Những vấn đề di sản
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ ở Huế
08:53 | 04/07/2025

PHAN THANH HẢI

Hoàng Trung Đặng Huy Trứ là một vị quan thanh liêm, một danh nhân văn hóa vào thế kỷ XIX. Ông cũng được người đời suy tôn là “ông tổ” nghề Nhiếp ảnh Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ ở Huế
Toàn cảnh nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ

Hơn thế, tư tưởng và tài năng của ông trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa nghệ thuật, kinh tế, quân sự, ngoại giao... đã đặt cơ sở cho chủ trương canh tân tại nước ta vào nửa cuối thế kỷ XIX. Tròn 200 năm ngày sinh của danh nhân Đặng Huy Trứ (16/5/1825 - 16/5/2025), tiếng thơm và những di sản văn hóa do ông để lại ở mảnh đất xứ Huế vẫn còn mãi mãi.

1. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ

Danh nhân Đặng Huy Trứ có tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tĩnh Trai, sinh ngày 16 tháng 5 năm 1825 ở làng Thanh Lương (nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Ông xuất thân từ một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Ông nội của Đặng Huy Trứ là ông Đặng Quang Tuấn (1752 - 1825), một nhà nho nổi tiếng trong vùng. Thân phụ của Đặng Huy Trứ là ông Đặng Văn Trọng (1798 - 1849), một người lận đận khoa trường, 5 lần đi thi đều chỉ đỗ Tú tài, nhiều lần được mời làm quan nhưng đều từ chối và xin đi theo con đường dạy học của cha. Thân mẫu là bà Trần Thị Minh, là một người phụ nữ tần tảo, lo toan cuộc sống cho chồng và các con. Vợ của Đặng Huy Trứ là bà Nguyễn Thị Bảo (1826 - 1895) là một người phụ nữ đoan trang, thông minh, nhanh nhẹn được mọi người quý trọng. Bà đã thay ông gánh vác mọi nỗi đau, mọi nỗi vất vả gian truân. Ngoài ra, bác cả của Đặng Huy Trứ là danh nhân Đặng Văn Hòa (1791 - 1856) là người đỗ đạt vang danh, làm quan trải đến chức Thượng thư các Bộ (Hộ, Lễ, Binh, Công). Bác thứ 2 là Đặng Văn Chức (1795 - 1847) làm quan Ngự y trong Viện Thái Y triều Nguyễn. Anh họ (con trai của Đặng Văn Hòa) là Phò mã Đặng Huy Cát (1832 - 1899) lấy Tĩnh Hòa Công chúa (con gái vua Minh Mạng) sinh ra Đặng Hữu Phổ.

Vốn bản tính thông minh từ nhỏ và được sự giáo dục chu đáo từ gia đình, lại sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, Đặng Huy Trứ có dịp bộc lộ khí phách và tài năng, có những đóng góp tích cực và nổi trội về nhiều mặt cho đất nước. Thời thơ ấu, Đặng Huy Trứ sống ở làng Thanh Lương được cha dạy học, sau đó được theo học nhiều thầy có danh tiếng như Nguyễn Ngọc Đình, Trương Quốc Dụng. Đồng thời lại được thừa hưởng một tủ sách hơn 2.000 cuốn của bác Đặng Văn Hòa, đó là lý do khi bước vào tuổi 15, Đặng Huy Trứ đã thông kinh sử và có một tâm hồn thơ phong phú trong đó thể hiện được chí khí mạnh mẽ, tình thương đối với người nghèo khổ.

Năm 1843, Đặng Huy Trứ thi đỗ Cử nhân, năm 1847 (22 tuổi) vào thi Hội đứng thứ 7. Thi Đình vì phạm húy nên không được công nhận đỗ Tiến sĩ và bị cách cả học vị Cử nhân cũ. Sau đó, ông đi thi Hương, đỗ giải Nguyên cùng khóa với Ông Ích Khiêm. Năm 1855, ông theo nghề dạy học. Quan điểm giáo dục của ông có những điểm khá mới mẻ, ông chủ trương “Sư hữu tương trưởng” nghĩa là thầy vừa dạy, vừa cùng học, cùng trưởng thành với học trò. Đến năm Tự Đức thứ 9 (1856), Đặng Huy Trứ bắt đầu cuộc đời làm quan và cũng là lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta, đất nước rơi vào cảnh nguy nan, dân sinh vất vả, có lẽ chính ý thức trách nhiệm với dân, với nước đã thôi thúc ông bước chân vào con đường quan trường để gánh vác lấy công việc giúp dân, giúp nước. Từ năm 1856 đến năm 1864, ông lần lượt giữ các chức vụ: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường (tỉnh Nam Định), Hàn lâm viện Trước tác, Ngự sử... Trong tình hình đất nước rối ren, Đặng Huy Trứ đã làm được những việc cho dân cho nước như đứng ra bênh vực và xin phục chức cho Hoàng Diệu khi Hoàng Diệu bị kết tội trong vụ âm mưu bạo động nhằm giết Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản đại diện của phái chủ hòa, cho sửa lại đồn lũy, dẹp giặc biên, chẩn cấp cho dân nghèo vay thóc giống, khuyến khích thủ công nghiệp, lo việc khơi sông chống hạn, lo chống bão lụt, cứu đói, xuất kho gạo không cần chờ lệnh trên.

Đến năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý Bộ Hộ, trong tình hình ngân sách thiếu hụt, tài chính kiệt quệ ông được giao chức Binh chuẩn sứ để lo phát triển việc buôn bán, tăng thêm tài chính cho Nhà nước. Ông đã mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như: Lạc Sinh điếm, Lạc Đức điếm, Lạc Thanh điếm ở phố Thanh Hà gần Ô Quan Chưởng, Hà Nội. Ngoài ra, ông đã khai lập hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” năm 1869, hiệu ảnh đầu tiên của người Việt Nam tại Hà Nội.

Đặc biệt trong cuộc đời quan nghiệp, Đặng Huy Trứ có 2 lần được triều đình cử đi công cán Trung Quốc, lần thứ nhất từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1865 và lần thứ hai từ tháng 5 năm 1867 đến tháng 11 năm 1868. Ngày 07 tháng 8 năm 1874, Đặng Huy Trứ mất vì bị bạo bệnh lúc mới tròn 49 tuổi, khiến nhiều người tiếc thương.

2. Những di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ ở Huế

Sau khi danh nhân Đặng Huy Trứ qua đời, ông được đưa về quê an táng tại làng Hiền Sỹ (nay thuộc xã Phong Sơn, thị xã Phong Điền). Ban đầu, mộ ông chỉ là một nấm đất nằm trên khu đồi cao với con sông Bồ uốn khúc, đằng xa là dãy núi Trường Sơn có phong cảnh hùng vĩ nên thơ. Ngày 20 tháng 4 năm 1927, con cháu mới dựng một tấm bia dài 0,59m, rộng 0,18m với những họa tiết rồng lượn, ở giữa lòng bia có câu chữ Hán “Hiển tổ Đinh Mùi khoa giải nguyên, Hồng lô Tự khanh Đặng công chi mộ”; ở phía trái của bia là “Bảo Đại Đinh Mão niên tam nguyệt thập cửu nhật”, ở bên phải bia có “Tôn thứ Biên tu Chánh Nguyên phụng lập”. Đến năm 1930, bà Đặng Thị Sâm, cháu nội của Đặng Huy Trứ đã bỏ tiền ra xây lăng mộ cho Đặng Huy Trứ khang trang. Lăng mộ được xây theo kiểu hình trứng ngỗng (hình tròn). Hình thức kết cấu của lăng đơn giản, cao 0,7m với chất liệu là gạch vồ và xi măng. Năm 1990, con cháu dòng họ Đặng tiếp tục bỏ tiền xây thêm một tấm bia nằm phía ngoài lăng “Mộ Đặng Huy Trứ 1825 - 1874 nhà yêu nước, nhà thơ”. Phía bên trái của lăng mộ có 03 ngôi mộ, được xây theo dạng hình tròn, trước mộ đặt một tấm bia bằng xi măng, lần lượt là ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Bảo (1826 - 1895), vợ của Đặng Huy Trứ; ngôi mộ Đặng Hữu Vỹ (1852 -?) và Nguyễn Thị Biên (1852 - 1895), trưởng Nam và dâu trưởng của 2 cụ Đặng Huy Trứ và Nguyễn Thị Bảo; ngôi mộ Đặng Thị Móc (1884 - 1944), là cô của Đặng Huy Trứ.

Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ hiện tọa lạc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Nhà thờ mặt quay về hướng Đông Nam, gồm có các công trình: cổng, bình phong, sân vườn, nhà thờ, nhà kiều và nhà tăng, nhà bia, tượng Đặng Huy Trứ, phù điêu và giếng nước. Cổng được xây dựng theo kiến trúc cổng vòm, thiết kế theo kiểu giả lầu (1 tầng 2 mái). Bình phong nằm ở phía trước nhà thờ được xây bằng gạch, trát vữa xi măng theo lối cuốn thư. Mặt trước có hình tượng “Long mã chở lạc thư”, 2 bên ô hộc đắp hình rùa đội hạc, mặt sau khảm sành sứ chữ Hán. Nối liền với bình phong và nhà thờ là khoảng sân rộng được làm bằng bê tông xi măng, lát gạch. Xung quanh sân vườn là hệ thống các cây lưu niên.

Nhà thờ là trung tâm kiến trúc chính của toàn bộ hệ thống, nhà có kiến trúc truyền thống của nhà rường với kết cấu 1 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt, phần mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật, 2 bên diềm mái trang trí hình tượng long hồi; nền lát gạch. Hệ thống cửa gỗ, được thiết kế theo kiểu “thượng song hạ bản”. Cách bài trí, thờ phụng trong nhà thờ theo phong cách truyền thống Huế. Nhà kiều được xây bằng gạch, trát vữa xi măng, mái lợp bằng ngói liệt. Nhà tăng xây bằng gạch, trát vữa xi măng, mái lợp ngói liệt, hệ thống vì kèo bằng gỗ. Nhà bia có hình tứ giác được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt thép, mái lợp ngói liệt. Tượng bán thân danh nhân Đặng Huy Trứ được đặt về phía hữu của nhà thờ, được làm bằng đá sa thạch (cao 81cm, rộng 50cm). Cách bình phong về phía tả của nhà thờ 20m là bức phù điêu Đặng Huy Trứ (do Hội Nhiếp ảnh Việt Nam dựng năm 2009). Phù điêu được xây bằng xi măng, nền lát gạch hoa (cao 1,60m, dài 1,05m, rộng 72cm). Chính giữa có bức phù điêu Đặng Huy Trứ làm bằng chất liệu đồng (dài 60cm, rộng 50cm). Giếng nước được xây dựng vào khoảng năm 1930 cùng với việc xây dựng nhà thờ. Giếng có thành được đúc hình tròn. Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, giếng bị sụp đổ hoàn toàn, đến năm 1990, con cháu dòng họ Đặng đã xây lại một cái giếng mới bên cạnh giếng cũ.

Với những giá trị độc đáo, nhà thờ cùng với lăng mộ danh nhân Đặng Huy Trứ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân cấp quốc gia tại Quyết định số 2307-QĐ/ VH ngày 30 tháng 12 năm 1991.

Bên cạnh đó, Huế còn lưu dấu một số công trình, địa điểm có liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ như Văn Thánh làng Bác Vọng. Ngoài ra còn có một con đường mang tên Đặng Huy Trứ ở Huế (thuộc phường Trường An, quận Thuận Hóa) và trên mảnh đất phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà có xây dựng một ngôi Trường THPT được mang tên của cụ. Đây chính là các địa chỉ tôn vinh những đóng góp to lớn của danh nhân Đặng Huy Trứ đối với dân tộc.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ

Phải nói rằng, Huế là một trong những địa phương may mắn còn lưu giữ nhiều di sản liên quan đến nhiều danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó có Hoàng Trung Đặng Huy Trứ. Trong định hướng tương lai, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, dưới góc độ của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm kê khảo sát các di tích, địa điểm liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ làm cơ sở nghiên cứu đánh giá giá trị của mỗi di tích, địa điểm từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch trùng tu, bảo tồn, lập hồ sơ khoa học phù hợp với từng giai đoạn. Tại mỗi di tích, địa điểm cần nghiên cứu lắp đặt bảng chỉ dẫn đường vào di tích và dựng tấm bia ở vị trí thích hợp để ghi dấu và cung cấp thông tin về di tích. Đối với những di tích còn nguyên vẹn cần lập kế hoạch, ưu tiên trùng tu nhằm giữ lại tính nguyên gốc để đưa vào phát triển du lịch. Đối với những di tích chỉ còn là dấu tích cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phục hồi khi có điều kiện. Ngoài ra cần có giải pháp bảo vệ diện tích đất xung quanh di tích nhà thờ và lăng mộ danh nhân Đặng Huy Trứ một cách phù hợp nhằm tránh sự xâm lấn, vi phạm, tranh giành sở hữu quyền đất đai trong khu vực gần di tích.

Thứ hai, phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ một cách bền vững. Bởi vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ.

Thứ ba, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng nhà trường để lựa chọn những di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa để đưa vào thực hiện Chương trình “Phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di tích này nhằm tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di tích, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay biết yêu lịch sử quê hương, có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Thứ tư, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ. Tạo điều kiện cho các công ty lữ hành du lịch khảo sát xây dựng các tour du lịch di sản đến hệ thống di tích liên quan danh nhân Đặng Huy Trứ. Kết nối các di tích này với Quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút du khách và các nhà khoa học quan tâm tham quan nghiên cứu. Đồng thời chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Tổ chức tốt sản phẩm du lịch không chỉ nhằm tăng doanh thu cho ngành du lịch mà còn quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ.

Thứ năm, thị xã Hương Trà, Phong Điền là một vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và giàu truyền thống khoa bảng, đây cũng là nơi sản sinh rất nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mảnh đất này chính là quê hương của các phong trào cách mạng. Với bề dày lịch sử văn hóa, Hương Trà, Phong Điền hiện đang là địa phương lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, lưu niệm danh nhân. Việc kết nối di tích nhà thờ và lăng mộ danh nhân Đặng Huy Trứ trong chuỗi các di tích văn hóa, lịch sử ở các vùng lân cận thuộc thị xã Hương Trà, Phong Điền trong tương lai hứa hẹn sẽ trở thành tour du lịch đặc thù, hấp dẫn và thu hút du khách thập phương.

Thứ sáu, các cơ quan ban ngành cần phối hợp các công ty du lịch, lữ hành thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch “Hành trình theo bước chân danh nhân Đặng Huy Trứ” nhằm đưa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương tưởng niệm tại các địa điểm thờ tự, lăng mộ, nơi đặt bia/tượng có liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, các địa điểm lưu dấu cụ Đặng Huy Trứ tại Huế, Hội An (Quảng Nam). Qua đó nhằm tôn vinh và tuyên truyền các giá trị nhân văn tốt đẹp của di sản danh nhân Đặng Huy Trứ trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục,... Điều này cũng tạo ra cơ hội phát huy có hiệu quả công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Đồng thời, ngành Văn hóa, Du lịch tại Huế, Quảng Nam cần xem xét ký kết hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ, cụ thể phối hợp nghiên cứu khảo sát sưu tầm tư liệu, trưng bày triển lãm, sáng tác văn học nghệ thuật, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Có thể nói, sự nghiệp và tài thao lược của danh nhân Đặng Huy Trứ thể hiện trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự, văn học nghệ thuật. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những nét đặc sắc riêng, đặc biệt danh nhân Đặng Huy Trứ đã được người đời sau suy tôn là “ông tổ” nghề Nhiếp ảnh Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản về danh nhân Đặng Huy Trứ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đây cũng chính là yếu tố góp phần xây dựng và phát triển Huế trở thành thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.

P.T.H
(TCSH436/06-2025)

_______________

Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm Trà Lĩnh (1990), Đặng Huy Trứ, Con người và tác phẩm, Nxb. Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (2023), Di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

 

Các bài đã đăng