, Đỉnh Thần. Thân phụ của Nguyễn Thượng Hiền tên là Nguyễn Thượng Phiên, thi đỗ Hoàng giáp khoa Nhã sĩ niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), từng giữ chức Tham tri bộ Công, rồi
Thượng thư bộ Công.
Sinh ra trong một gia đình quan lại, quý tộc, từ nhỏ Nguyễn Thượng Hiền đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Khoa thi Hương năm Giáp Thân (1884), tại trường thi Hà - Nam (trường thi Hà Nội và trường thi Nam Định thi chung nên gọi tên như thế), Nguyễn Thượng Hiền thi đỗ Cử nhân. Một năm sau, tức năm Ất Dậu (1885), ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông lui về ở ẩn tại núi Nưa, Thanh Hóa. Ðến khoa thi Đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), ông tiếp tục thi đỗ Hoàng giáp hay còn gọi là Tiến sĩ xuất thân. Mộc bản sách Quốc triều đăng khoa lục, quyển 03, mặt khắc 14 còn ghi danh bảng vàng tên ông như sau:
Nguyễn Thượng Hiền 阮 尚 賢
Sắc ban đệ Nhị giáp (Tiến sĩ xuất thân)
(Hai đời đỗ liên tiếp)
Sinh năm: Bính Dần (1866).
Quê quán: Liên Bạt, Sơn Lãng, Hà Nội.
Đỗ Cử nhân khoa thi năm Giáp Thân (1884).
Đỗ Tiến sĩ xuất thân năm 27 tuổi.
Khoa thi Hội năm Ất Dậu (1885) ông thi đỗ; đến khoa thi Đình, bài văn của ông đạt 3 điểm, nhưng vì kinh thành có biến nên chưa kịp truyền lô. Đến khoa thi này ông dự thi, lại tiếp tục đỗ.
Ông là con của Hoàng giáp khoa Nhã sĩ Nguyễn Thượng Phiên.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Thượng Hiền bước vào con đường quan lộ. Ban đầu, ông được bổ chức Hậu bổ, thực hiện việc biên soạn quốc sử về triều Nguyễn. Năm 1901, Nguyễn Thượng Hiền được thăng chức Ðốc học ở Ninh Bình (1901), Hà Nam (1905), Nam Định (1906). Vì từng giữ chức Đốc học Nam Định nên người đời thường gọi ông là ông Đốc Nam.
Mặc dù xuất thân trong một gia đình phong kiến nhưng Nguyễn Thượng Hiền lại là một người yêu nước, ông đồng cảm với nỗi điêu đứng của nhân dân. Trước cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Thượng Hiền đã sớm có ý thức làm cách mạng. Trong thời gian ở Huế, ông tìm đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, đọc nhiều tân thư của Trung Quốc, kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Chính nhờ Nguyễn Thượng Hiền mà một số sĩ phu yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX đã biết đến những tư tưởng duy tân tiến bộ của Nguyễn Lộ Trạch và nhất là những tư tưởng mới mẻ trong tân thư Trung Quốc. Từ năm 1898, qua giao tiếp với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền đã quyết chí Ðông Du nhưng vì phụ thân bệnh nặng nên ông đành ở lại và tự nhận nhiệm vụ vận động cách mạng trong nước.
Năm 1907, sau khi thọ tang cha, ông từ quan về vườn. Mấy tháng sau, ông bí mật ra đi, không cho một ai hay, cả cụ bà cũng không biết. Ông cải trang làm đàn bà, dò đường Móng Cái qua Quảng Đông tìm Tôn Thất Thuyết là nhạc gia của ông. Sau ông liên lạc với Phan Bội Châu trong Duy Tân hội rồi Việt Nam Quang phục hội, qua Nhật rồi lại về Trung Quốc, cho tới khi chán ngán vì bọn “trành” mà đồng chí sa lưới gần hết, ông đầu cửa Phật ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), rồi mất ở đó ngày 28/12/1925. Theo di chúc, thi hài ông được hỏa táng, nắm tro tàn được rải xuống sông Tiền Ðường để linh hồn ông theo dòng nước ra biển Ðông về lại với quê hương.
Yêu nước thương dân
Nguyễn Thượng Hiền là một nhà cách mạng yêu nước. Vì độc lập của Tổ quốc, ông cổ vũ việc Duy Tân, quyết theo khuynh hướng dân chủ. Nguyễn Thượng Hiền không những là một nhà cách mạng chân chính mà còn là một nhà văn yêu nước, một thi sĩ tài hoa nổi tiếng trong giới sĩ phu đương thời.
Không chỉ là một chí sĩ yêu nước nổi bật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nguyễn Thượng Hiền còn được giới nghiên cứu văn học đánh giá là một trong những tài năng văn chương lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam. Thơ ông dùng để phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước, gồm hơn 600 bài thơ, văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, sáng tác trong khoảng 30 năm, từ 1885 đến 1918. Bài thơ “Đưa đồng bào” của ông được viết vào năm Mậu Thân (1908) với bút danh Mai Sơn. Nội dung bài thơ như sau:
3 trong 7 trang bài thơ “Đưa đồng bào” của tác giả Nguyễn Thượng Hiền được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sưu tầm về từ Pháp - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
“Tôi từ thuở Hàm Nghi Ất Dậu (1885)
Trong tháng Năm thất thủ kinh thành
Non sông nổi trận bất bình
Những toan lựa nghĩa quyên sinh cho rồi
Khéo lơ lửng còn ngồi lại đó
Vì việc nhà trên có lão thân
Dễ niềm ái quốc trung quân
Lục nga trước phải đền ơn cho tròn
Nay đã vẹn thần hon hai chữ
Bước chóng vu ai dự được mình
Tôi son thệ với trời xanh
Ra tay cứu vớt sinh linh phen nầy
Gò bánh lái đề mây cỡi gió
Cánh buồm vương thẳng chỗ bể khơi
Quan sơn cách mấy dặm dài
Chút thân còn gởi phương trời xa xa
Khi mới bước chân ra ngoại cõi
Nỗi bi toan biết nói cùng ai
Thương ôi vận nước cơ trời
Trông về cố quốc ngậm ngùi xiết bao
Nay ta khóc cớ sao mà khóc
Khóc non sông một chút tan tành
Gần xa những giấu hôi tanh
Mây đen mù tối kéo quanh bốn bề
Nay ta khóc khóc về miếu xã
Công dựng ra kể đã mấy đời
Bây giờ cây dậm cỏ dời
Đền trong chuột nhảy, sàn ngoài cáo kêu
Nay ta khóc trời cao khôn hỡi
Khóc đêm ngày về nỗi vua ta
Mênh mông bể thẳm trời xa
Trông người đỡ gót biết là năm nao
Nay ta khóc dạt dào chan chứa
Khóc thảm thương vì sự dân mình
Vì ai khốn khổ lênh đênh
Dẫu kêu ai có thương tình chi đâu
Nay ta khóc mối sầu xiết kể
Khóc những người chung nghĩa năm xưa
Một phen gãy giáo bay cờ
Bỏ đi muôn dặm biết giờ còn không
Nay ta khóc tấm lòng thảm thiết
Khóc những người khí tiết phen này
Kể ra ái quốc là hay
Tội chi mà phải khóa tay buộc mình
Nay ta khóc thế tình cũng lạ
Khóc những người chức cả ngồi cao
Đành thân tôi tớ quảng bao
Sao không biết thẹn chút nào ai ôi
Nay ta khóc nhân tài vô dụng
Khóc những người quần rộng áo dài
Ngẩn ngơ vơ vẩn chút đời
Trung hưng đã được mấy người lo xa
Nên đành nhữ trông ra một bể
Hội đua tranh ai kể nhường ai
Kìa ai bay nhảy khoe tài
Riêng ta dậm gót thua người sao đây
Hai hàng lệ tuôn đầy mạch nước
Nông nổi kia càng nói càng đau
Ai ơi ý chí tương đầu
Nghe ra có nghĩ cho nhau hay là
Xong bĩ cực vẫn đà khai thái
Có danh trương chống lại phong trần
Lo chi những lúc gian truân
Một thành hạ cũng có tuần trung hưng
Mà loan cực nhẽ hằng tự trị
Có vì dân biết nghĩ gần xa
Sở tuy còn có mấy nhà
Cứng tay vật lại sơn hà tổ long
Cõi Nam cực non sông sinh tử
Ngẫm xưa kia vẫn có anh hùng
Há nay hết vận hanh thông
Trời không chán loạn đất không sinh lời
Ví ta cứ thảnh thơi ngồi đấy
Sự hiểm nguy toan đẩy cho ai
Chọn điều dễ dãi làm chơi
Mà đôn việc khó cho người sao đang?
Nghĩ nỗi ấy lòng càng hưng hở
Bước chân ra thẳng duỗi đường mây
Sắt son giữ một niềm ngay
Dẫu khi muôn một thân này kể chi
Tôi nay lại ngồi suy sự thế
Việc không vương há dễ được nào
Một cây không chống nhà cao
Thuyền con vượt bể Đông chèo mới qua
Khuyên nước ta những người tài chí
Cùng nghĩa dân nghĩa sĩ mọi nơi
Nghĩ cho công việc tày trời
Giúp tay ai cũng như ai một lòng
Vì tôi nghĩ còn không thấu nhẽ
Xin đồng bào tỏ vẻ cho hay
Nhiều phen chống gió ngăn mây
Thiếu đâu chấp chính sự này mới xong
Nỗi gian nguy ta càng gắng sức
Tấm lòng kia giữ chặt không lay
Việc người ta kính đã hay
Cơ trời bằng cũng đổi sang khó gì
Mây mù ấy quét đi chẳng để
Bóng tam quang rạng vẽ lưng trời
Mai sau hẳn được như lời
Non sông rửa thẹn muôn đời tiếng thơm”.
Với hơn 100 dòng thơ, Nguyễn Thượng Hiền đã nói rõ lòng mình trước thế sự đổi dời. Ông thề rằng sẽ thực hiện hết mình vì đất nước để không phải hổ thẹn. Kết lại bài thơ, Nguyễn Thượng Hiền viết “non sông rửa thẹn muôn đời tiếng thơm” đã thể hiện ý chí sắt son yêu nước, thương dân và một lòng đánh tan quân giặc giành lại hòa bình cho dân tộc. Qua bài thơ “Đưa đồng bào”, một lần nữa cho thế hệ trẻ hôm nay có một cái nhìn mới về Nguyễn Thượng Hiền nói riêng và những người chí sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung. Họ là tấm gương về lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, về sự quyết liệt trong hành động, về niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
T.Q - N.D
(TCSH410/04-2023)
----------------------------
* Những chữ tô đậm trong bài thơ: Do chất lượng ảnh chụp của một số trang ghi chép bài thơ không được rõ nét nên một số chữ trong bài thơ chúng tôi còn nghi ngờ nên tạm thời tô đậm lại.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ số 29, Sưu tập Danh mục tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.
2. Hồ sơ số 28, Sưu tập Danh mục tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam tại Cộng hòa Pháp.