Đời sống văn nghệ
Tiến lên kỳ đài, hạ cờ vàng quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng
09:00 | 08/08/2008
ĐẶNG VĂN VIỆTKỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng TámSau ngày đảo chính (9-3-1945), Nhật lật đổ Pháp. Phong trào Việt Minh như một luồng gió mạnh, thổi từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam, thức tỉnh lòng yêu nước, thương nòi của người dân đất Việt, thúc giục mọi người sẵn sàng để chớp thời cơ, giành lại chính quyền về tay nhân dân.
Tiến lên kỳ đài, hạ cờ vàng quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng

Ngày 19-8-1945, tin Hà Nội đã nắm được chính quyền, huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền đã khởi nghĩa thành công, càng làm cho bà con Cố đô sôi sục, chờ đợi.
Tôi đang theo học ở lớp Thanh niên Tiền tuyến Huế, hoạt động cùng tổ Việt Minh với anh Lâm Kèn, Phan Hàm, Khánh Khang,... được lệnh cùng anh Thế Lương (tức Cao Pha), hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế. Lá cờ to rộng bằng cả 2 gian nhà, trải ra trông như một tấm thảm lớn.
Bà con đất Thừa Thiên, ai mà chả biết Cửa Ngọ Môn, một công trình cổ kính xây dựng trên cổ thành đi vào nội cung. Chính diện trước Cửa Ngọ Môn cách hơn 200m là một đài khối khá đồ sộ, biểu tượng cho uy phong vua quan thời phong kiến. Đó là kỳ đài, giữa là cột cờ. Đài có 3 tầng, tường xây to rộng, tạo nên 3 bậc cấp nối tiếp nhau (cao 17m50). Cột cờ là những ống gang, to 2-3 người ôm mới xuể, nối ghép nhau cao vút lên trời xanh (29m52).
Bảo vệ kỳ đài là một tiểu đội lính dõng, làm thêm nhiệm vụ đốt pháo lệnh, nhân dân Huế (có cả tôi, gần 20 năm lớn lên trên đất này) sống quen với những tiếng pháo đùng phát ra từ kỳ đài. Cứ đến 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, mỗi lần ba phát làm chấn động cả bầu trời yên tĩnh của Cố đô, hòa với nhịp đập của trái tim, hơi thở, nếp sống của từng người dân.
Anh Thế Lương và tôi nai nịt gọn gàng, trong quân phục chỉnh tề: Calô 2 sừng đội đầu, bêrê kaki kiểu kỵ mã vàng óng, đôi ghệt cao cổ của chàng ngự lâm quân. Tất cả binh hỏa lực để xung trận, là “hai đứa tui”, là khẩu barillet to bằng bàn tay và 6 viên đạn út. Cuộn tròn lá cờ, gác lên hai chiếc xe đạp, chúng tôi đẩy, thẳng tiến hướng về kỳ đài...
Tôi lên gặp chỉ huy truyền lệnh: “Hạ cờ cũ - treo cờ mới”.
Có lẽ uy thế của Việt Minh quá mạnh, không gặp một phản ứng nhỏ nào. Vì đằng sau chúng tôi là hàng ngàn vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế, bừng bừng, khí thế như một ngọn sóng thần đang chuẩn bị sẵn sàng xông lên lật đổ chế độ quân chủ, lập nên nền cộng hòa Việt .
Theo lệnh tôi, 5 lính pháo đùng, buộc cờ vào dây, qua ròng rọc, đưa cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao và cờ nhà vua từ từ hạ xuống.
Anh Cao Pha và 5 lính pháo đùng, xếp hàng ngang, đứng nghiêm, đưa tay chào theo lễ nghi quân sự.
Hình thức thật đơn sơ, thời gian ngắn gọn.
Tôi còn nhớ hôm ấy, giờ Mùi (khoảng 14 giờ) ngày 14 tháng 7, Ất Dậu (tức 21-8-1945) trước 2 hôm ngày giành chính quyền ở Huế (23-8-1945).
Mấy phút sau, một máy bay 2 thân cánh bạc, quốc kỳ USA, lượn 3 vòng quanh cột cờ, nghiêng cánh như vẫy chào, rồi biến mất phía chân trời rạng đông.
Tôi không ngờ là một việc nhỏ đơn sơ ấy, lại mang một ý nghĩa trọng đại “báo hiệu sự chấm dứt một triều đại trị vì của nhà Nguyễn trên 143 năm (1802-1945), kết thúc 4000 năm lịch sử của chế độ phong kiến để chuyển qua một thời kỳ mới của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.
Tôi đã được sống những giây phút đầy tự hào, đầy xúc động, những giờ phút không bao giờ quên. Cả thành phố Huế, cả đến những vùng quê xa 30-40 cây số, khi cờ đỏ sao vàng phấp phới trên trời xanh, hàng vạn tiếng hò reo.
“Cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Huế, độc lập thực sự rồi, bà con ơi!”
Mấy hôm sau, trên cổng Ngọ Môn, tôi có mặt trong buổi nhà vua làm lễ thoái vị: giao ấn vàng, kiếm báu cho ông Trần Huy Liệu - đại diện của Chính phủ Trung ương từ Hà Nội vào. Trong cuộc mít tinh lịch sử, hàng vạn nhân dân Huế tụ tập để chứng kiến vị Hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn thoái vị. Nếu chúa Nguyễn Hoàng là người đầu tiên thực hiện lời khuyên, lời tiên đoán của nhà ẩn dật nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Hoành Sơn nhất đái Vạn đại dung thân”.
Thì vị Hoàng đế cuối cùng Bảo Đại, cũng là người tuyên bố chấm dứt nghiệp đế sau gần 3 thế kỷ (chúa - vua): “Thà làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”.
Trong buổi lễ long trọng (ngày 30-8-1945) có mục nghi thức mới: Hạ cờ vàng lần thứ hai và treo cờ đỏ sao vàng chính thức lên cột cờ của Cố đô Huế.
Viên lãnh binh khố vàng đến cạnh tôi, biết anh Cao Pha và tôi là người đã làm việc treo hạ cờ hôm ấy, ông ta nói:
- “Hôm hạ cờ nhà vua, cả đại đội khố vàng chúng tôi nằm rạp, dọc thành cổng Ngọ Môn. Hơn một trăm tay súng chĩa về các anh. Xin ý kiến Hoàng đế, Ngài bảo: “Chớ! chớ! Việt Minh đấy! Chúng mi nổ súng thì tao chết trước đấy. May quá, lính chỉ nằm im cho đến khi các anh đi khuất. Hôm ấy mà bóp cò, thì nay tôi toi mạng rồi, thật phúc lớn nhà tôi”.
Đến bây giờ, cứ mỗi khi xuất hiện cột cờ Huế trên màn ảnh truyền hình, bao ký ức sống lại trong tâm trí tôi. Tôi nhớ đến những anh lính pháo đùng, ngoan ngoãn và tội nghiệp. Số phận họ ra sao ngay sau những ngày sôi sục của năm tháng đã qua? Chắc chắn họ đã thành những công dân tự do của một nước Việt tự do.
Đ.V.V
(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng