TRỊNH THANH SƠN (T.T.S): Anh nổi tiếng là một nhà thơ (hiện là Ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam) – nhạc sĩ tài hoa, lại còn là một họa sĩ vẽ bìa sách rất đáng nể... bên cạnh một nhà báo năng nổ, xông xáo, cộng tác với nhiều tờ báo khắp cả nước, vậy các công việc có chồng chéo lên nhau và làm hại nhau không? Thực lòng, anh dồn tâm huyết cho công việc nào hơn cả? NGUYỄN TRỌNG TẠO (N.T.T): Những người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật đều xuất phát từ năng khiếu bẩm sinh và đam mê của riêng mình. Người ta bảo đấy là "trời cho" hoặc "giời bắt tội". Có người trời cho nhiều, có người trời cho ít. Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn đều là những người đa tài, họ "động" vào các lĩnh vực trời cho, đều thành công cả. Tôi đến với văn thơ, nhạc, họa hay làm báo đều rất tự nhiên, và cũng có ít nhiều thành công. Lĩnh vực nào cũng có giải thưởng cả đấy. Tuy nhiên, làm thơ vẫn là công việc mà tôi tâm đắc hơn cả. Đến nay tôi đã xuất bản được 8 tập thơ và 2 tập trường ca. Về vẽ có chuyện khá thú vị là hồi nhỏ tôi đã vẽ tranh, và một lần cùng bạn mang tranh vào bán ở chợ Vinh (cách nhà tôi 40km). Sau này làm thơ tôi có nhắc đến kỷ niệm đó. "Những bức tranh sơn thủy đầu tiên đã chiêu đãi chúng tôi quýt cam và bánh mỳ Trưa no nê nhìn phố xá trăm màu. Tối tìm chỗ ngủ lang thang nhớ mẹ". T.T.S: Bài hát "Làng quan họ quê tôi" nổi tiếng của anh đã được viết trong hoàn cảnh nào? Một kỷ niệm đẹp của anh về bài hát đó? N.T.T: Bài hát LQHQT được sáng tác vào năm 1978 tại làng Khương Hạ (Hà Nội), hồi đó tôi đang dự trại sáng tác văn học của quân đội, sau khi được anh Nguyễn Phan Hách đưa cho bài thơ "Làng quan họ" nhờ tôi phổ nhạc. Lúc ấy tôi chưa hề đến Bắc Ninh hay Bắc Giang lần nào. Bài hát này thành công chắc là nhờ vào tình yêu làng quê của tôi từ nhỏ. Năm 1979, tôi đang cùng bộ đội tình nguyện Việt tham gia tiểu phỉ ở Lào thì được nghe Đài TNVN phát bài hát này lần đầu tiên. Sau này bài hát được chọn vào 100 ca khúc Việt Nam trong chương trình Karaoke của Nhật Bản. Nó cũng đã được giàn nhạc giao hưởng Laizich biểu diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại CHDC Đức, và gần đây, nó là một trong hai nhạc phẩm VN (cùng với Trịnh Công Sơn) có tên trong danh mục chương trình biểu diễn khai trương dịch vụ quảng cáo trên màn hình điện tử LED (VINAVISION) tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Một kỷ niệm vui: Tôi và bạn bè vào nhà hàng rắn ở Gia Lâm, anh chủ nhà hàng khi biết tôi là tác giả bài hát này đã vui vẻ chiêu đãi toàn bộ bữa tiệc vì anh đã lấy được cô vợ Bắc Ninh nhờ thích hát LQHQT. T.T.S: Có người nói anh là người chăm bẵm hết lòng cho những nhà thơ trẻ và sẵn sàng làm vệ sỹ cho họ. Ý kiến đó thực hư ra sao? N.T.T: Tôi thích các nhà thơ trẻ vì họ thường mang tới cho thơ bộ mặt mới mẻ nhất. Đã là cái mới thì không dễ được chấp nhận. Tôi ủng hộ cái mới, thường bị tư duy bảo thủ ngáng trở. Đó là điều bình thường. Nhưng tôi tin cái mới sẽ thắng. T.T.S: Dường như các nghệ sĩ đa tài đều gặp nhiều trắc trở trong đời sống riêng tư, anh có nghĩ như vậy không? N.T.T: Những người tài thường có cá tính "khác người". Ngựa hay thường lắm tật. Nếu có trắc trở trong đời sống riêng tư thì tôi luôn lấy câu của người xưa "tiên trách kỷ hậu trách nhân" để răn mình. T.T.S: Điều làm anh quan tâm nhất trong đời sống văn nghệ của ta hiện nay là gì? N.T.T: Đấy là sự thật. Hình như văn nghệ của ta chưa thấu thị sự thật, hoặc né tránh sự thật, hoặc không đủ tài (?), không đủ điều kiện để đạt tới sự thật lớn của dân tộc và thời đại. T.T.S: "Em mèo ơi đừng đến nữa/ sợ em dựng dậy tử thi" (Chiêm cảm – ĐDCNL) là hai câu thơ khá đặc biệt của anh. Sao lại có "em mèo" và sao "em mèo" lại dựng dậy tử thi? Hay anh thuộc về trường phái thơ hũ nút? N.T.T: Nếu nhớ điển tích "mèo nhảy qua xác chết" thì câu thơ của tôi sẽ trở nên dễ hiểu. Tất nhiên thơ không chỉ nói về điển tích mà dùng điển tích để nói một vấn đề khác, đấy là tình yêu, "Em mèo" vừa là mèo lại vừa là em nữa. T.T.S: Giới âm nhạc có coi anh là kẻ lạc loài và muốn "đuổi" anh về với Nàng thơ không? Anh ăn ở với họ có "cơm dẻo, canh ngọt" không? N.T.T: Các nhà thơ thường quý tôi vì tôi còn là một nhạc sĩ. Còn các nhạc sĩ lại quý tôi vì tôi còn là một nhà thơ. Có lẽ nhờ thế mà tôi trở thành người giàu có về đường bạn hữu. T.T.S: Hằng ngày, anh ngủ mấy tiếng? Anh thường viết vào ban đêm hay ban ngày? Khi làm thơ, anh có... thắp bạch lạp và hương không? N.T.T: Có đêm tôi thức trắng vì bạn bè. Có đêm tôi thức trắng vì đọc và viết. Nhưng nói chung thì cũng phải ngủ ít nhất 6/24 tiếng. Tôi thường viết vào buổi sáng (từ 4 – 7 giờ 30). Đây là thời gian rất yên tĩnh, đầu óc thường minh mẫn và cảm xúc thì trong lành. Vào thời gian và không gian ấy dù không thắp nến, đốt trầm thì tâm linh vẫn sáng và thơm. T.T.S: Ít người biết hiện anh đang sống với... ai trong nhà mình. Anh có thể bật mí đôi chút về đời tư được không? N.T.T: Tôi có 3 cháu (2 gái, 1 trai). Cháu gái lớn đang sống với tôi ở Hà Nội. Hai cháu nhỏ và vợ tôi đang sống với ông bà già ở Huế. Hai vợ chồng tôi thường "làm việc" với nhau qua điện thoại. Vợ tôi là giáo viên, nên gia đình thường sum họp vào ngày hè, và ngày tết. Vợ tôi thường nói đùa là lấy chồng thời bình mà cứ như lấy bộ đội thời chiến. T.T.S: Không phải ai cũng ưa thơ anh, càng không phải ai cũng... dám chơi với anh. Anh có buồn vì điều đó? N.T.T: Tôi rất thích chuyện "Bá Nha – Tử Kỳ". Làm thơ và đọc thơ là câu chuyện tâm đắc, tri âm. Một người đồng cảm là đã đủ. Nhưng tôi có nhiều độc giả đấy chứ? Bằng chứng là từ chí Bắc có khá nhiều người thuộc thơ tôi, thậm chí có người còn công khai bắt chước giọng thơ của tôi. Phải khoe với anh một chút là tôi có đến cả trăm bài thơ bạn bè đề tặng. Thích là một việc, chơi lại là một việc khác, "dám chơi" lại là một việc khác nữa! Thú thực là có lúc tôi đã giật mình thấy thời gian mình giành cho bạn bè "hơi bị" nhiều. Rất mong được chia sẻ về ý nghĩ thiển cận này. T.T.S: Lâu lắm không thấy anh công bố bài hát mới nào? hay là anh "quên" nhạc rồi? N.T.T: Tôi không chú tâm nhiều vào sáng tác âm nhạc mà chỉ thường viết ca khúc theo ngẫu hứng. Sau khi xuất bản album Tình khúc bốn mùa, thỉnh thoảng tôi vẫn viết ca khúc, nhưng cũng ít công bố. Gần đây có thêm 3 ca khúc đoạt giải thưởng là Đôi mắt đò ngang, Đồng Lộc thông ru và Cánh đồng ở giữa hai làng. Bài hát mới nhất của tôi là Có một ngày, hai câu thơ đầu của lời ca là hai câu mở đầu một bài tiểu luận của Ngô Minh. T.T.S: Một nhà thơ và một nhạc sĩ trẻ mà anh đánh giá có triển vọng nhất hiện nay? N.T.T: Tôi thấy có dăm nhà thơ trẻ đang nổi lên gần đây, đặc biệt là Văn Cầm Hải (Huế) và Vi Thuỳ Linh (Hà Nội). Như đã nói ở trên là tôi rất kỳ vọng về họ dù có người không ưa họ. Còn âm nhạc thì tôi lại rất quan tâm đến nhạc sĩ Ngọc Đại, dù đã trên 50 tuổi rồi, nhưng âm nhạc của anh trẻ hơn cả những nhạc sĩ trẻ đang thịnh hành. T.T.S: Ông Trịnh Công Sơn và ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có phải là hai người mà anh yêu quý nhất. Anh đánh giá về họ thế nào? N.T.T: Hai người mà anh nhắc tới là hai nhân vật rất nổi tiếng. Họ và tôi đều có gắn bó với xứ Huế, và có những đồng cảm sâu sắc trong quan niệm sáng tác và vui sống. Tôi nghĩ họ là hai nhà nhân văn có tài năng độc đáo. Họ đồng thời là hai nhà văn hóa hành văn đầy cá tính, không lẫn với những người khác, và có ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống văn nghệ Việt Nam cuối thế kỷ XX. T.T.S: Phải nói một lời gan ruột về điện ảnh nước nhà hôm nay, anh sẽ nói thế nào? N.T.T: Điện ảnh VN đã đi những bước dài đáng tự hào. Nó như là cơm không thể thiếu với người Việt hôm nay. Nhưng hình như tính kể chuyện đang lấn át tính điện ảnh. Ngay trong văn học hôm nay, người ta đang cố gắng giảm tính kể chuyện mà tăng tính viết truyện. Tôi nghĩ điện ảnh cần tạo ra nhiều ấn tượng về hình hơn nữa. T.T.S: Quyển sách "Văn chương cảm và luận" của anh được coi là quyển sách có tính sư phạm, đáng được đưa vào các nhà trường, anh có nghĩ như vậy không? N.T.T: Tôi viết tiểu luận phê bình như để giải tỏa những cảm hứng thưởng thức văn nghệ của riêng mình, qua đó cũng phát biểu những quan niệm nghệ thuật cá nhân. Nếu được chia sẻ thì còn thú vị nào bằng. Những gì đưa vào giảng dạy ở nhà trường phải ở "tiêu chuẩn" rất cao. Tôi nghĩ điều đó nên dành cho các nhà chuyên môn thì hơn. T.T.S: Rất nhiều người nói với tôi rằng: Trong Hội đồng thơ của Hội Nhà văn VN, anh là người "khó mua" nhất? Người ta có "mua" anh để được vào Hội hoặc được giải thưởng không? N.T.T: Thực ra thì đã có ai "mua thử" đâu mà tôi biết mình dễ hay khó?... Nhưng nói cho cùng, nhà văn là những người thiên về tình cảm, hay cả nể bạn bè đồng nghiệp. Tuy nhiên, vào hội hay giải thưởng không phải là mua bán mà được. Những người mua danh hay bán danh nếu có trót lọt, rồi cũng sẽ bị thiên hạ chê cười. T.T.S: Sau khi xuất bản cuốn sách mới nhất "Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ" anh đã nhận được phản ứng của dư luận ra sao, họ khen chê thế nào? N.T.T: "Đấy là cuốn sách dễ đọc, có nhiều chuyện lạ về đời tư văn nghệ sĩ khá thú vị" – Có tờ báo đã nhận xét như thế. Nhiều bạn bè chưa được tặng sách, dù tôi đã tặng trên 100 cuốn rồi. Thú thực là giá sách 50 ngàn đồng, tôi không thể nào tặng cho tất cả... T.T.S: Trong quan niệm của anh, một bài thơ hay phải hội tụ những phẩm chất gì? Trong các nhà thơ đương đại Việt Nam, anh yêu ai nhất? Anh gần với ai nhất? N.T.T: Tôi cho rằng, một bài thơ hay phải hội tụ được ý-cảnh-thần. Nếu yếu một trong ba điều ấy thì bài thơ sẽ trở nên khập khiễng. Thơ Việt thế kỷ XX khá nhiều bài đã đạt được cái tỷ lệ vàng trong tam giác ấy như Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử hay Lá diêu bông của Hoàng Cầm. Tôi nhắc hai bài thơ này vì đấy là của hai tác giả rất độc đáo trong thơ ta, hơn nữa chính thơ của những tác giả này đã có tác động rất lớn vào tình yêu thi ca của tôi suốt mấy chục năm qua. T.T.S: Uống rượu có phải là sở thích duy nhất trong nhu cầu ẩm thực của anh không? Khi đang viết, anh có uống rượu không? N.T.T: Nói đúng hơn, uống rượu là sở thích của tôi khi gặp bạn. Bởi tôi không bao giờ uống rượu một mình. Còn đang viết mà uống rượu thì chắc là rượu sẽ mất ngon hoặc viết sẽ mất hay (viết khác với nói). Ấy thế mà có lần nhờ uống rượu với bạn, lúc say tôi đã thốt ra hai câu thơ mà sau đó được truyền tụng rất nhiều ở Huế. Đó là: Sông Hương hóa rượu ta đến uống. Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say. T.T.S: Vì lẽ gì mà anh rời Huế ra Hà Nội? Nếu anh không tiện thổ lộ thì thôi. Xa Huế, anh nhớ điều gì nhất? N.T.T: Hồi 1975 đi dọc đất nước thống nhất, tôi trộm nghĩ rằng: Làm văn nên ở Hà Nội, làm báo nên ở Sài Gòn, nghỉ hưu nên ở Huế. Vậy mà hơn 10 năm ở Huế tôi đã làm được tập thơ quan trọng của đời tôi đấy là tập Đồng dao cho người lớn. Có lần tôi đã tâm sự: Huế đã ném vào thơ tôi môt vốc khói sương, làm cho thơ tôi lung linh và huyền ảo hẳn lên. Làm sao mà không nhớ khói sương huyền bí của Huế được. T.T.S: Xưa nay, anh ghét điều gì nhất? Anh có "kẻ thù" không? N.T.T: Tôi ghét sự giả dối và cơ hội. Đó cũng là 2 "kẻ thù" nguy hiểm của tôi chăng? T.T.S: Yếu mềm là nét tính cách phổ biến của nghệ sĩ, anh có khi nào yếu mềm không? Vì lẽ gì? Yêu đương là dinh dưỡng của thi ca – người ta nói thế, còn anh? N.T.T: Yếu mềm trước cái đẹp, Lý Bạch đã nhảy xuống sông vớt trăng mà chết. Không yếu mềm trước cái đẹp, tôi đã không làm thơ, làm nhạc. Nhà thơ Xuân Hoàng có lần nhận xét, đôi lúc tôi đã tự dựng lên những barie để vượt qua. Nhưng trong đời tôi đã nhiều lần phải vượt qua những barie thật. Nhiều khi đau buồn và tuyệt vọng lại là dinh dưỡng cho sáng tạo nghệ thuật. Tôi thường nghĩ tới điều đó và thấy mọi trả giá cho nghệ thuật, thật là không uổng. TRỊNH THANH SƠN (Thực hiện)
(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)
|