Vở Trời cho còn giành thêm 2 giải thưởng quan trọng là diễn viên hài xuất sắc nhất dành cho nghệ sĩ hài Hoàng Sơn và giải kịch bản hài kịch hay nhất cho Ngọc Tranh ở Huế. Ông này ghê thật, vào tuổi “xưa nay hiếm” sáu bảy năm rồi mà “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngòi bút Ngọc Tranh là ngọn roi quất vào mặt bọn quan tham, tạo ra tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Cười cho cái xấu bớt đi, cười cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên. Đó là một “kênh” chống tham nhũng có hiệu quả xã hội rất cao. Tôi bắt tay lắc lắc chúc mừng anh, khi mọi người dân Cố Đô đang nô nức đi sắm Tết, những cành mai, chậu cúc lướt sáng trên đường.
Tìm hiểu, tôi mới hay vở hài kịch một màn Trời cho là vở kịch khá nhạy bén với thời sự nóng bỏng của đất nước, với một lối viết đậm chất hài. Cười đấy mà lòng đau nhói! Mấy cơn bão lớn vừa đổ bộ vào miền Trung, miền làm cho hàng trăm người chết, hàng vạn gia đình nhà cửa tan hoang. Trong lúc nhân dân cả nước “lá lành đùm lá rách”, quyên góp tiền hỗ trợ bà con bị thiên tai, thì bọn tiêu cực ở các làng quê lại hè nhau tìm mọi thủ đoạn ăn bớt tiền cứu trợ. Trưởng thôn Tư Rọm, thôn phó Năm Tèo miệng nói “chí công vô tư”, nhưng bão làm sập 3 căn nhà, thì chúng hè nhau xô đổ thêm 9 nhà nữa, nhà tốc mái 5 cái, thì chúng phá thêm 4 cái nữa, để báo cáo trên “rút” tiền cứu trợ. Trẻ con chết trước khi bão đến, bà Út Sự bị gãy chân do bọn xô đổ nhà đè lên, chúng cũng kê khai để “xin trợ cấp”. Kết quả trên trợ cấp 178 triêụ đồng, chúng chỉ cho mỗi nhà bị nạn 5 triệu, 10 triệu, đút lót cho chủ tịch, phó chủ tịch xã một ít, còn lại chia nhau. Chúng gọi đây là của “trời cho”. Trời cho nói lái là trò chơi. Nghĩa là tất cả nỗi khổ đau của nhân dân đều là trò chơi đối với bọn quan tham!. Vở hài kịch chỉ nêu chuyện một thôn, nhưng đó cũng là chuyện “thường ngày” ở nước ta. Chuyện “nổi cộm” đang được cả nước quan tâm hàng ngày.
Quen biết anh Ngọc Tranh từ hơn 30 năm nay. Gặp nhau nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng thấy anh rất vui tính, lém lỉnh, luôn chọc cười thiên hạ. Năm 2001, anh đăng ký đi dự trại viết cùng chúng tôi ở Đà Lạt 15 ngày, nhưng chưa đến nửa thời gian anh đã nằng nặc xin về Huế với lý do “vợ ốm nặng”. Tôi biết anh bị một cô văn công xinh đẹp, hát hay, là thương binh bộ đội Đoàn 559 Hồ Thị Thanh Hoà hớp hồn. Năm 1998 hai người cưới nhau, lên Kim Long ở. Vợ mới, trẻ xinh như thế làm sao mà xa được. Nhưng trêu anh, thì anh lại nhay nháy mắt bảo: “Mình phải về, chứ “người đẹp” mà mò lên đây là gay go lắm, các cậu sẽ không thể viết lách gì được!”. Cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức đoàn văn nghệ sĩ đi tham quan và giao lưu với bảy tỉnh miền Bắc. Xe đi ngày đi đêm, ai cũng mệt lử. May trên xe có “cây hài” Ngọc Tranh. Thỉnh thoảng anh lại kể chuyện tiếu lâm, chuyện chiến tranh ở Quảng Bình, mấy chú bộ đội “ngửi mồm con bọ”… làm cho cả xe ôm bụng mà cười, quên cả đường xa, xe xóc. Có khi chẳng có chuyện gì, chỉ nhìn cái mặt tưng tửng của anh, tôi đã thấy buồn cười rồi. Cái chất hài từ lâu đã ngấm vào máu Ngọc Tranh. Nên anh luôn trẻ trung, vui tính. Nói năng hào sảng, yêu đời.
Từ một thương binh đánh Pháp về làng Thọ Linh bên sông Gianh, Ngọc Tranh n
ha
nh chóng trở thành diễn viên có biệt tài sáng tác và diễn tấu hài ở Đoàn Văn công Quảng Bình từ những năm 60 của thế kỷ trước với những bài tấu đến bây giờ nhiều người còn nhắc như Cu Sây, Mạ thằng cu, Người chăn vịt. Lão dân quân.v.v.. PGS Tất Thắng, nhà phê bình sân khấu kể rằng, một lần tại cuộc hội ngộ của giới sân khấu với bà con nông dân vùng lúa tỉnh Thái Bình, đến mục trình diễn thì bí tiết mục. May có Ngọc Tranh xuất hiện. Anh đã làm cho hàng ngàn người xem được một trận cười ngả nghiêng vì bài tấu Người chăn vịt. Từ tấu hài, Ngọc Tranh sáng tác hài kịch ngắn, rồi kịch dài, và anh trở thành nhà viết kịch nổi tiếng, đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng kịch tác gia Việt trong 50 năm nay. Từng làm quản lý một đoàn nghệ thuật, làm trưởng phòng của Sở Văn hoá thông tin, nhưng Ngọc Tranh không khoái bằng ngồi với ngòi bút và trang giấy đêm đêm trên bàn viết. Vì thế mà chớm đến tuổi hưu là ông xin nghỉ liền. Nghỉ để viết kịch. Kịch của Ngọc Tranh đã được trên 50 đoàn nghệ thuật trong
ngoài Bắc đón nhận và dàn dựng thành công. Có vở như “Tình yêu và tên cướp” đựợc 26 đoàn dàn dựng, vở “C
ha
con người hát rong” được 16 đoàn dựng. Có vở như “Người tử tù mất tích” có 10 nhân vật thì 8 diễn viên được huy chương vàng, 2 diễn viên huy chương bạc.
Có lẽ kịch của Ngọc Tranh sâu sắc về nội dung tư tưởng, nhưng lại được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ lời thoại rất đời thường, nên diễn viên dễ nhập vai, dễ diễn hay. Ngọc Tranh không chỉ viết kịch nói, mà anh còn sáng tác hàng chục vở kịch dân ca, tuồng, chèo, cải lương được nhiều đoàn dựng rất thành công như các vở Mười bảy năm tình hận, Đêm về sáng, Nước mắt và bạo lực, Trái tim người mẹ, Chim bằng trong bão tố, Vụ án một Vương Phi… Điều đặc biệt, các đoàn dựng vở theo kịch bản Ngọc Tranh đều được giải thưởng cao trong các cuộc liên hoan sân khấu toàn quốc, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Còn tác giả kịch bản đã nhiều lần được Bộ Văn hoá khen tặng là tác giả viết kịch bản sân khấu xuất sắc.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ nghe nhìn, phim ảnh, kịch truyền hình đến tận phòng ngủ từng gia đình, sân khấu đang bị bóp chết dần, các đoàn kịch ít dần người xem, thế mà ngòi bút kịch Ngọc Tranh vẫn sống khoẻ. Mỗi năm anh cũng “bán” được vài ba vở kịch dài, hài kịch ngắn. Quan trọng hơn là bằng ngòi bút, anh đã gửi gắm được tấm lòng, khát vọng của mình vào từng nhân vật, từng câu thoại trên sân khấu, mong góp một tiếng nói làm cho cuộc đời này ngày càng sạch hơn, đẹp hơn. Được như thế là nhờ kịch Ngọc Tranh luôn hấp dẫn cả về tính cách nhân vật và tính xã hội nóng bỏng của vấn đề. Ngòi bút của anh thẳng thắn vạch trần những thói hư tật xấu trong xã hội, nhất là bọn tiêu cực, tham nhũng; đồng thời luôn đồng cảm, bảo vệ nâng đỡ những phận người éo le, bi thương, đau khổ. Nhân vật kịch của Ngọc Tranh luôn có cá tính và hoàn cảnh sống đặc biệt, nên khán giả cả nước luôn nhớ và nhắc đến như những người thật giữa cuộc đời. Ví dụ tướng cướp Thiêng, cô gái người yêu tướng cướp Phan Liên hay Trung tá công an Hoàng Lâm trong vở “Tình yêu và tên tướng cướp”; hay các nhân vật như Tịnh Tâm, người mẹ, biệt động thành Hoàng Tuấn và đứa con tên Côi trong vở kịch Cha con người hát rong. Hoàn cảnh chiến tranh, chia lìa chồng vợ đã đưa Hoàng Tuấn và đứa con gái 10 tuổi tên Côi phải dẫn nhau đi ăn xin và tìm người vợ mất tích. Hoàng Tuấn lúc nào cũng nhớ đến người vợ thân yêu cùng vào sinh ra tử, anh luôn ngâm thơ Hữu Loan: “Nhưng không chết người trai khói lửa. Mà chết người em gái nhỏ hậu phương…”. Những cảnh rất đời, rất bụi như thế làm người xem rơi nước mắt.
Đến đầu năm 2007 này, Ngọc Tranh đã viết hàng trăm vở kịch, trong đó có vài chục vở nổi tiếng được dàn dựng như Mặt phẳng, Trương Ngáo, Ngọc hay giá trị tình yêu, Tình yêu và tên cướp, Trái tim người Mẹ, Cha con người hát rong.v.v.. Năm 1996, Nhà xuất bản sân khấu đã ấn hành tập kịch Cha con người hát rong của Ngọc Tranh dày 268 trang gồm 3 vở kịch đặc sắc Tình yêu và tên cướp, Cha con người hát rong, Người tử tù mất tích để ghi nhận những đóng góp của anh trong nền kịch Việt Nam. Anh còn viết hàng chục hài kịch ngắn có giá trị như Ông già và con chó, Giấc mơ đen, Được và mất, Ngày trở lại, Nữ quái, Trời cho… Hài kịch ngắn là một thể loại “tiểu phẩm” phê phán những thói hư tật xấu của con người đang rất ăn khách đối với sân khấu nhỏ ở các tụ điểm vui chơi và giải trí truyền hình hiện nay. Ở nước ta, người viết kịch không ít, nhưng người viết hài kịch lại rất hiếm. Nên Ngọc Tranh là một tác giả đang rất “được giá”. Vì thế mà anh luôn được nhiều nhóm hài kịch, nhiều đoàn nghệ thuật đặt hàng. Để hỏi thêm ít tư liệu cho viết bài giới thiệu này, tôi điện đến nhà riêng tìm anh. Chị Thanh Hoà giọng Hà Tĩnh rủ rỉ: “Có việc gì cần không để em gọi, anh ấy đang viết! Em ngại không dám gọi mô!”. Mới hay, anh đang “cày” một lúc ba vở mới: Kịch 18 cảnh “Cha và Con”, vở kịch về anh hùng Lâm Úy cho Đoàn kịch Quân đội và hài kịch ngắn “Thật và giả” nói về gia đình văn hoá và văn hoá gia đình, những chuyện làm cho bao ông bố và bà mẹ các gia đình đang đau đầu hiện nay.
Có thể nói, Ngọc Tranh là một tác gia kịch luôn trẻ trung, mới mẻ. 75 tuổi vẫn đậm chất đời, đậm chất hài. Đúng là “gừng càng già càng cay”. Có lẽ đã từng thấm nỗi đau nhân thế, lại luôn có cái tâm với đời và dũng khí đấu tranh quyết liệt với cái xấu, với tệ nạn tham nhũng, Ngọc Tranh mới có được những kịch bản nhạy cảm với thời cuộc và hấp dẫn như thế. Kịch bản sân khấu cũng là văn chương, thứ văn chương để diễn mọi người nghe những thật giả, tốt xấu ở đời. Bởi thế mà toàn bộ kịch Ngọc Tranh cũng chính là chân dung cuộc đời anh, mỗi vở một nét, vẽ nên một gương mặt chan chứa tình yêu cuộc sống. N.M
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)
|