Những vấn đề di sản
Thơ ở lăng vua Minh Mạng
16:12 | 12/09/2024

MAI KHẮC ỨNG

Trong khung cảnh một công viên rất mơ và rất thơ bởi những bàn tay của những con người Việt Nam đầu thế kỷ XIX làm nên hồ, suối, núi, đồi, hoa, trái, lầu, tạ, đình, quán... Và, trong một khoảng không gian có giới hạn được tạo nhập rất tự nhiên vào cõi vô cùng, lăng của hoàng đế Minh Mạng quả là một khoảng trời thơ.

Thơ ở lăng vua Minh Mạng
Bảo tàng thơ Minh lâu (Lăng Minh Mạng) - Ảnh: M.K.Ư/ tư liệu SH

Từ cái nền thơ ấy (hay nói khác, là bối cảnh thơ ấy) như đã bắt đầu gây men rung động tâm hồn thơ trong mỗi con người. Ta thưởng ngoạn những nét đẹp của "sơn thuỷ hữu tình" của "kỳ hoa dị thảo" trong mối cảm quan mơ màng thơ, rồi ta bắt gặp những dòng thơ cụ thể trên từng dải cổ diềm, từng ô trang trí. Sự dào dạt thơ trong ta hoà vào lớp lớp thơ trên kiến trúc lăng làm nên xúc cảm bâng khuâng.

Đã là thơ thì bất luận vua hay dân đều nặng tình-hình-ý-tứ. Nhà vua và là nhà thơ như có cái gì đó rất đỗi hài hoà Việt Nam.

Sinh thời hoàng đế Minh Mạng hay làm thơ. Ông quy định đặt tên theo thế hệ - cũng thơ; xác lập các pháo đài đông, tây, nam, bắc của kinh thành Huế - cũng thơ, khuyên răn sĩ tử thi tiến sĩ - cũng thơ.

Theo ông, "Khi nhàn hạ vua tôi cùng nhau ngâm thơ để làm vui, hoặc khi cùng ngụ cái ý khuyên răn, há chẳng phải lấy đấy làm công vụ cho trị bình ư!" và "Phàm làm thơ mà dùng chữ, cần phải bình thường dễ hiểu, ngâm đọc lâu càng thấy cái ý vị sâu xa. Nếu dùng chữ hiểm hóc quái dị để cho đẹp lời, coi lâu thấy nhạt mà vô vị. Như thế thì dùng làm gì".

Chỉ chừng đó thôi chúng ta cũng đủ biết nhà thơ trong nhà vua Minh Mạng có quan điểm và cả quan niệm về thơ rất rõ ràng.

Một thuở bình trị, vua tôi lập hội tao đàn, khích lệ cả nước làm thơ. Ca dao khuyết danh, thơ phú khuyết danh nở rộ chen giữa vườn hoa văn chương bác học, làm nên một gia tài thơ. Đến thế kỷ XIX với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Phước Miên Tông (Thiệu Trị), Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Quận Vương Miên Bửu...

Phải có một quốc cảnh thanh bình nào đó, phải có một trào lưu văn chương nào đó, và, phải có một truyền thống kế thừa "con nòi của giống" nào đó mới có một thời cực thịnh của văn thơ như thế.

Với học vấn uyên bác, với tư tưởng kinh bang tế thế, mà ông hằng ấp ủ xây dựng một nước Đại Nam sánh với cường quốc năm châu, Minh Mạng luôn luôn chăm lo đào tạo nhân tài. Sau khi lên ngôi hai năm ông đã mở khoa thi hội đầu tiên (Nhâm ngọ - 1822) đặt cơ sở cho nền giáo dục Việt Nam thế kỷ XIX.

"Thánh nhân lưu ấn lại không gì bằng gây dựng cho người, mà kẻ vương giả ra ân không gì bằng mở khoa thi chọn lấy kẻ sĩ". Hoặc "Trẫm lâu nay chú trọng về văn học, ý muốn bồi bổ nhân tài". Và: "Đời người sống lâu mà vun trồng nhân tài là lễ lớn của Nhà nước".

Suốt hai mươi năm (1820-1840) với cương vị nguyên thủ quốc gia, Minh Mạng luôn luôn chú trọng cầu hiền, cầu lời nói thẳng và vun đắp nhân tài. Ông cho rằng “hiền tài là đồ dùng của Nhà nước, cho nên ngoài khoa mục ra phải nhờ có cử tri... Trẫm mới nối ngôi, mưu toan gắng gỏi, rất muốn trong triều có nhiều người giỏi, ngoài nội không sót người hiền để tô điểm mưu to, vang lừng đức hóa”.

Một quá khứ hào hùng của đất nước có nền văn hiến hàng ngàn năm như bài thơ chính ở điện Thái Hòa, đã nhắc đến một thuở thịnh trị ở nửa cuối thế kỷ XV với Lê Thánh Tôn luôn luôn là niềm tự hào, là nguồn sinh lực của vị hoàng đế họ Nguyễn giàu tài năng và khát vọng đưa dân tộc mình vươn tới tầm cao của nhân loại.

“Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”
(Lê Thánh Tôn)

Với ông, Lê Thánh Tôn là hình tượng mẫu mực, là tiêu chuẩn trọn vẹn của ước mơ.

“Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tôn nhà Lê là hiếm có pháp độ và chính sách hay đều chép ở trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất là phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay. Trẫm truy tư cổ nhân rất là khâm mộ. Tuy đã xa đời, thơ đã tản mát, mà các văn nho học giả tất cũng còn giữ được. Trẫm muốn tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất!”.

Từ suy nghĩ "in ra để lại lâu dài không mất" Minh Mạng đã phát động trong triều ngoài nội tất cả quan, binh, sĩ, thứ ai còn gia được thơ văn "ngự chế" đời Quang Thuận (1460 - 1469), Hồng Đức (1470 - 1497) đều đem nộp và có trọng thưởng. Một hội đồng tuyển chọn, hiệu đính, khắc in thơ văn Lê Thánh Tôn đã hoạt động sôi nổi tại kinh đô Huế, làm dấy lên không khí thơ trên cả nước. Nhờ đó thơ văn Lê Thánh Tôn tản mác trong suốt 300 năm từ sau cuộc chinh biến của Mạc Đăng Dung (1527), qua Trịnh - Nguyễn giao tranh đến khi Minh Mạng phát động sưu tầm, khảo dị (1831) mới được tập hợp lại. Và, phần lớn thơ văn Hán Nôm của Lê Thánh Tôn may mắn còn đến ngày này là các ấn phẩm của thời kỳ này.

Một vị hoàng đế trân trọng văn chương như thế mới làm nở rộ lớp thi hào văn sĩ ở thế kỷ XIX. Một người cha như thế mới sinh thành nên những người con như Miên Tông, Miên Thẩm, Miên Trinh, Miên Bửu... Nhưng điều mà chúng ta cần trao đổi ở đây là mặc dầu chịu ảnh hưởng rất đậm thơ văn các tác giả đời Đường (618-907) ở Trung Quốc và mặc dầu rất hâm mộ, khâm phục Lê Thánh Tôn (1460-1497), mong mỏi học tập Lê Thánh Tôn trên nhiều phương diện, thơ Minh Mạng vẫn có con đường riêng, vẫn có một khoảng trời riêng.

Có lần vào năm Ất Mùi (1835) hoàng đế hỏi tiến sĩ Phan Bá Đạt rằng:

- Thơ của Trẫm đối với thơ Lê Thánh Tôn thế nào?

Tiến sĩ Phan Bá Đạt thưa:

- Thơ Lê Thánh Tôn phần nhiều là cần cho điêu luyện, còn thơ ngự chế thì theo tình cảnh tả ra, cần phát minh về đạo trị bình, mà lời thơ thấy hùng hồn hơn.

Phan Bá Đạt trả lời như vậy là phải. Bên trên nhà thơ - ngồi trước mắt mình là một vị hoàng đế quyền uy tuyệt đối, ông không thể khen Lê Thánh Tôn quá lời trước mặt Minh Mạng và cũng không thể khen vua Minh Mạng quá lời khi nhắc đến Lê Thánh Tôn, một thần tượng lịch đại thiêng liêng. Một nhà vua và nhà thơ thế kỷ XV, một nhà vua và nhà thơ thế kỷ XIX, dù đã quá xa về thời gian, dù có tính cách riêng của từng người, vẫn có lắm điểm tương đồng.

Thơ Lê Thánh Tôn phóng khoáng trải rộng ra, bên ngoài đồng nội nhưng không lẫn với bất cứ thơ ai bởi khẩu khí đế vương còn thơ hoàng đế Minh Mạng như gom lại trong chốn miếu đường lại thể hiện đậm nét thiên chức, nghĩa cử.

KHÚC GIANG

Hiền tướng ôn như ngọc
Trung quân nhất đức hàm
Hoàng hoàng thiên giám thượng,
Bất chiếu tiểu nhân sàm

                    Lê Thánh Tôn

(Đức tài nơi người phụ tá đẹp, Chỉ giữ một lòng trung với vua không thay đổi, Tấm gương vằng vặc trên trời cao ấy, Không thể soi thấu tới lời dèm của bọn tiểu nhân.)

Địa tác cao phì tỉ
Nhân hưng liêm nhượng khoa
Lư diêm mưu đoạt thiểu
Quyến mẫu lực cần đa
         
(Điện Sùng Ân - Hiếu Lăng)

(Đất có lắm mầu mỡ phì nhiêu. Con người khá lên nhờ thuế thấp và thu đúng. Vì thế trong xóm làng ít mưu mô cướp đoạt. Nơi đồng ruộng mọi người càng đem hết sức ra làm lụng).

HỈ CỐC THI

Vạn khoảnh thanh thanh thị hạ điền
Tề dân đương dĩ thực vi tiên
Thôn đầu tam lưỡng nông phu đáo
Giai vị kim niên thắng tích niên
                   
Lê Thánh Tôn

MỪNG LÚA TỐT

Muôn khoảnh ruộng lúa chiêm xanh tốt. Việc nuôi dân là phải lấy ăn làm gốc. Mé đầu thôn, dăm ba bác nông dân đi tới. Họ đều nói với nhau rằng lúa năm nay tốt hơn năm ngoái. (Theo Mai Hải - Thơ văn Lê Thánh Tôn)

Duyên đồ cục mục hoàng vân bố
Mãn dã ngu tâm ngọc lạp doanh
Tải lộ dân nhân giai hỷ sắc,
Hoạch điền dũng phụ dật ca thanh

                    (Ở Nhà bia - Hiếu Lăng)

(Ven đường trông hút tầm mắt lúa chín như mây vàng bủa. Đầy đồng niềm vui tràn ngập mừng hạt gạo ngọc chắc mập. Trên đường vận chuyển về nhà vẻ mặt người dân đều vui tươi. Thu hoạch mùa màng tràn ngập tiếng ca hát.)

(Dựa theo tư liệu Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích cố đô Huế do Trần Đại Vinh, Phan Thuận An, Nguyễn Tân Phong phiên âm, dịch nghĩa).

Dường như con tạo thường hay bày đặt ra lắm chuyện trớ trêu. Con người ta từng biết khuyến khích sưu tầm và đầu tư "tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất" thơ của tiền nhân từ 300 năm trước đến lượt chính mình lại bị phũ phàng. May mà còn có Hiếu Lăng và may mà còn có một viện nghiên cứu Hán Nôm lắm người tâm huyết.

Trong chế độ quân chủ tập quyền, mỗi vị vua có công không phải là không có tội với nước với dân. Người viết những dòng này tự thấy không đủ tư cách định công, luận tội tiền nhân. Vì nếu nói không đúng hoặc chưa đến là thất lễ, là vong ân, tội còn to hơn người bị buộc tội!

Lịch sử loài người đã tạo nên một thể chế xã hội rồi cưu mang nó hàng nghìn năm mới thay thế, hẳn đã có nhiều sự chấp nhận trong thời gian nó tồn tại. Trong nấc thang quân chủ chuyên chế vua là thế và dân là thế. Trong mối tương quan chung của lịch sử thuở đó, không như thế đất nước sẽ tan, còn nói gì mở rộng và củng cố biên cương. Cho đến tận ngày nay, khi con người đã bay ra xa khỏi sức hút trái đất, nhiều quốc gia vẫn còn nuối tiếc, bảo lưu hình thái tổ chức nhà nước đã lỗi thời, cho dù sự bảo lưu ấy cũng chỉ là cái bóng của quá khứ. Thì ra, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những dấu son riêng của nó.

Điều băn khoăn của chúng tôi là tất cả thơ khắc trên các công trình kiến trúc ở Hiếu Lăng có phải là thơ của hoàng đế Minh Mạng không? Nhà thơ Miên Tông lên nối ngôi để làm nhà vua Thiệu Trị, người trực tiếp quan sát công việc xây lăng này có đưa thơ mình vào đây không?

Qua khẩu khí, phong cách và nhất là thời gian thơ chúng tôi cho rằng hầu hết (nếu không phải là toàn bộ) thơ khắc ở Hiếu Lăng là thơ của hoàng đế Minh Mạng.

Ví dụ một bài thơ trang trí trọn trong một ô pháp lam trên nóc lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn) từ năm 1833 lại được khắc lẻ trên bốn ô ở tầng trên Minh Lâu năm 1843.

Vân tế huyền sơ thướng
Ảnh tà thế vị viên
Hà tu tam ngũ dạ,
Dĩ chiếu mãn sơn xuyên.

(Bên áng mây trăng thượng huyền mới lên. Bóng chiếu nghiêng hình thế chưa tròn. Cần dăm ba đêm tới, Sẽ soi sáng khắp cả núi sông.)

Có lẽ bài thơ này Minh Mạng viết ra sau ngày mới lên nối ngôi nên vừa mãn nguyện lại vừa mang hoài bão lớn. Càng về cuối đời hoài bão đó càng xa giống như "lực bất tòng tâm", mặc dù ông thực sự đã làm được nhiều việc lớn cho quốc kế dân sinh. Thật tiếc, cái tâm trong lành lại quá ít mà cái tâm u tối, vị kỷ thuở ấy lại quá nhiều. Than ôi! Ông thực sự nghĩ ra lắm điều hay nhưng đám cận thần thừa hành lại quá nhiều người tắc trách. Ông đã nhìn ra văn minh Tây Dương, hăm hở tiếp cận lại phải vội vã đối phó với các lớp người truyền đạo Gia Tô, đang giành dân mở đường cho thế lực thực dân cướp nước. Bi kịch của ông hay là bi kịch Việt Nam thế kỷ XIX cũng vậy.

Nhưng toàn bộ thơ ở Hiếu Lăng lại chưa phải là toàn bộ thơ của hoàng đế Minh Mạng vì thế chúng ta chưa thể nói gì nhiều về chân dung đích thực của nhà thơ ở ông.

Một khoảng trời lăng có một khoảng trời thơ rải ra thành bốn chương: Nhà Bia, cửa Hiển Đức, điện Sùng Ân, Minh Lâu. Tình yêu thiên nhiên, non sông, đất nước, con người và niềm tự hào cao cả trong ông như những nét chấm phá dẫn ta lần đến một tâm hồn thơ. Và, nếu thơ quả thật là ngôn ngữ của trái tim, của tấm lòng thì nhà thơ trong ông có khi đã thoát ra khỏi nhà vua để hiện thân một con người như vô vàn những con người nghệ sĩ khác. Có thể nói được không, đó là tính người, rất người. Đó là sự đồng hóa, sự hòa đồng mọi tâm hồn nhà thơ chân chính, đưa họ trở về bản ngã nguyên sinh.

Ta quý mến biết bao khi con người ở địa vị cao sang đã tự "vượt rào" nhập cuộc với đại chúng, yêu như mọi con người biết yêu.

Liên tỷ hồng nhan diễm,
Tiêu phương lục duệ dương
Lâm phong tình bất tận
Cố ảnh ý hà trường

(Hoa sen đẹp sánh với nhan sắc người đẹp. Cây chối mới có lá non màu lục. Trước gió mát tình cảm dạt dào. Nhìn lại ảnh ý thơ dài dằng dặc.)

Trần tĩnh ba thanh tình hạt dĩ,
Diên phi ngư dược ý hà trường.
Phong quang hữu hạn tình vô hạn.
Hảm đãm đa hương viễn ích hương.

(Bụi lắng sóng yên tình biết bao giờ hết. Diều bay, cá nhảy ý thơ sao dứt. Cảnh sắc có hạn tình thì vô hạn. Hoa sen nhiều hương thơm, càng xa càng thơm).

Và, bao giờ cũng vậy, nhà thơ trong nhà vua Minh Mạng như một tín đồ trung thành của Khổng Tử. Ông luôn luôn sợ trượt ra bên ngoài đạo của Nho Giáo nên trước mặt lúc nào cũng có các "đại tự", "chính trực đẳng bình", "cư nhân lo nghĩa!". Và ở Hiếu lăng như là một lời tuyên bố cuối cùng bằng hai câu thơ hàm ý ấy được tôn lên trên ô cổ diềm gian giữa điện Sùng Ân:

Chỉ ư chí thiện tuân kinh sử
Hành bất vi nhân pháp điển mô

(Tuân theo kinh sử dừng ở chỗ chí thiện, Làm không trái điều nhân, noi theo khuôn phép xưa.)

Vì thơ khắc trên kiến trúc còn mang "sứ mạng" trang trí theo phong cách "nhất thi nhất họa" nên người xưa chỉ bố cục một câu thất ngôn hoặc một câu ngũ ngôn, hai câu thất ngôn, hoặc hai câu ngũ ngôn, có khi trọn một bài tứ tuyệt trong một ô tùy vị trí và không gian từng nơi. Bởi vậy có nhiều bài bốn câu nằm ở bốn dải liên ba xa phau. Có nhiều bài ghép được nhưng chúng tôi chưa an tâm, lo rằng qua một lần trùng tu nào đó người thợ vô ý lắp nhầm mặt trước ra mặt sau.

Chúng tôi rất mong quý vị độc giả lượng thứ.

Quang Lộc Viện 6.1993
M.K.Ư
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài đã đăng