Đời sống văn nghệ
Về một “sự cố” của tạp chí Sông Hương
15:24 | 17/07/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ(TBT: 1991)Tôi có may mắn được làm Phó Tổng biên tập nhiều năm cho hai “đời” Tổng biên tập nổi tiếng là Nguyễn Khoa Điềm và Tô Nhuận Vỹ, nhưng đến “phiên” mình được gánh vác trọng trách thì chỉ đảm đương được một thời gian ngắn. Đã đành do tài hèn sức mọn, nhưng cũng vì đó là giai đoạn khó khăn sau “Đổi Mới”, chúng ta đang phải tìm đường, nhiều quan niệm - nhất là về văn học nghệ thuật chưa dễ được nhất trí…

Gần chục năm gắn bó với “Sông Hương”, trong các lần kỷ niệm 15 năm, rồi 20 năm ra số đầu tiên, tôi đã kể lại những kỷ niệm sôi nổi trong ngày phát hành số tạp chí đầu tiên, rồi những lần đi họp cộng tác viên ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Nhưng nghề báo đâu chỉ có chuyện vui và mọi việc suôn sẻ, luôn được “hoan hô”. Trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam năm nay, nhiều tờ báo lớn đã nói đến những khó khăn của nghề báo (một nghề được cho là “nguy hiểm”) và kể lại các “sự cố” để rút kinh nghiệm. Trên tinh thần ấy, tôi cũng xin nhắc lại một “sự cố” hồi tôi làm Tổng biên tập.
Kể cũng buồn... cười, vì vụ này khởi đầu chỉ là sáng kiến của hoạ sĩ Bửu Chỉ mở một chuyên mục mới - một “cuộc chơi”, cũng có thể gọi là cuộc thi - “Nhờ đặt tên tranh” mà sau này chúng ta thấy diễn ra hàng tuần trong các cuộc thi “SV” sôi nổi dành cho sinh viên cả nước trên Đài Truyền hình Việt Nam với người dẫn chương trình điệu nghệ Lại Văn Sâm. Cho đến nay, bức tranh vẫn chưa có tên chính thức vì cuộc thi đặt tên không có hồi kết; để cho gọn, ta cứ gọi là bức tranh “TAY CHÂN”. Bức tranh chỉ có bàn tay nối với bàn chân, được vẽ bằng bút sắt này tiếp tục bút pháp dòng tranh chiến đấu gan góc đầy ấn tượng hồi chống Mỹ; chỉ khác lúc này là cuộc chiến đấu chống lại những biểu hiện tiêu cực, những gì đi ngược lại với yêu cầu của thời đại mới. Bức tranh đơn giản, nhưng hàm ý sâu sắc. Tác giả muốn cảnh báo cách dùng người không biết coi trọng trí tuệ, chỉ muốn tìm những “tay chân” dễ sai bảo... Như vậy, ý tưởng bức tranh vừa đúng theo đường lối đổi mới của Đảng, vừa phù hợp yêu cầu thời đại mới. Thì chẳng phải những năm gần đây, chúng ta ngày một nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ, của nhân tài đó sao? Tất nhiên, có thể hiểu bức tranh theo nhiều cách khác nữa. Tác phẩm nghệ thuật vốn thường đa nghĩa. Vậy nên mới bày cuộc chơi “Nhờ đặt tên tranh” kèm lời bình. Tuy tác giả chỉ “treo” giải là nhường lại khoản nhuận bút ít ỏi cho người đặt tên hay nhất, nhưng rất nhiều độc giả thuộc đủ tầng lớp (có nhà thơ, bác sĩ, sinh viên, cán bộ về hưu...) từ nhiều vùng đất (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Nha Trang..) đã hưởng ứng. Xin dẫn một vài tên:
Ông N.T.T (Vĩnh Lợi - Huế): “Chân dung người đồng thời” với lời bình: “Không tim không óc, chỉ có bàn tay vơ vét và cái chân chạy chọt”.
Anh N.X.T (Hà Nội): Tên thứ nhất: “Quy luật tiến hóa của các ngài quan...liêu”; tên thứ hai: "Chân dung kẻ nịnh thần”.
Chị L.T.T.D. (Huế): “Chân lấm tay bùn” với lời bình: "Chân lấm tay bùn, dân vẫn khổ/ Đầu tắt mặt tối, quan còn tham.” v...v... (Tôi không thể dẫn hết và chỉ viết tên tắt, vì nghe nói một số cán bộ tham gia "đặt tên tranh" về sau đã bị cơ quan “nhắc nhở”!)
Cuộc chơi thật vui và có ý nghĩa. Trí tưởng tượng của con người ta thật vô cùng. Không ngờ có ai đó với đầu óc tưởng tượng siêu hạng nhưng tai quái đã tung ra dư luận một cái tên, đúng là tên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó - nếu nói lái. Thế là sinh chuyện! Cả tòa soạn bất ngờ. Trí tuệ dân gian vẫn thường sản sinh ra những điều bất ngờ, chọc nghịch phạm thượng như thế. Nhưng khốn nỗi là không ít người lại nghĩ rằng họa sĩ và Tổng biên tập cố ý “chơi” đồng chí Bí thư! Ở đất nước này, đây là điều không ai cho phép! Dư luận cả tỉnh ồn lên. Bửu Chỉ đang rất khoái vì được đọc những lời bình thâm thúy, mới đó còn cầm đàn ghi ta hào hứng hát “Nối vòng tay lớn” trong một cuộc vui ở tòa soạn, bỗng như bị dội gáo nước lạnh, ngồi xo vai rít thuốc, nhìn tôi lắc đầu không nói một lời…
Trong một dịp gặp đồng chí Bí thư, tôi nói rõ ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ cũng như tòa soạn và nói thêm rằng: văn nghệ sĩ chân chính không bao giờ dùng thủ đoạn đả kích cá nhân; hơn nữa, đối với văn nghệ sĩ trong tỉnh, tuy còn những cách nhìn khác nhau về hoạt động văn nghệ hay một số tác phẩm cụ thể, nhưng đồng chí Bí thư với tác phong chan hòa gần gũi quần chúng vẫn thường có những cuộc gặp thân mật cởi mở với văn nghệ sĩ; với riêng tôi thì không lâu trước đó, đồng chí đã đích thân đến nhà tôi đón anh tôi là B.S. Nguyễn Khắc Viện để cùng đi ra thăm Vĩnh Linh... Không đợi nghe tôi nói hết, đồng chí Bí thư bảo, vẫn với giọng thân tình “anh em” chứ không phải vẻ bề trên: “Mình không nghĩ Bửu Chỉ có ý đó đâu, nhưng các cậu đăng bài vở phải cẩn thận kẻo bị kẻ xấu lợi dụng...”
Sau đó, không lâu, “Sông Hương” bị trục trặc, không có dịp tổng kết “cuộc chơi” cũng như thanh minh cho Bửu Chỉ. Cũng từ đó, Bửu Chỉ và Thái Ngọc San (thư ký toà soạn) rời toà soạn, từ bỏ tất cả các chức vụ kể cả lương bổng. Đối với Bửu Chỉ, có thể đó là sự lựa chọn đúng đắn, cái rủi lại hóa vận may! 12 năm cuối đời là thời gian anh sáng tác sung sức nhất, ngày một nổi tiếng với những bức tranh thật đẹp hướng đến những vấn đề vĩnh cửu của con người. Còn Thái Ngọc San đã trở thành một phóng viên xông xáo của báo “Thanh niên”.
Bảy tháng sau ngày Bửu Chỉ đột ngột qua đời, đồng chí Bí thư cũng đã ra đi. Theo chân đoàn Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế đến viếng đồng chí Bí thư, tôi đã thầm nói với vị thủ trưởng cao cấp nhất ở địa phương trong nhiều năm: “Thế là anh sắp gặp lại Bửu Chỉ rồi. Cầu mong hai người sẽ luôn được vui vẻ bên nhau...”
Nhất định là hai vị đã gặp nhau vui vẻ. Chẳng phải là những người cộng sản chân chính cũng như các nghệ sĩ đích thực đều có chung mục đích là muốn cho cuộc đời, muốn cho con người ngày một tốt đẹp hơn hay sao?
Về cuộc đời họa sĩ Bửu Chỉ và chuyện bức tranh “Tay chân”, tôi đã kể lại trên báo “An ninh thế giới” cuối tháng 12/2005 và đã in trong tập “Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ” của tôi (NXB Hội Nhà văn - 2006.) Cuốn sách đã được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tặng thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2006!. Điều muốn nói thêm là đến nay cả Bửu Chỉ và Thái Ngọc San đã mất - một người trong tư cách là hoạ sĩ tài danh của đất nước; người nữa là nhà báo xung kích trên mặt trận chống tiêu cực của báo Thanh niên - được nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi trong nước viết bài ca ngợi. “Cái quan định luận” - đến lúc này thì hẳn không còn ai nói hai anh có “ý đồ” nọ kia nữa…
Một “sự cố” đã thành chuyện xưa, nhưng kể lại hẳn cũng không vô ích phải không các bạn? 

N.K.P
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)