Chữ tình (động từ) xưa nay vẫn khi chìm trong cảnh giới trong sáng mù lòa hoặc khi trồi lên trên niềm đớn đau quyến rũ đối với mọi trái tim có dòng máu đỏ chạy qua. Huống nữa là giống hữu tình ! Hèn chi đến cụ Nguyễn Tiên Điền cũng phải thốt lên kinh ngạc trước những gì tưởng chừng như nghịch lý "Lạ cho mắt sắt cũng ngây vì tình". Lại nữa, cũng xưa nay, mặc dầu chữ tình trong quan hệ "đối tác" giữa male và female vẫn là sự dan díu "có đi có lại" nhưng không hiểu vì sao đó, người đời đã quen thói hiểu ngầm rằng phái mày râu là "thủ phạm" còn phái đẹp chỉ là những kẻ "tòng phạm". Bởi vậy mà theo ngôn ngữ thời thượng, những bài thơ tình vụng về nói chung haợc những bài thơ tình chưa đạt tới ngưỡng nào đó, người ta thường "định danh" cho nó là "thơ tán gái". Sao lại không gọi là thơ "tán trai" khi chính những bài thơ tỏ tình ấy lại được đẻ ra từ các thi sĩ mặc váy? Vì sự thiếu công bằng đó, nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Tòa ... chúng tôi xin "khởi tố" một vụ tỏ tình bằng "thơ tán trai" nhằm "minh oan" cho thế giới đàn ông và cũng là để trả lại sự bình đẳng vốn có từ hai phía của sợi tơ hồng mà có khi lại là sợi dây oan! Nguyên cớ là do một chuyến đi viết ở chốn sương mù Đà Lạt, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã "ngứa nghề" trước một má hồng vu vơ nào đó với những lời "mùi mẫn" như sau : Má hồng Đà Lạt Thông thì xanh, gió thì lạnh se se Sao má em lại hồng đến thế Ngẩn ngơ anh quên lối về Đường Đà Lạt vòng vèo cùng nỗi đam mê
Anh lang thang giữa đại ngàn Lâm Viên ngào ngạt Chẳng thấy bông nào thơm bằng má em Anh dang tay giữa Đồi Cù gọi nắng Chẳng thấy nắng nào ấm bằng má em
Anh đào rụng tơi bời tức tưởi Hường xù gai như nhím xù lông Hoa quỳnh trốn vào đêm mới nở Má hồng bị ghen, ghen lạ ghen lùng
Mi-mô-ja vàng say lòng du khách Hồng vào mùa chín đỏ trời thu Hoa cao nguyên muôn màu tươi tốt thế Chỉ có má hồng làm anh tương tư
Trong bát ngát sương mù anh bỗng nhận ra Đà Lạt Mặt trời mọc lên từ má em hồng. Đà Lạt 9-1998 Nguyễn Quang Hà Điều lạ là bài thơ này chỉ "lưu chiểu" trong đám bạn bè cùng giới ở Đà Lạt nhưng không biết bằng cách nào, nó đã lọt ra ngoài, đến tai một nữ sĩ mang biệt danh Hồng Nương. Chắc hẳn Hồng Nương phải là "giống hữu tình" nên nàng đã "vận vào" rồi "xôn xao nỗi lòng" và không hề tỏ ra e lệ khi "tự thú" với Sông Hương : Mới hay là giống hữu tình (Gửi người Sông Hương say "Má hồng Đà Lạt" Sông Hương nước chảy đôi dòng Vẫn e bên thú bên tòng Huế ơi ! H.N. Đa tình là Nguyễn Quang Hà Sương mù Đà Lạt nhìn ra má hồng Đã rằng ... má của ngàn thông Càng se gió lạnh càng không hao gầy
Bằng lăng giận tím trời mây Dám quên giời đất để say má hồng?
Phải chàng họ Thúc đó không, Nửa vành trăng khuyết vẫn hồng ... ba sao...
Một vùng trời thắp đất cao Má hồng em đấy, xôn xao hỡi lòng Đà Lạt 28 - 11- 1998 Hồng Nương Đọc qua, cứ ngỡ nàng là Tiểu thơ vị bùa mê, ai ngờ chính kẻ bỏ bùa cũng bị trái ngọt vườn cấm ám thị vào cuối tuần trăng mật để rồi sinh bệnh tương tư : Nhận thơ nữ sĩ Hồng Nương Ngỡ lạc trong cõi Nghê Thường... đắm say Ngỡ em đang ở đâu đây Mắt đen... đánh đắm lòng này... mất thôi Bất đồ anh gọi : Hồng ơi Em thưa... Tím cả một trời bằng lăng Từ đêm Ngọc Hải... dùng dằng Lạc đâu một cánh chim bằng... tương tư. Khốn khổ cho kẻ đa tình, khi viết xong những dòng gan ruột đó cho Nàng thơ thì hắn mới ngẩn tò tè ra rằng, Hồng Nương là ai? ở đâu? Để gửi đi? Hẵn cuống cuồng lên "Một hai quên đất quên trời, sẵn sàng chết với hương đời... là ta". Không biết hắn mê hay ngộ mà dám nói đến "điềm gở" để đùa với ái tình? Đoạn thơ "nối dài nỗi nênh" của hắn sau đây chẳng phải là một bằng cớ đó sao? Hỡi lòng... Như lửa... xôn xao "Má hồng em đấy" cánh đào đầu xuân Sá gì núi cách sông ngăn Gửi môi theo gió bất thần hôn em Cứ hồ nghe má nóng lên Ấy là anh đã ở bên em rồi Một hai quên đất quên trời Sẵn sàng chết với hương đời... là ta! Ôi, không biết Hồng Nương là ai? Liệu nàng có làm nên một T.T.KH nồng nàn bí ẩn, nồng nàn lưu danh nữa hay cũng chỉ là một thoáng lẳng lơ "không để lại dấu vết" trong thăm thẳm cõi tình?! Nguồn: TCSH, 3.1999) |