Chưa bao giờ số phận lại đùa dai cho bằng khi nó đặt lên vai một ông già gày gò, xương xẩu, và mỏng như suốt chiều dài thân thể ông một sức lao động bền bỉ; một khối lượng văn hoá, văn học nhân loại sâu sắc; một tâm hồn thơ trẻ; một nỗi buồn ẩn sâu, nghẹn ngào chứa chất nước mắt mà ít người ngoài biết được; một tiếng nói nhỏ nhẹ bên một giọng văn bay bổng, câu dài, triền miên, trẻ trung và mạnh mẽ... đến thế. Ông kinh điển mà không cũ kĩ; nhàu nát mà vẫn tươi tắn, trẻ trung; nhỏ nhẹ mà lại kiên định chẳng mấy ai bì được... Tất cả những mệnh đề cực đoan và mâu thuẫn của đời ông đều là những ngọn sóng lớn vỗ không mỏi vào một mệnh đề chính: dòng sông văn chương, cái đẹp, tình thương yêu, lòng nhân ái. Ông sẽ còn là một người Thầy lớn của nhiều thế hệ tương lai cũng như ông đã từng là người Thầy của nhiều lớp người gần nửa thế kỉ qua.
Hành trình cuộc đời văn hoá của ông như một dòng sông lớn: tạm biệt giảng đường và Hà Nội khói lửa ngút trời năm 1946, ông khoác ba lô lên vùng chiến khu Việt Bắc, theo những dòng sông Hồng, sông Lô, sông Công... mê mải. Trở về lại Hà Nội, ông đã tham gia những công tác khác nhau của Bộ giáo dục, của khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp ngày ấy... Nhưng hết thảy các công tác đó đều gắn với việc giảng dạy văn chương, dịch thuật, viết sách, viết báo, tạp chí... cặm cụi với các thế hệ học trò trẻ mà ông hằng mong chóng trưởng thành qua sự dìu dắt đào tạo của ông. Không có việc nào khác ngoài hành trình: học, tự học, giảng dạy, dịch và viết sách. Một hành trình lao động vì cái đẹp của ngôn từ. Tâm hồn trẻ trung của ông luôn khao khát cái mới: Ông là một trong rất ít người đầu tiên ở Việt Nam đã đưa vào việc nghiên cứu văn chương một hướng mới, nhiều sáng tạo, đồng thời giới thiệu những hướng tiếp cận của thế giới. Việc làm ấy, ông bắt đầu từ tổ bộ môn qua những buổi sinh hoạt khoa học vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước và lũ trẻ chúng tôi đã may mắn được soi sáng bởi ngọn lửa đó. Cảm xúc lớn và khoa học sâu sắc là hai trọng lực làm nên những công trình nghiên cứu văn chương của ông.
Với ông, nghiên cứu cũng là sáng tạo, Sáng tạo lại “mẫu gốc”. Thời gian chạm khắc vào ông, ông chạm khắc vào văn chương nghiên cứu một sáng tạo. Những không gian rộng lớn nơi xứ người Paris và Bắc Kinh, sông Seine và sông Tiền Đường, Nhà thờ Đức Bà và những mái chùa cong cổ kính... đã hun đúc thêm trong ông một tình yêu dai dẳng, bền bỉ hai nền văn hoá Đông-Tây. Gần nửa thế kỉ qua ông là người chèo đò nhẫn nại giăng mắc trên dòng sông có hai bờ văn hoá ấy. Như bao đời dòng sông và lòng người không phải bao giờ cũng hiền hoà, êm ả. Song ông được đồng nghiệp quý nể, được học trò kính trọng, được người đời tìm đến với tư cách là nhà khoa học lớn có uy tín, trách nhiệm. Hàng mấy trăm bài báo, tạp chí, hàng mấy chục đầu sách dịch và viết, đến nay hỏi, ông cũng lắc đầu không nhớ hết.
Ông là người đứng đầu chủ biên bộ Từ điển văn học hai tập đã xuất bản năm 1984, nay đang trên đường tái bản và bổ sung; là chủ biên cùng với các đồng nghiệp của 11 tập Giáo trình lịch sử văn học Pháp suốt từ thời Trung cổ đến tận ngày nay. Sẽ còn rất lâu mới có thể có một bộ sách khác thay thế được chúng. Tập Đổi mới phê bình văn học của ông tái bản mà vẫn không tìm được sách mua. Ông là người luôn mong mỏi “hiện đại hoá” chính mình. Trong lao động, ông đổi mới mình, và người khác đổi mới theo ông. Trong hai tập Từ điển văn học ông đã tham gia viết tới 67 mục từ các loại: các khuynh hướng, các trào lưu, các thuật ngữ, nhà văn, nhà triết học và tác phẩm của họ- Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa tự nhiên, Tiểu thuyết Mới, Chủ nghĩa hiện thực Mới, baroque, Descartes, Corneille, Racine, Molière, Béranger, Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Proust, Apollinaire... hầu hết các đỉnh của văn học và tư tưởng Pháp qua ba thế kỉ. Đó là chưa kể các nhà văn, các tác phẩm Bungari, Đức, Bỉ, Mỹ mà ông cũng có viết ở đây. Mỗi mục từ là một núi công sức bỏ ra: sưu tầm tài liệu, đọc tác giả, tác phẩm, thời đại, lịch sử, xã hội... Mỗi con chữ của ông viết ra đều là mỗi giọt mồ hôi cần lao, say mê và sáng tạo.
Đọc liên tục các mục từ của ông ta sẽ hình dung được khá rõ tình hình văn học, lịch sử, các nhà văn, các nhà triết học ở những thế kỉ đó. Công trình đó cần phải có một sự lao động bền bỉ, trung thực và một tình yêu lớn lao đối với văn chương, cái đẹp. Cuộc “phiêu lưu” ấy là bất tận, dòng sông văn chương vẫn mải miết trôi xuôi để chứng kiến một người chèo đò mê mải một ngày kia lại ghé sang bờ Đông với “Thế giới thơ Hồ Xuân Hương”; “Những con đường ra đi của Thuý Kiều”; rồi ông “cùng Nguyễn Nhược Pháp trảy hội Chùa Hương”; lắng nghe “Tiếng thu, thơ nhạc của Lưu Trọng Lư”; cùng những Số đỏ, Sống mòn, Phố huyện, Bi kịch Vũ Như Tô... Ông tháo gỡ tỉ mỉ, nâng niu, sắp xếp, chỉnh trang lại “mẫu gốc”, khám phá ra những ý nghĩa mới sâu xa, tiềm ẩn, khiến cổ vật vốn mang giá trị tự thân lại càng đẹp đẽ, ngời sáng. Ông đi tìm nội dung của hình thức. Nếu như trong quá trình văn bản ông thường hay sử dụng những câu dài, triền miên, thôi thúc, hối hả, nhiều chất nhạc, như muôn ngàn ánh sáng màu sắc lung linh... thì về cuối, những câu kết như nốt trầm tắt lặng, lịm đi, như ánh sáng cuối cùng của đô thị đang dần nhoà đi trước ban mai sau một đêm dài trăn trở, để lại sau nó những dư ba không dứt, nó tiếp tục một đời sống mới triền miên trong tâm trí người đọc. Văn chương nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu động đậy, âm vang về phía trăn trở, trái ngang. Ông nhìn vẻ đẹp văn chương bằng ánh sáng của tâm linh dịu dàng và đau khổ.
Về lại bờ Đông, ông đã về lại tuổi thơ cắp sách ngày xưa của chính mình với những “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi”, “Lâm Truy từ thủa uyên bay”, “Nước non nặng một lời thề”... Sau bao biến thiên của lịch sử, số phận chúng vẫn hằng văng vẳng bên tai mỗi độ thu sang. Những ấm lạnh của đời sống có lẽ chỉ khiến một hợp kim nâu, dẻo dai, bền bỉ của con người văn hoá như ông càng thêm ngân lên những âm thanh trong trẻo đã được chắt lọc qua thời gian. Hằng ngày, hằng giờ, ông vẫn lại qua mải miết trên dòng sông ấy, tránh nơi ồn ào, khái tính, không Lễ, Tết, ẩn cư, đạm bạc, ông tìm đến “nơi vắng vẻ” trong sách vở như suốt đời ông đã từng như thế để tránh “chốn lao xao” danh vị, tiền tài. Giáo sư, nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu không còn nữa.
Hà Nội, 03/2003 Đ.D.H (170/04-03) |