Khảo cổ
Di tích gốm Long Thọ
08:59 | 08/03/2024


LÊ ĐÌNH PHÚC

Di tích gốm Long Thọ
Nhà máy Xi măng Long Thọ (năm 1998) - Ảnh: longthohue.com.vn

Vài nét về khu di tích gốm Long Thọ

Long Thọ - Tên một ngọn đồi và cũng là tên một thôn nhỏ nằm giữa làng Nguyệt Biều xưa, nay là xã Thủy Biều thành phố Huế. Long Thọ nằm sát bờ Nam sông Hương, cách trung tâm thành phố chừng 6 km về phía tây. Trước đây, ngọn đồi này còn có tên gọi là Thọ Khương Thượng Khố; thời Gia Long gọi là Thọ Xương. Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) vùng đất này lại mang tên mới là "Long Thọ Cương".

Theo Đại Nam thực lục chính biên thì vào tháng 11 năm Gia Long thứ IX (1810), vua Gia Long đã ra đạo dụ thành lập ở Long Thọ một công xưởng sản xuất gạch ngói và đồ gốm tráng men. Đạo dụ này cũng quy định cho phép một người Hoa tên là Hà Đạt cùng ba người thợ làm gạch ngói giỏi ở Quảng Đông (Trung Quốc) đến Khố Thượng giúp triều đình sản xuất các loại gạch ngói tráng men nhiều màu sắc nhằm phục vụ cho việc xây dựng các cung điện của Hoàng gia cũng như các kiến trúc khác trong vùng.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia này, những viên đội và hàng ngàn lính thợ Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật làm gốm tráng men và đảm nhận được toàn bộ quy trình sản xuất, từ việc xây lò, khai thác nguyên liệu, pha chế men... đến tạo hình và nung chín sản phẩm. Sau một thời gian chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn sản xuất, những người thợ gốm Quảng Đông (Trung Quốc) đã được vua Gia Long ban thưởng và trở về nước. Từ đó mọi khâu trong quy trình sản xuất đều do lính thợ nước ta đảm nhiệm.

Dựa theo chỉ dẫn của những tư liệu thành văn và dân gian này, năm 1917 M.Rigaux giám đốc xí nghiệp vôi thủy Long Thọ đã tiến hành khảo sát toàn bộ khu di tích. Kết quả ông đã phát hiện được dấu tích của 8 lò nung gạch ngói và 13 lò gốm liên hoàn cùng nhiều gạch ngói và mảnh vỡ của đồ gốm. Ngoài ra, M.Rigaux cũng thông báo có một số dấu vết về lò nung ở vùng kế cận của điện Voi Ré và tìm thấy 3 tượng sư tử bằng đất nung đã tráng men trong đống sản phẩm bị hư hỏng.

Trên cơ sở những tư liệu thu được M.Rigaux cho rằng tất cả sản phẩm gốm hiện có ở Huế và vùng phụ cận hồi bấy giờ đều được sản xuất ở Long Thọ. Và, nghề gốm ở đây không phải chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 1811 (sau khi có đạo dụ của vua Gia Long), mà trước đó đã có nghề gốm thủ công dân gian, về thời điểm ra đời của nó cho đến nay vẫn chưa xác định được một cách cụ thể, nhưng với những phát hiện lẻ tẻ lâu nay của mình, chúng tôi cho rằng nghề gốm ở đây có thể đã xuất hiện dưới thời Chăm Pa.

Nếu chỉ tính riêng từ năm 1811 trở lại sau này thì nghề gốm ở Long Thọ cũng đã trải qua ba thời kỳ phát triển.

+ Thời kỳ sản xuất thử nghiệm (từ 1811-1814):

Lúc đầu người ta khai thác đất sét ngay dưới chân đồi Long Thọ, khoảng giữa nhà máy vôi thủy và làng Nguyệt Biều. Đất sét này dùng để làm gạch, ngói, tương đối tốt, nhưng lại không làm được đồ gốm tráng men vì không chịu được độ nung cao. Đất sét ở đây tỷ lệ silic thấp nhưng tỷ lệ sắt lại cao, làm cho nó nóng chảy ở khoảng 700- 800oC.

Trong khi đó nhiệt độ nóng chảy của men lại cao hơn rất nhiều, ít nhất cũng phải từ 900 đến 1200oC. Trước tình hình đó những người thợ gốm Long Thọ lúc bấy giờ phải đi khai thác đất sét tại các làng Vân Cù, Triều Sơn. Sét ở đây chứa khoảng 50 % ôxyt silic; 25 % ôxyt nhôm và dưới 5% sắt nên chịu được nhiệt độ cao, rất thuận lợi cho việc làm gốm tráng men.

+ Thời kỳ ổn định và phát triển (từ 1815-1885):

Tiếp sau thời kỳ sản xuất thử nghiệm, khi kỹ thuật đã ổn định, do nhu cầu xây dựng kinh thành, lăng tẩm và chùa, miếu... nên đã tạo điều kiện cho nghề gốm Long Thọ phát triển mạnh mẽ. Ở đây thường xuyên có tới hàng ngàn lính thợ làm việc, với sản phẩm bình quân mỗi tháng là 200.000 đơn vị. Nếu so với đầu người thì mức thu sản phẩm như vậy là thấp. Lúc bấy giờ người ta không tính đến giá thành sản phẩm mà chú trọng đặc biệt đến chất lượng về mỹ thuật. Có khi chỉ lựa chọn được khoảng 1/3 tổng số sản phẩm ra lò để đưa vào xây dựng.

+ Thời kỳ phục hồi (1909-1945). Sau vụ biến động kinh thành (1885), các đội lính thợ gốm ở Long Thọ bị giải thể, nghề gốm ở đây ngưng hoạt động trong vòng 25 năm. Mãi đến năm 1909, do nhu cầu phải trùng tu phòng khách và nhà ăn trong hoàng cung, Thượng thư Bộ Công yêu cầu ông Bogaert (chủ nhà máy vôi thủy Long Thọ lúc bấy giờ) tìm lại những bí quyết của việc sản xuất đồ gốm tráng men xưa. Với máy móc hiện đại, lò nung cải tiến, đào tạo công nhân lành nghề và tuân thủ đúng các yêu cầu trong quy trình sản xuất... nên người Pháp đã góp phần phục hồi và đưa nghề gốm tráng men Long Thọ đạt tới đỉnh cao về chất lượng và năng suất. Gốm tráng men thời kỳ này chẳng những đảm bảo được chất lượng, giảm bớt tỷ lệ hư hỏng mà còn tăng được nhiều màu men mới. Từ 2 màu vàng và xanh, nay có thêm màu tím (ôxyt man- gan và cô-ban); màu đỏ thắm (ôxyt man-gan và An-ti-moan); màu lục nhạt (ôxyt đồng, mangan và sắt)...

Khai thác đá những năm đầu thập kỷ 80 - Ảnh: longthohue.com.vn/


Như vậy chúng ta thấy nghề gốm ở Long Thọ đã có một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài nhưng không liên tục. Sản phẩm của nó gắn liền với việc xây dựng, trùng tu các di tích kiến trúc ở kinh thành Huế và các vùng phụ cận. Nếu không kể thời kỳ thực nghiệm ban đầu thì có thể phân thành hai giai đoạn.

Một là giai đoạn sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (từ 1815 đến 1885).

Hai là giai đoạn từ 1909 đến 1945 có sự kết hợp giữa các phương pháp thủ công và cơ giới.

Kết quả điều tra và thám sát:

Để góp phần nhận thức một cách đầy đủ, cụ thể hơn, cũng như từng bước sưu tập các loại hình sản phẩm gốm ở đây, tháng tư năm 1993 chúng tôi đã phối hợp với cơ quan bảo tàng thành phố Huế tiến hành điều tra, thám sát lại khu di tích này. Chúng tôi đã tiến hành đào một số hố thám sát tại khu vườn nhà ông Dụy (thôn Long Thọ) sát nách điện Voi Ré về phía đông, nơi mà trước đây M.Rigaux cho là có dấu vết lò nung.

1. Hố thứ nhất: Rộng bốn mét vuông, cách nhà ông Dụy năm mươi mét về phía đông - bắc. Hố được mở ngay trên đỉnh của một gò phế liệu nên có mật độ mảnh gốm, gạch, ngói vỡ ken dày. Chỉ cần gạt một lớp đất mỏng phía trên chừng mười lăm phân thì bắt gặp ngay đống phế liệu dày hơn hai mét phạm vi phân bố của gò này cũng tương đối rộng ước khoảng gần mười lăm mét vuông.

Do tính chất là một gò phế liệu, số lượng mảnh vỡ nhiều nên chúng tôi chỉ thu lượm một 60 mảnh tiêu biểu đặc trưng cho các loại hình. Phổ biến nhất là mảnh vỡ và phế phẩm của các loại ngói liệt, ngói bò, ngói câu đầu, trích thủy và bao nung. Phần lớn ngói bò, câu đầu, trích thủy đã được tráng men màu xanh lục, một số ít chưa tráng men hoặc chưa nung. Bao nung có hình gần giống với chậu cảnh, được tạo dáng một cách cẩu thả, kích thước cũng không hoàn toàn giống nhau, về cơ bản có miệng loe, đáy bằng, thành gốm dày từ một đến hai phân ở thân được trổ bốn lỗ nhỏ để thông hơi, truyền nhiệt khi nung. Các lỗ này thường đối xứng và trổ một cách cẩu thả, đường kính biến thiên từ hai đến bốn phân. Mặt trong của đáy bao nung thường có dấu in các chữ Hán "thập nhị", "thập tam", "thập tứ"... Đây là tên các tổ, đội sản xuất số 12, 13, 14... Sở dĩ phải đóng dấu như vậy là để tiện cho việc kiểm kê, phân loại và đánh giá chất lượng, số lượng sản phẩm của từng đơn vị sản xuất.

Gạch trang trí lan can, thông gió, ốp tường cũng có nhiều loại. Tùy theo chức năng, chúng được bố trí trong các hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình tam giác, đa giác hay các biến thể khác của các loại hình này. Dựa theo đề tài (đồ án) trang trí, có thể phân chúng thành mấy loại chính như: các loại gạch hình bát quái, hình tứ tượng, hình chữ thọ, chữ vạn, hình rồng biến thể, hình hoa chanh, hoa thị, hình bầu rượu và nhiều dạng văn kỷ hà khác. Đường nét hoa văn trên gạch men rất uyển chuyển và chủ động, nhằm giải quyết một cách trọn vẹn bố cục của hình khung. Mỗi viên gạch bản thân nó là một bố cục hoàn chỉnh nhưng khi xây dựng chúng thường được bố trí ghép với nhau theo các quy tắc đồng đối tâm trục, luân phiên, tái diễn... tạo nên một chỉnh thể hài hòa trong hệ thống các ô hộc. Men ở đây thuộc loại men chì với hai màu vàng (từ Oxýt sắt) và lục (từ Oxýt đồng). Việc phổ biến hai loại màu này không phải chỉ có ý nghĩa kinh tế (giá thành hạ, dễ mua) mà cái chính là do yêu cầu của việc xây dựng kinh thành. Vì màu vàng là màu của nhà vua, gắn với ánh sáng, thanh cao và thoát tục; còn màu xanh lục là để gắn với tầng cao (màu trời xanh) và để hòa lẫn công trình kiến trúc vào cây lá trong thiên nhiên. Chúng ta thấy màu này thường kết hợp với màu vàng để tạo thành thứ ngói lưu ly, vừa có ý nghĩa làm đẹp vừa thể hiện sự sang quý trong kiến trúc cung đình.

Ngoài các loại hình trên trong hố thám sát còn có nhiều mảnh bình, bát, đĩa... Đây là loại gốm thông thường, được chế tạo bằng bàn xoay nên vành mỏng và tròn đều. Nhiều mảnh còn gắn thêm chân đế, tráng men ở mặt trong. Độ nung cao nên chất lượng gốm tương đối cứng. Đặc biệt, ở đây còn có loại chậu cảnh với kích thước lớn. Mép ngoài thành miệng được trang trí hoa văn khắc chìm hình sông nước và gắn thêm những cặp tai đối xứng. Tai chậu có cấu tạo khá đẹp, chúng được nặn riêng rồi gắn vào thành miệng khi gốm còn ướt. Chức năng chính của tai là dùng để làm đẹp chứ không hề có ý nghĩa sử dụng để nâng nhấc khi chuyển dịch chậu.

2. Hố thứ hai: Rộng 0,5 m2 ở phía đông - nam nhà ông Dụy, cách nhà ba mươi mét và cách hố thứ nhất sáu mươi mét. Lớp đất mặt ở đây cứng và dày. Đào xuống độ sâu sáu mươi lăm phân thì gặp dấu tích của thành lò. Đó là những lớp gạch được xây với kết cấu vững chắc. Tại đây cũng đã tìm thấy những viên gạch vuông, dày, khổ rộng, độ nung cao, giống như gạch Bát Tràng mà chúng ta thường gặp ở các sân hay lối đi trong các di tích thuộc Đại Nội và lăng tẩm.

Trong đợt điều tra vừa qua, ngoài những hiện vật thu được trong các hố thám sát, chúng tôi còn thu được khá nhiều các loại gạch, ngói còn nguyên, một tượng người, một tượng sư tử, hai tượng voi và một lọ gốm tráng men có chân đế rất đẹp. Những hiện vật này do nhân dân địa phương thu nhặt được trong khi đào đất trồng cây, làm vườn. Điều đáng lưu ý là năm 1917 M.Rigaux cũng đã tìm được ba tượng sư tử bằng đất nung ở Long Thọ. Khi so sánh với ba tượng sư tử mà chúng tôi vừa tìm thấy thì giữa chúng rất giống nhau, cả về kích thước lẫn hình dáng. Điều đó chứng tỏ chúng đã được sản xuất hàng loạt tại Long Thọ. Một cơ sở khác để khẳng định loại sản phẩm này được sản xuất ở đây nữa là tượng sư tử tìm thấy lần này làm chưa hoàn chỉnh, vừa mới tạo dáng xong và nung chín cốt đợt đầu chứ chưa phủ men. Còn các tượng người, voi thì đã được tráng men hoàn chỉnh. Men phủ cho tượng cùng chủng loại và màu sắc giống như men tráng gạch, ngói. Hai tượng voi có hình dáng, kích thước và tư thế giống hệt nhau, cùng quay vòi về một hướng... khiến cho ta nghĩ rằng chúng được tạo ra từ một khuôn chung.

Nhận xét:

Từ các nguồn tư liệu vừa trình bày trên, chúng tôi có một số nhận xét bước đầu là:

1. Khu vực mà chúng tôi thám sát là dấu tích còn lại của giai đoạn đầu, khi mà kỹ thuật sản xuất gốm ở đây còn đang hoàn toàn bằng thủ công.

2. Long Thọ không phải chỉ là nơi sản xuất gốm xây dựng kinh thành và lăng tẩm Huế, mà còn sản xuất cả gốm dân dụng và gốm nghệ thuật ở trình độ cao. Ngay trong gốm xây dựng, những người thợ gốm Long Thọ hồi thế kỷ XIX cũng đã sản xuất được nhiều chủng loại, kể cả loại gạch lát sân, lát đường như gạch Bát Tràng ngoài Bắc. Chúng tôi không phủ định sự có mặt của gạch Bát Tràng trong các di tích kiến trúc cung đình và lăng tẩm Huế, nhưng cũng khẳng định rằng phần lớn cái gọi là "Gạch Bát Tràng" trong các di tích kiến trúc Huế hồi thế kỷ XIX đều sản xuất tại Long Thọ. Có thể lúc đó thợ gốm Bát Tràng vào tham gia sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho lính thợ ở đây, nhưng cũng có thể do lính thợ ở đây tự sáng tạo trên cơ sở dựa theo kích thước, khuôn mẫu và màu sắc của gốm Bát Tràng.

3. Do quy tụ được các nguồn lính thợ ở khắp miền đất nước và trực tiếp mời chuyên gia hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật lầm gốm tráng men của Trung Quốc, cũng như do nhu cầu cao về chất lượng và khối lượng sản phẩm nhằm cung ứng cho việc xây dựng các kiến trúc cung đình Huế mà nghề gốm Long Thọ đã có đủ điều kiện để phát triển một cách mạnh mẽ, nó trở thành một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất nước ta hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Từ trung tâm này kỹ thuật làm gốm tráng men đã theo những người lính thợ về với nhiều địa phương khác như ở Quảng Nam, Quy Nhơn, Thanh Hóa... Sự có mặt của một số loại hình gốm tráng men trong một số di tích kiến trúc cùng thời ở các địa phương trên là cơ sở thực tế khiến chúng ta suy nghĩ tới điều này.

4. Mặc dầu có một thời gian dài phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình sản phẩm đạt chất lượng cao, nhưng đây là một công xưởng sản xuất của triều đình, nguồn lao động chính là lính thợ, sản xuất chủ yếu vật liệu xây dựng cung ứng cho việc xây dựng kinh thành, nên khi nhu cầu này không còn nữa thì nghề gốm cũng tàn lụi dần và mất hẳn vào giữa năm 1885 khi kinh đô thất thủ. Các đội lính thợ bị giải thể. Đây cũng là lý do chính để giải thích vì sao nhân dân vùng Long Thọ - Nguyệt Biều lại không tiếp tục duy trì nghề thủ công này giống như nghề đúc đồng ở phường Đúc. Bên cạnh việc nhân dân địa phương không trực tiếp tham gia sản xuất, không nắm vững quy trình kỹ thuật và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường không lớn, thì một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng làm cho nghề gốm Long Thọ không duy trì được đến tận ngày nay - với tư cách như là một nghề thủ công truyền thống - là vì nguồn nguyên liệu. Đất sét ở Long Thọ như trên đã nói, do có nhiều sắt và tỷ lệ si líc thấp nên không chịu được độ nung cao. Trước đây triều đình cho lính thợ đi khai thác tại các vùng Vân Cù, Triều Sơn chở về làm theo kiểu: "nước sông, công lính" chứ không hề tính đến giá thành sản phẩm cao hay thấp. Nếu thợ thủ công tiếp tục sản xuất theo hướng đó thì rõ ràng sẽ không có hiệu quả kinh tế, vì thế mà họ không duy trì. Về sau, khi có nhu cầu của triều đình về một số gạch ngói tráng men để trùng tu thì M.Bogaert với kỹ thuật tiên tiến của phương Tây và công nhân sẵn có đã nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất đáp ứng được nhu cầu ấy./.

Huế, tháng 5.1993
L.Đ.P
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng