Việt Đức - Võ Quê - Phạm Xuân Phụng - Nguyễn Thiền Nghi - Nguyễn Văn Vũ - Lê Phùng - Thùy Phương - Trần Băng Khuê
Trong niềm hứng khởi hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) và những thành tựu đạt được của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu trọng tâm phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Trại sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Bài ca thống nhất” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, diễn ra trong thời gian từ ngày 12/6 đến ngày 25/6/2024, đã được tổng kết bế mạc vào ngày 22/8/2024. Tại Trại sáng tác, các văn nghệ sỹ đã thâm nhập thực tế ở nhiều địa điểm như cảng Chân Mây, quốc tự Thánh Duyên (di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia), biển Vinh Hiền, v.v... Các tác phẩm văn, thơ, nhạc, ảnh của các văn nghệ sỹ là những góc nhìn mới về Thừa Thiên Huế, những bài nghiên cứu khái quát sinh động thành tựu của 50 năm nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế sau ngày đất nước thống nhất; đã cho thấy vẻ đẹp của miền sông Hương núi Ngự, sức cuốn hút với sáng tạo nghệ thuật từ thiên nhiên, những thành tựu về kinh tế và giá trị đặc sắc của di sản, văn hóa xứ Huế. Tạp chí Sông Hương trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm trong trại sáng tác ý nghĩa này. Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương |
VIỆT ĐỨC
Đội ngũ sáng tác, phê bình âm nhạc Thừa Thiên Huế: 50 năm nhìn lại
Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Thừa Thiên Huế cũng như toàn miền Nam bước vào giai đoạn cải tạo toàn bộ ý thức hệ của xã hội cũ và xây dựng nền tảng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều khó khăn, thách thức và những mâu thuẫn xã hội phức tạp phát sinh trong đời sống thường nhật, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vận dụng linh hoạt của chính quyền cách mạng, những khó khăn, thách thức dần được đẩy lùi, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng văn hóa, mà âm nhạc giữ vai trò xung kích, đi đầu trong việc tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; từ người Kinh đến các dân tộc thiểu số đều hiểu và nắm được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là độc lập, công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc. Trong thành tích chung đó, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của đội ngũ sáng tác và phê bình âm nhạc Thừa Thiên Huế ngay từ những ngày đầu, năm đầu giải phóng quê hương, đó là các nhạc sĩ: Trần Hoàn, Lê Anh, Trần Hữu Pháp, Hà Sâm, Hoàng Sông Hương, Minh Phương, Mai Xuân Hòa, Hoàng Nguyên, Khắc Yên; tiếp đến là Thái Quý, Nguyễn Trọng Tạo. Những tác phẩm trong giai đoạn này trực tiếp đi vào đời sống Công - Nông - Binh - Trí thức thông qua các đợt hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng hằng năm và phong trào thanh niên trong toàn tỉnh. Một số ca khúc ra đời từ những năm tháng đó đã mang đến cho nhịp sống mới đang lên của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh một hơi thở mới và vẫn còn sống động đến ngày nay, như: Nắng tháng ba, Mời anh về thăm thành Huế tôi, Mùa xuân nho nhỏ, Lời ru trên nương, Về Đồng Lê, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm… của Trần Hoàn; Tình ta biển bạc đồng xanh, Thành Huế chúng mình thương của Hoàng Sông Hương; Màu xanh yêu thương, Ánh mắt thành Huế, Thu Bồn ơi, Lặng lẽ, Khẩn cầu, Hoa hồng của tôi của Lê Anh; Dòng sông ai đã đặt tên, Tiến về thành Huế, Em bé Bảo Ninh, Ai về núi Ngự sông Hương của Trần Hữu Pháp; Chiều Trường Sơn của Minh Phương; Nhịp chèo thời gian, Tìm em trong nét Huế của Khắc Yên; Tạm biệt Huế, Bồng bềnh câu hát sáng nay của Hà Sâm; Huế mãi trong tôi của Thái Quý; Dòng sông bến đậu, Làng Quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang của Nguyễn Trọng Tạo… Những tác phẩm ấy thực sự là những viên ngọc quý của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam nói chung và đời sống âm nhạc của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, bởi vì những năm đầu sau giải phóng cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, những tác phẩm ấy là nguồn động viên tinh thần to lớn, cổ vũ sức lao động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xã hội vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, góp phần xây dựng lại quê hương như lời Bác Hồ căn dặn: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.
Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX xuất hiện một lớp nhạc sĩ sáng tác, phê bình âm nhạc trẻ, đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, chính quy, đó là các nhạc sĩ Thân Trọng Bình, Nguyễn Đình Sáng, Trần Đức, Vĩnh Phúc, Việt Đức, Lê Phùng, Nguyễn Việt, Dương Bích Hà, Đoàn Lan Hương… Lớp nhạc sĩ này không chỉ có những đóng góp trên lĩnh vực sáng tác, phê bình âm nhạc mà còn có những đóng góp quan trọng cho việc mở mang tầm hoạt động của Hội Âm nhạc và các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Những bài báo phê bình, những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị, góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho các đối tượng yêu nhạc và nhận chân giá trị đích thực các loại hình âm nhạc của các trường phái cổ điển, lãng mạn Châu Âu, các trào lưu nhạc nhẹ như: Rock, Jazz, Pop; các thể loại âm nhạc truyền thống; các thể loại ca nhạc thính phòng và dân gian đương đại… Đây là một thời khắc lịch sử đặc biệt vì từ sau ngày giải phóng đến thời điểm đó, lực lượng phê bình, nghiên cứu âm nhạc hầu như vắng bóng trên diễn đàn của Hội Âm nhạc tỉnh nhà. Một số nhạc sĩ lớp trước cũng có những đóng góp tích cực trên lĩnh vực phê bình, nghiên cứu âm nhạc lúc này như các nhạc sĩ Hà Sâm, Thái Quý, Nguyễn Trọng Tạo, tiếp đến là những bài báo, công trình nghiên cứu của các nhạc sĩ Thân Trọng Bình, Nguyễn Đình Sáng, Trần Đức, Vĩnh Phúc, Việt Đức, Dương Bích Hà, Nguyễn Việt… làm cho không khí sinh hoạt học thuật ngày một sôi động hơn trên tất cả các loại hình sinh hoạt âm nhạc lúc bấy giờ.
Một yếu tố làm cho các sân khấu ca nhạc, các loại hình liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và liên hoan nghệ thuật quần chúng bật lên sức sống mới, kích thích sự đổi mới sáng tạo và tinh thần lao động phấn khởi của nhân dân trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đó chính là các tác phẩm âm nhạc từ ca khúc, ca khúc hợp xướng, hợp xướng, âm nhạc thính phòng, giao hưởng… của một số nhạc sĩ sáng tác và tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này như: Sông Hương mùa thu, Màu xanh ngoài ô cửa, Tơ vương, Đò đêm, Giao hưởng AzaKol… của Vĩnh Phúc; Gặp Huế đêm trăng, Câu hát Lý qua đèo, Màu Huế, Huế nhịp phách tiền, Nhớ Huế… của Việt Đức; Thương mãi câu hò, Lời ru dòng sông… của Lê Phùng; Những người hát bè trầm, Đêm hoang sơ của Dương Bích Hà; Em là mùa xuân thành phố, Huế thành phố mùa xuân của Trần Đức; Huế thương quê mình, Mẹ là mùa xuân cuộc đời… của Nguyễn Việt; Giao hưởng Ba Tơ của Hà Sâm; Tổ khúc Giao hưởng người con sông Hàn của Khắc Yên; Giao hưởng sông Hương của Việt Đức. Bên cạnh đó là một số tác phẩm thơ giao hưởng, hòa tấu thính phòng, hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại, hợp xướng, của một số nhạc sĩ được đào tạo cơ bản từ các nhạc viện trong nước và nước ngoài, góp phần làm phong phú thêm màu sắc âm nhạc cho thành phố Cố đô.
Trên lĩnh vực âm nhạc cho sân khấu tuồng và ca - kịch Huế phải kể đến sự đóng góp rất quan trọng của nhạc sĩ Nguyễn Minh Tiến và nhạc sĩ Trần Đại Dũng trong hàng chục năm qua với hàng chục vở diễn đạt huy chương vàng, bạc, đồng qua các kỳ liên hoan hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khẳng định được bút pháp sáng tạo cá nhân cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống Huế. Các lĩnh vực nghệ thuật khác như: múa, thơ múa, phim truyền hình… cũng có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các nhạc sĩ Nguyễn Việt, Lê Phùng, Việt Đức, Vĩnh Phúc…
Từ sau năm 2010 đến nay, một lớp nhạc sĩ sáng tác và phê bình âm nhạc hoạt động khá sôi nổi, đó là các nhạc sĩ Quốc Anh, Lê Quang Vũ, Nguyễn Văn Đen, Phạm Phước Nghĩa, Trần Tôn, Nguyễn Đình Trung, Lê Văn Đình, Lê Hồng Lĩnh, Nguyễn Đức Thanh, Hoàng Văn Chiến, Đoàn Phương Hải… có khá nhiều tác phẩm được bạn trẻ yêu thích, trong đó có những tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các ban, bộ, ngành Trung ương. Một điều hy vọng và đáng phấn khởi là từ các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế như: Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ sau năm 2015 đến nay đã xuất hiện một số giảng viên có trình độ Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về âm nhạc như: TS. Hà Mai Hương, TS. Dương Lan Hương, TS. Nguyễn Thị Việt Hà, TS. Phan Thuận Thảo, TS. Nguyễn Thị Việt Thảo, TS. Lê Hồng Lĩnh, đây sẽ là lực lượng “máy cái” trong lĩnh vực phê bình và nghiên cứu âm nhạc, góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho dư luận và công chúng trong thời kỳ hòa nhập sâu rộng, toàn cầu hóa hiện nay.
Hàng năm, các giải thưởng dành cho âm nhạc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế đều có sự góp mặt của các nhạc sĩ sáng tác và phê bình âm nhạc. Đặc biệt là giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô được tổ chức 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 1987 cho đến nay, qua 6 lần xét giải thưởng Cố đô, nhiều nhạc sĩ sáng tác và nghiên cứu phê bình của Hội Âm nhạc đạt được giải thưởng cao quý này như các nhạc sĩ: Trần Hữu Pháp, Hà Sâm, Lê Anh, Khắc Yên, Việt Đức, Vĩnh Phúc, Lê Phùng, Nguyễn Việt, Quốc Anh, Trần Đại Dũng, Dương Bích Hà, Đoàn Lan Hương, Lê Hồng Lĩnh… có những nhạc sĩ ngoài tỉnh cũng đạt được giải thưởng uy tín này đó là: nhạc sĩ Trương Tuyết Mai với ca khúc Huế tình yêu của tôi, thơ Đỗ Thị Thanh Bình; nhạc sĩ An Thuyên với ca khúc Huế thương.
Tuy nhiên, 50 năm là một chặng đường dài nửa thế kỷ, với nhiều chuyên ngành âm nhạc như sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn, đào tạo; với khối lượng sản phẩm sáng tạo khổng lồ mà trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chưa có điều kiện đề cập đến, mà chỉ chuyển tải một vài nét tiêu biểu trên phạm vi hẹp của lĩnh vực sáng tác phê bình âm nhạc ở dạng khái quát nhất mà thôi. 50 năm nhìn lại đội ngũ sáng tác, phê bình âm nhạc với những thành quả đạt được, chúng ta thấy vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đội ngũ ngày một đông hơn, trẻ hơn, số nhạc sĩ có học hàm, học vị cao phát triển nhiều hơn, các phương tiện phục vụ cho công việc sáng tác và nghiên cứu âm nhạc ngày một hiện đại hơn, tích hợp nhiều chức năng hơn. Lo vì chất lượng tác phẩm, công trình, bài báo âm nhạc… chưa tương xứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đi lên của quê hương Thừa Thiên Huế, nhiều lĩnh vực cần đến tiếng nói của phê bình âm nhạc đang còn bỏ ngỏ hoặc ít đề cập đến như:
(1) Bài phê bình về một buổi biểu diễn đơn ca, hoặc độc tấu hay hòa tấu dàn nhạc dân tộc, hoặc thính phòng, giao hưởng.
(2) Bài phê bình tổng hợp.
(3) Chân dung nghệ sĩ biểu diễn.
(4) Chân dung các Nghệ nhân âm nhạc dân tộc cổ truyền.
(5) Chân dung các nhạc sĩ sáng tác.
(6) Phê bình tác phẩm mới và đánh giá sự thể hiện những tác phẩm ấy.
(7) Bài phê bình về những hiện tượng âm nhạc, khuynh hướng âm nhạc trong cuộc sống hiện tại.
(8) Bài phê bình về nhạc phim, sân khấu, truyền hình…
(9) Phê bình công trình lý luận.
(10) Bài phê bình, bàn về những vấn đề đặt ra trong sáng tác âm nhạc nói riêng và đời sống âm nhạc nói chung…
Mặc dù trong những năm gần đây, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Âm nhạc phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị tổ chức nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, song những tác phẩm thực sự có chất lượng còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Còn thiếu vắng những tác phẩm, công trình tương xứng với sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước. Có lẽ vốn sống, sự trải nghiệm và cách thâm nhập thực tế, cách nhận chân giá trị cuộc sống trong thời đại công nghiệp 4.0 này chưa thực sự “ngấm vào máu” của các nhạc sĩ hôm nay? Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới sẽ có nhiều cách làm hay hơn, sát thực hơn để các văn nghệ sĩ được tiếp cận “chân chất” hơn với nhịp sống lao động của nhân dân trên mọi ngành, nghề khác nhau. Nhưng điều mang tính bản lề cho sự ra đời của tác phẩm âm nhạc chính là sự chủ động của các nhạc sĩ trong cách tiếp cận đối tượng muốn phản ánh và phải có vốn sống, vốn văn học trí tuệ và tài hoa trong khoảnh khắc “vô thức” của sự sáng tạo, mới mong tác phẩm có chất lượng và mang được hơi thở cuộc sống sinh động, muôn màu sắc đang diễn ra hàng ngày trên quê hương thân yêu của chúng ta.
Với bề dày 50 năm sáng tác và phê bình âm nhạc, hy vọng các nhạc sĩ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả của các thế hệ nhạc sĩ đi trước, sẽ có nhiều phong cách sáng tác và tư duy phê bình âm nhạc mang được bản sắc nghệ thuật Huế cùng với ngôn ngữ thời đại, góp phần tìm tòi cái hay, cái đẹp và định hướng thẩm mỹ cho dư luận và công chúng yêu âm nhạc thông qua những giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân để lại, đồng thời khai thác, phát triển những âm điệu trong “khoảng trống vật chất trong veo, nặng tình người và thân phận” ấy của kho tàng âm nhạc cổ truyền Huế bằng những bút pháp sáng tạo của mỗi cá nhân nhạc sĩ, góp phần làm rạng rỡ thêm vườn hoa nghệ thuật Cố đô; động viên và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong lao động, sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn văn hóa dân tộc trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi gia đình và toàn xã hội. Để thành phố Cố đô, thành phố di sản, thành phố Festival của Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn, xanh trong hơn và luôn bình yên khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
N.V.Đ
(TCSH54SDB/09-2024)
TRẦN BĂNG KHUÊ
Mây bay ở Túy Vân sơn
Bút ký
1.
“Ba xuân sừng sững sắc xanh đông,
Ẩn náu quanh co những rắn rồng.
Rừng thẳm chuông ngân theo gió huệ,
Biển thiênghươngthoảng tự hang không.”
Ngâm ngợi thử mấy câu thơ của vua Thiệu Trị được đề trên bia đá dưới chân núi Thúy Vân (tục gọi là Túy Vân - núi mây say). Thôi cứ để là Túy Vân sơn cho có thêm chút men phiêu bồng với chốn non nước mây trời mà tao nhân mặc khách lạc đến. Thứ nữa, nhân chuyến đi trong một ngày tháng sáu, cũng mong tìm kiếm cảm quan của riêng mình về nơi này hòng nối kết những dư ảnh xưa từ quá khứ với hiện tại.
Chẳng có lý do biện giải nào hơn ngoài việc mà tôi mong muốn đong đếm chúng, những đám mây lặng lẽ trên trời, cũng lặng lẽ ẩn trong dấu vết hình hài của thực và mộng, của quá khứ và hiện tại dưới những thân cây cổ thụ bên đường lên núi. Chắc hẳn không phải bắt đầu được chủ thể - tôi quan sát, chiêm ngắm một cách có chủ ý ngay từ khoảnh khắc chạm chân xuống mặt đất khi chưa kịp định hình mọi cảm giác về chốn non non nước nước hữu tình ở đây trong lòng mình. Tôi nghĩ, tôi cần một chút thời gian lắng đọng, cần được không gian riêng với non với nước, với những biến chuyển bên trong tâm thức này. Chẳng ai có thể dễ dàng với dăm ba phút bay nhảy giữa biển trời mênh mông là có thể hiểu hết được những cao sâu của thâm sơn cùng cốc. Tôi bất giác nghĩ đến những cung đường trước đây dường như vừa quen vừa lạ, lại vừa tái hiện những chân dung xa xôi nào đó. Tôi cố gắng thử tìm kiếm trong ký ức một câu chuyện về sự gắn kết? Liệu tôi đã từng có mặt ở nơi này chưa? Liệu tôi đã từng để quên một vài dấu chân hiện diện ở chốn non nước này hay chưa? Nhưng, những đám mây lại tiếp tục quẩn quanh trong trí não tôi. Có thể không phải là những đám mây trên đỉnh đèo Hải Vân, tôi vẫn ôm mang cả một quãng đường tính bằng bước đệm của thời gian mỗi lần dời chân nhấc gót đi về phía phương Nam. Ít ra, tôi nhận thấy một sự kết nối không thể nào chối bỏ của đoạn đường quen thuộc hay cả những đám mây ở đây khá có ý nghĩa với riêng mình vì những dư ảnh còn sót lại đâu đó trong mắt tôi. Và ít ra, tôi còn nhớ, cũng đôi ba lần tính bằng dăm năm tuổi trẻ tôi tự mình đếm từng khung cảnh lướt qua của núi, của cây cối, của sóng gió biển trời, của những địa danh quen mắt không thể nào khác được để trở về với Huế chẳng hạn.
2.
Cửa Tư Hiền, nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang, Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vừa mang lại phần hương sắc về thắng cảnh thiên nhiên luôn được khách thập phương nhắc nhớ đến, vừa là một điểm kết nối Phú Lộc và Huế về mọi mặt trong bức tranh toàn cảnh kinh tế nuôi trồng thủy hải sản và du lịch. Nhắc tới hệ đầm phá Tam Giang, hẳn phải có cả một chuyên đề riêng mới khai thác hết được những tiềm năng của khu vực này.
Lần đầu tiên, tôi đến Vinh Hiền, đi qua những thôn xóm, làng xã, thật còn quá nhiều bỡ ngỡ. Từ Quốc lộ 1A xuôi về phía cửa biển Tư Hiền, bức tranh toàn cảnh cũng bắt đầu hiển thị đủ đầy một hình dung vừa núi vừa biển. Một chân bước ra là núi rừng cỏ cây yên vị dưới chân núi Thúy Vân (Túy Vân), với nhiều lý giải khác nhau về cách gọi từ thời vua Thiệu Trị, ông vừa là một vị vua cũng vừa là một thi nhân đã từng viết những câu thơ về chốn non nước hữu tình tĩnh tại như ở nơi này: “Mây lành cây quyện lưng trời biếc/ Guốc sãi đường qua giữa bụi hồng/ Duyên thánh dắt người về nẻo thiện/ Chứng nhân, dấu Phật rõ ràng trông.” (Vân sơn thắng tích). Ngôi cổ tự ở núi Thúy Vân, trước còn có tên nguyên thủy là Mỹ Am sơn tự. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1644) cho đặt nền móng xây dựng điện Đại Hùng và đặt tên chùa là Thánh Duyên.
Tôi chầm chậm quan sát mỗi bước chân của mình khi bắt đầu chạm đến từng mảng rêu xanh vẫn chỉ một màu cổ kính quen thuộc dễ dàng nhìn thấy ở những nơi, những địa danh lịch sử như Túy Vân sơn, nằm về phía Đông Nam cách thành phố Huế khoảng chừng 30km. Hẳn chẳng phải chỉ mỗi tôi mới có cái cảm giác thong thả, thư thái này khi được hòa mình vào những câu chuyện của đất trời, thiên nhiên hoang sơ. Phía trướcmặt tôi là một điểm sáng bình lặng, không xô bồ, ồn ào, nhộn nhịp như ở bên dưới chân núi. Ngước mắt nhìn lên, cố hình dung ra phía sau cánh cổng màu vàng nhạt đã phủ màu rêu kia sẽ có những gì khác biệt đủ để khiến tôi phải hồ tưởng, chiêm bao về một thế giới hân hoan hệt giấc mơ từ cõi lạ nào đó xa xăm không thể định hình nhưng thanh thoát như mây bay ở Túy Vân sơn vậy. Tôi háo hức, thử đếm thầm từng bậc tam cấp bằng đá, đếm mỗi nhịp thở trong lồng ngực như trước đây tôi từng leo lên đỉnh núi ở một nơi nào khác bên kia đại dương. Trước mắt tôi lúc này, ngôi chùa cổ ấy tưởng chừng là ảo ảnh lúc gần, lúc xa.
Không hẳn tôi cố tình lựa chọn ngôi cổ tự ấy để làm điểm nhìn bao quát, cũng chỉ là một chữ duyên như tên gọi của chùa. Tôi tự lý giải những cảm giác riêng quen thuộc rằng: dường như mình đã bắt gặp khung cảnh này ở đâu đó, những cây cối to cao có niên đại cả trăm năm trước mặt đang ôm ấp, che chắn bao bọc ngôi cổ tự này chẳng hạn. Chắc chắn tôi không phải bắt gặp cảm giác ấy trong giấc mơ, mà là những chuyến đi sâu vào những khu rừng xanh mướt từ trong ký ức xa hơn ở xứ sở Tây Nguyên từ thời bé đã hình thành một sự giao cảm rất lạ cho riêng tôi với thiên nhiên cây cỏ, với đất trời ở mọi cung đường tôi đến. Khi cùng đoàn người bước chân vào tham quan trải nghiệm, Thánh Duyên cổ tự nằm trên Túy Vân sơn, may mắn thay lại vừa đủ để tôi có thể bao quát hết tất thảy, thu nhận tất thảy những sơn thủy hữu tình của Phú Lộc vào trong tầm mắt mình.
Theo dòng lịch sử, trở về với những tư liệu xưa, tìm hiểu một chút về ngôi cổ tự tôi được biết, núi Túy Vân, hay còn gọi là Thúy Vân từng được vua Thiệu Trị đưa vào hàng thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh” trong số 20 cảnh đẹp nổi tiếng của Kinh đô Huế. Ngọn núi nằm bên bờ phá Tam Giang. Leo lên núi Túy Vân nhìn sang là bãi đá dưới chân núi Rùa, một nơi tiềm ẩn nhiều giá trị và dấu tích của nền văn hóa Chăm. Thiên nhiên kỳ thú, địa thế nơi này may mắn thay lại được ưu đãi bao bọc bởi một chỉnh thể toàn vẹn là núi và biển, vô tình khiến mảnh đất Phú Lộc nằm trong địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế thành một hệ sinh thái phong phú, nhiều tiềm năng về kinh tế và du lịch.
Nói, liệu hữu duyên hay không với vùng đất Phú Lộc, thật khó lòng diễn tả được, vì những cảm giác riêng thường khá dàn trải, chúng vừa mênh mang theo một kiểu dường như mơ mà cũng dường như rất thực, huyền huyền ảo ảo. Lần này trở lại với Phú Lộc, tôi chẳng thể định hình được rõ ràng khi lần đầu tiên bước từng bước điềm nhiên trong thinh lặng của núi, của cây cao tán rộng, và theo những bậc đá rêu phủ lên Thánh Duyên cổ tự mà mộng một chút trong cơn chếnh choáng ở núi mây say. Tôi chỉ muốn mượn điểm dừng chân này vừa để ngắm nghía đất trời nước non bao quát ở phía dưới vừa để nhìn nhận cả một không gian mang hồn phách, dấu vết của ngôi chùa đầy dấu ấn lịch sử cổ xưa với quy mô gồm một tòa điện chính 3 gian và 2 chái tọa lạc đã rất lâu đời. Tôi không định mô tả lại chi tiết về kiến trúc của Thánh Duyên cổ tự, tôi nghĩ dù là ngôi chùa cổ này hay một ngôi chùa cổ khác, chúng có thể không có cùng một câu chuyện, một lịch sử hình thành, nhưng chắc chắn chúng có chung một bầu trời cao xanh vời vợi tha thiết của mẹ thiên nhiên, của vũ trụ kỳ bí.
Tôi lý giải, biện minh cho việc mình đã đến đây, một nơi từng có chút duyên kỳ ngộ, thời điểm vẫn còn ham hố lang thang cầm hồ, tìm về biển Cảnh Dương như kiểu một kẻ trẻ tuổi si tình với đất trời nước non. Rồi sau đó, là gắn bó khoảng chừng hơn hai tháng được phân công về thực tập tại Phú Lộc, và ở trọ ngay gần chân núi Bạch Mã. Chỉ với chừng ấy thời gian, cũng tạo nên một câu chuyện đủ để tôi lăn tăn, nghĩ ngợi khi nhìn thấy, nhận diện với những đếm đong trắc ẩn, thương cảm cho những phận người lao động nghèo khốn khó long đong, những em bé đen nhẻm vất vả kiếm từng miếng cơm bằng gánh củi mỗi ngày mặt trời lên để phụ cha mẹ. Tôi còn ám ảnh với những bản Bolero buồn não ruột lặp đi lặp lại mỗi đêm của một người đàn ông trong cơn say cuối ngày và cảnh sáng - tối của những ánh đèn leo lét dưới những mái nhà xung quanh nơi bọn tôi về ở trọ. Tôi từng viết về nơi đó với câu chuyện Đồng Đưng ngày ấy, rồi thất lạc đâu không rõ theo thời gian. Đến tận bây giờ, ở phút giây của hiện tại, có dịp quay trở lại, dừng chân lâu hơn một chút để tự hoài niệm, chiêm quan chính ký ức cách đây cũng gần hai mươi năm của mình.
Rồi thời gian như một bóng câu trôi qua cửa sổ, không thể đếm được bao nhiêu khoảnh khắc và ký ức. Phú Lộc dĩ nhiên cũng thành một địa danh mà tôi mỗi bận trong chuyến phiêu bạt Bắc - Nam, hoặc trở về với Huế, chỉ lặng lẽ ngoái lại nhìn những thực, ảo quẩn quanh trong ánh đèn đường của cả nhà cửa và xe cộ trong buổi ban tối, hoặc tờ mờ rạng sáng giữa bình minh. Nhưng, cách tôi gìn giữ mọi thứ với kho ký ức rất khác biệt, khi đầy quá, tôi không thể nhớ, nó biến mất, giống như chưa từng chạm vào và khi bất ngờ chạm vào nó hiện ra rõ mồn một. Chẳng hạn, lần này về với Phú Lộc, ký ức tôi dần dần tái hiện lại được hết dăm ba lần trải nghiệm với các điểm đến trong một vài thời điểm như Suối Voi (một con suối nổi tiếng nằm dưới chân đỉnh núi Bạch Mã). Ấn tượng khi ấy với tôi về Suối Voi là cánh rừng nguyên sinh cây cối rậm rạp, những thác nước hùng vĩ hoang sơ còn lưu lại ít dấu vết thời gian trong ký ức. Hay nhắc đến Thiền viện Trúc Lâm, tọa lạc tại núi Bạch Mã, nằm giữa lòng hồ Truồi, cũng là một nơi chốn với cảnh sắc thiên nhiên gây thương nhớ, một không gian huyền ảo đầy những trầm tư mặc tưởng, bình lặng và cách biệt hẳn với thế giới xôn xao bên ngoài kẻ chợ, hệt như khi tôi ngước mắt lên nhìn, rồi tiếp tục chạm chân đến cổng Tam Quan của ngôi cổ tự Thánh Duyên mới đây vậy.
Mượn Túy Vân sơn (núi mây say) và ngôi chùa cổ này, để từ trên cao nhìn xuống, từ trong tâm thế riêng mà tái hiện lại toàn cảnh những không gian hữu hình tôi từng được trải nghiệm đủ đầy mọi cảm giác, hít thở bầu không khí trong lành của nước non và mây ngàn, núi thẳm ở mảnh đất trù phú, một phần của xứ Huế này. Chọn cách tiệm cận thêm vài địa điểm cũng đang khiến nhiều tao nhân mặc khách gần xa đã đến là khó lòng nguôi nhớ. Chẳng hạn, chỉ mới năm ngoái đây thôi, biển trời Lăng Cô là một cõi mênh mang khá lạ kỳ, chúng thu vào trong tầm mắt tôi mọi hình dung, gom nhặt hết thảy mọi ký ức xa gần khi tôi trở về với Huế. Thế giới bên trong tôi thỉnh thoảng lại ồn ào hát ca cùng sóng gió mà cách đây dăm năm trong hành trình lang thang phiêu bạt xứ người tôi đã từng hạnh phúc thế nào khi hòa mình vào cây cỏ xanh tươi mát lành ở bên kia bờ đại dương. Rời khỏi Lăng Cô, trên cung đường đẹp như một giấc mơ, đoàn người đi cùng tôi, ai cũng không quên dừng lại hòng mong được thử chơi ngông một lần kiểu “giơ tay với thử trời cao thấp” giữa mênh mông biển nước của đầm Lập An, để thỏa mãn cái cảm giác tiêu dao của con người bé nhỏ trước mẹ thiên nhiên hùng vĩ. Mượn góc nhìn của những khách phương xa đến Huế mê đắm cảnh sắc kỳ thú nơi này đã ví von đầm Lập An hệt như một “Tuyệt tình cốc” nổi tiếng của Kim Dung.
3.
Tôi còn nhiều giấc mộng đi hoang của kẻ ưng chủ nghĩa xê dịch. Rời đi, và chạm chân đến mọi nơi trên thế giới, dù trong bất cứ phạm vi rộng - hẹp nào của đất trời, sông núi, miễn là mắt phải được chiêm ngắm, tai phải được lắng nghe hết thảy những thanh âm của đời sống rộn ràng hay tĩnh tại như tiếng chuông chùa, tiếng kinh kệ vang lên trong ngôi cổ tự ở Túy Vân sơn.
Nhìn lại một chút bức tranh toàn cảnh Phú Lộc trong chuyến đi tháng sáu, cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn giáp mặt thương cảng Chân Mây lâu nay chỉ ngó nghiêng từ xa qua màn ảnh. Ít ra phải khẳng định thêm lần nữa, những điều kiện ưu đãi với vị trí địa lý đặc biệt đã phần nào khiến Phú Lộc trở thành một vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, văn hóa và du lịch. Thật thú vị, sau gần hai mươi năm từ đoạn hữu duyên thời tuổi trẻ, giờ trở lại, theo kiểu bước chậm, bước lâu và sâu hơn một chút với vị thế của một vị khách thì Phú Lộc trong mắt tôi cũng đã khác đi rất nhiều. Sự phát triển của các ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản, cùng với việc triển khai các mô hình dự án kinh tế dịch vụ công nghiệp, cộng thêm du lịch cũng là một thế mạnh phần nào đã thay đổi diện mạo đời sống của vùng đất như tên gọi này.
Phú Lộc không chỉ được phác họa đủ đầy trong tư liệu lịch sử, trong văn chương thơ phú từ cổ chí kim về những danh lam thắng tích. Vô tình hay hữu ý, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, trong chuỗi hoạt động Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 cũng đã diễn ra buổi triển lãm có chủ đề: “Nét đẹp Phú Lộc qua nghệ thuật ký họa”. Với góc nhìn của sắc màu hội họa, tôi được chiêu cảm mọi góc độ của biển trời, mây núi, được thưởng thức lần lượt vẻ đẹp của Túy Vân sơn trong tác phẩm Đường lên chùa Túy Vân vẽ bằng chất liệu màu nước kết hợp bút sắt của họa sĩ Lương Vũ Lan Anh; hay tác phẩm Chùa Túy Vân tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Anh Tú.
Đẹp lòng làm sao, sau khi tôi chọn điểm nhìn từ Túy Vân sơn để vẽ lại những kết nối đã qua của tuổi trẻ, từ trong ký ức đến hiện tại bằng ngôn từ thì mọi bức tranh về các địa danh tôi nhắc đến đều hiển thị rất rõ trong cuộc triển lãm hội họa vào tháng sáu vừa rồi. Chẳng hạn, Thiền viện Trúc Lâm, có tác phẩm màu nước của họa sĩ Nguyễn Thu Hằng, hay hoa đỗ quyên trên núi Bạch Mã có tác phẩm màu nước của họa sĩ Đặng Thị Thu An. Vịnh Lăng Cô với chất liệu bút sáp - màu nước của họa sĩ Đặng Mậu Triết. Hệ thống đầm phá, như Tam Giang có tác phẩm màu nước của họa sĩ Phan Thị Kim Chi; tác phẩm Phú Lộc - Tam Giang của họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm. Tiếp đó là Đầm Lập An, ký họa bút sắt của họa sĩ Tô Trần Bích Thúy, tranh màu nước của Nguyễn Thị Hồng Ly, và chất liệu Acrylic của họa sĩ Nguyễn Đình Hanh.
Chỉ thêm một chút kết nối với văn chương, nghệ thuật Phú Lộc dường như đã sẵn vẻ sáng tươi lại càng rạng ngời hơn khi thiên nhiên và những câu chuyện gần xa trong lịch sử được phác thảo một cách đặc biệt bằng sắc màu của hội họa. Tôi nhớ đã đọc đâu đó tư liệu lịch sử về việc bảo vệ giữ gìn những danh lam thắng cảnh, và chiếu dụ của Hoàng đế Minh Mạng khi trùng kiến chùa Thánh Duyên: “Những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng lụi tàn, mất hết dấu tích, không lưu lại cho thế hệ mai sau. Huống gì quang cảnh nơi đây đều do Hoàng tổ của ta (Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) vì triều đình, vì thần dân mà tạo dựng, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tu tâm, tích thiện, tạo phước điền”. Tôi nghĩ, có thể xem như đây là một nỗi niềm của cha ông để lại nhắc nhở con cháu nhiều thế hệ về việc bảo dưỡng, trùng tu và giữ gìn những gì thiên nhiên, lịch sử đã ưu đãi không chỉ riêng vùng đất Phú Lộc mà cả của xứ Huế - Kinh kỳ.
Nay ở Túy Vân sơn, tôi tự hồ tưởng rằng, núi mây say hay lòng người đang say? Muốn thay một lời kết từ để lưu lại chút dấu vết ở đó, nhưng bất chợt nhớ ra trong vị giác của mình hình như vẫn còn đượm nồng ly nước chè truồi mát lạnh, thơm phức giữa buổi trưa hè tháng sáu.
T.B.K
(TCSH54SDB/09-2024)
VÕ QUÊ
Xuân tươi
khi cây lá rì rào hương thảo dã
những tên làng nuôi kỷ niệm đời ta
gió phóng khoáng sắc trời yên ả
ngọn Nồm dâng sóng nước hiền hòa
quê hương mình giàu chiều sâu quá khứ
lửa hồng lên từ thuở hoang sơ
nét hoa văn hiện thân vào dáng lúa
và hồn thiêng sông núi kết thành thơ
rất từ ái tấm lòng của mẹ
từng địa danh thơm theo tiếng ru hời
điều nhân nghĩa cha gieo thành ruộng lớn
khí chất anh hùng mẹ đã hoài thai…
phá Tam Giang nối đôi bờ đất,
cát đất thắm lúa vàng, cát tấm biển xanh
vào lộng ra khơi thuyền đầy cá bạc
diều em thơ no gió gọi vầng trăng
mầm hạnh phúc đang ươm xanh ngày mới
gửi nguồn vui xứ sở tới tương lai
đường đã mở ta mời nhau vào hội
nước non mình dào dạt xuân tươi.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Lòng mẹ
Từ cha tập kết miền ngoài
Quê nhà mẹ vẫn trông hoài bóng cha
Đêm thương ngày nhớ những là
Nỗi thương gần, nỗi nhớ xa bời bời
Con đành chịu tiếng mồ côi
Có cha mà khác chi người không cha!
Đường con đi học càng xa
Oằn lưng gánh chuối… mẹ già nuôi con
Gánh đời dù nặng tày non
Cũng không làm gãy nét thon mẹ hiền
Áo thâm càng đậm màu duyên
Cuộc đời cô phụ truân chuyên càng nhiều
Bền lòng giữ lửa tình yêu
Nồi cơm độn, bát canh riêu ngọt lành
Ngày đêm lũ quỷ rập rình
Thủy chung mẹ vẫn kiên trinh chờ chồng
Mong ngày thống nhất non sông
Cha con sum họp, vợ chồng hoan ca
Cha giờ ở tận phương xa
Có hay mẹ vẫn hiên nhà ngóng trông…
NGUYỄN THIỀN NGHI
Chiều trên cảng Chân Mây
Những công nhân cõng ước mơ
Gắn niềm vui lên bến cảng
Con mắt ngước xanh in hình Bạch Mã
Tai ngóng về ấm hơi thở Lăng Cô
Chiều tôi đến nắng chừng như dịu lại
Bến cảng gió tràn kéo giãn ngày ra
Tiếng hai máy chuyền gỗ dăm lên tàu lớn
Rào rào như mưa đổ đồi cao
Em trong tôi cũng bến cảng tình
Môi vẫn môi cười ngày bớt cô đơn
Lời hẹn ngọt ngào như đê chắn sóng
Tôi con tàu về không rời cảng tình em
Nắm chặt tay em khi còi tàu hú vọng
Sợ em bay theo ngõ khơi xa
Làm răng chịu được lẻ loi trên bến cảng
Giữa những con tàu nối tiếp đến và đi.
NGUYỄN VĂN VŨ
Đêm trên sông nghe ca Huế
em hát mừng non sông thống nhất
bằng một bài ca Huế
trên dòng sông Hương lặng lẽ
đang trôi hoa đăng bồng bềnh
Nam Bình thương nhớ
thả nguyệt cầm vào những giấc mơ
khúc Hành vân cất lên theo chiều gió
mong manh như một thuở xuân thì
phập phồng làn hơi sau tà áo mỏng
đêm dịu dàng thoang thoảng mùi trăng non
mái tóc chảy dài dạt dào sóng nước
mà tưởng như dáng cũ ai về
phím đàn búp sen tay ngà khẽ chạm
sông ngân vang khúc tình ca xôn xao
giọng mái nhì thả hồn em hát
ngợi ca tình người xanh mãi thiên thu
có khi tự nhủ lòng rất khẽ
đèn khuya ơi đừng lạc cánh phù du
ước chi chiều nay thuyền không ghé bến
cứ bềnh bồng chở mãi hư không
để trong mơ em làm cơn gió nhẹ
hát cho thỏa lòng bài ca thống nhất non sông.
(TCSH54SDB/09-2024)
(TCSH54SDB/09-2024)