Mùa thu năm 1992, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, lúc đó là biên tập thơ của tạp chí Sông Hương, chuyển cho tôi tập bản thảo thơ mỏng chép trên giấy pơluya nâu của chàng sinh viên năm thứ 4 Khoa ngữ văn Đại Học tổng hợp Huế ký tên là Văn Cầm Hải. Anh Thạch bảo: “Thơ thằng này lạ lắm”. Tôi đọc và ngạc nhiên trước những câu thơ lạ lùng: ...Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc... nỗi đau vo ve từng hạt máu/ đong đầy nghĩa địa... Đời chị/ như viện bảo tàng/ có đầy mặt nạ đàn ông... Lá rụng rồi vẫn còn nhả máu... Tôi chuyển cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (lúc đó đang sống ở Huế). Anh Tạo đọc rồi thốt lên: “Đây là một lối tư duy khác, một cách lập ngôn khác, một điệu nhạc khác...”. Tập thơ đó được NXB Trẻ in với tựa đề “Người đi chăn sóng biển”. Lúc đó Hải mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học (nghĩa là anh vào đại học từ khi 16 tuổi). Qua bản dịch của nhà thơ Đinh Linh, thơ Văn Cầm Hải được một số tạp chí nghiên cứu văn học và nhà xuất bản ở Mỹ giới thiệu xuất bản. Có nhiều người không thích loại thơ của Hải vì cho rằng khó hiểu. Nhưng Văn Cầm Hải vẫn làm thơ theo kiểu không giống ai của mình. Hải có một tập thơ “Giấc mơ của lưỡi” mấy năm nay xếp hàng ở nhà xuất bản, vì biên tập viên nào đọc cũng bảo “không hiểu”. Năm 2003, Văn Cầm Hải giành giải 3 (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ của Tạp chí Sông Hương với hai bài thơ Gánh lúa và Đỉnh em. Mọi người chưa hết ngạc nhiên về thơ Hải, thì liên tiếp trong 2 năm 2003 và 2004, hai tập bút ký xuất sắc của Văn Cầm Hải được ấn hành: Trên cánh chim di thê và Tây Tạng - giọt hoa trong nắng, những bút ký viết về những con người và miền quê bên ngoài Việt Nam. Tập bút ký Tây Tạng - giọt hoa trong nắng” đã được VTV chọn giới thiệu trong mục Mỗi ngày một cuốn sách. Lập tức nhiều bài bút ký trong hai tập sách này được báo chí văn học ở Mỹ và các nước phương Tây dịch đăng.
Với hai tập bút ký này, Văn Cầm Hải đã trở thành một Hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt
năm 2004 (trẻ nhất là Nguyễn Ngọc Tư, 28 tuổi, Văn Cầm Hải 32). Cũng với hai tập bút ký này, Văn Cầm Hải đã dành chỗ đứng là một trong những cây bút viết bút ký giỏi và có giọng riêng của nước ta hiện nay. Tháng 6 năm 2005, Văn Cầm Hải được Tạp chí Tia Sáng mời tham gia đoàn khảo sát Con đường tơ lụa huyền thoại ở miền tây Trung Quốc và vùng Trung Á. Tháng 8 năm 2005, Chính phủ Mỹ mời đích danh Văn Cầm Hải tham gia Trại sáng tác văn học tại Mỹ cùng với hơn 30 nhà văn quốc tế. Trong những ngày ở Mỹ, mặc dù bề bộn với bao nhiêu công việc, Hải vẫn dành thời gian tập trung viết một lúc 3 cuốn bút ký mới: Cuốn “Bụi đường tơ lụa”, một cuốn về vùng đất Hồi giáo ; và cuốn “Sự trầm lặng của
Mississippi ”. Thế là Văn Cầm Hải đã thực sự gắn sự nghiệp văn chương của mình với các vùng đất trên thế giới.
Văn thơ nổi tiếng thế, nhưng hằng ngày Hải vẫn bình dị với công việc của một phóng viên thời sự của Trung tâm Truyền hình Việt nam tại Huế, lặn lội khắp phía bắc miền Trung từ Núi Hồng Lĩnh Nghệ An đến Đèo Hải Vân để làm tin tức, phóng sự. Hải còn làm nhiều phim chân dung văn nghệ sĩ cho Đài Truyền hình như phim Miền cỏ thơm dâng hiến về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chàng trai ấy còn có trong tay hàng chục băng hình phỏng vấn những nghệ sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thiện Đạo, Đặng Nhật Minh, Lê Bá Đảng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo.v.v.. Đó là nguồn tư liệu rất quý.
Vốn liếng nào đã giúp cho Văn Cầm Hải khởi nghiệp văn chương một cách ấn tượng như thế? Tất nhiên muốn viết văn phải có tài năng, nhưng có lẽ cái đáng nói nhất ở Văn Cầm Hải là cái chí. Có chí thì nên! Quê của Hải là làng Trần Xá (tục gọi là làng Tràn), xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Miền quê bên ngã ba sông Nhật Lệ - Kiến Giang ấy mênh mông và thơ mộng, nhưng nghèo lắm. Từ nhỏ Hải ham đọc sách mà nhà nghèo, nên phải chạy mượn sách khắp làng. Năm tiểu học suýt chết vì nhiễm trùng uốn ván, thế mà lành dậy đã đòi cầm sách. Học lớp bảy lớp tám đã ngốn hết “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Đông Ki sốt”... Một thầy giáo của Hải kể rằng, “mấy năm học cấp ba trường huyện hắn ít khi điểm được điểm trung bình về môn văn, vì toàn viết bài luận không đúng như ý thầy dạy, thế mà lại thi đậu đại học Tổng hợp văn, mới lạ”.
Bốn năm học đại học Tổng hợp văn ở Huế là 4 năm “ăn mày tri thức” quyết liệt của Hải. Khác với đa phần sinh viên khác, trả bài cho thầy xong là cặp đôi nấu ăn chung, đi karaoke, lên đồi Thiên An... Bốn năm đại học, Hải không dám yêu một cô gái nào vì mải vùi đầu vào sách và ngoại ngữ. Gia đình cho tiền ăn học, Hải dùng mua sách hết cả. Bí quá, đành tìm nhà ở làm công để có cơm ăn. Ở nhà trọ, sáng tinh mơ mùa đông hay mùa hè, đều xuống ao hái rau muống cho bà chủ. Xong lại đạp xe thồ ra chợ Đông Ba, rồi thồ hàng về, mới lên giảng đường. Buổi chiều phải về sớm để ra chợ Đông Ba đón hàng về, mới được ăn cơm. Vất vả, nhưng lại có chỗ ăn, chỗ ngủ. Chỗ nào có tủ sách quý là Hải tìm đến lân la. Không cho mượn về thì đọc tại chỗ. Hải nghĩ ra cách vào chùa, vào tu viện để đọc các loại sách triết học, Phật học không có trong chương trình đại học. Văn Cầm Hải viết trong Trên dấu chân di thê rằng “... bao nhiêu năm trời ăn học ở Huế, bao nhiêu ngày lên chùa Thiên Mụ vùi vào kinh kệ và triết học Phật giáo, bao nhiêu buổi chạng vạng theo thầy lên chùa ngắm tiếng chuông u minh...”. Ở chùa, Hải vừa đọc sách vừa được các thầy nuôi cơm và luyện võ. Có thời gian Hải vào Tu viện xin các linh mục đọc các loại sách triết học phương Tây, đọc Nietzsche, Platon, Hégel, Kant... rồi các tác giả văn học hiện sinh như Camus, Jean Paul Sartre, phân tâm học Freud... Vùi đầu vào sách, có lần tranh luận với các cha, làm cho các linh mục vừa cáu vừa vui. Có được chút “võ vẽ” do các sư chùa dạy, Hải xin đi làm bảo vệ ban đêm cho các quán sách trước cửa trường Sư Phạm Huế. Mỗi quán góp năm bảy chục ngàn tháng để thuê Hải bảo vệ. Những ngày đó, ban đêm muốn đi tìm Hải thì ra công viên 3-2, thấy quán sách nào sáng đèn tìm đến là có.
Đây là thời kỳ Hải đọc sách thâu đêm. Đêm đêm, bao nhiêu cô gái đứng đường gõ cửa, mời gọi, rồi chọc ghẹo, chàng trai cô đơn ấy vẫn miệt mài với Khổng Tử, Lão Tử, với Kinh Dịch... Đọc sách suốt đêm, sáng lên cơ quan ngáp dài ngáp ngắn, phải lấy sách che) mặt để người khác khỏi nhìn thấy (thời kỳ ra trường Hải làm thư ký ở Tòa án nhân dân tỉnh). Bảo vệ sách ban đêm có được chút tiền, Hải đi học tiếng Anh buổi chiều tối. Nhờ có chút tiếng Anh, Hải bắt đầu đọc văn học nước ngoài trên mạng từ rất sớm. Kiến thức Anh văn ấy đã giúp Hải giành được một suất đi học đạo diễn truyền hình tại lớp Báo chí quốc tế tại Trung tâm Đào tạo Phát thanh Truyền hình Hà Lan ở thành phố
Hilversum vào năm 2002. Vốn liếng tiếng Anh cộng với kiến thức triết học, văn học thu nhặt được trong thời gian ở Huế đã giúp Hải đi khắp các nước Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Luxambur.v.v... để tìm hiểu và đối thoại với những thân phận lưu vong, cảnh đời éo le, trôi dạt, viết nên thiên bút ký Trên dấu chân di thê hấp dẫn. Với nhà sư người Việt trên biển La Haye vốn xưa là một thuyền nhân, rồi tuớng cướp, Hải viết... Tôi và nhà sư như hai hạt chữ quên mất ngữ pháp trong mấy bài thơ mưa Appollinaire viết theo lối mưa rơi miền Bắc Âu tràn từ trên xuống dưới trang giấy. Có giọt nào từng rơi qua phương Đông lưu lạc về đây hay từ vô biên trời cao trên mái đầu tôi xuyên thẳng xuống bãi bờ La Haye, tan rữa hai hạt đời nhà sư và kẻ lang thang”. Lang thang với người hát rong Casanova dưới lòng Paris, Hải nghĩ “Paris trong mắt tôi không chỉ siêu thực vần thơ Appollinaire, không chỉ hoành tráng với những đền đài văn minh nhân loại... mà Paris, trong tôi còn có một dòng nhạc rong đa chiều không ngững chuyển lưu những mạch ngầm thân phận buồn thương nhưng rất đỗi trong sáng và trân trọng âm vang trong lòng đất”.v.v… Không ngạc nhiên, không phê phán, không răn dạy, mà chia sẻ, thông cảm và đồng hành với mong mỏi vun đắp chút tình nhân loại. Đó là độ lớn tư tưởng nhân văn của Văn Cầm Hải. “Đây là khía cạnh văn hóa mang nhiều hơi thở triết học và lịch sử của tập sách” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Rõ ràng những năm tháng lên chùa, vào tu viện đọc sách đã không uổng phí.
Mùa thu năm 2003, Văn Cầm Hải hành hương đến thăm miền đất tâm linh Tây Tạng nằm ở vùng
Himalaya . Đó là một quyết định quả cảm. Tây Tạng là vùng văn minh Phật giáo thăm thẳm, mà lâu nay chỉ nghe nói tới. Nhờ có kiến thức Phật giáo và triết học, Văn Cầm Hải đã cùng với người hướng dẫn du lịch Trung Quốc Cao Quan Hong suốt ngày đi lang thang khắp thủ phủ Lhasa, chui vào các chùa gặp gỡ với các Lama để đàm đạo triết học, Tạng học, đến với người âm công làm nghề điểu táng ở chùa Đại Chiêu, chui vào cả nhà thổ ở Lhasa.v.v... Sau chuyến đi đó, Hải có tập bút ký “Tây Tạng - giọt hoa trong nắng”. Một chuyến đi không dài chỉ mười mấy ngày mà lấy được tư liệu để viết cuốn sách 276 trang, đòi hỏi phải làm việc cật lực lắm. Cuốn sách được giới văn học đánh giá rất cao. Viết về tục điểu táng của người Tạng, Hải nhận xét: “Tạng ngữ chỉ thân xác là tu - một cái gì ta để lại sau lưng! Con người chỉ là lữ khách ngụ cư chốc lát trong thân xác. Người Tạng không để tâm vào việc làm cho đời sống có thêm nhiều tiện nghi, với họ chỉ cần một mái nhà, một ít bột tsampa, một ít phân dê khô đốt lửa qua mùa đông giá lạnh là đủ...
Và sống trên vùng cao nguyên khô lạnh, nhìn đâu cũng thấy trời xanh, ánh sáng chói lọi thì không có gì tuyệt vời hơn là chôn người vào cõi ánh sáng! Từ ý niệm huy hoàng ấy, tục điểu táng ra đời!”. Hải nghe người con gái Tạng trong nhà thổ tên là Yarlung kể về mình: “Ngay khi em ra đời, ngay sau khi được ném xuống suối lạnh, thầy chiêm tinh đã cho hay số phận em là vậy. Nhưng có hề chi, em là một kiếp nạn của một vị sư nữ tái sinh trong em... Huống chi đời em rồi cũng tan thành nắng, biến thành hoa, trôi chảy cùng cha em trên miền đất tràn đầy vũ điệu này”. Đợt đi Afghanistan, Pakistan
, Hải cũng xông đến tận vùng núi non hiểm trở đang rất nóng bỏng phong trào Taliban để trò chuyện với người dân. Ở Mỹ, Hải tìm đến với người thổ dân da đỏ. Thì ra, Văn Cầm Hải không đi du lịch thuần túy mà đi tìm kiếm tâm linh, tìm kiếm những phận người tận xứ sở xa xăm.
Văn Cầm Hải là người rất say mê đọc các bậc thầy bút ký lớn như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường... tưởng chẳng còn lối nào để vượt qua nữa. Thế mà qua hai tập bút ký Trên dấu chân di thê và Tây Tạng - giọt hoa trong nắng, anh đã không bị rợp, mà đã dần mở cho mình một lối đi cả về đề tài và tư tuởng. Vâng, Văn Cầm Hải đã không ăn bóng một thời đã qua. Nhờ đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, đề tài bút ký Văn Cầm Hải có không gian rộng lớn ra ngoài lãnh thổ Việt
. Theo hiểu biết của tôi, Văn Cầm Hải là một trong rất ít nhà văn Việt
trong nước khám phá về con người và cuộc sống của những miền đất xa lạ như Châu Âu, Tây Tạng thành công như thế. Hải viết về con người và cảnh vật ở
Paris, La Haye, Afghanistan, Bruxelles, Amsterdam,
Lhasa ... mà rất gần gũi với tâm linh Việt. Đó là nhờ sức liên tưởng, sáng tạo, liên kết đan xen chuyện trong nước và nước ngoài, quá khứ với hiện tại, đan xen lịch sử - địa lý - con người. Nhưng quan trọng hơn đó là nhờ người viết có tấm lòng và tình người không biên giới.. N.M
(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)
|