Đời sống văn nghệ
Năm gương mặt văn nghệ tuổi Tuất
16:58 | 18/11/2008
NGUYỄN THỤY KHA1. BÁC CẢ KHOÁTNhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sinh năm Canh Tuất 1910 - năm Tuất đầu tiên của thế kỷ XX. Bởi vậy, bác mang bản mệnh Dương Thoa Xuyên Kim (vàng trang sức).
Năm gương mặt văn nghệ tuổi Tuất

Hồi ấy, Hà Nội có một nhóm văn nghệ sĩ tuổi Canh Tuất là : Nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Trần Văn Cẩn, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Bác cả Khoát là người vào học Viễn Đông Âm nhạc sớm nhất từ năm 1927. 70 năm sau, bác được giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ôm giấc mộng Thạch Sanh từ tuổi 17, những mong cứu thoát nàng công chúa âm nhạc Việt ra khỏi sự cầm tù của cổ hủ, của ngoại lai. Nhưng giấc mộng đã tan thành mây khói khi ra trường, bác đã phải kéo lê cây đàn contrebasse đi kiếm ăn qua các hộp đêm Hà Nội. Nhưng chính trong những đêm lê bước nhọc mệt trên đường về nhà, một tiếng đàn tứ của bác kép cải lương, một tiếng phách ả đào rơi qua cửa sổ phố Khâm Thiên đã làm bác cả Khoát tỉnh ngộ. Bác đã giật mình nhận ra cả kho tàng âm nhạc Việt phong phú mà bác từng ngỡ là cổ hủ vẫn chưa được ai kế thừa và giới thiệu ra thế giới. Thế là bác đã chọn công việc này làm sự nghiệp của mình. Thế là những "Thằng Bờm", "Con voi", "Con cò"... trong ca dao đã được bác hóa thân vào Tân nhạc để chúng cất cánh bay vào xã hội đương thời độc đáo và dí dỏm. Hồn hậu và khôi hài. Rồi chàng nhạc sĩ lần đầu tiên biểu diễn dương cầm ở Nhà Hát lớn ngày đó đã lọt mắt xanh của nàng nữ sinh áo dài trắng cùng những bông huệ trắng muốt như vừa bước ra từ bức tranh của Tô Ngọc Vân. Những ngón tay thon nhỏ của nàng lướt trên những phím đàn như rắc một làn mưa nhẹ thánh thót vào các giờ tập, như rắc mộng vàng vào đời chàng. Và nàng đã hóa thân thành giai điệu "Màu thời gian" chàng phổ thơ của người bạn đồng niên tuổi Tuất Đoàn Phú Tứ, bài thơ cũng được bạn làm ra vì đắm say tiếng dương cầm của nàng Vân con gái cụ Nguyễn Văn Vĩnh và chị của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Lãng mạn trong những âm hưởng dân tộc vừa cho bác cả Khoát tình yêu trong cuộc đời và cả tình yêu trong sự nghiệp. Yêu quá, có lúc nghĩ "hiện đại" trong âm nhạc thật ấu trĩ. Bác đã từng đem dương cầm và vĩ cầm ra đệm thay dàn nhạc chèo trong "Lưu Bình Dương Lễ, lại cũng tán thành cải biên "Tấm Cám" thành "Chị Tấm anh Điền" tưởng là mô - đéc trong kịch bản và hiện đại bằng cách đưa vào chèo kỹ thuật hát thính phòng châu Âu. Cứ ngỡ bỏ pho - mát vào bún riêu là món ăn cổ truyền thành món ăn hiện đại. Cũng nhờ yêu qua mà bác nhận ra nhanh sự ấu trĩ.
Càng sống, bác cả Khoát càng nặng lòng với "con âm Việt ". Bác đã gặp Nguyễn Thiên Đạo trong ý tưởng sáng tạo những tác phẩm dành riêng cho bộ gõ "siêu giai điệu". Trước ngày chuyển cõi, ngồi nghe bà Hồ hát ca trù, bác hỏi tôi đố biết tiếng trống chầu từ đâu rơi xuống. Hóa ra nó không phải là từ tay người là một mảnh thiên thạch từ vũ trụ rớt xuống. Để rồi lại như bác về với vũ trụ vào năm ở tuổi 84.

2. BÁC SÔNG ĐUỐNG
Nhà thơ Hoàng Cầm sinh năm Nhâm Tuất 1922 - năm Tuất thứ hai của thế kỷ XX. Bởi vậy, bác mang bản mệnh Dương Đại Hải Thủy (nước biển lớn). Bác tên thật là Bùi Tằng Việt vì đẻ ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Song, so hiểu nghề thuốc của bố, bác đã chọn tên loại thuốc đắng nhất "Hoàng Cầm" làm bút danh của mình. Sự nổi tiếng của bài "Bên kia sông Đuống" bác viết năm 1948 đã khiến người đời quen gọi bác là "bác Sông Đuống".

Có lẽ trong những người tuổi Tuất làm văn nghệ, ít ai gắn bó, thăng trầm với tuổi này như "bác Sông Đuống". Mới 12 tuổi năm Giáp Tuất 1934, bác đã vương ngay vào tình ái với bà chị Diệu Bông lớn hơn nhiều tuổi "Em mười hai tuổi tìm theo chị - Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa". Cứ thế, bác cứ yêu bà chị suốt thập nhị chi thanh xuân ngay cả khi đã có vợ và có con rồi. Những mối tình chị em này đã được bác gọi là "thời I" trong tập "99 tình khúc" của bác mới ấn hành. Đến năm Bính Tuất 1946, bác trình làng chế độ mới một kịch thơ tầm cỡ "Kiều Loan" và yêu say đắm người sắm vai Kiều Loan là bà Tuyết Khanh đến thành gia thất. Và khi sinh ra cô con gái năm 1948 thì cũng lại đặt tên là Kiều Loan. Vở "Kiều Loan" sau khi trình làng đầu tiên tháng 12/1946 thì năm vừa rồi mới được Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại với một dàn diễn đương thời. Chắc tới Bính Tuất 2006, sau một vận hội im lặng, "Kiều Loan" sẽ khóc cười thật sang trọng, thật lộng lẫy trước công chúng đúng tầm cỡ của nó.

Sau năm Bính Tuất 1946, Hoàng Cầm đi kháng chiến và trở thành nhà thơ chống Pháp nổi tiếng với "Bên kia sông Đuống". Nhưng đến năm Mậu Tuất 1958, thì bác lại bị rày rà vào vụ "Nhân văn Giai phẩm". Chính những năm tháng lặng lẽ sống trong bóng tối của căn gác xép ở số nhà 43 Lý Quốc Sư - Hà Nội đã khiến cho Hoàng Cầm "lên đồng" ra một tập thơ tầm vóc "Về Kinh Bắc". Do ý nghĩa nhân văn mới mẻ của nó nên không phải ai, không phải thời nào cũng có thể nhận ra đúng chân giá trị, cho đến năm Canh Tuất 1970, Hoàng Cầm lên ngôi ông nội thì "Về Kinh Bắc" vẫn chỉ được "truyền mồm" qua các quán rượu. Đến năm bác tròn 60 tức là đã qua một vận hội đến Nhâm Tuất 1982, Hoàng Cầm lại bị rày rà với nhà chức trách vì một hiểu lầm với tập "Về Kinh Bắc". Thời kỳ đổi mới đã đem lại những năm Tuất viên mãn cho Hoàng Cầm. Đến năm Giáp Tuất 1994, sau khi đã in liên tiếp năm tập thơ từ 1988 đến 1993, tập "Về Kinh Bắc" chính thức được ấn hành, đóng đinh tên tuổi Hoàng Cầm vào thế kỷ XX bằng chính tiền tài trợ của nhà nước thông qua Hội Nhà văn. Sau đó, Hoàng Cầm vẫn tiếp tục ấn hành rất nhiều tập thơ tình để trở thành "ông hoàng thơ tình". Sự nghiệp của "bác Sông Đuống" chắc sẽ được định vị với Giải thưởng Nhà nước vinh hạnh vào năm Bính Tuất 2006.
"Bác Sông Đuống" như sinh ra để yêu và làm thơ. Trong tập "99 tình khúc" bác đã dành trọn một trang để "tâm hương" và "dâng" đến "13 Nàng" mà bác cho rằng đó là những người gây ra thơ tình Hoàng Cầm.

3. BÁC ĐÈN ĐỎ
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm Giáp Tuất - 1934 - năm Tuất thứ ba của thế kỷ XX. Bởi vậy, bác mang bản mệnh Dương Sơn Đầu Hỏa (lửa trên núi). Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, quê và sinh ở Yên Thành - Nghệ An. Bác nghe đâu vốn dòng họ Mạc Đăng. Sau lọan, chạy vào xứ Nghệ đổi ra họ "Phan" song vẫn giữ đệm "Đăng". Vì ông già tham gia cách mạng sớm, lúc bác sinh đặt ngay cho cái tên thật "đỏ" là Hồng. Đến khi sáng tác, giống như Xuân Hồng đảo từ tên thật là Hồng Xuân, bác nhà ta cũng đảo thành Hồng Đăng. Từ  bao giờ, anh em trong giới nhạc đã "nôm" hóa Hồng Đăng thành "Bác đèn đỏ".
Hơn 40 năm trước, vào những ngày tươi đẹp nhất của hòa bình ở miền Bắc, bỗng lòng ta xao xuyến khi nghe vút cao một bài ngợi ca Tổ quốc ngắn mà hào sảng, sang trọng mà chân thành.
Mười năm chống quân ngoại xâm từng giọt máu đã ướt ruộng đồng
Quê chúng ta ngàn năm giờ sáng lên những mùa xuân
Đẹp như chiến công toàn dân ngọn cờ vẫy chiếu nắng ngời ngời
Ôi Tổ quốc lắng nghe ca ngợi từ lòng tôi.

Bài hát “Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn” chỉ có hai câu nhạc mà ám ảnh thế hệ chúng tôi đến bây giờ. Và cái tên Hồng Đăng tác giả cũng đóng đinh vào chúng tôi từ đó.
Ai ngờ chàng nhạc sĩ tài hoa ấy vốn là giáo viên dạy văn. Mê nhạc, bác bỏ giáo dục vào học khóa đầu tiên trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với Hoàng Việt, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát... để rồi sau đấy trả lại cho nghề trồng người này một “Quà tháng 5” hồ hởi và tươi tắn. Hồi chiến tranh, bác hay bị coi là người có “lỗi” vì bên cạnh những “Lửa rực cháy”, “Những con tàu đồng chí” phục vụ chiến đấu, bác thích nhạc nhẹ hơi sớm nên viết ra “Sóng biển lang thang”. Viết ra đã là có lỗi lại còn gửi dự thi mãi bên Tiệp Khắc và lọt vào mắt xanh ban giám khảo. Sáng tác mà được bọn “xét lại” khen thì bác quả là lỗi lớn rồi. Bác tên là “đèn đỏ” mà lại có “tư tưởng xanh” như thế là dở hơi rồi, là “xong” rồi.

Nhưng chính trong những năm tháng tưởng là “dở hơi” như thế, “bác đèn đỏ” lại có “Hoa sữa” thơm hắc mãi tới tận bây giờ. Cũng vẫn là cái thói mê nhạc nhẹ. Nhưng đến khi cả nước mê thì bác hết “dở hơi”, hết “xong”. Bác trở thành phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt nam tới ba khóa liền từ bắt đầu đổi mới đến nay.
“Bác đèn đo” cũng thuộc loại ham chơi và thích nữ. Nhờ trời cho cái tài xem tử vi mà số bạn bè, chị em quấn quít quanh bác hơi “bị đông”. Có cậu cả thấy “Bác đèn đỏ” nổi tiếng quá bèn chơi quả “đạo danh”. Chính “Bác đèn đỏ” đã chứng kiến cậu cả đó tự nhận mình là nhạc sĩ Hồng Đăng và tự kể về mình thật hấp dẫn. Hấp dẫn đến nỗi mà “Bác đèn đo” nghi ngờ cả chính mình có lẽ không phải là Hồng Đăng mà chính cậu cả kia mới đích thị là Hồng Đăng. Gớm! nổi tiếng thì sướng cái nỗi gì. Truân chuyên đến phát ớn. Người ta “vợ cái con cột”. Mình phải "viết tiểu thuyết" đến ba tập mới ổn được cái vụ “bà xã”. Đành tự an ủi số kiếp đào hoa mà.
“Bác đèn đỏ” còn thích ăn đồ ngọt cực kỳ. Không chỉ mình thích mà còn muốn mọi người khác thích. Túi bác chẳng lúc nào thiếu các loại kẹo lạ. Cùng kẹo lạ là thuốc lá lạ, bật lửa lạ. Thích bác tặng tuốt. Bác mê mua đồ tặng đến mức chuyên ghi nợ sổ lương của Hội. Mà phải thôi. Đến bài hát còn tặng được cuộc đời, nữa là ba cái vụ lẻ tẻ này.

4. BÁC CỎ XANH
Nhà thơ Thanh Thảo sinh năm Bính Tuất - 1946 - năm Tuất thứ tư của thế kỷ XX. Bởi vậy bác mang bản mệnh Dương Ốc Thượng Thổ (Đất trên nóc nhà). Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, quê và sinh ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Bác là con trai cụ Hồ Thiết - Nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi thời chống Pháp (khi ấy Quảng Ngãi là vùng tự do của ta). Chắc khi sinh bác, cụ thấy nước Việt mới đã khai sinh nên mới đặt tên con là để ghi nhớ sự kiện lịch sử này. Dòng họ Hồ theo gia phả cũng phát xuất từ Quỳnh Đôi - Nghệ An. Nhưng khi bắt đầu làm thơ, Thanh Thảo để nguyên tên thật Hồ Thành Công thì chẳng ai biết. Cũng như Thu Bồn cứ để tên thật là Hà Đức Trọng thì có khối mà có nhà thơ Thu Bồn nổi tiếng. Thanh Thảo là bút danh “Bác cỏ xanh” chọn cho mình có lẽ vì ám ảnh cỏ trên đường xuyên Trường Sơn vào Nam Bộ. “Mười tám hai mươi sắc như cỏ - dày như cỏ - yếu mềm và mãnh liệt như cỏ”. Nhờ bút danh ấy và sự chằm vặp không né tránh sự thật nghiệt ngã của chiến tranh mà Thanh Thảo đã làm mới thêm những tuyên ngôn bằng thơ của thế hệ chống Mỹ. Những tuyên ngôn ấy cũng khiến Thanh Thảo nhiều phen lao đao với những đầu óc thủ cựu ở “R”. Nhưng thơ Thanh Thảo đã lọt mắt xanh nhà thơ Chế Lan Viên. Chùm thơ 13 bài đã được giới thiệu trân trọng trong Tạp chí Tác phẩm Mới năm 1974. Sau thống nhất, Trại sáng tác Quân khu 5 là nơi Thanh Thảo hoàn thành tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và trường ca “Những người đi tới biển” như một tiếp biến nghệ thuật từ trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao. Đó cũng là lý do vì sao tình bạn vong niên giữa Thanh Thảo và Văn Cao thật đặc biệt. Văn Cao đã lấy tên Thanh Thảo đặt cho cháu gái ngoại của mình. Bây giờ cháu đã 18 tuổi và là một nghệ sĩ dương cầm đầy triển vọng ở Ba Lan.

“Bác cỏ xanh” vừa làm thơ hay vừa uống rượu giỏi. Một thời dài, chúng tôi là bạn thù tạc mềm môi. Bây giờ đứa huyết áp cao, đứa “goute” thành thử chỉ dám uống “đoan trang” mà thôi.
Sau “Dấu chân qua trảng cỏ” đọat giải thưởng Hội Nhà văn năm 1978, Thanh Thảo lại tìm đến một cách tân khác là tập “Khối vuông Ru bich”. Tập thơ này cũng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1985.
Cũng từ sau trường ca “Những người đi tới biển” Thanh Thảo đã có một “thời kỳ trường ca”. Trả nghĩa cho Quảng Ngãi quê hương, Thanh Thảo có trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” và “Bùng nổ của mùa xuân” viết về khởi nghĩa Ba Tơ. Trả nghĩa cho miền chiến trường cưu mang những ngày chiến tranh, Thanh Thảo có “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Trò chuyện với nhân vật của mình” “Cỏ vẫn mọc”. Nếu bút danh “Bác cỏ xanh” là Thanh Thảo thì dường như từ “Dấu chân qua trảng cỏ” đến “Cỏ vẫn mọc” mới thấy Thanh Thảo rất chung thủy với đề tài cỏ. Cỏ qua Thanh Thảo là biểu hiện một sức sống Việt bền bỉ: “Cọng cỏ tầm thường vẫn lấp lánh”.

“Bác cỏ xanh” cũng đã nhiều lần xuất ngoại để tôn vinh thơ Việt . Năm 1985 “Bác cỏ xanh” cùng “Bác Xuân Diệu” đi dự liên hoan văn hóa ở Mouscow. Năm 2003, “Bác cỏ xanh” cùng “Nàng họ Vi của núi” Vi Thùy Linh đi dự một Festival thơ ở Pháp. Năm 2004, “Bác cỏ xanh” đi độc diễn thơ ở “Ngày thơ thế giới” tại Hà Lan. Năm 2005, “Bác cỏ xanh” lại phiêu du châu Âu với thơ của mình.
“Bác cỏ xanh” còn là một nhà báo viết về bóng đá có tầm cỡ trong làng báo thể thao nước nhà.

5. BÀ CHÚA TRỊNH
Nghệ sĩ ưu tú Lê Vân sinh năm Mậu Tuất 1958 - năm Tuất thứ năm của thế kỷ XX. Bởi vậy “Bà chúa Trịnh” mang bản mệnh Dương bình địa mộc (cây đồng bằng). Lê Vân tên đầy đủ là Trần Lê Vân - trưởng nữ của vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân Trần Tiến và Lê Mai và là cháu ngoại nhà thơ Lê Đại Thanh - cuốn từ điển Hải Phòng đương đại thế kỷ XX. Trong ba chị em tuy mỗi người mỗi vẻ mười, thì Lê Vân vẫn có một độc hành rất khác biệt với Lê Khanh và Lê Vy.
Lê Vân có một vẻ đẹp rất thuần Việt “khuôn mặt trái xoan - cổ kiêu ba ngấn”. Một vẻ đẹp hút hồn khiến khó có đấng mày râu nào nghênh diện mà không cảm thấy nao nao. Vào trường Múa Việt từ năm 11 tuổi, Lê Vân đã tu nghiệp xuất sắc. Vừa có kỹ thuật lại vừa có “gien” sân khấu của bố mẹ, chỉ chớm thanh xuân, Lê Vân đã thành danh với các vai chính như Odetta (Hồ thiên nga), Ghiden, Phrighia (Spáctaquýt), cô gái (Cô tiểu thư và anh chàng du đãng)... có một nghiệp thứ hai cùng song hành với nghiệp múa của Lê Vân là nghiệp “Điện ảnh”. Chính nghề cinéma này đã làm cho Lê Vân trở thành “Bà chúa Trịnh”. Một nghiệp tình cờ.

Năm 1979, Lê Vân 21 tuổi. Đạo diễn Nông Ích Đạt làm phim “Những con đường” (kịch bản của Đặng Ái) đang phân vân đi tìm vai Thuận - một cô gái thôn quê, ngây thơ, trong sáng đi thanh niên xung phong, thì được nhà quay phim Phạm Thiên Thuyết giới thiệu Lê Vân. Cô gái có đôi mắt to, trong trẻo, thông minh đã chinh phục ngay đạo diễn họ Nông. Thế là sau khi hóa thân làm Thuận, Lê Vân bắt đầu bước vào nghệ thuật điện ảnh. Thành Thư trong “Tự thú trước bình minh”, thành Thu Thủy trong “Đất mẹ”, thành chị Dậu trong “Chị Dậu”, thành Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng mười”. Từ chị Dậu, Lê Vân đã thực sự khẳng định tên tuổi trong làng điện ảnh, tạo được dấu ấn nghệ thuật đến Duyên, Lê Vân đã đọat giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất trong liên hoan phim Việt Nam năm 1985.

Nhưng Lê Vân trở thành “Bà chúa Trịnh” từ khi sắm vai Tuyên Phi Đặng Thị Huệ của chúa Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì” và “Kiếp phù du” của đạo diễn Hải Ninh. Có lẽ cái vẻ đẹp thuần Việt và rất sang trọng của Lê Vân rất “ăn điện ảnh” khi hóa thân thành “Bà chúa Trịnh”. Trước khi là “Bà chúa Trịnh” thì cô gái hái chè làng Phù Đổng Đặng Thị Huệ đã được dân gian gọi là “Bà chúa chè” bởi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Là con ông đồ nên nàng được dạy dỗ chữ
nghĩa cẩn thận cùng trí thông minh và bản lĩnh khác người. Để lột tả hết chân dung “Bà chúa Trịnh” với âm mưu sử dụng sắc đẹp của mình trở thành chính phi và chính khách. Lê Vân đã phải dụng công biết bao để ngẫm nghĩ kịch bản và nhập thần nhân vật. Nếu người mến mộ vì thương chị Dậu, cô Duyên mà yêu Lê Vân thì ngược lại, càng ghét “Bà chúa Trịnh” bao nhiêu càng yêu Lê Vân gấp bội bởi vai diễn quá sắc sảo và thành công của "người đàn bà đa đoan" trong con người Lê Vân.

Đã bị Lê Vân chinh phục trước màn ảnh cinéma, ta sẽ còn bị Lê Vân chiếm đoạt luôn nếu chiêm ngưỡng “Bà chúa Trịnh” tung hoành so lo trong vũ điệu “Tiếng gọi nơi hoang dã” do chính Lê Vân biên kịch, biên đạo và chọn nhạc. Xem Lê Vân múa, thấy nghẹt thở, thấy bức bối, chỉ muốn bay lên giải thoát giữa mây cao.
Hình như mãi đến sau khi sắm vai cô Việt kiều trong “Thương nhớ đồng quê”, Lê Vân mới thu về ẩn dật làm một người mẹ ở một biệt thự trong ngõ sâu phố Thụy Khuê. Không biết Lê Vân còn mộng “tái xuất giang hồ” nữa không, nhưng những gì đã hiện diện về “Bà chúa Trịnh” trước người đời thì cũng đủ để lại một ấn tượng Mậu Tuất tài hoa và đào hoa đến cùng cực rồi.
N.T.K

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Văn Cầm Hải (18/11/2008)