Trong phần đầu bức thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Thân ái gởi Viện Đại học Huế. Nhớ trồng cây làm cho Huế và vùng xung quanh là một vườn cây bốn mùa xanh tươi. Đây là một bức thiếp Tết tôi để rất lâu trên bàn làm việc vì nó gợi cho tôi nhiều điều nghĩ ngợi thú vị, và cũng vì muốn trả lời nhưng không biết viết cái gì đáng nói. Trong thời gian gần đây, có lần từ Sài Gòn ra, tôi muốn ghé xuống Huế nhưng vì thời tiết trắc trở tôi không xuống được. Sau này, tôi mong có cơ hội trở lại Huế, gặp lại các bạn, điểm lại những gì chúng ta đã hứa với nhau và chúng ta làm được gì?..."
Vậy thì, "những gì chúng ta đã hứa với nhau" mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc đến và muốn điểm lại là gì? Đó chính là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau giải phóng giữa Thủ tướng với trí thức, văn nghệ sĩ Huế tại Viện Đại học vào ngày 1/12/1975. Những ai đã được dự buổi gặp gỡ đó, hẳn không bao giờ quên, vì tính chất đặc sắc, rất thân tình, cởi mở của buổi gặp hôm đó. Ngay khi vào đầu buổi gặp gỡ, sau những lời chào hỏi, và tiếng cười vang đầy sảng khoái, tươi vui, Thủ tướng đã đi ngay vào những lời tâm tình, phá tan đi cái khoảng ngăn cách giữa một nhà lãnh đạo cao cấp với những người đối thoại với mình. 'Tôi sinh đẻ ở đây và học ở đây. Đồng thời với tư cách một nhà giáo, nếu các đồng chí nhận tôi thì tôi rất sung sướng." Tiếng cười ồ ran lên cả hội trường, tỏ ý rất tán thành lời đề nghị dí dỏm ấy. Thủ tướng nhìn bao quát hội trường, đợi cho tiếng cười lắng xuống, và nói tiếp: "Chắc ở đây, ai cũng có một bầu tâm sự ghê gớm lắm. Nhưng người Huế là người dè dặt, kín đáo. Tôi đề nghị, hôm nay chúng ta không nên dè dặt, kín đáo, có phải không?" Rồi với giọng sảng khoái, phấn chấn, Thủ tướng nói: "Hiện nay, nước Việt Nam ta là một nước thống nhất... Không bao giờ những bậc tiền bối vĩ đại của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu... có thể mơ ước được một đất nước vĩ đại, hùng vĩ như ngày nay. Chúng ta phải thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ở đây, có một vài bạn nói: Mác, Ăngghen, Lênin thì cũng như Xanh Các, như các vị thánh... Chúng ta còn phải nói với nhau nhiều. "Cách đặt vấn đề để tạo nên không khí tranh luận trên tinh thần cởi mở chân tình của Thủ tướng đã làm cho không khí của hội trường trở lại nghiêm túc, vì ai cũng vừa tập trung nghe, đồng thời cũng suy nghĩ ngay những gì diễn giả gợi mở. Thủ tướng nói tiếp dòng suy nghĩ của ông: "Ngày nay, trên thế giới này, không phải nước nào cũng nói được như nước ta. Nước ta sẽ là nước có khả năng to lớn lạ lùng. Con người Việt Nam ta là những con người lạ lùng. Những diễn biến mấy chục năm qua chứng minh rằng nhân dân ta có tài năng, trí tuệ, thông minh lạ lùng. Ngày nay trên thế giới một dân tộc mà các dân tộc bị áp bức khâm phục nhất là dân tộc Việt Nam. Một Đảng mà các Đảng Cộng sản khâm phục nhất là Đảng Lao động Việt Nam. Ngày nay, vị lãnh tụ được thế giới khâm phục nhất là Bác Hồ của chúng ta. Những điều tôi nói như vậy, không phải là qúa đáng. Tôi còn nói khiêm tốn hơn nhiều. Họ còn coi ta là người đem lại ánh sáng trong đêm tối, là lương tri của nhân loại. Ngày nay, cả những người anh em gần gũi lắm cũng không hiểu được làm sao ta chiến thắng... Phải làm mọi cái vì Tổ quốc Việt Nam của TÔI. Và cũng là của MỌI NGƯỜI. Nhân dân này của các đồng chí. Tổ quốc này của các đồng chí. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại này là của các đồng chí. Các anh các chị, các đồng chí có nghĩ như vậy không?" Lại vang lên tiếng cười lanh lảnh đầy tự tin, rồi Thủ tướng, chuyển sang giọng tâm tình: "Bây giờ,tôi xin nói về Huế. Tôi sinh ở Huế. Tôi rất ham mê nghề dạy học... Nước ta đã độc lập, chúng ta phải xây dựng nước ta thành một nước vững mạnh. Trong một nước Việt Nam như vậy, Thừa Thiên - Huế phải có một vị trí như thế nào? Nước ta sẽ giàu, sẽ mạnh, sẽ đẹp bởi vì nhân dân cả nước sẽ đóng góp tất cả những tài năng, trí tuệ, sức lực của mình. Mỗi địa phương sẽ đóng góp những cái gì là sở trường của mình. Các đồng chí là những người lao động trí óc càng phải suy nghĩ nhiều về điều này. Huế có truyền thống cách mạng, Huế có nhiều tài năng. Người lao động ở Huế có nhiều ngành nghề thủ công, mỹ nghệ. Giới trí thức Huế có tài năng, trí tuệ, phong độ đáng yêu. Phong cảnh Huế là một nơi đẹp đẽ nhất nước ta. Về kinh tế, về văn hoá, Huế sẽ là một thành phố như thế nào, bây giờ nói trước đi thì không nên. Nhưng phải làm sao phát huy những truyền thống. Tôi có gặp một bác công nhân già 83 tuổi ở xí nghiệp vôi Long Thọ. Bác nói bác đang dạy nghề cho lớp trẻ. Tôi có xem biểu diễn của đội vũ Hoàng cung. Những tiết mục đặc sắc lắm. Chúng ta đã giữ gìn nó trong nhiều thời đại... Tôi nghĩ, làm sao cho Huế mình thành một bông hoa. Một bông hoa có cái kín đáo của nó. Nhưng càng kín đáo thì nó càng có sự hấp dẫn. Phải không các đồng chí! Tuy nhiên, đó là chúng ta nói về những việc sẽ làm cho Huế. Còn ngay lúc này đây, như tôi nói lúc đầu, tôi muốn các anh các chị không nên dè dặt, vì chính đây là cuộc gặp để chúng ta cùng bàn bạc, để làm sao cho Thừa Thiên Huế càng ngày càng đẹp lên, giàu lên."
Không phải đợi lâu, mọt bóng áo dài tím Huế đã đứng lên. Đó là một nữ giáo viên cấp một. Cô bày tỏ tâm sự: "Cháu rất mừng là Bác rất tâm đắc với nghề dạy học. Riêng cháu, trước kia, hằng ngày dạy các em những lời mà bản thân cũng cho là nói láo. Nhưng từ ngày giải phóng cháu thấy dạy thoải mái. Dạy học sinh cấp một là không có quyền nói dối các em một điều gì cả. "Thủ tướng lại cất giọng cười vang, và đáp: "Thật là những lời nói tốt. Tất cả giáo viên từ đại học đến cấp một cần lĩnh hội. Những lời đó làm cho tôi càng muốn làm nghề như người bạn trẻ của tôi!". Sau phát biểu của cô gái Thân Thị Ngọc Diễm, nói về nhận thức dạy môn địa lý mà cô cho rằng, dạy địa lý cũng chính là dạy chính trị, một giáo viên Đại học y khoa bày tỏ băn khoăn về tinh thần làm chủ. Thủ tướng rất tán thành với điều băn khoăn này: "Các đồng chí làm công tác chính trị, tư tưởng là phải làm sao người ta tự rút ra kết luận. Chứ cứ ấn vào người ta, người ta nói như anh, nhưng kết quả cũng không hơn gì. Chúng ta đề ra quyền làm chủ của nhân dân. Chúng tôi rất thiết tha, nhưng nó khó lắm. Làm chủ là phải phát huy lao động sáng tạo, làm việc hết mình. Nhưng xin nói đây là việc khó lắm. Chúng tôi, những nhà lãnh đạo chưa làm được tốt vấn đề này". Cũng với thái độ tự phê bình như vậy, Thủ tướng tiếp thu những băn khoăn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi anh đề cập đến vấn đề phát huy văn hoá dân tộc, chống lại nền văn hoá nô dịch, thực dân mà theo anh là đang tràn lan ở các vùng mới giải phóng lúc bấy giờ. Một giáo viên trường Đại học Y khoa Huế tâm tình: "Tôi rất tán thành với Thủ tướng, nước ta nhất định sẽ giàu, Huế cũng sẽ giàu. Nhưng đó là trong tương lai. Còn hiện nay, Huế còn nghèo, trường Đại học Y khoa lại cũng còn rất nghèo, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng có những tổ chức thế giới muốn tài trợ thì lại có ý kiến này nọ, sợ rằng phải tiếp nhận thiết bị vật tư của phe tư sản. Chúng ta có nên kỳ thị như thế không?". Thủ tướng gật đầu, đến bắt tay người giáo viên đó và nói: "Đúng như anh nói. Mình cần học những điều hay của mình rồi, nhưng phải học những điều hay của người khác nữa. Cần phải tiếp thu, kế thừa những di sản văn minh của nhân loại, đó là điều mà Lênin đã nói. Tôi sẽ chuyển những đề nghị của anh cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế..."Rồi ông quay sang bắt tay một người đàn ông thấp nhỏ vừa đứng dậy ở hàng ghế dưới: "A! Chào nhà thơ Thanh Hải! Anh vẫn khoẻ, và có tác phẩm gì mới không?". Nhà thơ Thanh Hải xúc động cảm ơn Thủ tướng, báo cáo với Thủ tướng về những hoạt động của anh chị em văn nghệ sĩ Huế, mà mới nhất là cho xuất bản tập thơ Huế - từ ấy. Rồi Thanh Hải nói đến điều băn khoăn là làm sao đây để đoàn kết lực lượng làm văn nghệ kháng chiến với số anh chị em văn nghệ trong vùng địch chiếm hiện vẫn ở lại, và tâm tư của văn nghệ sĩ xứ Huế là xây dựng Huế thành một trung tâm văn hoá nhưng phải là một trung tâm văn hoá cách mạng, và phải làm sao đây để khuyến khích tài năng sáng tạo, phải có những sáng tác sao cho xứng tầm truyền thống anh hùng và vị thế đặc sắc của xứ Huế. Thủ tướng sôi nổi hẳn lên, dường như những ý kiến vừa nghe đang là một điều tâm đắc mà ông chờ đợi.
"Đúng vậy! Những điều mà Thanh Hải nói, đúng là những điều hết sức khó khăn. Nhưng, chúng tôi tin, chúng tôi rất tin là anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức Huế sẽ làm được. Tôi cũng đã tìm hiểu và viết nhiều về công việc sáng tạo của nhà văn, của những người nghệ sĩ. Tôi cho rằng muốn có gì hay, độc đáo của Huế, những người làm văn học nghệ thuật xứ Huế phải suy nghĩ, nhưng có một con đường thì không thể thiếu là những người làm văn học nghệ thuật cần đi sâu vào hiện thực. Hiểu hiện thực là vấn đề khó lắm! Huống hồ, lại phải biến hiện thực đó thành tác phẩm có dấu ấn riêng biệt, độc đáo, đặc sắc của mỗi tác giả, ghi dấu ấn riêng biệt của tác giả vào tác phẩm, lại càng khó khăn biết bao nhiêu. Công việc sáng tạo như thế, chỉ có từng nhà văn tự mình làm lấy, tự mình giải quyết con đường lao động nghệ thuật của mình." Nghe thêm ý kiến của chị Nga, Trưởng ty Lao động - thương binh - xã hội về vấn đề hoà nhập giữa những thành phần trí thức khác nhau hiện đang ở Huế, Thủ tướng nhấn mạnh: "Làm sao anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ xứ Huế tự thấy chí hướng của mình thúc dục mà trở nên những con người nhận lãnh lấy những cái mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Tôi không nghĩ đây là việc giản đơn, nhưng tôi thiết tha mong đợi, thiết tha đòi hỏi ở anh chị em. Tôi mong đợi anh chị em tự mình giải phóng khỏi những mặc cảm, vướng mắc. Xin nhắc lại rằng, đó là điều rất khó khăn. Con người là một sự tổng hoà phức tạp. Nếu chỉ đóng cửa lại mà suy nghĩ thì chỉ có bế tắc. Phải vừa hoạt động, vừa làm việc, vừa suy nghĩ thì mới có thể tìm ra con đường đúng. Những nhà lãnh đạo, những người quản lý, Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế phải bàn bạc, làm sao cho anh chị em văn nghệ sĩ đến với cách mạng một cách thoải mái, như Pi - cát - xô đã từng nói: "Tôi đến với chủ nghĩa cộng sản như người ta đến với suối nước trong lành!". Bấy giờ, hôi trường vang lên những tràng vỗ tay kéo dài.
Từ buổi gặp mặt thân tình ấy, đến ngày nhận được bức thiếp chúc Tết của Thủ tướng, đã gần ba tháng. Bức thiếp đề ngày 20/2/1976 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được kết thúc bằng những lời nặng nghĩa nặng tình: "Tôi viết mấy dòng thân tình này để thiết tha nhắc nhở các bạn hãy xứng đáng với Huế, và với Tổ quốc Việt Nam ta, hãy dũng cảm kiên trì phấn đấu vì những gì chúng ta yêu quí. Tôi nói như vậy vì hiện nay chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn để tiến về phía trước. Xin gởi đến các các bạn, những người tôi đã gặp trong buổi họp mặt lần trước những tình cảm chân tình của một người đồng nghiệp ở xa. Thân ái. Phạm Văn Đồng"
N.T.Đ (167/01-03) |