Khảo cổ
Xuất lộ phần di tích Đàn Xã Tắc
20:27 | 10/03/2008
Toàn bộ hai tầng của đàn Xã tắc - bộ phận quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích - di sản thế giới tại Huế, đã được xác định rõ, đặc biệt trong đó là sự xuất lộ rất nhiều tầng đất khác nhau trên khu đàn chính... Đó là kết quả bước đầu của đợt khai quật khảo cổ học di tích đàn Xã tắc triều Nguyễn - TP Huế, do Bảo tàng Lịch sử VN tiến hành từ đầu tháng 2/2008 đến nay.
Xuất lộ phần di tích Đàn Xã Tắc
Khảo cổ Đàn Xã Tắc

Toàn bộ hai tầng của đàn Xã tắc - bộ phận quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích - di sản thế giới tại Huế, đã được xác định rõ, đặc biệt trong đó là sự xuất lộ rất nhiều tầng đất khác nhau trên khu đàn chính... Đó là kết quả bước đầu của đợt khai quật khảo cổ học di tích đàn Xã tắc triều Nguyễn - TP Huế, do Bảo tàng Lịch sử VN tiến hành từ đầu tháng 2/2008 đến nay.
Trên khu vực được phép khai quật rộng 2.500m2, đoàn khảo cổ đã xác định hơn 80% của toàn bộ phần bó của tầng một - tầng đàn chính, làm bằng gạch vồ dày 0,8m, hình vuông mỗi cạnh dài 30m, giữa bốn cạnh là bốn bậc cấp đi lên. Kết cấu của hệ thống gia cố móng bó tầng một được xác định gồm khoảng 12 lớp đất sét, vôi, cát và gạch ngói vỡ nén chặt.
Tại một hố khai quật, trưởng đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử VN tại Huế, ông Nguyễn Tuấn Lâm, cho biết: "Từ đây chúng tôi xác định nền tầng một được cấu tạo bằng nhiều lớp đất khác nhau được đầm một cách rất công phu, mỗi lớp dày khoảng 15cm. Đây quả thật là điều gây xúc động cho chúng tôi vì đã xác định rõ từng phần đất sạch trên nhiều miền của Tổ quốc đóng góp về đây để lập nên đàn này; và cũng từ đây mới thấy tầm quan trọng của ngôi đàn đối với đất nước như thế nào...".
Tầng hai cũng hình vuông mỗi cạnh dài 74m, phần bó tạo bởi lớp đá gan gà chồng lên nhau dày 1,7-1,8m. Nền tầng hai gồm sáu tầng đất khác loại nằm chồng lên nhau theo chiều ngang. Cùng với bia "Thái xã chi thần" đang tồn tại, một chân bia đá thanh lớn cũng được phát hiện kèm theo rất nhiều hiện vật là chân tảng đá thanh và đá gan gà dùng để cắm tàn, lọng, cờ... nằm rải rác trong khu vực...  
Như vậy, khu di tích tưởng chừng chỉ còn trong trí nhớ của dân Huế qua mấy câu ca dao Văn thánh trồng thông/Võ thánh trồng bàng/Ngó vô Xã tắc hai hàng mù u, nay đã có đầy đủ cơ sở để phục dựng nguyên trạng.
Ông Phan Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay lộ trình phục dựng đàn Xã tắc gồm: công tác nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và phục dựng tầng đàn tế chính thực hiện trong năm 2008, sau đó sẽ tổ chức lễ tế đàn Xã tắc mỗi năm hai lần (xuân thu nhị kỳ) như ngày xưa. Tiến tới năm 2010 sẽ trả lại nguyên trạng và toàn bộ cảnh quan của đàn, biến Xã tắc thành điểm hành hương của cả nước, kèm theo đó là kêu gọi đóng góp đất sạch các vùng miền để tôn nền đàn như ngày xưa... Trước mắt, việc tế lễ sẽ tổ chức dịp Festival Huế vào tháng 6-2008 sắp tới.
Đàn Xã tắc, nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều Nguyễn được lập vào năm Gia Long thứ 5 (1806) do các thành dinh trấn trên cả nước đóng góp đất sạch về Huế để xây đắp nên. Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu, và lễ tế đàn Xã tắc được xếp vào hàng "đại tự", cách ba năm (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đích thân nhà vua đến làm lễ. 
Theo Thái Lộc (Tuổi Trẻ, 9.3.2008)

Các bài mới