Đời sống văn nghệ
Nén nhang muộn màng viếng Phạm Xuân Tuyển
10:39 | 17/07/2008
MAI VĂN HOANSáng 8 - 5 - 2008, ghé quán  26 Lê Lợi (trụ sở Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế) ngồi uống cà phê với hai nhà thơ Kiều Trung Phương và Ngàn Thương, tôi vô cùng sửng sốt khi Ngàn Thương cho biết người suốt đời đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử là anh  Phạm Xuân Tuyển đã mất cách đây gần 7 tháng tại Phan Thiết.

Và cũng ngay buổi chiều hôm ấy, khi đứng chờ cậu con trai lục tìm sách cho thuê ở một quán nhỏ trên đường Ngô Quyền bỗng gặp người bà con với Phạm Xuân Tuyển, tôi chưa kịp hỏi thì chị đã nói cho tôi biết sơ qua về đám tang của Phạm Xuân Tuyển. Sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên hay có ai xui khiến? Tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ của Hàn Mạc Tử trong bài Trút linh hồn: Ta trút linh hồn giữa lúc đây / Gió sầu vô hạn nuối trong cây / Còn em sao chẳng hay gì cả / Xin để tang anh đến vạn ngày! Phạm Xuân Tuyển ra đi thật lặng lẽ. Anh giã từ cõi thế đã gần bảy  tháng nay  mà tôi vẫn “chẳng hay gì cả”. Tôi cố hình dung đám tang của anh ở phường Đức Nghĩa, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: một vài người thân của anh, một vài bạn bè văn nghệ quý mến anh, bà con lối xóm... ngậm ngùi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng... Và biết đâu trong đoàn người đưa tiễn đó có cả hương hồn thi sĩ Hàn Mạc Tử? Nghe nói thể theo nguyện vọng của anh trước khi mất, tang lễ của anh được cử hành hết sức trang nghiêm theo nghi thức nhà thờ mặc dù gia đình anh là gia đình Phật tử.
Tôi bồi hồi nhớ lại cái lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau cách đây đã hơn mười hai năm. Hôm đó, sau tiết dạy ở trường Quốc Học, tôi bách bộ sang quán Cây Si (nằm trong khuôn viên Cung Văn hoá thiếu nhi, số 8 Lê Lợi) ngồi uống cà phê thì thấy một người nhỏ con, tóc hơi quăn, ăn mặc tềnh toàng, dắt chiếc xe đạp cà tàng dựa vào gốc cây rồi đi về phía tôi. Anh hỏi rất từ tốn:
- Thưa thầy, thầy có phải là nhà thơ Mai Văn Hoan dạy chuyên văn trường Quốc Học Huế không ạ?
Tôi đứng dậy bắt tay anh:
- Vâng, mình là Mai Văn Hoan đây!
- Còn em là Phạm Xuân Tuyển ở Phan Thiết, em có đọc một số bài viết của thầy về Hàn Mạc Tử trên báo Văn nghệ và tạp chí Sông Hương - Phạm Xuân Tuyển nói.
Tôi kéo ghế mời anh ngồi cùng uống cà phê. Qua chuyện trò, tôi mới biết anh chính là tác giả bài viết Nhớ Hàn Mạc Tử (qua hồi ức Nguyễn Văn Xê) in trên tạp chí Sông Hương và được tạp chí Sông Hương chọn tặng giải thưởng hàng năm. Bài viết này của anh có mặt trong một số công trình nghiên cứu về Hàn Mạc Tử như: Hàn Mặc Tử thơ và đời, Nxb Văn học, 1995; Thơ văn Hàn Mặc Tử - Phê bình và Tưởng niệm, Nxb Giáo dục, 1993; Hàn Mặc Tử - Hôm qua và hôm nay, Nxb Hội Nhà văn 1966... Tôi càng ngạc nhiên hơn khi anh đưa cho tôi xem giấy rửa tội, học bạ, văn bằng Pháp Việt sơ học, hồ sơ nhập trại phong... của Hàn Mạc Tử mà anh sưu tầm được. Ngay lập tức câu chuyện đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử của anh đã cuốn hút tôi. Mới gặp nhau lần đầu mà tôi tưởng như đã quen biết anh từ lâu rồi. Nguyễn Khuyến có câu “Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời” (Khóc Dương Khuê). Tôi quen biết với Phạm Xuân Tuyển đúng là “duyên trời”. Hai chúng tôi kẻ ở Phan Thiết người ở Huế nhưng có chung niềm đam mê, yêu mến tài thơ bạc mệnh Hàn Mạc Tử. Với tấm lòng cảm phục anh, tôi đã viết bài Giấy rửa tội của Hàn Mạc Tử, ca ngợi tác phong làm việc khoa học và kiên nhẫn của anh. Bài viết được in trang trọng trên báo Văn nghệ trẻ (số 13 ngày 10 - 5 - 1996). Dịp đó, tôi cùng nhà nhiếp ảnh Lê Đức Bổn thu xếp công việc đưa Phạm Xuân Tuyển sang Tây Lộc tìm thầy giáo Nguyễn Đình Niên, về Gia Hội tìm nhà thơ Hoàng Diệp - người bạn đồng niên với Hàn Mạc Tử, lên Phường Đúc tìm phần mộ của thân sinh Hàn Mạc Tử, ra Mỹ Chánh (Quảng Trị) tìm ông Phạm Hành - chú tiểu đồng của Hàn Mạc Tử... Đi đến đâu cũng thuận buồm xuôi gió như là có sự phù hộ của hương hồn nhà thơ. Vài năm sau, Phạm Xuân Tuyển cho ra mắt bạn đọc tập sưu tầm, biên khảo rất có giá trị Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử (Nxb Văn học, Hà Nội 1997). Sách in khổ lớn, dày 450 trang với nhiều tư liệu mới phát hiện về cuộc đời và thơ ca Hàn Mạc Tử. Giáo sư Hoàng Như Mai trong Lời đầu sách cho rằng tác giả là một người có tấm lòng và có trách nhiệm đối với văn học nói chung và với nhà thơ Hàn Mạc Tử nói riêng. Giáo sư khẳng định: “Nhiều tư liệu trong cuốn sưu tầm biên soạn này rất quý hiếm và đáng tin cậy”. Có thể nói với công trình biên khảo hết sức công phu này, Phạm Xuân Tuyển đã góp phần “mở ra một hướng tìm hiểu mới cho những ai quan tâm tiếp tục hành trình Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử (Lời Nhà xuất bản). Tôi được biết để có được công trình sưu tầm và biên khảo này Phạm Xuân Tuyển đã dành gần 30 năm lặn lội khắp bắc trung nam “gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân vật, những con người, những địa danh có liên quan đến đời - thơ Hàn Mặc Tử” (Lời Nhà xuất bản). Tôi càng khâm phục hơn khi biết rằng để kiếm sống và để có tiền đi đây đi đó anh đã phải làm thuê, cày ruộng, vay mượn... Công trình  Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử của anh xứng đáng được nhận giải thưởng văn nghệ Dục Thanh tỉnh Bình Thuận lần thứ hai - năm 2000. Sau khi tập sưu tầm, khảo luận Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử nhận được giải thưởng Dục Thanh ít lâu thì Phạm Xuân Tuyển không may bị tai biến mạch máu não. Người anh sút hẳn, đi lại nói năng rất khó khăn thế mà anh vẫn dồn hết tâm sức hoàn thành tiếp tập biên khảo Phan Thiết - Hàn Mạc Tử (Hội văn học nghệ thuật Bình Thuận ấn hành, 2005). Trong quá trình hoàn thành những công trình biên khảo về Hàn Mặc Tử, Phạm Xuân Tuyển đã nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của rất nhiều cá nhân, đoàn thể như: Nhà xuất bản Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận, Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, tạp chí Sông Hương, giáo sư Hoàng Như Mai, nhà văn Sơn Nam, linh mục Lê Đình Chiến, ông Nguyễn Văn Xê, ông Trương Đức Thành... đặc biệt là chị Triệu Minh. Theo chỗ tôi biết chị chính là “nhà tài trợ” để tập biên khảo Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử sớm được ra mắt bạn đọc. Phạm Xuân Tuyển sống và viết hết sức trung thực, thẳng thắn. Cái tính thẳng thắn, bộc trực và có phần hơi cực đoan của anh đã khiến cho một số người có ác cảm với anh. Biết làm sao được! Cha ông từng nói “sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” mà.
Tôi nhớ mãi lần gặp Phạm Xuân Tuyển ở Quy Nhơn. Nhờ anh mà tôi được làm quen với một số bạn bè văn nghệ Bình Định. Anh đưa tôi đến thăm chị Ninh Giang Thu Cúc, chị Triệu Minh, nhà thơ Phổ Đồng, nghệ sĩ bút lửa Dzũ Kha... Tôi cùng anh đi thăm trại phong Quy Hoà - nơi Hàn Mạc Tử từng sống những tháng ngày cuối cùng, bằng chiếc xe máy cà tàng mượn của bạn bè. Mặc dù tôi đã lùi hết số, chiếc xe vẫn không tài nào bò qua được đỉnh đèo. Phạm Xuân Tuyển phải cuốc bộ một quãng đường khá dài, dưới cái nắng chang chang của vùng biển miền trung. Tôi vô cùng thương cảm khi nhìn tấm áo đẫm ướt mồ hôi của anh. Theo một số bạn bè văn nghệ ở Quy Nhơn thì Phạm Xuân Tuyển có công không nhỏ trong việc thành lập Nhà lưu niệm Hàn Mạc Tử ở Quy Hoà và Gành Ráng.  Riêng với tôi, Phạm Xuân Tuyển chính là một tấm gương “vượt lên chính mình” là người nuôi dưỡng niềm say mê, hứng thú cho tôi, để tôi hoàn thành tập tiểu luận Cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử (Nxb Thuận Hoá, 1999) Anh cũng chinh là người trực tiếp mang Cảm nhận thơ Hàn Mặc Tử của tôi đến với độc giả ở thành phố Quy Nhơn và trại phong Quy Hoà.
Với Phạm Xuân Tuyển tôi hết sức nể phục niềm say mê, tác phong làm việc cẩn trọng, khoa học của anh. Tôi chưa từng thấy ai để cả cuộc đời đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử như anh. Có điều đặc biệt là những hạnh phúc và vận hạn mà Phạm Xuân Tuyển từng nếm trải hầu như đều liên quan ít nhiều đến Hàn Mạc Tử. Đối với anh, Hàn Mạc Tử đã trở thành một thứ “đạo” - đạo Hàn Mạc Tử. Và anh đúng là một tín đồ “tử vì đạo”. Chỉ riêng điều đó anh xứng đáng được mọi người yêu mến, cảm phục. Tiếc là anh ra đi quá sớm (mới 56 tuổi). Tôi biết anh vẫn còn ấp ủ rất nhiều dự định. Các tập biên khảo: Đồng Hới - Hàn Mặc Tử, Bình Định - Hàn Mạc Tử, Sài Gòn - Hàn Mạc Tử... vẫn còn dang dở. Bây giờ anh đã an nghỉ tại Phan Thiết - nơi có “Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang...”.
Tôi viết bài này như là một nén nhang muộn màng kính viếng hương hồn anh.
Huế, ngày 18 - 5 - 2008
M.V.H

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)