LTS: Ngày 17-7-1988 nhà thơ THANH TỊNH đã qua đời tại Hà Nội sau một cơn bệnh nặng, thọ 77 tuổi. Tưởng niệm nhà thơ, người anh người đồng nghiệp đáng kính của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Hoàng Trung Thông và đoạn trích trong Điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm nhà thơ tại trụ sở Hội văn nghệ B.T.T ngày 19-7-1988.
"…Nhà thơ Thanh Tịnh đã từ giã chúng ta. Cuộc đời và văn nghiệp của ông còn mãi trong lòng giới văn nghệ và nhân dân quần chúng. Mang nhiều tính chất dân tộc trong hình thức và nội dung, tác phẩm của ông như là một lời nhắc nhở dặn dò đối với những cây bút đương thời và cả các thế hệ sau. Điều này thật quan trọng trong công cuộc đổi mới văn nghệ hiện nay.
Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên chúng ta với Thanh Tịnh còn in đậm những dấu ấn của những kỷ niệm gần đây. Một buổi kể chuyện hài hước hiện đại trên nhà nổi Sông Hương, một lần cùng đi để góp phần xác định ngôi nhà Bác Hồ từng ở thời niên thiếu ở phố Mai Thúc Loan, một bài viết về du lịch trên tạp chí Sông Hương... những việc đó, sinh thời ông tận tụy làm rồi có thể quên đi, nhưng với chúng ta thì nhớ, nhớ mãi.
Tưởng niệm nhà thơ ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của ông hôm nay, chúng ta, những văn nghệ sĩ đồng hương lứa tuổi con em của ông, thiết tưởng điều có ý nghĩa nhất và cũng là một trách nhiệm, chúng ta nguyện noi gương ông sống và viết, giản dị, bình thường và thủy chung."
(Trích Điếu văn đọc trong lễ tưởng niệm nhà thơ tại trụ sở Hội văn nghệ BTT ngày 19-7-1988)
HOÀNG TRUNG THÔNG
Đến lúc này tôi mới viết về anh, anh Thanh Tịnh ạ. Anh đừng trách tôi vì tôi đọc anh rất sớm nhưng quen biết anh sâu sắc thì lại muộn hơn.
Quê mẹ của anh cũng là quê mẹ tôi dầu cái làng Mỹ Lý hư cấu của anh không phải là tên của làng tôi. Chao ôi! "Quê mẹ", "Con so về nhà mẹ" v.v... sao mà giống quê tôi quá, chỉ tiếc trong tập này không có truyện "Đôi bạn quê". Tôi cũng là dân làng bóng chân đất tôi để ý đến truyện này ngày xưa đã đọc.
Trong truyện anh có chất thơ. Trong thơ anh có chất chuyện. Truyện ngắn của anh rất ngắn, nhẹ nhàng mà hơi buồn, buồn cũng như thơ anh vậy. Nó thật khác giọng văn độc tấu trầm hùng mà dí dỏm của anh sau này. Tôi không muốn đi vào tác phẩm của anh nhiều. Sẽ có người bình luận về tác phẩm của anh thôi. Và họ cũng sẽ yêu mến tác phẩm của anh như yêu mến con người anh vậy.
Hồi đó, Thanh Tịnh từ Việt Bắc vào liên khu tư, tự nhiên anh lại mang một khẩu súng lục, và anh nói mua của anh Bùi Huy Phồn ở Liên khu ba. Anh không đeo mà chỉ cầm tay thôi, Chế Lan Viên nhìn khẩu súng mà nói: "Đây là khẩu súng tụt hậu, không bắn được địch mà chỉ tự bắn mình thôi". Thanh Tịnh cười mà không nói gì.
Anh Thanh Tịnh ngủ chung một giường với tôi cũng như anh Nguyễn Đình Lạp đã ngủ chung giường với tôi ở nơi tản cư vậy. Anh Thanh Tịnh rỉ tai tôi mà nói "Nào có phải súng ống gì đâu. Súng này chỉ để dọa trẻ con thôi". Tôi cười nói với anh: Anh dọa ai thì dọa nhưng đừng có dọa tôi nghe!. Thực ra khẩu súng của anh không hề có đạn. Thanh Tịnh vốn có tấm lòng độ lượng. Anh hỏi tôi: "Nghe nói cậu cũng có biết uống rượu, cậu đã tìm ra nơi có rượu chưa?". Tôi trả lời anh: "Trong này triệt để rượu lắm anh ạ. Uống rượu là uống máu đồng bào mà. Ai mà dám nói đến chuyện đó". Thanh Tịnh nhếch mép cười như đùa cợt: Cậu khờ lắm. Nói là triệt để nhưng triệt mà vẫn để. Cậu cứ ra hàng quán cũng được hoặc đến chỗ anh cắt tóc mà hỏi: "nghe nói ở đây cấm rượu triệt để lắm phải không? Đào tận gốc trốc tận rễ mà thử cậu có tìm ra không".
Tôi theo lời và hỏi như lời anh thì anh chàng cắt tóc đã nói với tôi: "Nào có triệt để gì? Anh cứ vào nhà ông K thì có tiền tất nhiên là có rượu".
Tôi mời anh Thanh Tịnh cùng đi. Quả nhiên là có, nhưng anh lại thích thứ nặng độ hơn.
Những ngày ở Liên khu IV anh thường đi "độc tấu". Anh không những chỉ đọc mà anh còn làm điệu bộ. Giọng anh sang sảng, điệu bộ anh ngắn chắc đủ thể hiện nội dung của bài tấu. Người ta thích nhất là khi anh đọc "Lão dân quân Đông bắc". Giọng anh trầm khi anh giới thiệu:
"Núi đá trập trùng thung lũng hẹp
Vướng đầu ghềnh một trạm gác dân quân
Dựng cheo leo như ngôi mộ sơn thần
Mắt bao quát cả ba đồn của giặc"...
Nhưng đoạn này giọng anh bỗng cất cao, hùng dũng, dõng dạc, anh bắt chước tiếng thét của lão dân quân:
"Ai? Đứng lại!" Một tiếng hô truyền vang núi
Tôi giật mình dừng bước ngước trông lên
Tiếng lại truyền "Người nào đó? Đứng yên!
Đừng nghịch nạng đừng trách già giục tốc".
Rồi sau khi hỏi giấy tờ xong xuôi, cụ đổi sang giọng khác, ôn tồn thân thiết và "nhạ mã tấu, trả chứng minh, vồn vã":
"Mời đồng chí ghé vào lều ngồi sưởi đã
Đường qua Phù còn bảy dặm cũng gần thôi!"
Trong bài tấu này có hai vai và khi Thanh Tịnh đóng vai lão dân quân, khi đóng vai mình thì diễn xuất của anh có một sức cuốn hút làm mọi người xúc động.
Trong cuộc thi ca dao kháng chiến của Chi hội văn nghệ Liên khu IV, Thanh Tịnh và Minh Hiệu cùng được giải nhất. Chúng ta ai cũng còn nhớ bài ca dao của anh "Dân no thì lính cũng no" với những câu:
Trông lên thì thấy đầy sao
Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn phần dân liệu cũng xong...
Hai câu sau đã thành câu ca dao châm ngôn tư tưởng lưu truyền trong nhân dân, cho đến ngày nay ai cũng nhắc khi nói "lấy dân làm gốc".
Cùng ở Liên khu IV Thanh Tịnh đã cùng đội kịch tư lệnh quân khu IV diễn vở kịch "Cụ Đạo với sư ông" của Thế Lữ. Tập tành với nhau trong bao nhiêu ngày, diễn thử thì kết quả rất tốt. Nhưng khi đem ra diễn ngoài công chúng, diễn trên một cái đồi gần Đô Lương, hàng vạn người khắp nơi kéo về, thế là diễn nửa chừng thì vỡ rạp vì không có điện, không có micrô. Tiếng nói oang oang của Thanh Tịnh cũng không làm chủ được công chúng đang ồn ào ở dưới chân đồi.
Ra về anh Thanh Tịnh nói với anh Lưu Trọng Lư và tôi: "Thật không ngờ công chúng đến đông quá. Ai cũng tin chắc thành công mà hóa ra thất bại". Nhưng đến Đại hội văn công toàn quốc ở thủ đô Hà Nội chỉ ít lâu sau khi chúng ta về tiếp quản. Không còn là thủ đô gió ngàn nữa mà là thủ đô giữa lòng Hà Nội với hàng vạn người từ khắp non khắp chốn đổ về. Đại hội văn công toàn quốc dầu chưa phải có những tiết mục thật đặc sắc nhưng mới lạ và cách mạng đã chấn động mạnh mẽ đồng bào thủ đô.
Thanh Tịnh không phải là Chủ tịch Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, nhưng khi sân khấu ở Nhà hát nhân dân mở màn bao giờ tiếng nói của anh trang nghiêm và dõng dạc cũng chinh phục hàng vạn người nghe và người xem. Người ta thầm hỏi nhau: "Ai đó" và khi có tiếng trả lời nhỏ nhẻ: "Nhà thơ Thanh Tịnh đó" thì những tiếng xì xào nổi lên: "Té ra là nhà thơ của Quê mẹ. Thế mà bây giờ mới được nghe tiếng nói của ông".
Thế rồi Thanh Tịnh sau đó trở về làm Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh đã làm cho Tạp chí văn nghệ này khởi sắc, không dễ rơi vào những thứ chủ nghĩa cơ hội dù nhân danh gì gì đi nữa. Đó là một tờ tạp chí Văn nghệ quân đội đã phát hiện ra bao nhiêu giá trị văn nghệ cả già lẫn trẻ, của những người bộ đội cầm súng đã trải qua thử thách, càng đổi mới càng giữ vững lương tâm nghệ thuật của mình, nghệ thuật của những người chiến sĩ cầm bút. Không bẻ cong ngòi bút của mình chạy theo những thị hiếu tầm thường.
Tôi đến nhà anh nhiều lần, nhìn thấy gian phòng chật hẹp của anh chứa chất đồ cổ, có thứ thực giá trị cao, có thứ cũng chỉ là những giá trị vừa phải thôi. Nhưng tôi ngắm nghía không biết chán những đồ cổ của anh và vụt nói: "Đó là những giọt nước biển, theo như tập truyện rất ngắn của anh, hay nói đúng hơn là những ghi nhớ của anh được chép lại một cách ngắn gọn".
Anh gật đầu "Có những giọt nước mới thành biển nhưng cũng phải có biển mới có những giọt nước. Nói thế có được không?"
Tôi tán thành câu nói ấy.
Tôi còn nhớ ngày Tết đi chợ hàng Lược mua hoa, tôi gặp anh ở hàng đồ cổ. Chúng tôi cùng chú ý đến một cái đĩa. Ai cũng muốn mua. Cái đĩa làm thời Tự Đức, có để chữ Tự Đức rất rõ. Tôi nghĩ: "Đó là đĩa Tự Đức, anh là người Huế, để anh mua thì tốt hơn". Thế là anh mua.
Về sau khi trở lại nhà anh, thăm anh và thấy anh vất vả quá, tôi nói: "Sao anh không bán các đồ cổ ấy đi cho cuộc sống không đến nỗi gieo neo?". Anh nói: "Một người Đan Mạch không biết ai giới thiệu đến nhà tôi xem các đồ cổ. Ông ta muốn đổi một cái gương đồng thời xưa để lấy một cái xe đạp pơ-giô. Nhưng tôi không chịu, ông ta nói: "Tôi không ngờ một nhà triệu phú như thế này mà chịu sống một cuộc đời cơ cực như thế?".
Tôi hỏi thêm: "Sao anh không bán tất cả đi cho Nhà nước để lấy tiền bồi dưỡng sức khỏe?".
Anh nói "Bọn bảo tàng nước ta trả giá không ra gì. Thà mình để lại rồi tặng Nhà nước đi còn hơn".
Tôi chép miệng.
Nhưng không còn biết nói gì hơn.
Sự thực mà nói anh thích làm nghề du lịch, hướng dẫn cho các du khách đi đây đi đó. Nhưng việc đó cũng không xong.
Dù sao, anh vẫn là một nhà thơ.
Ta hãy đọc bài thơ của anh "Khi tôi còn trẻ" viết gần đây:
Xa quê càng nhớ cảnh quê xa
Theo cánh cò bay chạnh nhớ nhà
Bếp lửa nhà ai chiều ấm thế
Đêm dài trăng lạnh gió vào ra
Chẳng phải vì vui được trở về
Nên trông giọt nắng cũng đê mê
Đoàn đoàn khăn đỏ vui đi học
Có thấy hương quê lộng bốn bề
Và rồi anh lại nói:
Khi tôi còn trẻ, Huế tôi già
Đến lúc tôi già Huế trẻ ra
Cũng giọng hò xưa nghe ấm ức
Mà nay tung cánh vỗ bao la
Anh yêu quê hương mà cũng từ lòng yêu nước. Lòng chân thành của anh là một lòng trước sau như một mặc dù anh cũng có những nỗi buồn xé ruột, nỗi đau thắt lòng. Nhưng gặp anh là gặp niềm vui và thương yêu anh đã truyền cho chúng tôi niềm tin tưởng trong những năm cùng sống với nhau, cùng hiểu nhau, thương yêu nhau.
Thanh Tịnh anh ơi
Sống trọn một cuộc đời
Vì nước vì dân vì cách mạng.
Vì văn chương nghệ thuật
Thế cũng đã thỏa rồi.
H.T.T
(SH33/10-88)