Những vấn đề di sản
Chào mừng Mỹ Sơn, Hội An: di sản văn hóa thế giới
09:29 | 03/03/2010
NGUYỄN SINH DUYMỹ Sơn: thung lũng các vua thánh
Chào mừng Mỹ Sơn, Hội An: di sản văn hóa thế giới
Phố cổ Hội An - Ảnh: chudu24.com


Gọi là "thung lũng các vua thánh" vì mỗi triều đại Champa đều có xây tháp kỷ công,một mặt lưu dấu vương hiệu mình, mặt khác dâng cúng các thần linh Ấn giáo đã ít nhiều bị bản địa hóa, nằm trong lòng chảo núi non ấy. Người Chàm, những thế kỷ đầu Tây lịch, đã có cái nhìn thực tế khi xây dựng giang sơn trên vùng trung du và đồng bằng phía nam đèo Hải Vân. Về phương diện kinh tế nông nghiệp, xét trên bình diện dân số / diện tích, cơ sở dân cư cho phép duy trì sự hiện hữu của một đất nước vào buổi bình minh lịch sử. Xét riêng một mặt địa - chính trị (géopolitique) thuần / Chàm, vùng đất này nằm đúng vào điểm hội tụ của các hải trình từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, và ngược lại; lại có cửa sông Hội An mở lối dẫn vào nội địa, cũng như từ nội địa ra biển cả để đến các nước viễn dương. Cũng chính vùng đất này, những con đường đầu tiên từ duyên hải thâm nhập vào lục địa, giúp người Chàm quan hệ máu thịt với các tộc cư dân láng giềng còn sống man rợ trên núi non cao nguyên. Sử chép: tiếp giáp phía tây của vương thổ Chàm thời lập quốc là xứ Trao Khúc; danh xưng "Trao" ấy nay còn tồn tại trên vùng tây huyện Đại Lộc.

(Thung lũng Mỹ Sơn hiện còn di tích của một quần thể đền tháp Ấn Độ giáo lớn - Ảnh: vnphoto.net)

Xa xưa, do cửa sông Hội An, có thể theo sông Mỹ ngược đến thềm thung lũng Mỹ Sơn, sau khi vòng quanh kinh thành Trà Kiệu tráng lệ, nguy nga.

Mỹ sơn không náo nhiệt như đô thành Trà Kiệu, chỉ là một non cao huyền bí, xa hẳn thế giới khuấy động của con người và ngựa xe, ở đó chỉ dành cho sự cảm niệm tâm linh, lời cầu kính trầm lặng quanh quần thể đền tháp, hang ẩn tu, thảng hoặc có âm vang là tiếng hòa âm cử lễ tôn giáo kéo dài giữa không khí tĩnh mịch, thỉnh thoảng nổi lên những tràng điệp khúc thần chú trầm trầm trong tiếng nhạc lễ. Không kiến trúc vĩ mô như Angkor, chỉ cấp những đền tháp khiêm tốn ẩn mình trong dấu điêu khắc đầy mỹ lệ, đủ cưu mang che chở lòng mộ đạo của các tăng lữ Bà la môn hay vài nhà cao sĩ ẩn tu. Sư sùng ngưỡng này cắt nghĩa tính quần tụ ngổn ngang của gần hàng trăm công trình xây dựng thần bí và sùng kính. Đó cũng là nơi các vương triều Champa cầu nguyện, ký thác giang sơn xứ sở cho thần linh giữ gìn bảo hộ.

Người đầu tiên phát hiện thánh địa Mỹ Sơn là cố Nhơn (Bruyère) giáo sĩ cai quản xứ đạo Trà Kiệu, vào năm 1886. Tháng 7 - 1895, Camille Paris là người đầu tiên khai phá bụi rậm rễ cây để đón khâm sứ Brière tham quan. Năm 1899, các học giả Louis Finot, De Lajonquière rồi Henvi Parmentier tìm đến khảo sát, nghiên cứu. Cả một nền văn minh kiến trúc và điêu khắc hòa quyện trong nền tín ngưỡng tâm linh đã được thế hệ bác học Pháp đưa ra trước ánh sáng nhân loại. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng bắt đầu nói tới một xứ sở Rin-Yu (Lâm ấp) hoặc Sen-jiyo.

Hội An, cô tiểu thủ trung lưu khó tính không chịu theo thời đổi thay.

(Chùa Cầu Hội An - Ảnh: simplevietnam.com)


Vâng, nàng tiểu thư ấy, trước đà tiến hóa của lịch sử, không chịu thích nghi dòng đời, vẫn trì thủ nền nếp cố hữu của mình. Dấu tích nền văn minh thương nhân từ thế kỷ 17 vẫn còn đấy với "cầu có lợp mái để ngồi buôn bán dưới dòng nước ghe thuyền buồm trụ giăng, sản vật từ góc núi bến biển đều đổ về" (Trùng tu-Cai Viễn Kiều ký), con đường người Nhật, đặc biệt phố người Đường với những dãy nhà thấp lè tè mà sâu hun hút thông từ bến sông lên đến mặt đường, diện tích ở cho người không bao nhiêu nhưng không gian chứa hàng thật mênh mông. Cái kho trữ hàng hóa sung mãn ấy, Bình Nam đồ bảo là Hội An khố, làm ăn rất phát đạt suốt trong hai thế kỷ 17 & 18, tiếng tăm lừng lẫy trong phạm vi mậu dịch các nước Đông Nam Á mà còn quyến rủ các chàng tư mã Âu Châu Hà Lan, Bồ đào Nha, Anh, Pháp... tìm đến nô nức đô hội một thời. Sự phát đạt ngày nay có thể nhìn thấy rõ trên các chùa miếu qui mô của các bang người Hoa một thời, tại Hội An...

Cửa biển Đại Chiêm phồn thịnh non mười thế kỷ với người Chàm, đến người Minh lập phố trên cửa sông Hội An trong hai thế kỷ tiếp theo, rồi trải qua năm trăm năm Đại Việt làm chủ một cách hữu hảo hòa đồng dân tộc, ngày nay nó đã được thế giới thừa nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Một trục thẳng không gian địa lý - kinh tế, trên kia là thánh địa của tâm linh hướng tới một thế giới siêu hình, dưới này là trung tâm mậu dịch sầm uất được củng cố với những triết thuyết, tín ngưỡng không kém phần kinh tế thực tiễn là Nho giáo, là những Quan Thánh, Thiên hậu, Bà Mụ, Ông Bổn... những thần thánh rất cận nhân tình.

Thế giới đã sâu sắc nghiên cứu đi đến thừa nhận, trách nhiệm của cộng đồng chủ sở hữu bảo tồn và phát huy di sản không phải không nặng nề. Nó đòi hỏi nhiều công sức vật chất cũng như những nổ lực tinh thần để khai quật một nền văn minh cổ sơ hàng ngàn năm lịch sử, và một phức hợp văn hóa-khảo cổ trong năm thế kỷ có dư.

N.S.D
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng