Từ trong nước, thông qua Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Đào Tùng, nhà thơ điện cho tôi: “Đồng ý với danh mục mà Đương đã chọn, nhưng các bài về Bác còn ít quá. Có thể bỏ bớt bài này bài khác, nhưng về Bác Hồ, Đương cố gắng dịch thêm”. Tiếp thu ý kiến của ông, ngoài hai bài “Sáng tháng Năm” và “Xưa… Nay”, tôi trích dịch thêm nhiều đoạn trong trường ca “Theo chân Bác”. Khi tập thơ in ra, dưới tên “Việt
, Tổ quốc tôi”, Tố Hữu tìm trong mục lục trước hết những bài thơ về Bác. Tôi thấy ông tỏ ý hài lòng. Từ đó, trong thâm tâm, tôi có ý định sẽ xin ông kể lại những hồi ức của ông về Bác.
Những câu chuyện đầu tiên về Bác mà nhà thơ Tố Hữu dành cho tôi được diễn ra ở một nơi khá đặc biệt: trên tầng cao của tháp vô tuyến truyền hình Béc-lin. Đó là buổi sáng đẹp trời tháng 7 năm 1979. Dịp ấy, ông dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng ta đi dự Hội nghị các Bí thư Trung ương phụ trách công tác tư tưởng và đối ngoại của các Đảng Cộng sản thuộc hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Lúc đó ông là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Tôi được điều động đi giúp việc cho Đoàn. Ngoài nhiệm vụ một phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, còn làm phiên dịch cùng với anh Giuy-ken Phirít-xơ, Chuyên viên Ban quan hệ quốc tế của Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED). Đã mấy ngày tiến hành Hội nghị, nhà thơ Tố Hữu làm việc rất căng thẳng. Sau khi duyệt lại và đọc trước diễn đàn quốc tế Báo cáo của Đảng ta, ông liên tục tiếp xúc với các Đoàn bạn và chú ý theo dõi nội dung báo cáo của từng đoàn. Giờ đây, ông và các thành viên của Đoàn được bạn mời lên tháp truyền hình uống cà phê để thư giãn và ngắm toàn cảnh Béc-lin cả hai phía Đông và Tây. Trên tầng cà phê, khách có thể ngồi một giờ đồng hồ, cũng vừa đúng một vòng quay của tầng. Là phiên dịch, tôi được ngồi cùng bàn với nhà thơ Trưởng đoàn. Bên ông là đứa con gái cả tên Thanh Hoa, đang học ở Liên xô sang thăm bố.
Nhà thơ chỉ vào Hoa, vui vẻ nói với tôi: - Cô bé này lúc mới lên ba, mình đưa nó ra sân bay đón Bác và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đi dự Lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng tháng Mười tại Matxcơva về. Khung cảnh của buổi chiều ấy đúng như bài thơ “Cánh chim không mỏi” miêu tả: trời xanh, nắng rực bờ đê Sông Hồng… Cô bé lên ba ngày ấy, giờ đã sắp tốt nghiệp đại học. Tôi đánh bạo hỏi ông: - Có lần nào Bác Hồ đến thăm nhà thơ tại nhà riêng không? - Nhà riêng thì không, nhưng có đến cơ quan ở Việt Bắc; lúc ấy nhà mình cũng công tác ở đấy. Bác đến, trông thấy Thanh (bà Vũ Thị Thanh – vợ ông), Bác giơ gói hạt sen lên và tươi cười hỏi: “Cô có biết thương chồng thì phải thế nào không?”. Nhà mình lúng túng mãi, không biết trả lời ra sao. Bác bảo: “Cô chẳng biết câu ca dao này à: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh hoa lý nấu chè hạt sen…”. Nghe Bác đọc hai câu ca dao, mình rất hứng thú, đỡ lời Thanh: “Dạ, nhưng ở đây “Thương chồng chỉ có măng le/ Nấu canh rau rút nấu chè bí ngô” thôi ạ!”. Thanh Hoa và tôi đều rất vui trước câu chuyện nhà thơ vừa kể. Tôi hỏi tiếp: - Có một thời gian dài, nhà thơ thường vào ăn cơm chiều với Bác; Bác có kể chuyện gì không ạ? - Ờ ờ… khi ấy, sức khỏe của Bác đã giảm sút. Trung ương không muốn Bác đi lại nhiều, và cũng không muốn Bác phải ngồi ăn một mình. Các anh khác cũng đến, nhưng thường vào ngày. Các anh biết Bác thương mình như đứa con của Người, nên dặn cố mà hỏi chuyện về đời hoạt động thời bí mật của Bác. Nhưng, Bác rất ít kể. Thời hoạt động bí mật ở các nước, hẳn có nhiều chuyện hay lắm. Song, Bác nói: “Bác đến đó làm những việc do Quốc tế Cộng sản giao, muốn biết thì hỏi Quốc tế Cộng sản!”. Hồi ở Việt Bắc, bên đống lửa sưởi trong những đêm đông giá rét, có lần Người nói một chút về chuyến bí mật rời Pháp sang Đức để qua Liên Xô. Đến ăn cơm với Người, trong bụng muốn hỏi Bác nhiều chuyện, nhưng Bác lại chủ động hỏi mình về tình hình trong nước, nhất là về chiến trường miền Nam. Cũng có nhiều lần anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cùng ăn với Bác. Có lẽ, trên thế giới này, không có vị nguyên thủ nào lại ăn những món đạm bạc như thế: cá kho, cà Nghệ, canh rau…
Ở gần Tố Hữu, mới thấy ông cũng rất vui tính, khác hẳn sự tưởng tượng trước đây của tôi về ông. Cuối năm 1973, tôi đã được đi một chuyến cùng ông từ Béc-lin về Lai-pdích, rồi Đre-xđen, nhưng thời gian hơi eo hẹp và cũng mới gặp được ông lần đầu. Lần này, thời gian dài hơn và ông được đến nhiều cơ sở văn hóa ở địa phương, đặc biệt là Éc-phuốc, nơi có những nông trường chuyên trồng hoa và tiếp xúc với nhiều khu vực có các đội văn nghệ quần chúng… Trên đường đến thăm nhà Bảo tàng và mộ Béc-tôn Brếch, tôi hỏi tiếp nhà thơ những kỷ niệm xung quanh các bài thơ ông viết về Bác Hồ. Ông nói: - Có không ít những câu thơ của mình là viết theo những suy nghĩ lớn của Bác. Như bài “Xưa… Nay” mà Đương đã dịch đấy. Trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ cuối năm 1954, Bác nói: “Trước kia, ta mới có rừng núi, có đêm; ngày nay ta có thêm sông, thêm biển, thêm cả ban ngày”. Từ ý ấy, mình viết: “Xưa là rừng núi, là đêm/ Giờ thêm sông biển lại thêm ban ngày”.
Vào đầu những năm 60, mình vào làm việc với Bác, có hỏi Người một số vấn đề quốc tế, trong đó sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Xô - Trung. Quả thật, ngày ấy, rất nhiều đảng viên và những người ngoài Đảng tỏ ra lo lắng, không biết họa bi thảm này sẽ kéo dài đến bao giờ. Bác nhìn mình trầm ngâm một lát rồi thong thả nói: “Chân lý Mác - Lê nin là mặt trời, còn những sai lầm đều là những bóng mây một lúc nào thôi". Nghe lời Bác dạy, mình suy nghĩ và viết theo ý Người: "Chân lý, mặt trời soi sáng mãi/ Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua"… Rồi khi viết bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", mình kết thúc bằng câu "Cũng mới là bài học đầu tiên", cũng là từ một lời căn dặn của Bác. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, được Bác gọi vào để bàn về công tác tư tưởng, câu đầu tiên Bác hỏi mình: "Chỗ các chú đêm qua làm gì mà ầm lên thế?”. Bác hỏi như thế, nhưng Bác biết mọi người đều vui mừng khi được tin chiến thắng. Đêm ấy, thật tưng bừng, giữa đêm tối của núi rừng bỗng sáng rực những ngọn đuốc cùng tiếng vó ngựa đi báo tin vui tại các cơ quan. Bác bảo: “Đánh giặc thì phải thắng; mà thắng thì vui. Nhưng đây là nơi Trung ương đóng, phải giữ bí mật chứ!”. Rồi Bác bảo mình ngồi xuống ghế, nói tiếp: “Bác đã điện ra mặt trận khen cán bộ và chiến sĩ đánh giỏi, nhưng cũng nhắc các cấp đều không được chủ quan khinh địch. Thắng Pháp mới là trận thắng đầu. Sau Pháp, Mỹ sẽ nhảy vào. Mà đấy là một kẻ địch còn hùng mạnh hơn, hung ác hơn”. Nhà thơ Tố Hữu nói với tôi: “Một điều rất may mắn của những người làm công tác tư tưởng là luôn luôn được sự chỉ đạo sít sao của Bác Hồ, vị lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng, như một bậc tiên tri ở mỗi giai đoạn của cách mạng”.
Không chỉ tư tưởng của Bác Hồ được Tố Hữu diễn đạt trong thơ. Có lúc ông còn trích hẳn thơ Bác vào thơ mình, như: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”, “Chống gậy lên non xem trận địa”, “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” v.v… Trong câu chuyện thật hấp dẫn của nhà thơ, tôi nhận thấy: bài thơ “Sáng tháng Năm” là bài thơ Tố Hữu tâm đắc nhất và cũng nhiều kỷ niệm nhất. Ông kể: - Năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, mình được bầu vào Trung ương Đảng, làm Ủy viên dự khuyết, được chụp ảnh cùng Bác Hồ. Nhìn thấy Bác gầy yếu, má hóp, chỉ có hai đôi mắt là rất sáng, mình thương Bác vô cùng và đặt quyết tâm làm cho được bài thơ xứng đáng về Bác, thể hiện tình cảm của toàn dân ta đối với Bác kính yêu. Tham gia Ban chấp hành Trung ương, mình được phân công phụ trách công tác tuyên truyền văn hóa, và cũng nhờ vậy, có được nhiều dịp gặp Bác Hồ hơn để nhận chỉ thị của Người. Một buổi sáng tháng Năm, Bác cho gọi mình đến nơi Bác ở. Trong buổi gặp, Bác hỏi mình: “Sao lâu nay không thấy chú làm thơ?”. Đúng là mấy năm liền, sống ở cơ quan trong rừng, mình cũng thấy chán, bèn thưa với Bác: “Dạ, ở mãi trong rừng…”. Vừa nghe mình nói thế, Bác cười: “Nên bí thơ chứ gì?”. Mình thưa tiếp: “Dạ, cũng đang làm thử một bài…”. Bác cười hồn hậu: “Thế à! Xong câu nào, đọc Bác nghe!”… Căn nhà sàn của Bác dưới một rừng cây, giữa những đồi ngô, bên một con suối đã gợi những câu thơ đầu tiên: Vui sao một sáng tháng Năm Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ Suối dài xanh mướt nương ngô Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn… Trở về cơ quan, mình đã làm xong bài thơ và gửi lên dâng Bác vào đúng dịp sinh nhật Người.
Tôi nhớ, nhà văn Cuốc-Stéc-nơ có viết một câu trong bút ký “Bác Hồ, như chúng tôi đã biết” như sau: “Ngồi trước mặt chúng tôi đây là Bác Hồ, một nhà cách mạng làm thơ và đồng chí Tố Hữu, một nhà thơ làm cách mạng”… Về lần gặp Bác đầu tiên, tôi cũng từng được nghe Tố Hữu kể: - Đầu tháng 10 năm 1945, tức là mới ba, bốn chục ngày sau Cách mạng tháng Tám, mình nhận được điện ra báo cáo công việc với Trung ương. Hồi đó, mình đang ở Huế, làm phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Xứ ủy, mấy tháng trước đi họp Hội nghị Đảng, được cử vào Ban chấp hành Trung ương và đã được gặp Bác, được Bác hỏi chuyện. Mình hy vọng lần này ra Hà Nội sẽ được gặp Bác. Đến Bắc Bộ Phủ, mình gặp anh Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Bác; anh ấy nói nhỏ vào tai mình: “Hồ Chủ tịch đang đợi anh đấy!”. Mình xúc động quá, chưa hình dung như thế nào, cũng thấy ngài ngại. Lúc đó mình mới hăm lăm tuổi, được gặp vị lãnh tụ tối cao, sao không khỏi hồi hộp?
Ngày ấy, nói đến Nguyễn Ái Quốc như nói đến một quả núi, cao xa lắm, thiêng liêng lắm. Người là lãnh tụ cách mạng, nhưng cũng là một con người bình dị, gần gũi, thân thiết. Điều này về sau mình đã diễn đạt một cách hài hòa trong bài “Sáng tháng Năm”. Lần đó, câu đầu tiên Bác hỏi mình: “Chú ra đấy à?”. Mình thưa: “Dạ!”, và nhìn Bác rõ hơn: một ông chưa già lắm (mặc dù hồi đó ai cũng gọi là Cụ), trán cao, tóc hoa râm có vẻ nghiêm nghiêm. Bác hỏi tiếp: “Chú ra bằng gì?” –“Thưa Cụ, cháu ra bằng xe ô tô” – “Xe của ai?” – “Dạ, xe của mình thôi”. Bác gặng lại, có vẻ ngạc nhiên: "Của mình, là của ai? Xe của chú à?”. Kể cũng hoảng: -“Dạ không, thưa Cụ, xe của Việt Minh”. Lúc này Bác mới cười: “Đúng rồi, xe cơ quan, chứ không phải xe các quan đâu. Nhớ nhé!”.
Đó là bài học đầu tiên mà mình trực tiếp đón nhận từ Bác Hồ. Một chuyện cụ thể, tưởng là nhỏ, nhưng ngay từ đó, sau khi giành được chính quyền, cán bộ ta rất dễ có tư tưởng mình là “quan cách mạng”, cho nên Bác nhắc nhở, không được lợi dụng của công, lấy xe cơ quan để đưa vợ đi chơi, như một thứ “quan bà, quan cậu, quan cô”… Tiếp đó, Bác hỏi về công việc mà bọn mình đang làm, như việc lo cho dân cái ăn, chỗ học, lo tuyển quân phục
tiến. Bác hỏi rất cụ thể lo cái ăn như thế nào, trồng khoai, trồng sắn ở đâu? Bác dặn phải bảo vệ các vườn hoa, di tích, tổ chức các lớp “Bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ cho dân, tập quân sự, cảnh giác đề phòng Pháp trở lại… Bác hỏi thăm cả việc ăn, ở của bọn mình và chuyện đoàn kết với nhau, cùng nhau làm việc cho tốt. Khi xin ý kiến Bác về kinh nghiệm công tác để xây dựng và củng cố chính quyền, Bác bảo: “Cứ hỏi dân. Xem dân ưng gì, không ưng gì. Dân ưng thì làm, không ưng thì chớ làm. Làm như thế nào và cử ai làm, đều phải hỏi dân”… Những năm gần Bác, nghe Bác, đọc Bác, mình luôn luôn cảm nhận tấm lòng yêu thương dân của Bác vô cùng sâu sắc. Chính vì dân mà Người đã hy sinh hết thảy.
Nhà thơ tiếp tục kể những kỷ niệm về đời làm thơ của ông. Có một chuyện tôi được nghe ông kể tới hai lần, có cả một số cán bộ cao cấp tham gia Đoàn đại biểu Trung ương Đảng sang Đức cùng nghe: - Cuối năm 1968, có đoàn dũng sĩ thiếu nhi miền
được vào thăm Bác. Bác hỏi chuyện từng cháu, trong đó có em Nguyễn Văn Hòa, tròn 15 tuổi, quê ở Thừa Thiên, là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng. Sau khi kể Bác nghe về chiến công đánh xe tăng Mỹ, em Hòa rụt rè thưa: “Cháu xin thưa với Bác một điều: cháu muốn tìm ba, nhưng không biết ba ở đâu, tên là gì?…” Bác chớp mắt rồi quay lại nói với mình: “Chú có cách gì tìm cha cháu được không?”. Mình rất thương chú bé, nhưng chưa biết có cách nào tìm được cha em. Tuy vậy, Bác bảo thì cứ vâng đã, rồi tính sau. Mình suy nghĩ mãi, và nẩy ra một cái “mẹo”: viết một bài vè về em Hòa, kể rõ tên thật, gia đình, quê hương và thành tích chiến đấu của em. Bài “Chuyện em” được đăng trên báo Nhân Dân, và chỉ mấy tuần sau đã có hồi âm: mình nhận được thư của cha em Hòa, đang làm việc trong một xí nghiệp ở Đồng Hới, Quảng Bình. Nhờ thế mà cha con được gặp nhau. Mừng quá, mình vào thưa với Bác, Bác khen.
Nhà thơ mỉm cười nói tiếp: “Được Bác khen mình còn được Bác góp ý mấy lần về thơ, như bài “Mỵ Châu”, “Đường về”… Chủ yếu là nội dung: cái nhìn bạn và thù. À, trong bài “Ta đi tới” mình có viết: “Thành phố Hồ Chí Minh, rực rỡ tên vàng”. Bác có đọc và tủm tỉm cười hỏi mình: “Ai cho phép chú đặt tên như thế?”. Mình thưa với Bác: “Không ai cho phép đâu ạ. Đó là cháu muốn nói lên nguyện vọng của đồng bào ta. Mọi người đều mong thế. Xin Bác cho phép…”. Cũng nhân nói về những bài thơ ca ngợi Bác Hồ, tôi thưa: - Có lẽ trường ca “Theo chân Bác” là tác phẩm hay nhất trong loạt bài nhà thơ viết về Bác? Ông gật đầu. Rồi nói: - Do công việc bận, hầu như những bài thơ dài của mình đều viết trong bệnh viện, vì ở đó có nhiều thời gian và tương đối yên tĩnh. “Nước non ngàn dặm” ra đời khi mình điều dưỡng trên Tam Đảo, sau chuyến đi miền
và bị sốt rét. Còn “Theo chân Bác” thì được sáng tác tại một bệnh viện Liên Xô cũ… Hồi ấy mình đang nằm chữa bệnh tại Hà Nội thì một sự kiện hết sức đau thương đã xẩy ra: Bác Hồ qua đời! Trong nỗi đau đớn vô tận, mình viết “Bác ơi!”. Sau những ngày lễ tang, mình lại lên cơn sốt nặng, kéo dài hàng tháng trời mà không hề thuyên giảm. Thế là Trung ương quyết định đưa mình sang Liên Xô chạy chữa, sau khi các bác sĩ chẩn đoán, nghi mình mắc bệnh máu trắng. Ông Viện sĩ phụ trách khuyên mình “hãy kiên nhẫn”. Biết chuyện chẳng lành, mình gặng hỏi ông: “Xin đồng chí cho biết bao giờ tôi có thể ra viện?”. Ông nói với vẻ trầm ngâm: “Có thể một tháng, cũng có thể lâu hơn một chút”. Mình nghĩ, theo cách nói của thầy thuốc, số phận mình không còn dài lắm nữa. Và mình đã rút ra một kết luận cho bản thân là: phải làm được một việc gì có ích. Mình nghĩ ngay đến bài thơ dài về Bác. Bài “Bác ơi!” hôm trước là một tiếng khóc thương tiếc một cuộc đời, một con người tuyệt vời. Giờ đây, cần phải có một bài mới, tầm cỡ như một tượng đài, sao cho xứng đáng với sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người. Trong những giây phút ấy, mình nghĩ đến trường ca “Lê- nin” của Mai-a-cốp-xki. Mai-a là một nhà thơ lớn của Nga, một giọng thơ hùng tráng, sắc nhọn. Nhưng, viết về bác Hồ phải khác, nên là một giọng thơ sâu lắng, ấm áp, ân tình hơn. Trong bài thơ dài này, mình sẽ kể lại những chặng đường đời oanh liệt của Bác Hồ kết hợp với những gì mình từng tích lũy về Người qua bao nhiêu năm tháng.
Có thể nói rằng, mình đã biến bệnh viện thành một phòng văn. Có điều, kỷ luật bệnh viện rất nghiêm, không cho phép ai sinh hoạt tùy tiện, mọi việc ăn ngủ phải được tuân theo giờ giấc sít sao. Thế là, cứ năm giờ sáng mình thức dậy, và viết một mạch đến 8, 9 giờ sáng, lúc đó bác sĩ mới vào khám. Về sau, mình lại trốn vào cái buồng xép là nơi để chổi và giẻ lau, lại có một cái bàn và một cái ghế nhỏ. Mình viết trong đó đến tận 12 giờ, sau khi ăn và ngủ trưa, lại viết một mạch đến tối. Làm việc như thế ròng rã 20 ngày liền, bài thơ đã tạm xong. Lòng mình cảm thấy sung sướng vô cùng, vì toàn bộ tình cảm, kỷ niệm, nghĩ suy của mình về Bác bấy lâu đã được thể hiện trên mặt giấy. Quả là bài thơ được viết ra bằng tất cả gan ruột của mình. Cũng vừa lúc bác sĩ cho mình sang khu an dưỡng. Có điều, mọi người ngạc nhiên không hiểu vì sao mình tươi cười, phấn chấn như vậy. Riêng mình, làm xong bài thơ, cũng cảm thấy không hề mệt mỏi, mà lại như khỏe ra… T.Đ
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)
|