Đời sống văn nghệ
Thư viết từ khám tử hình - Phan Đăng Lưu với mặt trận dân chủ ở Huế (1936 – 1939)
09:23 | 20/08/2008
LTS: Phan Đăng Lưu là một nhà cách mạng tiền bối, tiêu biểu của Đảng từng hoạt động ở Huế và có ảnh hưởng lớn đến trí thức văn nghệ sĩ yêu nước thời bấy giờ. Chính nhà thơ Tố Hữu cũng đã thổ lộ điều đó trong bài thơ Quê me (Anh Lưu anh Diểu dạy con đi).Nhân 100 năm ngày sinh Phan Đăng Lưu (5.5.1902 – 5.5.2002), Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu về đồng chí, đặc biệt là bức Thư viết từ khám tử hình – bức thư mang đặc trưng "đa nghĩa" của một tác phẩm văn học nên nó đã vượt qua được sự kiểm duyệt khắt khe của kẻ thù.

THƯ VIẾT TỪ KHÁM TỬ HÌNH

Con yêu quý (*)
Chắc là qua báo đăng, con đã biết tin cha bị kết án tử hình trong các điều mà cha bị buộc tội có những điều sau đây:
1. Theo lời khai của người nào đó tên là T trước khi chết, thì cha đã tham gia cùng anh ta trong một cuộc hội nghị bí mật ngày 19/11/1940, từ đó phát đi lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thế nhưng chính ngày đó (ngày 19/11) cha còn ở Hà Nội và chỉ về tới Sài Gòn sau ngày 22/12. Con thử nghĩ xem cha có cái thuật phân thân như một Phakia (1) hay phép biến hoá vô cùng như một vị đại thánh trong huyền thoại không?
2. Dường như cha đã thảo một lời kêu gọi gửi quân đội cách mạng. Thật ra, đó chỉ là một mảnh giấy trên đó có 4 - 5 dòng tiếp theo bản ghi chép của cha về Tân tứ quân của Đảng cộng sản Trung Quốc (Ôi dịch tức là phản!) (2).
Đó là hai tội, là điều đã mang lại cho cha án tử hình.
Nhưng con yêu quý con đừng buồn, con cố gắng lau khô nước mắt của mẹ con, hãy an ủi mọi người trong gia đình, nhất thiết đừng có chạy chọt, điều đó chỉ uổng công vô ích thôi.
Trong lúc chờ quyết định cuối cùng từ Pháp sang, cha hiện đang bị nhốt tại khám lớn Sài Gòn, phòng số 13. Chế độ dành cho cha và các bạn tù có thể nói là không chê trách được, nếu như không khí ở đây không ngột ngạt, vì phòng giam đúng là một cái lò, trong đó mọi người bị rang lên thật sự. Chỉ sợ cha và các bạn không thể sống lay lắt cho đến ngày hành hình.
Dẫu sao, cha cùng bình tâm nhận số phận đã dành cho mình và kiên gan chịu đựng.
Một lần nữa, con hãy tự an ủi và làm khuây lòng tất cả những người mà cha thương mến. Con trả lời cho cha càng sớm càng tốt.
PHAN ĐĂNG LƯU
--------------------------------------------
(*) Thư này được gởi đi từ Bưu điện Sài Gòn, đóng dấu 22 giờ ngày 2/5/1941, đến Bưu điện Hà Tĩnh 11h30 ngày 5/5/1941. Nguyên văn bằng chữ Pháp, viết bằng bút chì.
(1) Phakia, gốc từ chữ Arập, tên gọi những thầy tu khổ hạnh ở Ân Độ.
(2) Đây nguyên là thành ngữ La tinh được Phan Đăng Lưu viết bằng chữ La tinh trong thư "O tranuttore traditore" nghĩa là "Ôi dịch tức là phản", có ý ám chỉ người dịch bản ghi của cha về Tân tứ quân ra chữ Pháp đã dịch sai, gây nên sự hiểu lệch đi của người Pháp nghiên cứu hồ sơ của anh. Thành ngữ này đã mang tính quốc tế phổ biến.


PHAN ĐĂNG LƯU VỚI MẶT TRẬN DÂN CHỦ Ở HUẾ
(1936 – 1939)

NGÔ KHA

Đồng chí Phan Đăng Lưu, người con xứ Nghệ, người chiến sĩ cộng sản kiên cường sống mãi trong niềm kính trọng, biết ơn của nhân dân Huế về sự đóng góp to lớn của đồng chí trong phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế (1936 – 1939) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Những năm giữa thâp kỷ 20 của thế kỷ 20, từ làng Tràng Thành tỉnh Nghệ An, Phan Đăng Lưu đã vào học trung học tại Huế. Năm 1928, anh lại vào Huế để tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng Tân Việt và tham gia biên tập "Quan Hải tùng thư", soạn những cuốn sách tuyên truyền tư tưởng tiến bộ để giáo dục đảng viên và quần chúng. Ở Huế, Phan Đăng Lưu có điều kiện hòa mình vào công nhân, thanh niên, trí thức và nhiều tầng lớp lao động, tổ chức đấu tranh trong phong trào yêu nước – dân chủ. Tại Đại hội Đảng Tân Việt tháng 7.1928 họp tại Huế, đồng chí được bầu vào Thường vụ Tổng bộ Tân Việt, phụ trách tuyên huấn.
Cuối năm 1928, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm gặp Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nhưng bị mất liên lạc, đồng chí trở về nước. Sau đó đồng chí lại trở sang Trung Quốc một lần nữa, nhưng đồng chí đã bị địch vây bắt trên đường đi tại Hải Phòng và đưa về giam nhà tù Vinh. Năm 1930, Phan Đăng Lưu bị đày lên nhà lao Buôn Mê Thuột. Tại đây, đồng chí đã gặp lại các đảng viên cộng sản ở Huế. Đồng chí Bùi San kể lại: "Mấy năm sống cạnh anh Lưu ở Buôn Mê Thuột, anh mang số tù 1438, đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Một mặt, anh bền bỉ đấu tranh chống kẻ thù, mặt khác anh luôn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của anh em đồng chí. Anh thường xuyên giúp anh em nâng cao trình độ chính trị, giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng và chí khí chiến đấu..."
Đầu năm 1936, Phan Đăng Lưu được ra tù do phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta và trào lưu tiến bộ lúc bấy giờ. Đồng chí được trở về Huế – trở về với phong trào đấu tranh của một thành phố mà đồng chí từng gắn bó, thân thuộc. Anh lại hăng hái cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn, Bùi San lao vào cuộc chiến đấu mới.
Do bối cảnh lịch sử thuận lợi, Đảng ta đã tổ chức Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ dưới khẩu hiệu hòa bình, tự do dân chủ, cơm áo. Đảng chủ trương kết hợp những hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp để xây dựng tổ chức Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân.
Cuộc vận động Đông Dương Đại hội được tổ chức rộng khắp nhiều nơi trong nước, trong đó cuộc vận động ở Huế và các tỉnh miền Trung rất rầm rộ, sôi nổi. Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao phụ trách đấu tranh hợp pháp tại thành phố Huế. Đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc vận động Đông Dương Đại hội tại Huế và các tỉnh chung quanh. Sau thời gian vận động, Đại hội đại biểu nhân dân được tổ chức tại Huế – trung tâm chế độ cai trị thực dân phong kiến. Nhân dân thành phố Huế và các huyện tỉnh Thừa Thiên sôi sục kéo đến mít tinh tỏ sự ủng hộ tuyệt đối và đưa nguyện vọng của mình lên Đông Dương đại hội. Đồng chí Phan Đăng Lưu tham gia chủ tịch đoàn Đại hội. Việc tổ chức được Đông Dương đại hội ở Trung Kỳ là một thắng lợi lớn. Nhân dân khâm phục, tin tưởng các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu và các chiến sĩ cộng sản lãnh đạo cuộc họp đó.
Phát huy thắng lợi, các cuộc bãi công của thợ in, thợ may, công nhân nhà máy điện Huế, xưởng vôi Long Thọ và các cuộc đấu tranh của nông dân các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền... chống sưu thuế.
Đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần quan trọng lãnh đạo nhân dân Thừa Thiên Huế đón và đưa dân nguyện cho Gô Đa, phái viên Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương cuối tháng 2.1937. Trong hai ngày Gô Đa ở lại Huế, nhiều cuộc "đón tiếp" với nhiều bản "dân nguyện" được các tầng lớp nhân dân vượt qua sự kìm kẹp chặt chẽ của mật thám, của các loại lính tới tấp đưa đến Gô Đa. Gô Đa đã phải nhận những bản yêu sách đòi cải cách dân chủ ở Đông Dương. Ngày 27.2.1937, một số đoàn đại biểu, trong đó có đoàn do đồng chí Phan Đăng Lưu dẫn đầu đến gặp Gô Đa đưa một bản yêu sách, một bản dân nguyện với lời lẽ kiên quyết, đanh thép.. Phan Đăng Lưu là một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ yếu cuộc biểu dương lực lượng quần chúng đòi cải cách dân chủ, đòi cải thiện đời sống dứoi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Những ngày hoạt động ở Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên huấn của Đảng. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo các tờ báo Nhành Lúa, Sông Hương, cộng tác với "Quan Hải tùng thư", xuất bản những loại sách phổ thông nhằm giáo dục lòng yêu nước thanh niên trí thức Huế, viết bài cho báo "Hồn trẻ", "Tin tức".
Xứ ủy phân công đồng chí Phan Đăng Lưu tổ chức đại hội báo chí Trung Kỳ tại Huế để tập hợp những người viết báo tiến bộ, hướng các báo vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Đại hội báo chí đã họp tại Huế, có đại biểu trong Nam, ngoài Bắc và đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, học sinh Thừa Thiên Huế đến dự.
Năm 1938, báo Dân – cơ quan những người cấp tiến xứ Trung Kỳ ra đời do Phan Đăng Lưu phụ trách. Báo "Dân" đã thể hiện tập trung nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, được nhân dân Huế và Trung Kỳ hoan nghênh. Số đầu báo "Dân" đã đăng những bài thơ đầu tay của đồng chí Tố Hữu va nhà thơ nhớ mãi những lời dặn dò chí tình của đồng chí Phan Đăng Lưu: "... Hãy ở gần với đời sống, với quần chúng lao động.., lấy ngôn ngữ quần chúng, phải viết dễ đọc, dễ hiểu và đừng dài quá...". Sau này trong bài thơ "Quê mẹ", Tố Hữu đã ghi nhớ công lao của Phan Đăng Lưu:
"Con lớn lên con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chửa biết gì"
Đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng Nguyễn Chí Diểu và nhiều đảng viên khác đi sát các địa phương, tuyên truyền vận động thắng lợi việc bầu những người của Mặt trận Dân chủ vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, góp phần chỉ đạo đấu tranh chống lại dự án tăng thuế thành công.
Cuối năm 1939, Phan Đăng Lưu rời Huế vào hoạt động ở Nam Bộ và hy sinh anh dũng đầu năm 1941.
Đồng chí Phan Đăng Lưu đã tham gia tích cực, sắc bén trong chỉ đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ. "Đó là một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945 (Lê Duẩn – Dưới lá cờ vẻ vang)...
Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế ghi nhận vai trò của đồng chí Phan Đăng Lưu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Huế. Con đường có hiệu sách Thuận Hoá – cơ quan Xứ uỷ ở trung tâm thành phố được mang tên đường Phan Đăng Lưu, ngôi trường phổ thông trung học trên đường Huế – Thuận An, nhìn qua bên kia sông Phổ Lợi là ngôi nhà Bác Hồ ở Dương Nỗ, được mang tên Trường Phổ thông trung học Phan Đăng Lưu. Trong công tác giáo dục, phát huy truyền thống những chiến sĩ cộng sản kiên cường, Phan Đăng Lưu người con xứ Nghệ cũng như là một người con xứ Huế, một tấm gương cộng sản, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Huế.
N.K
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng