Đời sống văn nghệ
Gặp gỡ các nhà văn Trung Quốc
09:56 | 05/06/2008
Chiều 17.11 vừa rồi, ở địa chỉ 26 Lê Lợi đã diễn ra cuộc tọa đàm giữa đoàn nhà văn Trung Quốc với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, Phó Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ đã tháp tùng đoàn nhà văn bạn từ Hà Nội tới Huế.

Do thời tiết xấu, máy bay không hạ cánh được xuống ga Phú Bài nên đoàn phải “quá bộ” vào Đà Nẵng rồi đi ô tô ngược ra và đã “tiêu xài” hết một phần quỹ thời gian đáng kể dành cho chương trình ở Huế. Vẫn còn may hơn năm ngoái, hình như cũng dịp mùa mưa này, khi bay đến Huế bị sương mù “từ chối”, đoàn nhà văn Trung Quốc phải “tăng bo” vào thành phố Hồ Chí Minh. Dù lần này may hơn thật nhưng cũng không được trọn vẹn lắm. Vừa tới Đà Nẵng, một thành viên trong đoàn phải vào viện cấp cứu vì bị nhồi máu cơ tim. Cuộc tọa đàm cũng bớt phần sống động bởi chính người không theo đoàn ra Huế được ấy là nhà văn Lương Kiện, một thông dịch viên sử dụng thành thạo ngôn ngữ văn học cả hai phía Việt - Trung.
Nhà văn Trương Quýnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, với tư cách trưởng đoàn đã giới thiệu các thành viên cùng đi: Nhà thơ Tang Hàng Xương, Phó Chủ tịch Hội nhà thơ (?) Trung Quốc, nhà văn Lý Nhất Tín, Phó bí thư Đảng uỷ Hội Nhà văn Trung Quốc, nữ nhà văn Dương Nê, Phó giáo sư, biên tập viên tạp chí Văn học nhân dân. Tiếp đó, nhà văn Trương Quýnh khái quát đôi nét về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Nhà văn Trung Quốc. Được thành lập từ năm 1949 với cái tên khai sinh là Hiệp hội các nhà công tác văn học Trung Quốc, đến năm 1952 đổi thành Hội Nhà văn Trung Quốc. Hiện tại Hội có 6400 nhà văn hội viên. Trong khi đó, Hội Nhà văn Việt chưa đến 700 hội viên. Tuy vậy, nếu tính trên tỷ lệ dân số thì nhà văn Việt lại có mật độ rậm rạp hơn. Hội Nhà văn Trung Quốc có một nhà xuất bản và 6 tạp chí gồm: Văn học nhân dân, Tạp chí Văn nghệ, Văn học dân tộc, Tạp chí thơ, tạp chí Nhà văn Trung Quốc, tạp chí Tuyển chọn tiểu thuyết.
Về mọi phương diện, không biết ai giống ai nhưng rõ ràng giữa Việt và Trung Quốc đều có những nét tương đồng, na ná nhau.
Đến lượt chủ, nhà thơ Võ Quê, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật TT.Huế, Phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế đã đáp từ và thông tin đôi điều về Hội mình cho bạn biết. Nhà thơ Võ Quê vui mừng nói rằng, đây là đoàn nhà văn nước ngoài đầu tiên đến Huế khi bước vào thế kỷ XXI. Bởi vậy, cuộc hội ngộ này còn mang ý nghĩa “Vạn sự khởi đầu nan”.
Tham dự tọa đàm phía Hội nhà còn có họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Phó Chủ tịch Hội; các nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Khắc Thạch v.v...
Vấn đề đoàn T.Q nêu ra trước hết là trong những năm gần đây, các nhà văn Việt viết gì? (Trương Quýnh hỏi). Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì mọi đề tài cuộc sống đều được đề cập. Tuỳ “tạng” của mỗi nhà văn hợp với lịch sử, với chiến tranh, với xây dựng hoặc với tình yêu mà viết. Song, về lịch sử, về chiến tranh lại có vẻ “ám ảnh” hơn và đã có những tác phẩm gây được “hiệu ứng dư luận” như Thân phận tình yêu, tiểu thuyết về chiến tranh của Bảo Ninh, Hồ Quý Ly, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, người thành danh và nổi tiếng trong cuộc kháng Mỹ đã tham gia ý kiến một cách hình tượng rằng, mỗi nhà văn (mỗi đề tài) như những ngón tay, trong chiến tranh các ngón tay phải quên mình đi để nắm lại thành một quả đấm. Quả đấm văn học chiến tranh! Hoà bình rồi, các ngón tay lại mở ra mềm mại với chính mình, ai mạnh gì viết nấy.
Đề tài bây giờ hết sức phong phú và đa dạng. Các nhà văn Trung Quốc cũng vậy. Người đi qua chiến tranh, có vốn, có “nợ”, có kỷ niệm thì tiếp tục viết. Đấy là những nhà văn lớp trước. Lớp trẻ bây giờ họ chỉ viết về cuộc sống đời thường, về sinh hoạt hàng ngày, về tình yêu hạnh phúc. Văn trẻ bây giờ thiên về giải bày, giải trí, ở cấp độ tâm lý, chưa đạt tới cấp độ tâm linh. Những triết lý thâm trầm hoặc những tư tưởng cao siêu dường như vắng bóng.
Vấn đề tiếp theo là một câu hỏi cụ thể của nhà thơ Võ Quê “Trung Quốc có bao nhiêu nhà văn nữ?”. Nhà văn Dương Nê nói ngay “nhiều lắm, không nắm được”. Điều này, nhà văn Vương Mông cũng đã từng khẳng định, hai mươi năm lại đây “phái đẹp” cầm bút ngày càng nhiều, đến mức trên văn đàn Trung Quốc hiện tại là “âm thịnh dương suy”. Tác phẩm của các nhà văn nữ thường đem đến cho người đọc những cảm giác mới lạ, táo bạo nhưng vẫn đầy nữ tính.
Người gây ấn tượng hơn cả trong cuộc tọa đàm đối với đoàn nhà văn Trung Quốc cũng là một phụ nữ - cô giáo Hải - Chủ nhiệm khoa Trung văn Trường Đại học sư phạm Huế. Cô đến tặng đoàn một chồng sách nghiên cứu văn học Trung Quốc mà cô đã dày công sưu tầm, dịch, biên soạn hàng chục năm trời. Trưởng đoàn nhà văn Trung Quốc Trương Quýnh đã tỏ thái độ cảm phục. Cô Hải còn đề nghị các nhà văn Trung Quốc giới thiệu những tác phẩm đương đại tiêu biểu giúp cho để dịch và giảng dạy trong nhà trường. Điều băn khoăn, ái ngại nhất đối với người dịch hiện nay là chế độ bản quyền. Song, theo nhà văn Trương Quýnh thì tâm lý chung của người viết là khi tác phẩm của họ được dịch ra nước ngoài, họ sẽ vui và không đòi tiền bản quyền (nhuận bút).
Nhân có Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế đến làm chương trình, nhà văn Dương Nê muốn biết tình hình phát sóng của Đài. Nhạc sĩ Nguyễn Việt, Trưởng ban Văn nghệ đã giới thiệu sơ lược lịch sử, chức năng và cấu trúc chương trình của Đài. Dù còn nhiều khó khăn, nhất là kinh phí để sản xuất chương trình nhưng thời lượng dành cho văn nghệ đã chiếm quá nửa. Các tác phẩm văn học (cả thơ và văn) vẫn thường xuyên được giới thiệu trên đài.
Các nhà văn Huế muốn hỏi thêm một số vấn đề văn học Trung Quốc nhưng thời gian đã khép lại trong sự “thòm thèm” nhưng đầy hứa hẹn cho cả hai phía. Những cuộc giao lưu thắm tình hữu nghị và bổ ích như vậy hẳn còn được tiếp diễn hàng năm theo sự thỏa thuận giữa 2 Hội Nhà văn Việt và Trung Quốc.
                                                P.V


(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)