Những vấn đề di sản
Quan họ và ca trù - Hai di sản văn hóa nhân loại
08:58 | 10/02/2010
LTS: Liên tiếp trong hai ngày 30 tháng 9 và 1 tháng 10 năm 2009, tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Quan họ Bắc Ninh và Ca Trù của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại. Quan họ Bắc Ninh được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại; Ca trù được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Quan họ và ca trù - Hai di sản văn hóa nhân loại


NGUYỄN XUÂN DIỆN


Quan họ và ca trù

Hai di sản văn hóa nhân loại


Như vậy, sau 4 năm chờ đợi, kể từ khi Chính phủ Việt Nam quyết định sẽ đệ trình lên UNESCO công nhận di sản Quan họ và Ca trù, nay điều mong đợi đã trở thành hiện thực. Cùng với Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên, Việt lại có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể nữa được toàn thế giới công nhận là Di sản của nhân loại.

CA TRÙ - di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

Ca trù một loại hình nghệ thuật đặc sắc

Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù xuất phát từ cách gọi những chiếc thẻ (trù) làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát) thông qua việc sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.

Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...

Nghệ thuật ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả các cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên các lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu, vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống).

Ca trù là một bộ môn nghệ thuât lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt . Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.

Ca trù không có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Về nhạc cụ, trên thế giới không có cây đàn nào có chiếc cần dài và kỹ thuật chơi như cây đàn đáy; cỗ phách cũng vậy. Ca trù tự nó tạo nên không gian nghệ thuật riêng biệt, những nhạc cụ riêng biệt, và một thể thơ riêng của mình. Đó là cây đàn Đáy, là phách, là thể thơ hát nói. Hát nói cùng với Truyện Nôm và Ngâm khúc là ba thể loại thơ đặc trưng thuần Việt nhất của văn học chữ Nôm Việt .

Trong hội thảo khoa học Quốc tế Hát Ca trù người Việt, tổ chức tại Hà Nội năm 2006, Giáo sư Trần Văn Khê khẳng định: “Ca trù là một truyền thống xuất phát từ nước Việt, chớ không du nhập từ nước ngoài”. Cố Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt cũng đã từng khẳng định: “Ca trù là một món hương hỏa tổ tiên để lại”.

Ca trù là một di sản văn hóa rất đặc sắc của Việt . Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách (thư tịch cổ ghi nhận 99 thể cách), cả không gian, thời gian biểu diễn (ca trù có mặt ở khắp các sinh hoạt của người Việt) và phương thức thưởng thức (thưởng thẻ); đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng ở cả triều đình lẫn trong dân gian, từ nông thôn tới thành thị.

Nghệ thuật ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

(Đào kép ca trù "lai kinh chúc hỗ", hát mừng lễ Tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, tháng 9 và 10 năm 1924 - Ảnh: Sưu tập của Nguyễn Tấn Lộc (Pháp) tại nguyentl.free.fr)


Những năm trước bốn nhăm, phố phường Hà Nội tràn ngập các nhà hát (ca quán) cô đầu. Ước tính có khoảng 2.000 cô đầu và hơn 200 nhà hát ở Hà Nội. Những cô đầu đến hát bao giờ cũng đi theo gia đình. Thường là chồng đàn vợ hát, hay anh đàn em hát. Họ chỉ là “ca sĩ” đơn thuần. Nhưng trong ca quán, khi thưởng thức văn chương nghệ thuật, phải có trà, phải có rượu, phải có đồ ăn đồ uống. Vì vậy phải có tiếp viên, những người hầu rượu, tiêm thuốc, nấu nướng, thậm chí phục vụ nhu cầu thư giãn khi khách nghỉ lại qua đêm. Khốn nỗi, những người tiếp viên trong ca quán đó cũng được gọi là cô đầu. Như thế, có hai loại cô đầu là cô đầu hát và cô đầu rượu. Đi hát cô đầu dần dần được cho là hình thức sinh hoạt thiếu lành mạnh.

Các cô đầu rượu không biết hát. Họ không xuất thân từ các giáo phường ca trù ở nông thôn, cũng không xuất thân từ các giáo phường nền nếp ở thành thị. Cô đầu rượu không vào các ca quán để học nghề đàn hát mà chỉ đến đây để kiếm việc làm, “ăn trắng mặc trơn”, tránh công việc lam lũ ở quê nhà. Nghề của các cô đầu rượu là giao đãi với quan viên, đáp ứng các nhu cầu thư giãn của họ. Chính các cô đầu rượu, cô đầu ôm này đã khiến cho bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản. Báo chí trước Cách mạng tháng Tám đã có nhiều phóng sự và hý họa về các cuộc đánh ghen tày đình xảy ra ở các ca quán Khâm Thiên mà nguyên nhân chỉ vì các cô đầu rượu này.

Và rồi cô đầu hát bị đánh đồng với cô đầu rượu. Tiếng xấu về sinh hoạt ca trù ngày một hằn lên suy nghĩ của người đời. Trong khi đó, hình ảnh của đào nương ca trù đã từng được một khách văn nhân tả thế này: Mặt tròn thu nguyệt/ Mắt sắc dao cau/ Vào - duyên khuê các/ Ra - vẻ hồng lâu/ Lời ấy gấm/ Miệng ấy thêu/ Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ/ Dịu như mai/ Trong như tuyết/ Nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều… Nhưng, theo tháng năm hình ảnh ấy trở nên mờ nhòe với biết bao nghi ngại.

Phải mất một thời gian khá dài, và phải mất rất nhiều công sức, trong đó đặc biệt ghi nhận sự tiên phong của những nhà nghiên cứu ca trù, chúng ta mới dần xóa đi những hiểu lầm đáng tiếc này. Do đó bây giờ rất cần xã hội hiểu đúng, minh oan cho những đào kép ca trù, minh oan cho một bộ môn nghệ thuật có giá trị trong văn hoá Việt .

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.

Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc.

Đóng góp của ca trù vào văn hóa Việt :

Từ ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ Hát nói, với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng, rất nhiều biến thái vi tế của tâm hồn Việt qua nhiều thế kỷ. Về mặt âm nhạc, có hai nhạc khí là đàn Đáy là Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam.

Việc Ca trù vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều rất đáng mừng. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Danh hiệu này cũng nhắc nhở chúng ta đang có một di sản quý báu mà bấy lâu nay chúng ta còn thờ ơ, quên lãng. Nay, di sản ấy cần được phủi bụi thời gian và hiển hiện long lanh dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân nghệ sỹ và cả cộng đồng sẽ chung tay gây dựng cho nghệ thuật ca trù, tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống văn hóa đa dạng phong phú hôm nay.

Ca trù cần được sống trong đời sống đương đại chứ không phải chỉ tồn tại trong thư tịch cổ hay các kho băng đĩa. Và chỉ có như vậy, tiếng hát ca trù mới thực sự là tiếng họa mi cất lên từ cánh đồng âm nhạc Việt !

Ca trù - nghệ thuật của âm thanh đồng vọng

Xưa nay, đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hoà mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm  của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa.

Khác với nghệ thuật chèo, hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Đào nương ca trù khi múa và diễn, không có các trang phục nhiều màu vẻ như hát chèo hay hát văn. Đào nương ca trù chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Dù khi đào nương cất lên tiếng hát, thì khóe miệng vẫn luôn ở hình chữ nhất ( - ) rất kín đáo. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy. Và như vậy, sau sáu bảy mươi năm vắng bóng, ca trù lại bắt đầu đi tìm tri âm. “Tri âm ta lại bắt đầu tri âm”!

Ca trù trên đất cố đô

Huế không phải là cái nôi của ca trù, nhưng Huế đã từng vang lên tiếng hát ca trù ngay trong hoàng cung gác vàng điện ngọc, và thể thơ hát nói ca trù đã được các thi sĩ hoàng gia tìm đến như một lựa chọn để thể hiện tấm lòng “giãi tỏ với tri âm”.

Huế, miền đất thơ mộng của sông Hương núi Ngự, kinh đô của các vua triều Nguyễn đã từng là nơi diễn ra các khánh tiết, nghi lễ cung đình. Hồ sơ lưu trữ còn lưu giữ được các hình ảnh của đào kép của các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa vào kinh đô Huế chúc thọ “tứ tuần đại khánh” vua Khải Định vào tháng 9 và 10 năm 1924.

Các thi sĩ thuộc hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng rất chuộng hát ả đào và đã sáng tác nhiều bài theo thể thơ hát nói. Tập Bán buồn mua vui của ông có tới 42 bài hát nói ca trù (trong khi có 30 bài ca Huế, 36 câu Mái nhì và hò khoan, 6 đoạn Nói lối và Hát nam). Giai nhân với tài tử vốn là nợ sẵn, Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng đã ghi lại kỷ niệm giữa ông và các ả đào. Mỗi bài thơ là một câu chuyện riêng tư thi vị, mà rất nhiều trong số này lại là những sáng tác ngẫu hứng, ngay trong chiếu hát, ngay trong tiệc rượu. Nào là cuộc tái ngộ với cô đào Như Ý, nào là bài thơ đưa cho cô Tuyết Ngọc, và rồi những giận hờn: Giận cũng vì thương, thương mới giận/ Thương nên quá giận, giận càng thương. Rồi những dòng tâm sự lắng sâu của khách tài tử được viết ra lúc tiếng trống chầu lỗi nhịp giữa canh khuya…

(Hát ca trù. Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành 2005 - Ảnh: Nguyễn Xuân Diện)


Văn nhân và ca nữ vẫn là một mối quan hệ mà dường như chỉ có tạo hóa mới ban tặng được. Có phải vì thế mà mối tình giữa văn nhân và ca nữ luôn ở trong trí nhớ người đời? Có phải vì thế mà những mối tình này được lưu giữ trong văn chương rất thi vị cho dù nó hiện diện và tồn tại một cách rất mong manh.


QUAN HỌ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Khác với ca trù là môn nghệ thuật có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành châu thổ bắc bộ, bắc trung bộ, quan họ là một môn nghệ thuật sinh ra và đời đời nuôi dưỡng trong cái nôi của vùng văn hóa Kinh Bắc.

Cho đến nay, đã từng có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời và nguồn gốc của quan họ nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Ngay chữ Quan họ, chúng ta cũng chưa tìm được một văn bản Hán Nôm nào chép hai chữ này. Quan họ có từ bao giờ cũng chưa có câu trả lời xác quyết!

Không gian văn hóa quan họ trải dài khắp 49 làng quan họ cổ của trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đó là vùng đất cổ xưa, với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, những hội hè đình đám, những phong tục tốt đẹp, những vị công hầu khanh tướng, những ông nghè ông trạng và những giai nhân tài sắc. Người Kinh Bắc có câu: Em đi khắp bốn phương trời/ Không đâu lịch sự bằng người ở đây.

Thời gian của Quan họ là suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhưng mùa Xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Khi ấy “thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, các làng vào đám, nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Người Kinh Bắc hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia...

Trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (từ cổ, chỉ một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người quan họ dùng những lời xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì gặp gỡ, cũng mong được học lấy đôi lối đôi câu. Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn, có từ thưở xa xưa lắm!

Về lề lối, theo học giả Toan Ánh thì quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính để hát đối đáp trong những ngày hội. Đó là Giọng sổng (dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát), thường là những lời ướm hỏi như: Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà. Tiếp theo là Giọng vặt (những câu hát để đôi bên gắn bó với nhau). Giọng sổng chỉ có một giọng, còn giọng vặt thì là gồm nhiều giọng: giọng buồn, giọng vui, giọng cao, giọng thấp, giọng ngắn, giọng dài. Gặp nhau, người quan họ kể cho nhau rằng đêm đông lạnh giá, nhớ bạn, không dám, một mình đắp cả manh chiếu tấm chăn: Gió lạnh suốt đêm đông trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai… Sau Giọng vặt là Giọng bỉ (Giọng vỉ) để hát lúc chia tay. Giọng bỉ ngân dài, nói lên sự chua xót của phân ly và cả sự luyến tiếc của ngày mau tàn. Vì vậy, nội dung các câu hát giọng bỉ thường là căn dặn, nhắn nhủ nhau nhớ lấy những lời hẹn ước.

Dẫu rằng dân gian có câu: “Ăn Bắc, mặc Kinh” ý nói người Kinh Bắc sành ăn, người Kinh kỳ (Kẻ Chợ, Hà Nội) thì sành mặc, nhưng người quan họ ăn mặc rất đẹp. Trang phục của người quan họ nền nã, kín đáo, lịch sự, tinh tế. Chi tiết nào trong trang phục liền anh, liền chị quan họ cũng đẹp. Nhưng có hai chi tiết trên trang phục của liền chị quan họ đã trở thành vẻ đẹp được thi ca tán tụng, đó là chiếc khăn mỏ quạ hình bông sen hồng và nếp váy đã lạc vào câu thơ “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của thi sĩ Hoàng Cầm.

Về chơi quan họ, chơi lối chơi của người quan họ ta cảm nhận được sự thanh lịch và nồng hậu của người Kinh Bắc. Một mâm cơm quan họ dọn ra, be rượu đã nghiêng bầu rót vào chén ngọc. Mâm cao cỗ đầy thịnh soạn, nhưng người quan họ lại vẫn khép nép thưa rằng: “Năm thì năm mới, tháng thì tháng xuân, các liền anh liền chị chẳng quản đường xá xa xôi đến thăm đất nước nhà chúng em, thăm thầy u chúng em. Nay đã thức thời, chúng em có sửa soạn mâm cơm nhạt, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, chúng em cũng mong các liền anh liền chị nâng chén dựng đũa để cho chúng em được thù tiếp đấy ạ!”.  Và rồi người quan họ ca lên rằng: Tay tiên nâng chén rượu đào/ Sánh ra thì tiếc uống vào thời say. Mùa xuân, qua chơi quan họ, tình như thế, cảnh như thế, ai mà không say cho được!

Về với Kinh Bắc, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Kinh Bắc có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của vùng quê văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay.

Khi câu hát “Người ơi người ở đừng về” vang lên lời giã bạn với lời hát rằng “đương vui như thế này, sao người bỏ ra về, có nhớ đến chúng em chăng?” thì bạn có cầm lòng được chăng?

N.X.D
(252/02-2010)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng