Đời sống văn nghệ
Hồng Nhu tuổi hồi xuân
17:02 | 30/07/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊTrong một cuộc vui gần đây, nhân nhắc đến việc bình chọn các nhân vật, sự kiện nổi bật trong năm trên báo chí, có ý kiến phong cho nhà văn Hồng Nhu là người đạt nhiều cái “nhất” nhất trong làng văn ở Huế.

Nào! Để tính xem:
1) Dễ thấy hơn cả, trong Chi hội Nhà văn Việt ở Thừa Thiên Huế, Hồng Nhu là người cao tuổi nhất! Theo “lý lịch gốc”, ông sinh ngày 1/12/1934, nhưng thật ra ông sinh năm Nhâm Thân (1932), vị chi đến nay vừa tròn bảy mươi...xuân!...” Để cho gọn, có thể gộp một cái “nhất” khác vào đây: Ông là cây bút có mái tóc bạc vào loại... “điệu nghệ” nhất! (Tôi phải thêm hai từ “vào loại” kẻo có sự nhầm lẫn, vì ở Huế còn hai cây bút có mái tóc bạc rất chi là nghệ sĩ: đó là Nguyễn Đắc Xuân và Nhất Lâm.)
2) Ông là người đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học nhất. Bắt đầu sáng tác văn nghệ (ca khúc) từ năm 1950, viết truyện ngắn đầu tay năm 1955, khi ông còn là lính sư đoàn 325 - đơn vị anh  hùng từng lập những chiến tích lẫy lừng trên chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào, nhưng 15 năm sau, lúc ông “đầu quân” vào Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, mới xuất bản được tác phẩm đầu tay. Kể từ đó, bình quân cứ 2 năm một cuốn, 15 tác phẩm đã lần lượt ra đời. Rừng thông cao vút (ký, 1969); Ý nghĩ mùa thu (truyện  ngắn, 1971); Tiếng nói chìm sâu (truyện ngắn, 1976); Đêm trầm (truyện ngắn, 1976); Gió đồi (truyện,1978); Cây tâm hồn trắng (truyện ngắn, 1984); Vẫn chuyện phiêu lưu (truyện thiếu nhi, 1985); Hai giọt sương (truyện thiếu nhi, 1986); Ngẫu hứng về chiều (thơ, 1988); Nước mắt đàn ông (thơ, 1992); Chiếc tàu cau (thơ, 1995); Thuyền đi trong mưa ngâu (truyện ngắn, 1995); Rêu đá (thơ, 1998); Lễ hội ăn mày (truyện ngắn, 2001).
Không phải tất cả đều là tuyệt tác, nhưng kể cho đủ để có thể “phong” cho Hồng Nhu thêm một cái “nhất” nữa gộp vào đây: Ông là người sáng tác cả hai thể loại truyện ngắn và thơ đều tay nhất, trong đó không ít tác phẩm được đánh giá cao. Có thể nói vậy vì ông có đến 3 tập truyện ngắn được giải thưởng hạng cao: Ý nghĩ mùa thu (giải A “15 năm Văn nghệ Nghệ An 1965-1980), Cây tâm hồn trắng (giải chính thức VHNT Nguyễn Du 1985), Thuyền đi trong mưa ngâu (giải A của Uỷ ban toàn quốc các Hội VHNT toàn quốc và giải A VHNT Cố đô 1993-1997); và “tin giờ chót” cho biết tập Lễ hội ăn mày lại được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT toàn quốc 2001; về thơ, tập Ngẫu hứng về chiều đạt giải A VHNT Cố Đô 1987-1992, các tập thơ khác đều được những người sành thơ chú ý, như Nguyễn Trọng Tạo đã viết về tập Nước mắt đàn ông như sau: “Ây là thơ của một tâm hồn từng trải, vui buồn, đắng cay, chua ngọt của cuộc đời...thơ anh muốn gạt bỏ cái bản chất nửa vời, muốn hướng tới cái tận cùng...” Một điều khá đặc biệt là trong khi nhiều người cầm bút khởi nghiệp văn chương với thơ thì Hồng Nhu đến với thơ lúc mái đầu đã bạc. Trong một dịp “tự hoạ chân dung” ông đã viết: “Mãi đến gần đây (1987) tôi bỗng chuyển sang làm thơ một cách liều mạng, và viết nhiều thơ, gần như thôi truyện ngắn mà không biết tại sao, chỉ biết là tâm hồn thôi thúc phải vậy, không thể nào khác...”
Ông nói vậy, nhưng tôi biết năm 1987, cuộc đời ông đã có một bước ngoặt quan trọng: ông quyết định “dời đô” từ thành Vinh trở về quê hương. Người ta, trong một lần xê dịch, tâm hồn thường chỉ chấn động một lần; hoặc là khi ra đi như phải lìa xa quê hương, cha mẹ; hoặc là khi phải dấn thân vào một cuộc phiêu lưu. Nhưng với Hồng Nhu, cả khi khởi hành lẫn lúc cập bến đỗ đều dâng sóng trong lòng. Một cuộc ra đi hẳn không dễ dàng vì 13 năm sau ngày quê hương giải phóng, ông mới đủ nghị lực “dứt áo” lên đường. Thành Vinh-xứ Nghệ, nơi ông đã sống trên hai chục năm với cả một gia đình. Ở đó, ông đã in tác phẩm đầu tay, đã đạt được danh vọng và chức vụ, có nhiều độc giả và bạn tri âm cùng biết bao kỷ niệm vui buồn. Còn nơi cập bến lại là nơi chôn nhau cắt rốn đã 40 năm xa cách! Tôi chợt hình dung “ông già” Hồng Nhu ngày trở về quê, đứng trên bến đò Cầu Hai trong một sớm mờ sương, đôi mắt dưới làn tóc trắng xoá vòi vọi nhìn sang làng Mỹ Lợi mịt mù bên kia phá Tam Giang mênh mông sóng nước... Và thế là “tâm hồn thôi thúc” thành thơ:
Bây chừ còn có chi mô
 Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò...

Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi
Thấy con mắt lạ một thời Huế xa
Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi ...
                   (Trích “Uống cùng Huế” trong “Nước mắt đàn ông”)
“Bây chừ”- năm 1987, khi trở về quê hương, quả là ông “có chi mô”: chỉ chiếc xe đạp cà tàng với vài vật dụng sinh hoạt cá nhân tạm trú trong một căn phòng dưới tầng hầm trụ sở Hội Văn nghệ vì “một tấc đất cắm dùi” cũng không có và vợ con còn ở ngoài Vinh; ở cùng ông, chỉ có bạn thơ và rất nhiều những bao thuốc lá rỗng; đương nhiên có cả rượu, tuy ông không phải là đệ tử của lưu linh.
Có người bảo: Hồng Nhu bỗng dưng nổi “máu” làm thơ từ ngày trở lại quê nhà vì ông chợt “hồi xuân” và đang yêu! Cũng chẳng có gì lạ. Và chính ông đã viết: “Chẳng giấu gì, tôi có một người yêu đấy.” (Trích “Rốt cuộc” trong “Ngẫu hứng về chiều”) Có cây bút nào không yêu mà làm được thơ hay? Chỉ riêng tình yêu quê hương sau nửa đời người xa cách trỗi dậy đã là nguồn nhựa sống thừa sức thức dậy “mùa xuân” nơi ông...
3) Có lẽ phải nói nhiều hơn về sự “hồi xuân” của Hồng Nhu, nhưng xin kể ngay cái “nhất” thứ 3 của ông kẻo ...quên!(Vì ông còn những cái “nhất” thứ 4, thứ 5...nữa!) Ông là nhà văn về hưu mà còn giữ nhiều chức vụ nhất! Hẳn là ông không thích sự xưng tụng này (“Làm như người ta tham quyền cố vị lắm ấy! Chẳng qua thiên hạ bầu lên, mình là đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, không lẽ cứ nằng nặc rút lui”- tôi tưởng như nghe ông bạn già cự nự vậy.) Nhưng sự thực là thế. Xin thử kể xem: Uỷ viên Hội đồng Văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam), Thư ký Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Tỉnh Thừa Thiên-Huế, Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật Hội LHVHNT Thừa Thiên-Huế, Uỷ viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Đã đành, không phải chức vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình (có khi cũng vì “cơ chế”, ví như các Hội đồng... lười họp, hoặc “người ta” không cần vai trò của Hội đồng thì dù ông có muốn góp sức cũng chẳng được!) Dù vậy, các chức vừa kể chứng tỏ ông là nhà văn được tín nhiệm nhất ở Huế. Tất nhiên, hồi chưa về hưu, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng hơn: Bí thư Đảng đoàn, Uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương...
 Đến đây, xin được bổ sung một  “chú thích” cũng chưa hẳn người trong cuộc đã hài lòng, nhưng sự thật nào được nói ra cũng có ích, nên xin được phép. (Cũng chẳng có chi là “ghê gớm”, vì người viết đã “tự biên tập” để Tổng biên tập đương nhiệm khỏi bị “thổi còi”!) Hồng Nhu ngồi ghế Tổng Biên tập “Sông Hương” trong một thời điểm khá đặc biệt. Hai vị Tổng Biên tập tiền nhiệm đều là các nhà văn đảng viên từng được thử thách trong chiến tranh, từng chứng tỏ “lập trường” và bản lĩnh người cầm bút qua nhiều tác phẩm dày dặn; vậy mà lại để xẩy ra “sự cố” đến nỗi phải bỏ trống ghế Tổng Biên tập một thời gian. Chưa phải lúc để nói rõ chuyện “đúng-sai” (vả lại, trong văn nghệ, hình như sự “đúng-sai” ít khi được kết luận đàng hoàng; chẳng cần nói gì đến những việc “xa xưa”, ví như bây giờ, khi loại tội phạm kiểu ma-phi-a đã lộ mặt, nào đã ai thừa nhận việc cấm tiểu thuyết “Sóng lừng” của nhà văn Triệu Xuân báo động về sự xuất hiện ma-phi-a ở Việt Nam là sai hay vẫn đúng? Rồi việc cấm công diễn những vở kịch mạnh mẽ lên án sự thoái hóa, tiêu cực trong đời sống xã hội của nhà văn Xuân Trình (tác giả vừa được tặng “Giải thưởng Nhà nước”)mà gần đây, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, nhiều tờ báo lớn đã nhắc lại và cho đó là những vở diễn có ý nghĩa mở đường cho những vở nổi tiếng của Lưu Quang Vũ về sau... Vậy ai đúng? Thôi, chuyện “ngược-xuôi” trong văn nghệ thì dông dài kể sao cho xiết; và vĩ đại như “Truyện Kiều” mà cụ Nguyễn cũng chỉ gọi là “mua vui” thì có lẽ chẳng nên quan trọng hoá những việc vừa kể) nhưng với “Sông Hương” thì sự xuất hiện của Hồng Nhu lúc đó như là một...cứu tinh cho một số phận sắp chìm đắm. Và ông đã làm tròn sứ mạng được giao trong suốt 6 năm cho đến khi mãn nhiệm. Nói cho đầy đủ hơn, cũng là cách “thông tin hai chiều”, thì không phải ai cũng khen phục Hồng Nhu. Có bạn viết đã nói: “Làm như Hồng Nhu gì mà không tròn...tròn vo ấy mà! Thế mới gọi là Hồng-Nhu! “ Anh bạn có ý mỉa mai và tưởng Hồng Nhu là bút danh, cũng có nghĩa đó là tuyên ngôn cách sống của ông. Nhưng Hồng Nhu là tên thật và vừa “Hồng” vừa “nhu” càng tốt chứ sao! “Từ điển Tiếng Việt” ghi: “Nhu là dịu dàng, mềm dẻo trong cách cư xử, giao tiếp...” (Tất nhiên, nếu đính kèm thêm một từ nữa như “nhu nhược” thì chẳng hay ho gì!) Xin đừng tưởng làm được như Hồng Nhu là dễ dàng. Theo tôi được biết, ông đã bạc tóc thêm nhiều sau 6 năm giữ vững ghế Tổng Biên tập “Sông Hương”. Ông biết hết mọi lời khen-chê, hiểu rõ nhu cầu của độc giả thời “đổi mới”, phải làm sao đừng để mang tiếng là quá cẩn thận, “bảo thủ”, nhưng cũng phải luôn tỉnh táo để không bị những người “gác cổng” thổi còi. Ở Huế, giữ được chiếc ghế đó thật không dễ. Người kế nhiệm ông, vì hơi “cương” thì phải, đã bị “thổi còi” mấy lần và người đương nhiệm hình như cũng xuýt bị “thổi còi”! (Nói vui một chút, giả như trong một trận bóng mà không có tiếng còi nào thì cũng... hơi bị buồn, phải không các bạn! Mà văn nghệ, theo cụ Nguyễn Du là “mua vui” thôi mà!)
4) Xin được chuyển sang cái “nhất” thứ 4 kẻo bạn đọc sốt ruột. Kể ra, một nhà văn đạt được “3 nhất” như trên đã là hiếm; nhưng để rõ thêm chân dung thì phải bổ sung: Hồng Nhu là nhà văn có nhiều...con trai nhất! Xin miễn nêu tên, chứ ở Huế có 3 nhà văn có từ 2 đến 3 “công chúa”, chỉ riêng Hồng Nhu có 3 “hoàng tử”! Và tất nhiên, Hồng Nhu đã được lên chức “ông nội” mấy năm rồi!
5) Nêu cái “nhất” này có khi ông bạn già tự ái đây, nhưng bạn bè khen nhau hoài cũng chướng. Có lẽ ông là nhà văn... nghèo nhất ở Cố Đô! Nhiều chức vụ nhất mà lại nghèo nhất, vậy đáng ra phải phong tặng ông thêm một “nhất” nữa: quan chức liêm khiết nhất! Nhiều tác phẩm nhất, nhiều giải thưởng nhất mà vẫn nghèo nhất thì lại chứng tỏ với thiên hạ rằng chẳng ai sống được bằng nghề văn. Vậy mà ông đã thề “sống chết với nghề nghiệp” và quả là ông không hề xoay xở để làm một việc gì khác cho có nhiều tiền hơn như những người khác! Thời buổi này, kiếm được đồng tiền đều phải trả giá; ông chung thuỷ với cái nghề bị trả giá rẻ nhất (“văn chương hạ giới rẻ như bèo” mà!) kể cũng là người có bản lĩnh. Nói thế, lại hoá ra khen ông rồi!
Có bạn thì nói vui: chính vì cái “nhất” thứ tư mà sinh cái thứ 5! Người ta thường bảo “tam nam bất phú” mà! Còn ông, cũng trong lần “tự hoạ chân dung” đã viết: “Không biết có phải số phận hay không nhưng cuộc đời tôi liên miên gặp long đong vất vả và cố nhiên dàng dặc những nỗi đau buồn...”  Có lẽ cần phải nói thêm: chính là nhờ cuộc đời “long đong vất vả” ấy mà ông trở thành người giàu có trên những trang viết.
Cho đến nay, ngày nắng cũng như mưa, ông vẫn hì hụi đạp xe lên xuống dốc Bến Ngự, khi nhận giúp việc cho toà soạn “Sông Hương”, nhiều khi chỉ để mua tờ “Thể thao văn hóa” hoặc là bao thuốc lá “Điện biên”. Ông vốn “ghiền” bóng đá và có một thói xấu là nghiện thuốc lá! Hình như ông đã có lần hạ quyết tâm bỏ thuốc nhưng rồi lại phải chiều theo thói quen cũ.
Thực ra thì sau khi lĩnh giải nhì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức với truyện ngắn “Vịt trời lông tía bay về”, ông đã mua được chiếc hon-da và đã tập đi xe máy vài lần; nhưng chắc là tuổi già ngại tốc độ của cơ giới, ngại cảnh đua chen với những tay lái liều mạng và cũng để nhường xe cho con đi làm, ông lại trở về với chiếc xe đạp đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm qua. Cũng từ chục năm qua, với sự ưu ái đối với văn nghệ sĩ, ông đã được Nhà nước “hoá giá” một căn nhà ở khu tập thể Thuỷ Trường, tuy không xây được lầu son gác tía như ai, nhưng cũng đủ điều kiện cho một tổ ấm gia đình với một căn phòng riêng cho ông có thể yên tĩnh ngồi lặng bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ xếp đầy sách vở, thư thả nhả khói thuốc, nhìn ra khoảnh vườn nhỏ mà ngẫm nghĩ sự đời, mà trải lòng mình trên những trang viết đặm đà hương sắc một vùng quê và cứ mãi trẻ trung.
“...hồi xưa các cụ nhà ta sành sõi cũng đã nói rồi! Rằng trà có nhiều nước. Nước đầu là “nước thiếu nữ”. Thanh khiết, ngào ngạt. Nước thứ hai là “nước thiếu phụ”. Đượm đà, nồng nàn, sâu thẳm. Đấy mới là nước ngon nhất trong một ấm trà.  Dư vị trong cổ họng cứ đọng hoài đọng mãi... không tan...”
Hồng Nhu đã mượn chuyện trà để nói về mối tình của một nhân vật tuổi ngoài năm mươi hồi xuân trong truyện ngắn “Trà thiếu phụ”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn vừa qua đời, từng là bạn chiến đấu với Hồng Nhu thời chống Pháp, trong một dịp thăm Huế, sau khi đọc “Trà thiếu phụ” đã nghiêng mình nói với bạn: “Trà thiếu phụ! Tài tình quá! Tao xin được lạy mày mấy lạy...” Người bạn văn có phần đang say, nhưng quả là Hồng Nhu đã “hồi xuân” trên trang viết khi mái đầu đã nhuộm màu sương khói. Có phải nhờ ông đã bắt trúng “mạch” từ một ngọn nguồn vô tận cho người sáng tạo từ ngày được trở về quê hương, đã sống lại với những kỷ niệm tuổi xuân, với vô vàn những câu chuyện dân gian ở một vùng quê đầy hương  sắc. “Vịt trời lông tía bay về”, “Cổ tích làng” (giải nhì cuộc thi Cây Bút Vàng của ngành Công an năm 2000), “Bao nhiêu là cát”... đều lấy “bột” từ vùng quê ấy. “Đó là một vùng đất khá lạ, nó dài và thuôn như một chiếc đòn gánh, bốn mùa nắng gió, ngoài là biển Đông, trong là đầm phá, hai đầu là hai cửa biển...”  Vùng đất ấy đã hồi sinh sau ba mươi năm chiến tranh và một người con - một nhà văn sinh ra ở đó đã “hồi xuân” từ ngày được trở về hút nhuỵ của quê hương...
Trường An-Huế, những ngày đầu xuân 2002
N.K.P.

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)