Đời sống văn nghệ
Sáng tác ở phố biển Vũng Tàu
08:56 | 04/09/2008
TRẦN HUY THANHTừ ngày 1 đến 15/7/2002, được sự giúp đỡ của Bộ Văn hoá Thông tin, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử đoàn văn nghệ sĩ đi dự trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Nhà sáng tác Vũng Tàu.

Chiều 25/6/2002, Ban Thường vụ Hội đã tổ chức cuộc gặp gỡ các trại viên trước khi lên đường. Nhà thơ Võ Quê, hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đến dự buổi chia tay với đoàn và trao đổi mục đích, ý nghĩa, kế hoạch của đợt đi sáng tác. Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hội Văn nghệ dân gian) được cử làm trưởng đoàn, Huỳnh Mẫn (Hội Nhiếp ảnh) làm phó đoàn. Văn phòng Hội dự kiến thuê xe đưa đoàn từ Huế đến Vũng Tàu nhưng nhạc sĩ Trần Hữu Pháp không muốn đi xe. Anh đưa bàn tay vỗ vỗ lên trán nói:"Tôi đi xe hay bị chóng mặt, xin đi xe lửa thôi". Nhạc sĩ Minh Phương ngồi cạnh đứng dậy ủng hộ: "Tôi cũng xin đi xe lửa để bảo vệ cho... anh Pháp". Kế hoạch đi xe không thành. Sáng hôm sau, Võ Văn Yến (Văn phòng Hội) liên hệ ga Huế để mua vé. Đoàn chia làm hai nhóm, nhóm 1 gồm có Minh Phương, Ngọc Tranh (Sân khấu), Trần Hữu Pháp, Mai Xuân Hoà (Âm nhạc), Huỳnh Mẫn, Võ Đông Bảy (Nhiếp ảnh) và Võ Quê (Chủ tịch Hội) đi tàu S1 khởi hành lúc 7 giờ sáng 29/6, vào đến thành phố Hồ Chí Minh tảng sáng 30/6, tiếp nhận thêm trại viên mới là hoạ sĩ - nhà văn Trần Quốc Tiến (Tấn Hoài) rồi về Vũng Tàu buổi sáng cùng ngày. Nhóm 2 đi tàu S9 khởi hành lúc 12 giờ 5 phút ngày 29/6 gồm có Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Huy Thanh (Văn nghệ dân gian), Phạm Tấn Hầu, Nguyễn Văn Vinh, Đỗ Văn Khoái (Văn học), Nguyễn Hùng, Phạm Quang Trinh (Mỹ thuật) và Võ Văn Yến, đến thành phố Hồ Chí Minh trưa ngày 30/6. Chị Phương Lan (từng công tác ở văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ 1980 - 1989) cùng anh Trương Công Minh ra ga đón từ 10 giờ 30 và chuẩn bị xe đưa đoàn đến Vũng Tàu lúc 16 giờ 20 kịp xem truyền hình trực tiếp trận thi đấu vòng chung kết World Cup 2002 giữa hai đội Đức và Braxin. Điều bất ngờ là chưa đầy một tuần sau đó, Phương Lan đã trở thành trại viên không chính thức, một bóng hồng xinh đẹp duy nhất của cả đoàn Thừa Thiên Huế. Chị đến với trại bằng tất cả tình cảm, tấm lòng và cả sự giúp đỡ thiết thực, cùng tham gia sinh hoạt và vẽ tranh rất tích cực, là người thuộc rất nhiều bài thơ hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.
Lễ khai mạc trại tổ chức vào chiều 2/7/2002 trong bầu không khí thân mật, ấm cúng, tươi vui, được Đài Phát thanh Truyền hình và báo Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 3 và 4/7 đưa tin. Tuy nhiên công việc sáng tác không đợi đến lễ khai mạc mới bắt đầu mà trước đó trên chuyến tàu tốc hành S9. Đỗ Văn Khoái đã say sưa tìm đến nàng thơ với bài "Ngày ra đi", bài thơ ra đời sớm nhất của trại (xin trích mấy câu):
Ra đi trên chuyến tàu của gió
Vẫn mang theo nguyên vẹn ánh mắt nhìn.
Cuộc chia tay không thể nào khác được
Sao nỗi buồn cứ chật chội trong tim
.
Sáng 1/7, Trần Quốc Tiến, Trần Hữu Pháp, Mai Xuân Hoà, Minh Phương, Ngọc Tranh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Vinh, Trần Huy Thanh đã ngồi vào bàn khai bút. Hai họa sĩ Nguyễn Hùng và Phạm Quang Trinh phác thảo những đường nét ban đầu cho tác phẩm Thời gianĐược mùa. Huỳnh Mẫn và Võ Đông Bảy đi từ Bãi sau ra Bãi trước, núi nhỏ lên núi lớn để săn tìm những khoảnh khắc bấm máy ưng ý nhất.
Sau lễ khai mạc, không khí sáng tác trở nên sôi nổi hơn và ai nấy đều muốn chạy đua với thời gian eo hẹp để kịp hoàn thành tác phẩm. Không ít người sau khi hoàn tất bản thảo theo đề cương đã đăng ký còn viết thêm đề tài mới: Ngày 10/7 viết xong vở kịch nói 10 cảnh "Bác sĩ và cô gái điên", nhà soạn kịch Ngọc Tranh gửi ra Hà Nội theo lời đề nghị của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và anh bắt tay viết tiếp vở kịch mới: "Cô gái giữa đạn bom". Trần Quốc Tiến vừa viết truyện dài "Đổi đời" vừa làm thơ và vẽ hàng chục bức ký họa chân dung. Minh Phương không chỉ có vở kịch nói "Tiếng chim mùa đông" mà con viết ca cảnh tặng Nhà Thiếu nhi Vũng Tàu, 2 ca khúc "Bâng Khuâng Vũng Tàu" và Mùa biển. Anh và nhạc sĩ Mai Xuân Hoà chăm chút cho tác phẩm của mình rất cẩn thận, nhờ hoạ sĩ Trần Quốc Tiến và Nguyễn Hùng giúp trang trí và vẽ tranh minh hoạ. Nguyễn Văn Vinh ngay sau khi kết thúc hai truyện ngắn "Kỷ vật thiêng liêng" và "Hai ngôi sao" anh tranh thủ viết thêm bài ký "Tản mạn một chuyến đi" và phần đầu thiên tiểu thuyết "Long đong phận người". Phạm Tấn Hầu ngoài 5 bài thơ tâm đắc còn soạn xong đề cương tập thơ tình "Mấy thuở". Khung cảnh thiên nhiên trữ tình, quyến rũ, huyền ảo và nên thơ của khu vực Thùy Vân là nguồn cảm hứng quan trọng tạo nên 7 bài thơ, 4 ca khúc, 14 bức tranh, 21 ảnh nghệ thuật, 1 ca cảnh và 1 ký ngợi ca mảnh đất và con người Bà Rịa Vũng Tàu đang từng ngày đổi mới đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp bị vẻ đẹp về đêm của Thùy Vân chinh phục liền đặt tên cho ca khúc của mình là "Đêm Thùy Vân". Anh còn có bài hát "Đêm giàn khoan nhớ Huế" phổ từ thơ của Nguyễn Xuân Sang (Vũng Tàu). Sáng tác ở phố biển nên không lạ gì trong các tác phẩm của đoàn có rất nhiều từ biển: nào là biển sáng, biển lặng, biển xanh, biển ru, bọt biển, trời biển.v.v... Sau biển là từ sóng: sóng ngủ, sóng vỗ, sóng tung tăng... tiếp đến là các từ gió, bão, cát và bơ. Cũng xin nói thêm về vị trưởng đoàn, 52 tuổi, trùng họ và tên với cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Sau khi xuất bản hai tác phẩm "Sáng tác lời ca Huế và dân ca" (1981) và "Huế - một bài thơ" (1997), Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nỗi ám ảnh sợ rằng sáng tác mới sẽ "không vượt lên được chính mình" nên suốt thời gian trại anh dành hết tâm trí hoàn thành tác phẩm thứ 3 "Hát cùng đất nước"gồm 19 bài ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên.
Ngày ngày cặm cụi, suy tư bên trang viết hay giá vẽ, những lúc đi tham quan, dạo chơi, tắm biển, gặp gỡ chuyện trò trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và sinh hoạt chung là những giây phút thư giãn và để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Những buổi đọc thơ, đấu thơ, sáng tác thơ tập thể về một đề tài nào đó bất chợt xuất hiện hay kể chuyện giai thoại được tổ chức tự phát ở quán cà phê bên góc phố, trên bãi biển hoặc trên căng tin đã đem đến cho các trại viên những tiếng cười rộn ràng tươi vui, lạc quan, yêu đời. Ấn tượng sâu sắc và rôm rả hơn cả là lễ bế mạc trại vào chiều tối 15/7 với một chương trình phong phú thơ ca nhạc hoạ của các trại viên, của nhà thơ Xuân Sách, Lưu Trọng Phúc, giọng ngâm của Thanh Xuân (Vũng Tàu) và tiếng ca ngọt ngào sâu lặng của Kim Minh (Thành phố Hồ Chí Minh). Tấm ảnh nghệ thuật Bình minh trên biển Vũng Tàu (40x50) do Huỳnh Mẫn và Võ Đông Bảy thực hiện là món quà lưu niệm của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã được trưởng đoàn Nguyễn Bỉnh Khiêm trao tặng cho Nhà sáng tác.
Từ biệt Vũng Tàu, mọi người cứ thấy tiếc ngẩn ngơ, chẳng ai muốn rời xa thành phố biển du lịch mộng mơ, hoa lệ và hiền hoà. Phạm Tấn Hầu đã bộc bạch nỗi niềm lưu luyến ấy qua bài thơ "Chào Vũng Tàu":
...Ta chào những con còng bé nhỏ
Lẩn trốn vào hang động tuổi thơ ta.
Bao lâu đài xây từ mơ ước
Bỗng hiện lên làm cổ tích cho người.
T.H.T
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng