Đời sống văn nghệ
Văn Cầm Hải: “Tôi là một đứa trẻ nội tâm lang thang”
14:56 | 17/02/2009
LTS: Kể từ khi xuất hiện với bạn đọc qua bài bút ký đầu tiên có tên là Gọi nắng và chùm thơ Đời chị trên tạp chí Sông Hương lúc tuổi đời mới hai mươi, gần 10 năm qua, Văn Cầm Hải là một “hiện tượng văn học” của nhiều cuộc tranh luận vì phong cách lập ngôn mới lạ của mình. Bước vào mùa xuân mới, đúng vào ngày sinh nhật 20/1/2005 của mình, Văn Cầm Hải đã chính thức trở thành một trong những nhà văn trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Vốn là người kín tiếng đến mức “lập dị” nhưng nhân dịp xuân vui này, nhà văn Văn Cầm Hải đã “bật mí” nhiều điều, từ A đến Z trong cuộc sống của anh  với Sông Hương.
Văn Cầm Hải: “Tôi là một đứa trẻ nội tâm lang thang”


PV: Anh bây giờ là Văn Cầm Hải-Hội viên Hội Nhà văn Việt có khác với Văn Cầm Hải ngày nào không?
Nhà văn Văn Cầm Hải (VCH): Cảm ơn anh! Tôi vẫn là tôi. Một người chỉ mong ước tâm thức mình luôn mới chứ không hoài mong đến sự đổi thay danh phận. Nếu viết với mục đích là để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt thì không phải là cách tôi sống với nghiệp văn chương.

PV: Bố mẹ anh đóng một vai trò như thế nào trong sự nghiệp sáng tác văn học của anh?
VCH: Cha mạ tôi là hai người quan trọng nhất trong đời tôi, kể cả trong giấc mơ. Cuộc sống bản lĩnh và tình thương yêu của cha mạ đã nuôi dưỡng tôi lớn dậy từng ngày. Điều tôi hạnh phúc nhất là luôn luôn thấy mình được bé nhỏ trong mắt của cha mạ. Làng quê, tuổi thơ và cha mạ tôi đã cho tôi một đời sống tâm linh đa màu sắc đến nỗi tôi xem đó là một thế giới mà đời tôi sùng kính tuyệt đối.

PV: Cùng một lúc, anh được chú ý cả bút ký văn học lẫn thơ ca, bản thân anh thấy trong lòng mình có thường xảy ra “cuộc chiến tranh” giữa hai thể loại văn học ấy không?
VCH: Không chiến tranh mà ngược lại là sống rất hoà bình, văn xuôi và thơ ca được lòng tôi tương kính như một cặp tình nhân, vì quá yêu nhau nên không nỡ nào cưới nhau!

PV: Dân tộc và tôn giáo có thể xem là “một cặp tình nhân” trong văn thơ của anh?
VCH: Dân tộc là một chủ thể của lịch sử vì vậy nó mang lại cho con người nguồn sức mạnh thiêng liêng và sâu xa. Khi đến một vùng đất mới, bao giờ tôi cũng tự hỏi ai là chủ quyền của vùng đất đó, nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo của họ là nơi đâu? Không trả lời được câu hỏi đó, tôi không thể viết, không thể có một tinh thần sống tận tụy với mảnh đất mình đến. Bởi màu sắc lịch sử và văn hoá dân tộc có thể phóng chiếu qua số phận một con người. Chính bản sắc văn hoá dân tộc và đức tin tôn giáo đã làm cho thế giới này luôn luôn mới mẻ và tồn tại trong một sự khác biệt tương đối để tâm linh nhân loại không ngừng đối thoại, chia sẻ và hướng về nhau. Trong lúc viết Trên dấu chim di thê tôi đã nhìn thấy ý niệm ấy qua sự bày tỏ tấm tình của những người bạn đa sắc tộc, đa tôn giáo mà tôi đã gặp trong những ngày lang thang trên đất châu Âu.

PV: Đường đến với nhân loại là một sự trải nghiệm, vậy làm sao chúng ta có thể đến một cách nhanh nhất.
VCH: Đến một miền đất nào tôi cũng cảm nhận đời sống với tinh thần tat-tvam-asi, tức là tôi cũng là người theo lời Kinh Rigveda dạy. Lòng thành là một cách thức vừa được “hội nhập” với nhân loại vừa thấy rõ tính cách Việt riêng biệt của mình. Một vị Lama xứ Tạng đã nói với tôi rằng, nếu có tấm lòng thành thì nhìn hạt bụi cũng thấy được sự trong sáng của vũ trụ huống gì tâm thức con người.

PV: Ém nhẹm  cái xấu, phô bày cái đẹp là việc thường thấy, còn với anh?
VCH: Tôi thích một thái độ sống sòng phẳng với chính bản thân mình nên trong những gì tôi viết, anh thấy đấy, không ít lần tôi cứ mặc nhiên tự xấu hổ về mình. Nếu ai không biết tự xấu hổ sẽ như loài hoa Narcisse, chết vì quá đỗi yêu mình mà không bao giờ vươn lên được.

PV: Ghi chép thực tế có phải là một kỹ năng của người viết bút ký chuyên nghiệp như anh?
VCH: Tôi không biết người khác như thế nào chứ tôi thì không. Tất cả những gì tôi lĩnh hội được, tôi muốn ướp xanh trong tâm trí của mình cho đến một lúc nào đó, tôi thấy cần thiết phải viết ra. Vì anh biết không, trong quá trình viết cũng là quá trình mình được sống trong sự quán tưởng tuyệt vời nhất.

PV: Hình như anh là một người “lập dị”. Lập dị có phải là một phần của nhà văn?
VCH. Không ai sống cũng không ai chết thay cho mình nên tôi có cách sống của riêng tôi. Nhà văn cũng là người nên hàm chứa nhiều tính cách trời sinh. Tôi tôn trọng tất cả những cái tôi xã hội của con người. Ví thử như người quét rác, không chỉ làm sạch đường cho người sống đi mà tôi tin kể cả những linh hồn chết, những bóng ma cũng được thơm tho trong môi trường xanh sạch đẹp nhờ bàn tay cặm cụi của người quét rác. Ai cũng muốn làm một điều gì đó hợp với sở trường của mình để cống hiến cho đời sống, trừ những kẻ vì sự hoang tưởng đến kệch cỡm làm cho cái tôi của mình trở nên phù phiếm trong mắt thiên hạ.

PV: Im lặng là vàng nên hèn chi anh rất ít lời trong các cuộc tranh luận, thậm chí là vắng bóng?
VCH: Tôi không có đủ thời gian để hiểu mình cho cặn kẽ thì sức đâu mà đi tranh luận với ai. Khi chưa hiểu mình thì không nên tranh luận với người.

PV: Không thầy đố mày làm nên, nếu anh đồng ý thì ai là người thầy của anh trong cuộc sống sáng tạo nghệ thuật?
VCH: Tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ đã dạy tôi rằng, trong đời sống sáng tạo nghệ thuật, tôi hãy là một đứa trẻ nội tâm lang thang.

PV: Linh hồn của một đứa trẻ lang thang là gì? Anh có tin có linh hồn hay không?
VCH: Linh hồn của một đứa trẻ nội tâm lang thang là tự do. Không có linh hồn thì thế giới này sẽ cô quạnh biết bao nhiêu. Nói thật với anh, giữa tôi và anh lúc này đây đang có nhiều linh hồn bay xung quanh nên anh đừng vung tay mạnh thế vì va chạm và gây ra đau đớn cho họ đấy! Anh đọc Tây Tạng-Giọt hoa trong nắng của tôi sẽ thấy, đó là cuộc đối thoại với các miền linh hồn, từ hoa cỏ Chantai, vũ công trong nhà thổ cho đến vị Phật Bonpo trên những miếu đền cùng phiêu lãng linh thiêng với những linh hồn người thân ruột thịt, làng xóm quê hương tôi!

PV: Miền đất hứa trong tâm linh của anh?
VCH: Miền đất hứa trong tâm linh của tôi là sự chân thành của lòng anh của tất cả mọi người!

PV: Nghệ thuật trong thời đại công nghiệp “vi tính hoá bàn tay thơm mùi sữa Mạ” như thơ anh viết có còn là một miền đất hứa không?
VCH: Càng văn minh, càng công nghiệp hoá, càng cần đến nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện đại sẽ lạc hậu nếu đánh mất tính nghệ thuật trong mọi ngõ ngách của đời sống.

PV: Ôm ấp một hoài bão văn chương, anh có dự định gì cho tương lai xa?
VCH: Tôi cố gắng sống làm sao cho xứng đáng với những gì tôi nói với anh là hoài bão của đời tôi chứ nói đâu xa!

PV: Phong cách bút ký đang được nhiều người ái mộ, trong dó có cả lời tán dương chân thành của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bậc thầy về bút ký này có ảnh hưởng gì đến anh?
VCH: Có lần tôi hỏi Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, liệu ông có truyền “y bát bút ký” cho tôi không? Ông Tường bảo, rằng anh đã là một người tự do thì tôi cũng chẳng có gì truyền lại cả! Chỉ một câu đó, ông Tường đã dạy tôi rất nhiều điều cần phải làm trong cuộc sống. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một miền cỏ thơm còn tôi bây giờ chỉ là một cọng cỏ nhỏ nhoi mọc lên ở một vùng quê khác.

PV: Quê nhà của anh nơi đâu và làm sao anh có quỹ thời gian để viết khi mà bản thân mình còn làm nghề thời sự của báo hình?
VCH. Ai cũng có một cõi quê nhà của mình. Nói là cõi vì không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà nó hàm chứa cả một không gian văn hoá mà suốt cả cuộc đời không thể nào lìa xa. Cõi quê nhà của tôi chính là thế giới mà tôi đã viết, đôi khi dù chỉ là một dòng thơ ngắn ngủi, thậm chí là một khoảnh khắc thức tỉnh toàn diện nhất là đủ cho tôi có nơi để trú ngụ. Để được trú ngụ trong cõi quê nhà của mình nên dù làm việc gì, từ lúc còn ở toà án hay bây giờ là báo hình hoặc sau này làm gì đi nữa, tôi vẫn có quỹ thời gian dành cho mình bằng cách khi làm một việc gì đó thì mình phải làm hết mình và không nên phân tâm. Nếu làm phóng sự thời sự mà cứ nghĩ mình là người viết văn thì nguy và ngược lại. Phải thừa nhận rằng, nhờ làm báo, cõi quê nhà của tôi được nuôi dưỡng từ nhiều phía.

PV: Rốt cuộc anh là ai trong cõi quê nhà của mình?
VCH: Là một người có tên là Văn Cầm Hải đang được trò chuyện với anh chứ còn ai nữa!

PV: Số phận anh thường được đi xa và trong những chuyến đi ấy đều “bội thu” tác phẩm, có lẽ ngay lúc này đây đang trò chuyện với tôi, anh hình như cũng đang đi?
VCH: Được đi xa là nguồn hạnh phúc của tôi. Mỗi chuyến đi tôi đều thấy mình sống được thêm nhiều cuộc đời. Mọi bước đi của con người trên trái đất đều ngắn ngủi, cái đi xa thực sự là bước đi của tư tưởng. Trò chuyện cũng là một chuyến đi xa, nếu không tôi và anh cứ ngồi im lặng mà ngắm mình còn hơn.

PV: Triết học, dường như lúc nào cũng thấy văn và thơ của Văn Cầm Hải đậm chất triết học? Cùng với phong cách viết hiện đại, phải chăng đó là một nguyên nhân tạo nên sự khó hiểu trong tác phẩm của anh?
VCH. Triết học mang lại cho tôi nhiều điểm nhìn về cuộc sống còn khi viết nó đã trở thành những linh ảnh liên tưởng. Tôi nghĩ rằng, triết học cho tôi sự thanh thản và giản dị thì chẳng có gì là khó hiểu ở đây cả. Để tôn trọng người đọc, tôi không thể nào đánh mất phong cách của mình.

PV: Uống nước nhớ nguồn là một nghĩa cử trong đời sống còn trong sáng tạo văn học?
VCH. Lúc nào và bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp của con người. Uống nước nhớ nguồn không chỉ là lòng tưởng niệm, biết ơn quá khứ mà còn là chất liệu để xây dựng tương lai cho mỗi cuộc đời.

PV: Văn và vợ?
VCH. Tôi không có gì mà phải bận tâm trong việc lựa chọn này. Bởi tôi có một người vợ rất hiền tính đến nỗi thầy bói cũng ngạc nhiên là không hiểu sao số trời lại cho tôi, một thằng người bèo bọt lại hạnh phúc gặp được một người con gái như thế. Không có sự hy sinh và tôn trọng của vợ tôi, có lẽ tôi không thể sống hết mình với điều mình tâm huyết. Cả văn chương và vợ đều cho tôi một cõi quê chung đó là tình yêu.

PV: Xuất phát từ nguồn cơn nào mà anh đã đến và thành một chủ thể sáng tạo trong lĩnh vực văn học?
VCH. Vì sinh ra ai chẳng muốn có chút tâm sự với cuộc đời, vấn đề cơ bản là cái cách anh tâm sự như thế nào thôi. Tôi nhớ, hơn 10 năm trước, khi nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch ngồi cặm cụi sửa chữa từng trang bản thảo thơ còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù lúc ấy không biết mặt tôi vẫn đỡ đầu cho tập thơ ra đời bằng lời tựa. Các ông ấy bảo những dòng thơ mà không ít người cho là “lập dị”, có kẻ ác chơi còn vu khống cho là loại thơ độc hại, chính là “phẩm chất” của tôi, cứ thế mà sống với nó đến tận cùng. Có thể nói, cùng với triết học, các ông đã “điểm đạo” cho tôi bước vào con đường văn chương. Cho đến ngày hôm nay và mãi sau này, tôi trưởng thành là nhờ những tấm lòng thành như vậy.

PV: Yếu nhân nào của nhân loại là thần tượng của anh?
VCH. Anh hãy chỉ cho tôi ai là người hoàn mỹ nhất trong nhân loại thì người đó là thần tượng của tôi.

PV: Zarathustra không phải là một nhân vật mà anh tôn thờ trong thiên bút ký Nơi Nietzche sinh ra để trở thành bất tử hay sao?
VCH. Sau lần đến thăm quê hương của Nietzsche ở làng Rosken thuộc miền Đông nước Đức xa xôi, người đã viết ra tác phẩm Zarathustra, tôi có viết bài trên tạp chí Nhà Đẹp thì có người phản ứng vì cho rằng, Nietzsche là một triết gia khởi nguồn cho chủ nghĩa phát xít! Nếu là ông thầy của chủ nghĩa phát xít, nhân loại đã không xếp ông vào hàng ngũ 10 triết gia minh triết nhất của thế giới. Tôi yêu Zarthustra và Nietzsche vì họ nói cho tôi biết rằng, con người có thế thực hiện lẽ sống chân thiện mỹ bằng năng lực chuyển sinh của chính bản thân mình!
          Thanh Tú thực hiện

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng