Đời sống văn nghệ
Bên dòng Hương, những câu thơ ngày cũ
15:17 | 10/02/2025

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Vậy mà, đã hơn 50 năm, từ những năm tháng trẻ tuổi…
Huế, ngày ấy đã xa. Đã là kỷ niệm. Đã mất đi nhưng vẫn không ngừng sinh nở. Như những câu thơ, một thời…

Bên dòng Hương, những câu thơ ngày cũ
Ảnh: tư liệu

Hồi ức

Ở Vỹ Dạ. Vườn nhà tàn tạ, xơ xác lá xao xác gió. Bạn vẽ Bồ-đề Đạt-ma/ với nụ cười Di-lặc (Thanh Thảo). Không dưng hiện ra câu hỏi bình thường nhất. Mà có ý nghĩa, đối với mỗi đời người và người đời: câu hỏi về tình yêu? Tình yêu, thời ấy, giữa hoàn cảnh ấy, đầu tiên, là sự gắn kết với tình yêu quê hương. Tình yêu nước không là những rao giảng nhàm chán ống bơ rè, mà bắt đầu như thế, từ nét tàn phai nơi ngôi nhà ấy:

Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
           
(Trần Vàng Sao - Bài thơ của một người yêu nước mình)

Đất nước, ấy là quê hương nơi hằng ngày phải chứng kiến cảnh tượng:

… đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ lên quê hương tôi
đã đặt trước mặt tôi những trại giam

Đó là một quê hương nơi trái tim người luôn biết “rung động dưới bầu trời sao”. Quê hương ấy đã thấm vào bên trong trái tim người bằng những gì máu thịt nhất chứ không phải những khái niệm mơ hồ, bởi vì, quê hương chẳng phải là điều trừu tượng. Cho nên:

khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đấy là điều tôi dứt khoát.
                       
(Lê Văn Ngăn - Sóng vẫn đập vào eo biển)

Dường như lại thấy cái bóng khắc khổ của tác giả “Đất của những người bất phục”, “Bên hồ thủy ngữ”… đang trở về, bước chậm dọc theo con đường xanh lá, phía hữu ngạn Hương giang…

Và, Thái Ngọc San, buổi sáng tháng 4/1972. Chiếc xe đạp cũ và mười ngàn đồng chia sẻ dúi vội vào tay anh, trước khi cùng Trần Phá Nhạc nhảy lên chiếc xe tải “di tản” khỏi cư xá Nam Giao. Quê hương, khi tìm ra được con đường phải đi, với anh, trong những tháng ngày khắc khoải ấy là những bước chân đi qua phố chết:

Tôi vẫn đi qua những con đường
khô dấu cây in hằn dấu đạn

Tôi nhìn tôi thật đau thương
cẳng chân dài đi qua phố chết
những chữ viết ai còn sót lại trên tường vôi kia
một thời quá khứ
                       
(Thái Ngọc San - Về những con đường khô cây)

Và quê-hương-tìm-thấy đã hiện ra:

Đôi mắt trong hơn biển xanh nước đầy
Em đã lớn lên cùng với núi sông này
Thân em nhỏ nhưng lòng em bền vững
Tôi đã thấy em bay trong trời rộng
Đôi cánh trắng như cánh cò bay
Có bao nhiêu đau thương, bao nhiêu nguy biến
Cúi xuống lòng quê hương tìm hương trìu mến

                              (Thái Ngọc San - Quê em)

Trước trang sách cũ

Giờ đây nhìn lại, nhiều nghiên cứu - nhận định về thơ của lớp người trẻ tuổi yêu nước thời ấy đều có chung nhận xét - gọi tên, rằng, đó là “những vần thơ lửa”.

Giữa thời đạn bom chiến tranh khốc liệt như muốn dìm sâu cả dân tộc, nhiều tiếng nói đã cất lên. Trong bối cảnh ấy, hẳn nhiên có nhiều khuynh hướng văn học: thể hiện tinh thần phản kháng, tôn vinh truyền thống dân tộc, tái hiện thân phận con người… và cả khuynh hướng thương mại hóa… Thử nhớ (không đầy đủ) tên vài bài viết, đó là: Những ngày Đối Diện (Trần Hữu Lục), Những chặng đường của nhóm Việt (Trần Thức & Hoàng Dũng)..., vài tác phẩm biên khảo, như: Nhìn lại một chặng đường văn học (Trần Hữu Tá - 2000), Một thế kỷ văn học yêu nước - cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh 1900 - 2000 (2016)… Nhưng riêng về thơ yêu nước ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, thì dường như chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu, có “kích cỡ” tương xứng?

Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy của đất nước, đã hình thành cả “một loạt các cây bút trẻ, có văn hóa cao”, dấn thân vào con đường tranh đấu và dùng thơ ca như một thứ vũ khí để chống kẻ thù xâm lược và đòi hòa bình - thống nhất Tổ quốc. Nhiều nhà nghiên cứu - phê bình văn học đã “điểm danh” (chưa đầy đủ): Trần Quang Long, Ngô Kha, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Quốc Thái, Đỗ Nghê, Lê Ký Thương, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê, Cao Quảng Văn, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Nguyễn Như Mây, Hữu Đạo, Nguyễn Kim Ngân, Phan Trước Viên, Hoàng Thoại Châu, Trần Vạn Giã, Huy Giang, Phan Viên Hoài, Hoài Hương, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Văn Phụng, Đam San, Lê Nhược Thủy, Chinh Văn, Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Hoàng Thọ, Đôi Nạng Xứ Dừa, Nguyễn Đông Nhật, Thiên Lý, Huy Giang... tập hợp quanh các tạp chí Việt, Ý thức, Văn mới và nhiều tờ báo khác…

Trong các bài viết và các công trình ấy, dễ dàng tìm thấy nhận định chung nhất: Thơ yêu nước tại các đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, là một mắt xích trong tổng thể nền văn nghệ dân tộc, là tiếng nói trung thực của những người trẻ tuổi. Trong danh sách vừa tạm điểm qua, có thể thấy số lượng những người viết lớn lên hoặc hoạt động tại Huế là khá nhiều.

*

Những năm tháng ấy, khi chiến tranh leo thang rồi quân đội Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, tinh thần yêu nước đã được khơi dậy, bùng cháy trong tầng lớp trí thức - văn nghệ sĩ. Hàng loạt tổ chức yêu nước - tiến bộ hình thành tại các đô thị miền Nam. Nhớ lại, thì không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh của Phật giáo và việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào tháng 6/1963 tại Sài Gòn và tiếp theo là nhiều cuộc tự thiêu khác tại Huế, tại Đà Lạt, tại Nha Trang… Gây tiếng vang lớn là cuộc tự thiêu của Nhất Chi Mai (tại Sài Gòn, tháng 1/1968), với tiếng kêu thống thiết “chết mới được ra lời”. Nhớ không đầy đủ, thì đó là sự xuất hiện của Lực lượng giáo chức tranh đấu, Hội đồng Nhân dân Cứu quốc (ở Huế); Lực lượng nhân dân tranh thủ hòa bình (ở Đà Nẵng); Lực lượng nhân dân - sinh viên tranh thủ dân chủ (ở Đà Lạt); Hội bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, Hội bảo vệ thanh thiếu nhi, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc (ở Sài Gòn) và nhiều tổ chức quần chúng khác...

Trong bối cảnh ấy, những người viết trẻ ý thức rõ công việc của họ. Nói gọn, thì cảm hứng chủ đạo của dòng thơ yêu nước trong các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là khuynh hướng bày tỏ ý thức công dân và khuynh hướng đấu tranh cho hòa bình - độc lập dân tộc; thể hiện ngày càng rõ, nhất là ở những người làm thơ trẻ từ thập niên 1960 về sau. Họ đã cầm bút giữa hoàn cảnh đục - trong, sáng - tối lẫn lộn. Đó là sự phức tạp trong tình hình lũng đoạn của chủ trương văn nghệ thực dân mới, bên cạnh sức ảnh hưởng của văn học dân tộc và tính chất dân chủ trong văn học thế giới (thông qua khá nhiều ấn phẩm dịch). Đó là, một miền Nam chứa đựng trong lòng nó một đời sống văn hóa đặc biệt và nhiều mâu thuẫn, diễn ra giữa một xứ sở chiến tranh kéo dài…

Những câu thơ bên dưới, in ở tuần báo Sinh viên Huế năm 1964 có thể xem là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ đô thị miền Nam, như một tuyên ngôn, cất lên tiếng nói trung thực giữa một xã hội băng hoại:

Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ
Trong mắt anh, trong tiếng chị kêu gào
Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau
Ta bừng giận sóng xô trời biển dậy
Ta đã khát trăm năm rồi cổ cháy
Vì kêu la trên nỗi chết không rời...
                       
(Phan Duy Nhân - Thư gửi các bạn sinh viên)

Gần mười năm trước (2015), nghĩ đến anh và những người đi trước, đã “liều lĩnh” thực hiện và may thay, nhờ sự góp sức của nhiều bằng hữu, ấn phẩm “Phan Duy Nhân - Thơ và đời” được ấn hành. Tập sách, như lời tiễn đưa sớm cho chuyến đi dài của anh, hai năm sau đó.

Người đi trước, là những ai? Làm sao quên dáng người với cặp kính cận và chiếc mũ bê-rê, một trí thức trẻ tiêu biểu của đất Cố đô, luôn lôi cuốn - thuyết phục người khác bằng chính nhiệt tình của bản thân.

Ta lên tiếng đòi đêm thâu từ giã
để ngày mai giông tố ngủ bên đường
                       
(Ngô Kha - Trường ca Hòa bình)

Anh đã bị bắt - thủ tiêu nhưng những “bước đi/ từ giấc mơ hiện thực/ từ trái tim hợp xướng Hòa bình” của anh vẫn sống mãi trong mơ ước vĩnh cửu về tự do - hạnh phúc của loài người. Như chính tiên cảm của anh về cái chết của mình:

đêm sửa soạn bài ngụ ngôn của người đãng trí
lá từ giã cành cây làm lễ đọc kinh
người con gái lặng yên xem chúc thư
bó hoa tôi mang đến dòng sông bây giờ đã héo.
                       
(Ngô Kha - Ngụ ngôn của người đãng trí)

Nhưng trước khi đến được sự chọn lựa cho mình một hướng đi, những người cầm bút trẻ tuổi thời ấy đã phải trải qua rất nhiều những dằn vặt, những câu hỏi khó tìm ngay được lời đáp, với những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ/ Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về/ Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ/ Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe (Phan Duy Nhân - Thư cho mẹ và chị). Nhưng cuối cùng, cuộc chiến tranh xâm lược với sự có mặt của lính viễn chinh Mỹ và chư hầu, đã bày ra trước mắt những sự thật không thể lảng tránh:

Những ngày trở về tôi sống bơ vơ
Đi mãi về lòng mình lá chết
Thèm một người quen mừng rỡ hàn huyên
Chỉ thấy những người lính viễn chinh nói cười la hét
Những đêm khuya gác tối không đèn
Un buồng phổi khói tàn nhựa thuốc
Muốn viết những bài thơ tố cáo bạo quyền
Muốn viết những trang thư tình dù em không đọc
                       
(Tần Hoài Dạ Vũ - Gửi tới một tương lai)

Sự thật, ấy là sự kiện gây chấn động trên toàn thế giới vào năm 1968 tại Quảng Ngãi:

... Những lính Mỹ
Đội nón sắt
... Chúng bắn xối xả vào Mỹ Lai
Bắn xối xả vào trẻ thơ đang ngậm vú mẹ
Bắn xối xả vào người già đi tản cư
Chúng bắn xối xả vào lịch sử.
                       
(Nguyễn Văn Phụng - Mỹ Lai, máu, nước mắt và niềm uất hận)

Sự thật ấy đòi hỏi phải gọi thẳng tên - chỉ thẳng mặt kẻ xâm lăng… Và, vũ khí của họ chính là những dòng thơ được viết từ máu của trái tim mình:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
xuyên vào gan lũ giặc
con sẽ mài thơ như kiếm sắc
chặt đầu văn nghệ tay sai

Nếu thơ con bất lực
con xin nguyện trọn đời
dùng chính quả tim mình làm trái phá
sống chết một lần thôi

Trái tim là của con người
viết lịch sử mình trên mặt đất
bằng từng nét máu thắm tươi.
                       
(Trần Quang Long - Thưa mẹ, trái tim).

Chưa được gặp anh, người phát ngôn của cả một thế hệ thanh niên yêu nước, vì anh ra đi sớm quá. Nhớ lời kể của anh Lê Hiếu Đằng, một ngày tháng 11/1972, dưới tán rừng tại Svay Rieng (Campuchia): “Hồi ấy là năm 1968. Dứt đợt bom, mình chui ra khỏi đống đất bụi, gọi: “Long ơi, Luật ơi, thì không nghe tiếng trả lời. Trần Quang Long và Trần Triệu Luật cùng xuống một căn hầm”...” Năm ấy, Trần Quang Long mới 27 tuổi. Năm 1974, trong cái “bồng” trên vai, có tập di cảo thơ Sao rừng của anh, mang từ Lộc Ninh ra Quảng Bình và đã trao lại cho chị Lâm Thị Mỹ Dạ...

Con đường đi của mỗi cá nhân và của bất kỳ dân tộc nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức về thực tại đời sống và những vấn đề đặt ra cho chính nó:

Hai mươi tuổi con lớn cùng nỗi khổ
Đồng bào ta trong áp bức bạo quyền
Sưu thuế nặng còng lưng đời lao động...
Con đã hiểu thế nào là dân chủ
Là tự do tô những lớp sơn màu
Triệu triệu người nhọc nhằn trong lao khổ
Nuốt tủi hờn qua cơm áo lầm than.
                       
(Hoàng Văn Trương - Dòng máu đỏ).

Đó là Trương Văn Hoàng, lần gặp cuối trong bệnh viện Chợ Quán (Sài Gòn). Vẫn không mất đi cái nhiệt huyết năm nào, dù đang ở thời kỳ cuối của cơn bệnh nan y…

Nhớ lại

Không dưng mà hiện ra sắc đại ngàn thẫm xanh nơi lưng chừng con dốc Khe Lôi, một ngày đầu năm 1974, giữa núi rừng Trị Thiên, khi bất ngờ gặp lại và nỗi mừng bùng vỡ. Đấy là Lê Gành với con đường của anh, bắt đầu từ những gì yêu thương - gần gụi mà một biểu hiện rõ nhất, là hình ảnh Người Mẹ. Mẹ, là sự tiếp truyền từ những gì rất xa trong lịch sử dân tộc để làm nên truyền thống:

Mẹ đã dạy từ năm con mười tuổi
Bằng chính đời người đầy nước mắt nuôi con                   

Tương lai con là khổ đau đời Mẹ
Đời của cha, nợ máu đồng bào
...
Dưới bóng cờ hiên ngang con của Mẹ
Cùng anh em đi dựng mặt trời!
                       
(Lê Gành - Mười năm, con đã lớn)

Và, căn phòng nơi tầng ba, Thư viện Đại học Huế, năm 1968, lần đầu gặp tác giả của “Thừa Phủ ơi, lòng ta hồng biển lửa” nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh các đô thị miền Nam, được sáng tác hai năm sau đó:

Kiêu hùng tóc biếc bay cao/ Em tung nón rách/ Em gào tự do/ Ngày mai trên những chuyến đò/ Có cô con gái học trò sang sông/ Áo bay thơm má em hồng/ Cờ vươn cao gọi gió/ Thừa Phủ ơi/ Lòng ta hồng biển lửa!

Anh, một trong những người sống sót trở về từ nhà tù Côn Đảo không thể nào quên phút giây trào nước mắt khi giữa chốn địa ngục trần gian lại nhận được tấm lòng người mẹ:

Đời sống ngục tù vốn nhiều thiếu vắng
Thiếu bát cơm thơm mùi vị quê hương
Thiếu bàn tay của mẹ dịu dàng…
                       
(Võ Quê - Món quà xuân mẹ ra Côn Đảo) 

Không gì khác hơn là, chính tình yêu quê hương - đất nước đã dẫn đến hành động chống lại sắt thép - bạo lực. Huỳnh Văn Hoa, trong bài viết “Nguyễn Hoàng Thọ, ánh lên những ngọn lửa hồng” đã dẫn cách nói của Võ Quê, là thứ thơ của “lửa đường phố” với dũng khí “đi giữa rừng súng máy” (Trần Phá Nhạc):

Dạy mai lớn lên
Biết yêu người cách mạng
Vắt từng nắm cơm qua cửa ngục
Gửi người tình sa cơ
Dạy biết thêu từng chiếc khăn vàng lụa óng
Mùi châu thổ thơm thơm
Lau vết thương người anh hùng lỡ vận
                       
(Nguyễn Hoàng Thọ - Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử)

Và, dù không hề có ảo tưởng về những sáng tác của chính mình, vốn được xem là chút tâm tình - nhiệt huyết tuổi thanh xuân, những người cầm bút thời ấy vẫn tin rằng, văn chương - nghệ thuật là cái phần đáng quý nhất của Người:

Tôi dứt khoát là người yêu nghệ thuật
Vẽ bàn tay thành những mấu tim
Chém vào lưng bóng tối
Chân lý nơi mỗi tấm gương không hề phản chiếu
Nỗi u hoài của những đường gươm
Lướt qua đầu sự thật
                       
(Trần Phá Nhạc - Đi giữa rừng súng máy)

Đó chính là thái độ của người cầm bút trước xã hội và con người, trong hoàn cảnh cực đoan của miền Nam Việt Nam. Đó là sự chọn lựa dấn thân, trên cả hai bình diện ý thức công dân và ý thức nghệ sĩ. Đóng góp của họ, về mặt văn học sử, có lẽ là sự “góp máu” vào truyền thống yêu nước của dân tộc. Và thời ấy, khi ở độ tuổi còn rất trẻ, có lẽ họ chưa hề xem văn chương là sự nghiệp gì to tát. Dù vậy, những tác phẩm của họ, trong chừng mực nhất định, đã xác lập ngôn ngữ thời đại, góp phần làm mới thi ca Việt Nam.

Nhiều người trong số họ đã ra đi. Ra đi từ những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt bên những dòng sông Việt Nam. Những giọt nước mắt có mùi lá cỏ, làm thơm nước Hương giang. Những giọt nước mắt bắt đầu từ rất xa trong cả ngàn năm quá khứ, chảy đến những năm tháng nhiễu nhương của một thời đạn bom tao loạn. Những giọt nước mắt ra đi là để trở về. Những giọt nước mắt khổ đau - hạnh phúc - hy vọng.

Giờ đây, còn lại những câu thơ. Có phải, những câu thơ viết từ máu của trái tim sẽ sống bền lâu? Như thế, phải chăng, có thể giữ lại niềm mơ ước? Có thể nào chăng, cái bóng thầm tiếng động những câu thơ sẽ thấm vào giọng hát trong mơ. Giọng hát ấy, có thể tìm được ít nhiều sự sẻ chia chăng? Có thể chúng sẽ rơi vào quên lãng chăng?

Biết không? Không biết.

N.Đ.N
(TCSH431/01-2024)

 

 

Các bài đã đăng