Đời sống văn nghệ
Vài kỷ niệm về nhà thơ Thanh Hải
10:33 | 15/06/2010
TRẦN PHƯƠNG TRÀĐầu năm 1961, hai mươi bốn sinh viên khóa 3 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội chuẩn bị thi tốt nghiệp. Bắt đầu từ năm học này, sinh viên khoa ngữ văn phải làm luận án. Mỗi chúng tôi được giao làm một bản khóa luận về một vấn đề văn học, một tác giả hay một trào lưu văn học trong hoặc ngoài nước. Tôi chọn viết về Thanh Hải, Giang Nam, hai nhà thơ quen thuộc của miền Nam hồi ấy.
Vài kỷ niệm về nhà thơ Thanh Hải
Nhà thơ Thanh Hải
Ngoài một số bài đã đăng trên các báo, tôi được nhà thơ Lương An, biên tập thơ báo Thống Nhất cho mượn nhiều tài liệu về thơ từ miền Nam gửi ra. Tôi tìm thấy trong thơ Thanh Hải những hình ảnh thân thiết của người vợ có chồng đi tập kết, tình cảm của nhân dân dành cho những người kháng chiến cũ ở lại miền Nam, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các bộ cách mạng và nhân dân miền Nam và cả tội ác của giặc. Những bài thơ của Thanh Hải như “Mồ anh hoa nở”, “A Vầu không chết”, “Núi vẫn nhớ người vẫn thương”, “Cháu nhớ Bác Hồ”... gây được nhiều xúc động trong người đọc. Với sự hướng dẫn của giáo sư Hoàng Như Mai, tôi viết khóa luận về thơ Thanh Hải, Giang Nam trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi về công tác ở chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam cuối năm 1961. Tháng 10 năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Trong đoàn có nhà thơ Thanh Hải. Đoàn đã đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đã được gặp nhà thơ Thanh Hải. Một năm qua, tôi đã được làm quen với nét chữ của anh và hiểu một phần con người anh qua những bài thơ mà tôi đã đọc kỹ, dàn dựng thu thanh và phát trên sóng. Thật sự đau xót trong cảnh gặp gỡ hồi ấy:

            Tám năm nay mới gặp nhau
            Ôm nhau mà thấy lòng đau chín chiều
            Xa nhau chỉ một mái chèo
            Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”.


Năm 1967, tôi được trở về quê hương, tham gia công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, có nhà thơ Thanh Hải phụ trách. Anh làm chủ bút tờ “Cờ giải phóng”. Ở tòa soạn còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Lê Khánh Thông. Khi khu Trị- Thiên- Huế được thành lập, anh Thanh Hải và tôi được điều động về Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị- Thiên- Huế. Anh Thanh Hải là trưởng tiểu ban tuyên truyền văn nghệ. Chúng tôi rời cơ quan báo "Cờ giải phóng" để lên đường. Qua nhiều cánh rừng bị chất độc hóa học, cành trơ trụi chĩa thẳng lên trời với một màu tím âm âm, qua những hố bom B. 52, B. 57, mấy ngày đường mới về tới hậu cứ của Khu ủy. Lại bắt tay vào đào hầm, chặt cây, làm nhà và làm việc.

Thanh Hải nước da vàng sốt rét vẫn xốc vác trong mọi việc. Anh có nhiều kinh nghiệm sống ở rừng để ngăn ngừa bớt các thứ bệnh. Đã hai mươi năm lăn lộn với mảnh đất này, anh hiểu giá trị của từng ngày đang sống. Những ngày hoạt động “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã rèn cho anh tác phong gọn gàng khẩn trương trong mọi hoàn cảnh. Những lúc đào hầm, làm nhà hay ngồi bên bếp lửa rừng, anh kể nhiều chuyện dí dỏm và nhiều câu chuyện cảm động lúc đi tìm bắt liên lạc với dân.

Thanh Hải kể lại lần ra Bắc được gặp Bác Hồ, khi đọc bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ, ngâm đến câu “Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn”, anh quên mất. bác thấy Thanh Hải quên, liền ôm hôn, và nói:

- Đấy! Hôm nay Bác hôn thật đấy!

Thanh Hải kể:

- Có một lần, Bác nói một câu tôi nhớ mãi, lấy làm bài học cho mình. Khi đó Bác tặng anh Hiếu một cuốn Europe (Châu Âu) số đặc biệt đăng toàn tác phẩm Việt Nam, trong đó thơ Bác được dịch và đăng ở đầu. Nhân đó tôi cũng muốn khoe với Bác một chút. Tôi thưa: “Thưa Bác, trong này họ có dịch thơ cháu. Tôi tưởng Bác sẽ khen, không ngờ Bác nói:

- Ừ chú thì cứ đọc thơ chú, có đọc thơ ai!

Tôi biết Bác có ý phê bình, không nên đề cao mình không nên chỉ biết có mình mà không đọc tác phẩm, không học hỏi người khác.

Những ngày cuối năm 1967, một không khí náo nức khẩn trương trên mọi nẻo đường của chiến khu và vùng giáp ranh của Trị- Thiên- Huế. Tháng 12 này rừng núi Trị- Thiên không có mưa dầm, không có sương mù. Đây là một chuyện hiếm có. Đại hội mừng công của Trị Thiên Huế với hai khẩu hiệu “Tiến vào Đông Xuân quyết thắng” và “Giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Anh chị em thông tấn, báo chí, văn công, văn nghệ, điện ảnh... lo phục vụ đại hội và ngay sau đó nườm nượp đi về phía trước. Cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế một bộ phận ra Qủang Trị còn phần lớn dồn về Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 68. Chúng tôi lại lo làm tờ báo "Cờ giải phóng" số Tết Mậu Thân và các tài liệu tuyên truyền khác. Anh Thanh Hải về cánh Nam thành phố Huế. Anh trở lại với địa bàn xã Hương Thọ, với lăng Gia Long và các thôn Đình Môn, Kim Ngọc, Hải Cát... mà anh đã từng bám dân bám đất ở đây trong nhiều năm. Cùng với các đơn vị bộ đội đánh vào phía Nam Huế, Thanh Hải được sống những giờ phút lịch sử giữa thành phố quê hương. Đã biết bao lần đứng trên núi Kim Phụng, trên các ngọn đồi, cánh rừng phía Tây thành phố, anh nhìn về thành phố bên dòng sông Hương với niềm mơ ước được về đấy dù chỉ là vài phút. Mùa xuân 1968 này, anh được về giữa Huế. Những cảm xúc đó anh gửi gắm trong “Tổ khúc mùa xuân Huế” và cả trong vở kịch thơ: “Bình minh trên thành Huế”:

            “Ôi Huế của ta, Huế của ta
            Cành phượng chưa hè cũng nở hoa
            Cờ bay chiến lũy trên phòng ấm
            Súng tự lòng tin, súng bắn ra

Đầu năm 1968, Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế được đón các nhà báo Thái Cương, Lê Khánh Căn, Trương Xuân Thâm, Bùi Á, Hoàng Tá và Tô Chức. Các anh cùng chia nỗi gian lao với chúng tôi. Thanh Hải luôn nhiệt tình trao đổi với các nhà báo từ Hà Nội vào. Một hôm, Thanh Hải và tôi tiễn hai anh Bùi Á và Tô Chức ra trạm liên lạc để các đồng chí lãnh đạo huyện ủy Phong Điền, Quảng Điền đón các anh về vùng sâu.Thanh Hải ôm chặt Bùi Á, Tô Chức lưu luyến. Anh biết kỵ binh bay Mỹ đang hoạt động ráo riết khắp cả chiến trường Trị Thiên Huế. Cũng chỉ mấy tháng sau, Tô Chức đã hy sinh anh dũng ở đất Quảng Điền còn Bùi Á đã bị Mỹ bắt.

Mùa thu năm 1969, lực lượng văn nghệ Trị Thiên Huế tổ chức Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Giải phóng. Chúng tôi quây quần bên nhau để bàn bạc về sáng tác và biểu diễn văn nghệ. Có mặt nhiều anh chị em: Hồ Thuận An, Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Tuyến Trung, Thuận Yến, Trần Vàng Sao, Vũ Ngàn Chi, Phong Hải, Nghiêm Sĩ Thái, Nguyễn Hữu Vấn, Lê Phương Thảo, Lê Khánh Thông, Thu Lưỡng, Trần Phương Trà... Có cả nhà văn Xuân Thiều đến dự. Bài nói chuyện của đồng chí Hai Bình (bí danh của đồng chí Hoàng Anh, bí thư Trung ương Đảng), bí thư khu ủy Trị Thiên Huế với đại hội thật chân tình, cởi mở, gợi nhiều hướng mới cho anh chị em văn nghệ. Nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) được bầu làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải được bầu làm Chi hội phó kiêm Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế. Sau đại hội, anh Thanh Hải và tôi qua máy ghi âm chép lại bài nói chuyện của đồng chí Hoàng Anh và cho in rô- ni- ô gửi về các đơn vị.

Anh Thanh Hải cùng nhiều anh chị em báo chí văn nghệ dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh Trị Thiên Huế năm 1969. Anh Lê Chưởng, Phó bí thư Khu ủy thường ưu tiên dành cho chúng tôi được đến trước ngày khai mạc gần cả tuần lễ để gặp gỡ các đại biểu từ các nơi về để khai thác tài liệu. Nhà thơ Thanh Hải cũng chịu khó trò chuyện và ghi chép. Tôi nhận thấy tròng trắng mắt anh đã chuyển sang màu vàng như màu viên thuốc ki- na- cơ- rin pha loãng, tôi nói:

- Anh Thanh Hải ơi! Anh nghỉ đi kẻo nguy đó.

- Cậu này có nhiều chuyện hay quá. Mình đang ham mà...

Mấy ngày sau, ngay trong buổi khai mạc Đại hội, Thanh Hải ngã gục xuống phải chuyển đến phòng cấp cứu và ngay liền đó, anh được cáng đi bệnh viện với một bình mô- ri- a- min với ống truyền cho anh treo trên cáng.

Thanh Hải được cáng tiếp trên đường Trường Sơn và chuyển ra Bắc chữa bệnh. Thời gian sau, anh xây dựng gia đình với chị Thanh Tâm, cô văn công có giọng hò tha thiết ở Đội văn công xung kích của Thừa Thiên. Chị Tâm cũng được ra Bắc chữa bệnh và theo học nghề y.

Năm 1973, nhà thơ Thanh Hải trở lại chiến trường và lại cho ra tờ Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế tiếp tờ “Sinh hoạt văn nghệ” của chúng tôi làm năm trước.

Tháng năm 1975, đứng trên lầu Ngọ Môn trong ngày hội chiến thắng, chúng tôi bâng khuâng trước dòng người cuồn cuộn giữa cờ hoa và biểu ngữ tươi thắm. Phía Tây những dãy núi xanh thẫm uy nghiêm hằn rõ nét trên bầu trời trong xanh. Giờ đây được đứng trên lầu hoàng cung, nhà thơ Thanh Hải đã viết:

            “Hôm nay trên Ngọ Môn
            Ta lên ngôi chiến thắng”.

Sau năm 1975, Thanh Hải là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Thanh Hải vẫn viết đều đặn, ngoài đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh còn mở rộng nhiều đề tài khác. Trường ca "Hành khúc người ở lại” hoàn thành năm 1980.

Nhưng những năm tháng vô cùng gian khổ của một cán bộ bám đất bám dân, uống những nguồn nước có nhiều chất độc hóa học của Mỹ, bị những trận sốt rét dai dẳng tàn phá, bệnh gan của anh càng nặng thêm. Những năm tháng cuối cùng anh làm việc với nghị lực phi thường. Trong một bức thư gửi cho bạn anh viết: “... Tôi luôn luôn có cái ám ảnh của một người đau bệnh hiểm nghèo rằng, không biết mình sẽ nằm xuống lúc nào, nằm xuống để rồi không dậy nữa. Lúc đó để lại bao nhiêu chuyện dở dang, trong đó có những tác phẩm... Khi có điều kiện, người cảm thấy thoải mái đôi chút, là tôi liền ngồi vào bàn. Tôi tự nói: phải sống những ngày tháng cuối có ích để khi mất đi, mình vẫn làm việc đến giờ chót” (1)

Tôi cầm trên tay những tập thơ của Thanh Hải: “Những đồng chí trung kiên” (Văn học - 1962), “Huế mùa xuân” (Giải phóng 1970), “Huế mùa xuân” (tái bản, có bổ sung. Văn nghệ Giải phóng 1977), “Dấu võng Trường Sơn” (Văn học 1977), “Mưa xuân đất này” (Tác phẩm mới - 1982), “Thơ Thanh Hải” (Thuận Hóa- 1982) lòng bùi ngùi nghĩ đến những năm tháng sống bên anh. Thơ anh là tiếng nói chân chất đôn hậu, đậm đà tình yêu thương nhưng ít đổi mới trong phong cách, nhiều bài dàn trải, chưa có những cấu tứ mới lạ, nhiều chỗ còn tự lặp lại mình; Tuy vậy đã ghi lại kịp thời những hiện thực phong phú hào hùng của cách mạng miền Nam. Anh đã được giải nhất cuộc thi thơ báo Thống Nhất năm 1959, giải nhì cuộc thi thơ báo Thống Nhất năm 1962, các bài thơ trong tập “Tiếng hát miền Nam” được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965.

Nhà thơ Thanh Hải (tên thật là Phạm Bá Ngoãn) quê ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh ngày 4- 11- 1930 mất ngày 15- 12- 1980 tại Huế.

Thanh Hải là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” viết tháng 11- 1980 trước lúc mất có nửa tháng là tiếng nói chân thành như cuộc đời anh:

            “Một mùa xuân nho nhỏ
            Lặng lẽ dâng cho đời
            Dù là tuổi hai mươi
            Dù là khi tóc bạc”


Lời thơ tự khép lại đời thơ của một nhà thơ, một chiến sĩ dũng cảm đã sống trọn vẹn với lý tưởng của mình.

T.P.T
(142/12-00)


-----------------------------
(1)
Trích theo Ngô Văn Phú trong bài "Tâm hồn Thanh Hải" ở tập thơ "Mưa xuân đất này" - NXB Tác Phẩm Mới - 1983.




Các bài mới
Các bài đã đăng