Đời sống văn nghệ
Huế trong dòng tự sự của 3 nhạc sĩ
09:09 | 23/04/2008
...người sáng tác phải dày công và phải có trình độ uyên thâm để xử lý những chất liệu đó và biến nó thành của mình nhưng lại phải mang được hơi thở của cuộc sống hiện đại...


è  Nhạc sĩ  HÀ SÂM: VỚI TÔI, HUẾ ĐÃ LÀ QUÊ HƯƠNG
Buổi sáng. Gió từ mặt hồ Tĩnh Tâm ngan ngát. Quán cà phê phía bên kia đường mở nhạc rất nhẹ. Hình như có tiếng chim hót đâu đó trong khuôn viên nhà ông. Tác giả của “Tạm biệt Huê” (phỏng thơ Thu Bồn), “Hợp xướng Sông Hương”, “tốp đàn tranh Lý Huế”, “giai điệu Phụng vũ”, “độc tấu sáo Huế”... giáo sư - nhạc sĩ Hà Sâm không có vẻ bận rộn lắm. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp không chỉ cho Huế mà cả cho dải đất miền Trung trong lĩnh vực âm nhạc và đào tạo. Và bây giờ là quãng thời gian lắng lại của ông sau bao nhiêu năm tháng miệt mài. Dù nghỉ hưu đã vài năm, ông vẫn bận rộn với sáng tác, nghiên cứu, biên soạn, viết giáo trình... Và giọng ông thật hiền với những âm sắc pha giữa Bình Định và Huế khi bảo:
“Viết về Huế khó lắm...Nhưng tôi đã gắn bó và yêu quý mảnh đất này. Với những tác phẩm viết về Huế, kể cả ca khúc và khí nhạc, tôi luôn trăn trở để làm thế nào tác phẩm của mình mang được hơi thở của Huế. Muốn thế phải hiểu được phong tục tập quán của Huế, phải có sự tìm hiểu sâu về nguồn gốc, về âm nhạc dân gian vì mỗi vùng có một  sắc thái riêng mà điều đó thì ở Huế lại đậm đặc và có nhiều luồng văn hóa quyện lại. Do đó tôi nghĩ, người sáng tác phải dày công và phải có trình độ uyên thâm để xử lý những chất liệu đó và biến nó thành của mình nhưng lại phải mang được hơi thở của cuộc sống hiện đại”.
Im lặng một thoáng rồi ông bảo: “Với tôi, Huế đã là quê hương và tôi thích sống kiểu của người Huế. Một cách sống thủy chung, khiêm tốn, ít nói và uyên thâm. “Huế khúc ca xuân” với chất liệu ai, bình là tác phẩm mà tôi rất tâm đắc. Tôi cũng rất thích câu “Nắng phương này mà mưa tím phương kia” trong bài Gửi lại cho ai của Trần Dạ Lữ, tác phẩm này tôi vừa phổ nhạc. Có lẽ chỉ có người Huế thì mới nói như thế, mới nghĩ như thế...”
- Là người sáng tác nhiều cho các dàn đồng ca, hợp xướng, các nhạc cụ dân tộc dựa trên chất liệu, âm điệu của Huế, Giáo sư nghĩ gì về thể loại này khi việc phổ biến nó không dễ, lại rất kén khán giả, nhất là ở Huế ?
Lại im lặng. Rồi ông trầm ngâm: “Tỉnh mình còn nghèo và còn có bao nhiêu việc phải làm. Nhưng nếu có điều kiện đầu tư vào để có những tác phẩm dài hơi - tất nhiên là phải có sự đề xuất với những kế hoach, biện pháp cụ thể thì anh em mới viết được. Cũng như nhiều anh chị em khác, bản thân tôi viết với tấm lòng, với những xúc cảm của tâm hồn và không đặt nặng vấn đề này nhưng chúng tôi sẽ vui hơn nếu được quan tâm, động viên...
Không phải là Huế mình thiếu người viết mà điều quan trọng là vấn đề đầu tư như thế nào? Tôi nói điều này với một suy nghĩ và tình cảm rất chân thành và mong muốn Huế  có những tác phẩm mang tính tầm cỡ, không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc...”
Thực hiện một tác phẩm giao hưởng phát triển trên nền nhạc cung đình dành cho dàn nhạc dân tộc. Ông nói với tôi rằng, đó là điều mà ông ấp ủ đã lâu và ông sẽ cố gắng hoàn thiện nó trong quãng thời gian sắp tới. Nhưng tôi biết, đó mới chỉ là một trong rất nhiều dự định được nói thành lời. Bàn tay của ông lật từng trang đang viết dở. Không hiểu vì sao tôi lại nghĩ đến những âm thanh sẽ rung ngân và dào dạt chảy...

è Nhạc sĩ  VĨNH PHÚC:  ĐIỀU MÀ TÔI TRĂN TRỞ NHẤT LÀ Ở KHÍ NHẠC
Anh là một người còn trẻ. Lại rất hiền và đẹp trai nữa (nếu được nói thêm). Nhưng bên cạnh rất nhiều những ca khúc về Huế được nhiều người nhớ, nhiều người hát như “Tơ vương”, “Huế gọi tôi về”, “Khúc hò khoan trên sông Hương”...nhạc sĩ Vĩnh Phúc còn nhiều tác phẩm khí nhạc đậm chất Huế và giàu bản sắc được dàn dựng, được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như “Dòng sông tơ vương”, “Ký ức Cố đô”, “Một nét xuân” và gần đây nhất là “Tứ bình”. Anh còn tham gia rất nhiều công trình, đề tài nghiên cứu, sưu tầm về nghệ thuật dân gian. Điều làm tôi nhớ nhất ở anh là sự chân tình, nụ cười cởi mở và một niềm hạnh phúc tràn trề khi nói về cô con gái bé bỏng và gia đình nhỏ của họ. Nhưng rồi giọng nói cởi mở ấy chợt có một chút gì đó như thắc thỏm:
“Các nhạc sĩ ở Huế viết về Huế rất nhiều nhưng rồi cũng chìm đi thôi vì thường chỉ được ca sĩ hát, thu đài một lần rồi cũng quên chứ không được in thành băng cát - sét, thành đĩa CD để công chúng có thể sử dụng lâu dài. Có chăng chỉ ở một vài hội diễn quần chúng nào đó...
Tôi vừa có một bài phổ thơ Hồ Thế Hà, bài “Huế gọi tôi về” (
và anh hát Không phải mùa thu vàng/ Không phải mùa phượng cháy/ Nhớ thương sâu thẳm gọi tôi về/ Huế mùa đông...) Bài này cũng dùng chất liệu Huế nhưng sẽ làm cho nó nhạt đi và đưa tiết tấu trẻ trung vào một tý. Bài này tôi đã thực hiện xong (cười với một chút buồn thật nhẹ)  nhưng cũng chưa có điều kiện để phổ biến...
Điều mà tôi trăn trở nhất là ở khí nhạc. Không chỉ ở Huế mà ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc phổ biến khí nhạc cũng rất hạn chế. Ở Châu Âu thường có những nhà hát dành riêng cho một đối tượng khán giả thích nhạc cổ điển. Tôi nghĩ, dù thế nào đi nữa thì khí nhạc cũng có đối tượng riêng của mình. Tôi cũng nghĩ phát triển nền âm nhạc của Việt mà chỉ áp đặt âm nhạc Tây phương vào không thôi là không đúng. Nhưng chúng tôi chưa khi nào thôi nghĩ đến việc Huế sẽ có một dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc riêng của mình...
Năm nay tôi đang dự định viết một giao hưởng gồm 4 chương và đặt cho nó một cái tên rất phổ biến là “Huế xưa và nay”. Đây cũng là kế hoạch nằm trong chương trình học cao học của tôi sẽ kết thúc vào năm 2002. Quan điểm của tôi khi thực hiện tác phẩm này dùng dàn nhạc phương Tây nhưng viết cho âm nhạc dân tộc, cho nhạc cung đình Huế. Đây là một tác phẩm mang tính sáng tạo và thử nghiệm”.

è Nhạc sĩ VIỆT ĐỨC:  HUẾ - NGUỒN CẢM HỨNG SÂU ĐẬM VÀ MÃNH LIỆT
Tôi đã gặp anh trong rất nhiều cương vị khác nhau. Có lúc là một biên tập viên chương trình âm nhạc, văn hóa nghệ thuật của HTV, người dẫn chương trình một đêm nhạc, phát thanh viên cho một phim tài liệu, một phóng sự, một giảng viên khoa Lý luận sáng tác Trường Đại học Nghệ thuật Huế và gần đây nhất là ở cương vị giám đốc Nhà hát cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế). Nhưng tôi vẫn muốn gọi anh là Việt Đức - nhạc sĩ của những bản tình ca thấm đẫm chất Huế trong Huế nhịp phách tiền, Hương Huế, Màu Huế, Tìm em trong nét Huế...
Vậy mà, khi có một đề nghị, anh chỉ nói đơn giản:
“Tôi nghĩ Huế luôn là mảnh đất hết sức màu mỡ, một vùng nguyên liệu để các nhạc sĩ sáng tác và khai thác. Chính vì vậy mà trước 1975 đã có rất nhiều tình khúc hay về Huế và có những tình khúc đã đi theo cùng năm tháng, ví dụ “Đêm tàn Bến Ngư”, “Tiếng xưa”, “Mưa trên phố Huế”, “Tình ca xứ Huế”... và sau 1975 cũng có rất nhiều nhạc sĩ trong cả nước viết về Huế , kể cả những người đã ra nước ngoài  như “Rất Huế” của Võ Tá Hân, “Huế thương” của An Thuyên, “Dòng sông ai đã đặt tên” của Trần Hữu Pháp, “Tình yêu gửi Huế” của Trương Tuyết Mai...và còn rất nhiều ca khúc, tình khúc khác chưa được vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình cũng như đang còn nằm trong ngăn kéo... Là một người gắn bó với Huế gần 20 năm và cũng rất yêu âm nhạc Huế cũng như vùng đất này, tôi nghĩ rằng, Huế luôn mới, đặc biệt là đối với âm nhạc và thơ ca...
Tôi nghĩ rằng, các nhạc sĩ Huế ở đây đều có thể làm được một CD riêng hoặc chí ít là một đêm “tác giả, tác phẩm”, nhưng họ lại đang chịu rất nhiều thiệt thòi khi không thể thực hiện được một điều gì vì không có điều kiện, không có môi trường...
Khi thực hiện chuyên mục “Tình khúc Huế” trên báo Thừa Thiên Huế (mà tôi cộng tác được hai năm), thì tôi  nghĩ cũng vẫn một đề tài về Huế thôi mà sao mỗi bài là một màu sắc khác nhau, một ý tưởng khác nhau, một cái gì đó thật mơ mộng và có đến ngàn triệu lần huyền diệu trong cái mơ mộng đó. Chính vì vậy mà tôi nghĩ rằng, “Tình khúc Huế” sẽ còn nhiều, và điều đó chính là nhờ các nhạc sĩ vẫn viết về Huế với một sự thôi thúc mãnh liệt...”


HẠNH NHI
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)