Trong cuốn sách ảnh "Legendary Ho Chi Minh trail" mà Thanh ghi tặng tôi ngày hai thằng vừa kết thúc chuyến du khảo Văn hóa xuyên Việt "Vượt Trường Sơn" hồi tháng 8 vừa qua, tôi cực kỳ bị thuyết phục bởi bức ảnh Thanh chụp động tác của người lính giải phóng rót nước từ bi đông vào miệng người lính ngụy trên cao điểm 550 trong chiến dịch đường Chín - Nam Lào 1971. Đấy là thời điểm bấm máy bị chi phối bởi khát vọng hòa hợp dân tộc bỏng cháy trong Thanh. Lúc ấy, dám chụp một bức ảnh như thế phải là người hết sức bản lĩnh, dám đương đầu, dám chấp nhận để đạt tới nhân bản. Theo lời Thanh kể, chỉ sau đó vài giây, người lính giải phóng rời khỏi ống kính của anh để đi vào cõi bất tử. Người lính ấy ngã xuống vô danh như biết bao người lính, nhưng hành động đầy tình đồng bào của anh thì mãi mãi là lời nhắc nhở mọi thế hệ hãy sống với nhau chan chứa như ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng..." Có lẽ đó là lý do Thanh cứ đi tìm đến không biết chán những hình ảnh ở Trường Sơn, tìm đến mức "gàn dở, hấp lìm", tìm đến mức chính Thanh đã hóa thành một phần máu thịt trong cơ thể Trường Sơn. Cái sự tìm ấy của Thanh là tìm sự thực bi tráng tuyệt vời của Trường Sơn, chứ không phải sự thực được tô son trát phấn của lắm kẻ chỉ lăm lăm "đánh quả" Trường Sơn bằng những mỹ từ lu loa đến phát ngượng cả vong linh những người đã hy sinh. Thanh cực đoan với Trường Sơn đến mức bị nghi ngờ về "phẩm hạnh". Một trong số những người thiển cận nghi ngờ đó có tôi. Ở cái kinh kỳ Hà Thành nhỏ bé này mà suốt hơn hai mươi năm thanh bình, chúng tôi không có duyên gặp nhau mà chỉ nghe đồn về nhau. Về những lời đồn... chao ôi! những lời đồn...chúng khiến chúng tôi càng ngày càng không muốn gặp nhau. Thằng nào cũng sợ gặp phải một thằng "Trường Sơn dởm".
Nhưng rồi ông giời vẫn bắt chúng tôi tao ngộ. Tôi và Thanh chính thức gặp nhau và bắt đầu cảm thấy chơi được với nhau sau màn giáo đầu rất ngắn ngày 1 - 8 - 2000 khởi sự chuyến xuyên Việt, trước khi cùng bước lên xe ô tô. Và thế là trong suốt cuộc hành trình, hai thằng bi bô mãi những kỷ niệm chừng xa lắc về Trường Sơn, bi bô có lúc hơi lố vì xung quanh toàn là các bạn trẻ chưa một lần biết Trường Sơn. Và chắc chắn là sẽ lãnh đủ cái vụ "ra vẻ công thần". Song mặc thôi. Miễn là cứ thấy mình thoải mái, thoải mái như khi đang yêu thật lòng dẫu cái bi kịch, cái chết đang rình rấp đâu đó. Sống được mấy chục năm thanh bình, đối với những người như Thanh và tôi là lãi to rồi. Hạ màn lúc nào là xong lúc đó. Nhưng khi sự thật diễn ra thì chính tôi lại ngỡ ngàng sao có thể nhanh đến như thế... Hiểu tấm lòng của Thanh với Trường Sơn, về Hà Nội, tôi lại hiểu thêm tấm lòng của Thành với vẻ đẹp nguyên sơ ở cơ thể phụ nữ. Ở căn buồng hẹp số 79 Lý Thường Kiệt, nơi Thanh trút hơi thở cuối cùng một cánh đột ngột, Thanh đã từng làm tôi ngạt thở khi chất chồng lên tôi một núi ảnh "nude". Không hề có một chút gợi sắc lục gì ở những đường nét đầy giai điệu đó. Chỉ thấy sự hấp dẫn khó tả của vẻ đẹp toát ra từ những sáng tối, lấp loáng ấy. Và chúng tôi bàn với nhau về một triển lãm trong tương lai gần mang tên "Tòa thiên nhiên". Về cái khoản này, cứ xin chữ cụ Nguyễn Du là cao siêu và lành sạch nhất. Đã có một "Trọng Thanh Trường Sơn", lại có thêm một "Trọng Thanh nude". Khát vọng xóa đi những bi kịch giữa con người với con người là cảm hứng truyền qua những thời điểm bấm máy của Thanh. Không phải lúc nào khát vọng ấy cũng bật ra được từ những khuôn hình. Nhưng dù sao cũng không thể thiếu khát vọng. Vậy mà bi kịch lại bất chợt ập đến, cướp Thanh đi. Giải thích thế nào đây sự vô nghĩa lý này. Chỉ biết cuối cùng, tai họa giáng xuống với con người tức thì đều là bi kịch. Có lẽ đến bây giờ thì Thanh đã cảm thấy mình chết thật, chết hoàn toàn. Cầu mong linh hồn Thanh siêu thoát thanh thản để mau quây quần với những linh hồn từng có trong khuôn hình đa đoan của Thanh. N.T.K (142/12-00) |