Đời sống văn nghệ
Những con dấu mới và “dấu ấn” tác phẩm
11:33 | 22/05/2008
Vậy là tròn 9 tháng sau Đại hội Văn nghệ toàn Tỉnh lần thứ 9, một trong những kiến nghị quan trọng của Đại hội đã được cơ quan quản lý cấp trên chính thức chấp thuận: cùng với việc đổi tên Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế thành “Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế”.

8 thành viên trước đây của Hội có danh hiệu mở đầu bằng chữ “Phân..” (ví như Phân hội Văn học...) được mang tên mới sang trọng hơn (tất nhiên là không còn chữ “Phân” nữa! Như Phân hội Văn học thành “Hội Nhà văn”, Phân hội Nhiếp ảnh thành Hội Nhiếp ảnh...) kèm theo quyền có con dấu riêng để tiện bề hoạt động. Đây cũng là mô hình tổ chức lực lượng văn nghệ sĩ của các thành phố lớn như Hà Nội, T.P.Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua. Tuy vậy, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế, sau 9 tháng nghiên cứu thận trọng, mới ra quyết định chấp thuận. Cũng có thể xem 9 tháng vừa qua - quãng thời gian đủ sinh thành một con người - là “thời kỳ thử thách”! Phải xem “các anh” hoạt động làm ăn ra sao đã chứ! Mà thận trọng là phải! Bỗng chốc, tại trụ sở 26 Lê Lợi, từ “xưa” chỉ có một con dấu, nay hóa thành 9 con! (Nghe nói sắp tới sẽ thành lập thêm Hội Điện ảnh, vì Hội Điện ảnh Việt vừa có quyết định kết nạp 4 người ở Thừa Thiên-Huế; như vậy sẽ có thêm một con dấu nữa! Chưa hết; Chi Hội Nhà văn Việt Nam ở Thừa Thiên-Huế cũng có con dấu riêng...) “Loạn” con dấu như thế (tất nhiên cũng “loạn” số người có quyền ký tên dưới các con dấu mới), lỡ các vị thích chí “ký tên đóng dấu”, cấp giấy giới thiệu liên hệ “công tác”, xin tài trợ khắp nơi thì ai biết đâu mà “quản”. Nói phòng xa thế (vì xưa nay vẫn có quan niệm dân văn nghệ tự do phóng túng mà!) nhưng thấy Chủ tịch Hội Liên hiệp Võ Quê cho đóng sổ “bàn giao” các con dấu mới cho các thành viên, rồi nghe nói còn soạn thảo quy chế sử dụng con dấu mới nữa, thì chắc là mọi chuyện sẽ đúng “quy lát” hết.
Những con dấu mới kèm các tên Hội mới đã đi vào đời sống văn nghệ có phần lặng lẽ. Đáng ra thì phải nổ sâm banh ăn mừng. Thì có khác chi người ta mừng nhà mới, mừng sinh nhật; không, sự kiện 8 con dấu mới, 8 tên Hội mới xuất hiện tại 26 Lê Lợi quan trọng hơn nhiều, đáng ăn mừng hơn nhiều. Nó đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng văn nghệ Thừa Thiên-Huế và sự trân trọng của xã hội đối với hoạt động văn học nghệ thuật. Nhưng thôi, nghe nói cả 8 Hội chỉ được cái tên mới sang trọng kèm con dấu mới chứ hầu như quỹ riêng (trích từ các khoản thu hội phí, các hoạt động nghiệp vụ, tiền giải thưởng, nhuận bút...của hội viên tự nguyện đóng góp) còn “hẻo” lắm, lấy chi mà “liên hoan”! (Kinh phí hằng năm tỉnh mới chỉ cấp cho Hội Liên hiệp mà thôi) Vả chăng, như một câu đã thành khẩu hiệu ở nhiều nơi “vinh dự to lớn, trách nhiệm nặng nề”, điều quan trọng hơn là sự đổi mới và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động văn học nghệ thuật cho xứng với các danh hiệu mới.
Đã có những dấu hiệu thể hiện tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các Hội chuyên ngành. Đó là việc Hội Nhiếp ảnh kết hợp với Vườn quốc gia Bạch Mã tổ chức sáng tác và triển lãm nhân dịp khai trương khu du lịch sinh thái đặc biệt này. Hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm 7 tác giả với thành công đáng kể là một số tranh đã được bán cho các địa chỉ ở Huế; trong đó, lần đầu tiên, UBND Thành phố Huế đã mua mỗi tác giả một bức và riêng họa sĩ Lê Quý Long bán được thêm 1 bức cho Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn Hội Nhà văn vừa nhận con dấu mới, đã thấy tên xuất hiện trên bìa sách (cùng đứng tên xuất bản) “Lễ hội ăn mày” - tập truyện ngắn của nhà văn “lão tướng” Hồng Nhu, người có “duyên” ẵm các giải thưởng giá trị trong mấy năm vừa qua. Hội Nhà văn cũng đã tổ chức các đêm thơ mừng Đại hội Đảng lần thứ 9 thành công, đêm thơ về nguồn và đã liên hệ với huyện Quảng Điền tổ chức Trại sáng tác trong tháng 6 này. Đây là Trại sáng tác đầu tiên do một Hội chuyên ngành phối hợp với một huyện tổ chức, tạo thêm điều kiện cho văn nghệ sĩ hiểu sâu thực tế địa phương. Tưởng cũng nên nhắc đến bản “Thông báo” của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế sau phiên họp Ban chấp hành giữa tháng 5 vừa qua. Bản “Thông báo” với rất nhiều quy định cụ thể, chi tiết, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng hội viên và củng cố kỷ cương tổ chức Hội; như tiêu chuẩn hội viên, trước đây chỉ yêu cầu có một số bài đăng trên báo chí, nay buộc phải có 2 đầu sách trở lên (riêng ngành Lý luận phê bình thì chỉ cần 1 đầu sách) và “phải có chất lượng và dấu ấn”. Tiêu chuẩn vậy là cao lắm, chẳng kém gì tiêu chuẩn để được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt ! Lại nữa, giữa thời kỳ sách văn học đang ế ẩm, rất khó tìm đầu ra, in được 2 đầu sách không phải là chuyện dễ; muốn tự xuất bản thì phải bỏ tiền ra (từ 5 đến 10 triệu đồng!); và để có được “dấu ấn” càng khó hơn! Thì đã mang danh là “Hội Nhà văn” mà! Tuy vậy, chỉ cần đặt câu hỏi: “Như thế nào mới được công nhận là tác phẩm có dấu ấn”? đã thấy vấn đề “tiêu chuẩn” đề ra là cần thiết, nhưng không nên cứng nhắc và cần có biệt lệ. Ví như một tác giả chỉ mới in được 1 đầu sách, nhưng đạt giải cao trong cuộc thi ở Trung ương thì hẳn là vẫn rất xứng đáng được kết nạp; thậm chí giả như có người chỉ mới hoàn thành được bản thảo, nhưng được giới chuyên môn đánh giá cao, thì tuy họ chưa có điều kiện xuất bản, vẫn xem như đủ “tiêu chuẩn” và Hội cần giúp đỡ để tác phẩm của họ sớm được công bố. Như thế, tổ chức Hội mới thật sự có ích cho hội viên. (Hiện nay, hằng năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vẫn tặng giải thưởng cho những công trình chưa xuất bản và chính nhờ được tặng giải thưởng, những công trình đó đã có thêm điều kiện sớm được xuất bản.)
 Nhằm củng cố tổ chức, thúc đẩy hội viên hoạt động, bản “Thông báo” của Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế còn có những quy định chặt chẽ trách nhiệm và nghiã vụ của hội viên: hội viên không đóng hội phí (60.000đ/năm) 12 tháng thì ngưng cung cấp thông tin và tham gia các hoạt động Hội, không đóng hội phí 18 tháng thì xóa tên; hội viên dưới 60 tuổi, nếu 3 năm không tham gia các hoạt động sáng tác văn học, không có tác phẩm công bố thì xem như tự nguyện thôi sinh hoạt Hội... Bên cạnh những quy định có vẻ nghiêm khắc “lạnh lùng” này là các điều khoản thể hiện tình cảm ấm áp của một tổ chức hội đồng nghiệp: đó là “tiêu chuẩn” thăm viếng khi hội viên có việc tang người thân hoặc ốm đau, miễn đóng hội phí đối với hội viên trên 60 tuổi đã nghỉ hưu... Tuy còn đôi điều phải bàn luận thêm, các Hội bạn rất nên tham khảo những quy chế cụ thể trong bản “Thông báo” của Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế.
Có điều, từ các quy chế chặt chẽ trong văn bản đến việc thi hành nó là một khoảng cách khá xa. Theo sổ sách của Văn phòng Hội Liên hiệp, riêng Hội Nhà văn có đến 7 hội viên không đóng hội phí trong 3 năm qua, 9 hội viên không đóng hội phí 2 năm (kể đến cuối năm 2000). Số hội viên nằm im không sáng tác cũng không ít. Một số Hội chuyên ngành khác cũng có tình trạng tương tự. Nhân đây, xin được nhắc rằng: Điều lệ Hội Liên hiệp đã quy định: Hội viên không đóng hội phí 1 năm trở lên sẽ không được hưởng các quyền lợi vật chất, tinh thần do Hội tạo ra và có thể bị xem xét tư cách hội viên...Nếu không hoạt động VHNT liên tục trong 2 năm, có thể nhận được quyết định chấm dứt tư cách hội viên. Vậy nhưng đến nay chưa thấy hội viên nào vi phạm điều lệ bị xử lý. Chính vì thế mà trong những năm qua, Hội vẫn phải “ôm” nhiều hội viên không có hoạt động gì đáng kể, không tha thiết với Hội, khiến tổ chức cồng kềnh kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều hội viên suốt 5 tháng qua, không màng đến Hội để nhận Tạp chí Sông Hương về đọc! (Tính đến cuối tháng 5/2001, Hội Âm nhạc 15 người, Hội Nhà văn 7 người, Hội Nhiếp ảnh 8 người, Hội Mỹ thuật 14 người chưa nhận Tạp chí từ số 1 đến số 5; Hội Kiến trúc 16/19 hội viên chưa đến nhận Tạp chí từ tháng 3 đến tháng5...) “Sự kiện” không vui này có thể một phần do trách nhiệm của Ban chấp hành các Hội chuyên ngành (hoặc Văn phòng Hội Liên hiệp) trong cách thức gửi ấn phẩm đến Hội viên, nhưng dù sao cũng chứng tỏ tình trạng nhiều hội viên không gắn bó với Hội.
Do đó, bên cạnh việc nâng cao tiêu chuẩn kết nạp hội viên mới, thiết nghĩ các Hội cần có kế hoạch xem xét lại một cách cẩn thận số hội viên cũ ít (hoặc không) hoạt động để có biện pháp xử lý thích hợp, củng cố Hội xứng đáng với các danh hiệu mới vừa được trịnh trọng khắc lên những con dấu mới - một mốc son đáng kể của phong trào văn nghệ ở Thừa Thiên-Huế. Đó cũng là cách nhắc nhở hội viên phấn đấu có thêm những tác phẩm có “dấu ấn” mới trong dư luận công chúng. Suy cho cùng thì chính những tác phẩm, những hoạt động có “dấu ấn” mới làm nên diện mạo, uy tín của tổ chức văn nghệ; chứ những con dấu mới chỉ là một điều kiện để làm việc và có mấy ai biết đến, vì chúng luôn được bọc kín (phải giữ cẩn thận mà!) trong túi các vị có quyền ký tên bên cạnh chúng mà thôi!
 
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)