Cuộc đời quá ngắn ngủi của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung với vương triều Tây Sơn chỉ tồn tại ngót nghét 20 năm, một khoảng thời gian ít ỏi trong quãng thời gian bốn ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam ta. Trong bối cảnh nhiễu nhương tranh giành cát cứ lâu dài của các thế lực phong kiến trong nước và nạn ngoại xâm của các nước láng giềng lân bang. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn với những chiến thắng lẫy lừng, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã từng bước dẹp yên được thù trong giặc ngoài, thu giang sơn ta về một mối thống nhất có chủ quyền. Có thể nói rằng sự nghiệp ngắn ngủi của triều đại nhà Tây Sơn, đứng đầu là Hoàng đế Quang Trung với đội quân áo vải cờ đào đã làm được nhiều chiến công chói sáng nhất trong lịch sử Việt Nam. Do sự trớ trêu của lịch sử và cả những yếu tố khách quan mà sự nghiệp của Quang Trung còn nhiều điều còn bị khuất lấp chưa được làm sáng tỏ. Chúng tôi chưa đủ tầm để đánh giá những điều nghịch lý tác động tới sự nghiệp Quang Trung. Điều này xin nhường lại cho các nhà sử học có tâm huyết, phân tích đánh giá thêm. Lịch sử nhân loại có những sự trùng lặp đến lạ lùng, ngày 2.12.1788 Nguyễn Huệ trước khi tiến quân ra bắc để đánh quân Thanh đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân trên đất Phú Xuân, để rồi có cuộc hành binh thần tốc kỳ lạ đầy bí ẩn, chỉ với thời gian rất ít đã vượt quãng đường dài xấp xỉ 700km, có lẽ quân lính chưa được nghỉ ngơi đã lập tức đánh tan 29 vạn quân Thanh trên đất Thăng Long ngay sau Tết đầu xuân năm 1789, và đó cũng chính là năm nổ ra cuộc Cách mạng Công xã Pari ở Pháp. Nhà Nguyễn với người sáng lập là Gia Long Nguyễn Ánh đã có những sự trả thù quá đáng đối với nhà Tây Sơn hòng xóa đi hết mọi vết tích của triều đại này khiến chúng ta ngày nay phải hao tốn công sức đi tìm kiếm hầu mong phục dựng lại chân dung đích thực của nhà Tây Sơn nói chung và Nguyễn Huệ - Quang Trung nói riêng. Còn nhiều điều mờ ảo trong lịch sử Quang Trung nhưng may mắn thay, sau năm 1975 các nhà sử học cách mạng mới có cơ hội vào cuộc nghiên cứu sâu hơn về triều đại Tây Sơn lừng lẫy. Chúng tôi vô cùng trân trọng sự đam mê nghiên cứu khám phá thêm về triều đại Tây Sơn của các nhà sử học trong cả nước, đặc biệt ở Huế có các anh Đỗ Bang, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An v.v... Trong quá trình làm nghề chúng tôi có mạn phép sử dụng kết quả nghiên cứu của các vị đó và xin được vô cùng biết ơn các vị. Đặc biệt khi tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử núi Bân đã hoàn toàn dựa vào tài liệu khám phá và công bố lần đầu tiên của anh Đỗ Bang. Cuộc hành quân ra Bắc đánh quân Thanh từ Phú Xuân tới Thăng Long, qua các địa danh không kém phần nổi tiếng như: Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định rồi Hà Nam; chắc chắn trong những miền đất ấy trên đường thiên lý đã để lại những mốc son của cuộc hành binh lịch sử này mà chúng ta nên chăng phải tìm tòi và tạo dựng lại sau này. Trên chặng đường hành binh ấy có hai gò đồi nổi tiếng nhất: - Núi Bân là nơi Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, đồng thời là điểm ra quân xuất phát của tướng sĩ ngay sau đó. - Gò Đống Đa trên đất Thăng Long Hà Nội là nơi chiến thắng kết thúc cuộc chiến tranh chống quân Thanh. Rồi chặng đường từ Hải Vân qua thành Quy Nhơn quê hương nhà Tây Sơn cho tới Rạch Gầm xoài Mút và những địa danh khác trong Nam mà Nguyễn Huệ đã cùng vó ngựa và thanh gươm lao tới để đánh bại kẻ thù cũng nên có những công trình kỷ niệm thật xứng tầm với những chiến công đó. Vì vậy, tại Gò Đống Đa dựng tượng đài Quang Trung với biểu tượng chiến thắng là hoàn toàn đúng đắn. Còn đàn tế trên đỉnh Núi Bân là đàn lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng tượng đài Quang Trung trên đàn tế Núi Bân. Chúng tôi nghĩ rằng tuy đàn tế trên đỉnh Núi Bân và Gò Đống Đa là hai địa danh nổi tiếng liên quan đến chiến thắng quân Thanh lẫy lừng nhưng ý nghĩa có phần khác nhau nên không thể thực hiện xây dựng giống nhau. Ngay từ đầu chúng tôi đã đề xuất không nên xây dựng tượng đài Quang Trung trên đàn tế Núi Bân mà chuyển qua quả đồi trọc cận kề xây dựng kèm theo một số công trình tưởng niệm là hợp lý hơn. Hiện tại đã hình thành quy hoạch khu tưởng niệm Quang Trung trong khu vực Núi Bân, trong đó Núi Bân là di tích gốc quan trọng nhất nằm trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ có diện tích 9,5 ha bao gồm cả tượng đài và các công trình tưởng niệm đi kèm cùng với công viên cây xanh và giao thông quảng trường liên hoàn. Địa điểm cận Núi Ngự Bình có đường 49 đi qua nối với đàn Nam Giao cách đó một quãng ngắn. Núi Bân còn gọi là núi Đông Tầng hay Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên... bao gồm 2 quả đồi liền kề, đồi cao hơn một ít phía tây phải được chọn làm đàn tế. Đàn tế có cao độ 43,75m (Núi Ngự Bình bên cạnh có độ cao 110m). Độ dốc đàn tế dao động 34 - 35%, trên đỉnh đàn tế có 3 tầng đất được tạo theo kiểu hình nón cụt. - Tầng 1 có chu vi 220m độ cao 40,9m. - Tầng 2 có chu vi 122,5m độ cao 42,1m. - Tầng 3 trên cùng có chu vi 52,75m, độ cao 43,75m (Số liệu khảo sát của Đỗ Bang). Ngoài ra có 1 tầng phụ phía Tây cao độ xấp xỉ 39m. Có 4 lối đi lên đàn tế theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông, Tây lệch chuẩn 15 độ về phía Tây, lòng đường dao động từ 3,5 - 5,2m kể từ điểm đầu đến điểm cuối tính từ trên xuống. Đường đồng mức hình quả trứng phân bố rất đều đặn. Các tầng đàn được tạo ra trên cơ sở những đường đồng mức ấy nên rất tiết kiệm về công sức và thời gian đào đắp có lợi cho tính khẩn trương thời chiến. Phần lớn đàn ở thế đất tự nhiên không có công trình kiên cố nào được xây dựng ở đây. Trải qua 220 năm tồn tại không bị các cuộc chiến tranh nào hủy diệt kể cả nhà Nguyễn thù địch. Có chăng chỉ là sự bào mòn chút ít bởi thiên nhiên do mưa lũ trôi mòn mà thôi. Ý tưởng của chúng tôi qua nhiều lần báo cáo và hội thảo với các nhà quản lý, các nhà khoa học và lịch sử là tuyệt đối tôn trọng di tích gốc. Với thái độ cẩn trọng đã tìm tòi bù đắp lại những chỗ bị trôi lở và có giải pháp kỹ thuật bổ túc để bảo vệ lâu dài di tích vô giá này. Chỉ có một công trình nhỏ, giản dị và khiêm tốn nằm phía Tây Đàn tế ở gần cuối chân núi, đó là nhà bia lưu niệm nơi đã chôn cất thi hài bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ mà tôi đã có diễm phúc được hiến tặng bản thiết kế nhà bia ấy cho tới nay còn tồn tại và được che phủ dưới rặng thông xanh. Xin được giữ lại nguyên trạng để làm phong phú thêm ý nghĩa của Núi Bân mà không có sự lấn áp nào. Ngoài ra lưng chừng núi được tạo ra con đường dạo quanh khu di tích chỉ rộng 2m với vật liệu truyền thống nối liên hoàn qua khu tưởng niệm trên đồi trọc lân cận Núi Bân. Khoảng không gian còn lại còn có 43 nhà dân, một trạm vệ sinh phòng dịch và cơ sở phòng chống sốt rét, kiến nghị cần di dời giải tỏa theo từng bước. Có khoảng 3.532 mồ mả đã cơ bản được di dời xong. Lần tu bổ tôn tạo đầu tiên này đối với Núi Bân chỉ đảm bảo giữ gìn được di tích gốc gần với di tích xưa. Tuy vậy còn có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ đang chờ sự góp công, tìm tòi nghiên cứu của các nhà sử học như sau: 1. Vật kiến trúc trên đàn tế khi Quang Trung lên ngôi Hoàng đế có hay không, nếu có thì kiểu dáng kích thước, vật liệu ra sao? 2. Khi khảo sát nghiên cứu, anh Đỗ Bang có phát hiện một số viên gạch cũ phía gần sau tầng phụ có liên quan gì tới di tích hay không? 3. Phía Đông tầng hai có ghép đá gan gà một đoạn chân thành dài khoảng 2,5 - 3m có phải là hiện vật gốc hay không? mà hiện nay nên tạm giữ lại để nghiên cứu thêm. 4. Bốn hướng của bốn tuyến đường dựng lên đàn tế có cổng chào nghinh tiếp ngày vua làm lễ lên ngôi Hoàng đế hay không? 5. Tầng phụ phía Tây là của di tích hay bị ai đó đào lấy đất? và nếu là của di tích thì nó được sử dụng để làm gì? 6. Xin hỏi rộng ra thì khi làm lễ quân lính tập trung ở quảng trường nào trong bốn hướng của Đàn Tế. Đó là những trăn trở mà chúng tôi phải nhờ tới sự quan tâm nghiên cứu thêm của giới sử học và ký ức của nhân dân. Khu di tích Núi Bân nằm cận kề với Núi Ngự Bình, không gian liên hoàn này hòa nhập với nhau tạo nên khu cảnh quan chung rất đẹp. Bởi lẽ đó nên việc thiết kế công viên cây xanh ở đây cũng phải được nghiên cứu và đầu tư đúng mức. Sự nghiệp Quang Trung trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - của đất nước. Trên thổ nhưỡng Huế qua các triều đại tồn tại ở đây đã thu nạp nhiều chủng loại cây và hoa của đủ 3 miền, và đã quen thổ nhưỡng ta chỉ cần lựa chọn tại chỗ để đưa vào trồng trong khu vực di tích, cốt làm sao đó tại địa danh này cả bốn mùa đều có hoa nở. Chỉ có sắp xếp làm sao đó cho có tầng lớp không gian trật tự và sinh động nhưng không quá che lấp di tích để khi làm lễ hội không bị khuất lấp và tiện ghi hình. Chọn nơi thích hợp để trồng ít cây me tại quê hương nhà Tây Sơn và vài gốc đào Nhật Tân để ôn lại tết năm xưa trên đất Thăng Long, Nguyễn Huệ đã gởi vào Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Đề tài này chúng tôi đã nghiên cứu và trình bày báo cáo nhưng chưa được đầu tư, xin được bảo lưu ý kiến và tiếp tục đề xuất. Trên đây là lời phát biểu của một công dân đất Việt có vinh dự được giao nhiệm vụ nghiên cứu việc tu bổ, tôn tạo di tích Núi Bân lần thứ nhất. Vô cùng chiêm bái trước sự tích lẫy lừng của vị anh hùng dân tộc nhân kỷ niệm 220 năm ngày Quang Trung lên ngôi Hoàng đế tại đất Phú Xuân. Nếu còn những khiếm khuyết trong bài viết xin cho lời chỉ giáo, đồng thời cảm tạ sự giúp đỡ của Quý vị. Huế, tháng 6 năm 2008 T.D.L
(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)
|