Đầu năm 1980 Ban tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi yêu cầu tôi làm một bộ phim tài liệu để chiếu tại Hội nghị quốc tế về Nguyễn Trãi do UNESCO tổ chức vào cuối năm đó ở Hà Nội. Thực tình tôi rất lo lắng vì ngoài cuốn Ức Trai thi tập, hầu như tài liệu về ông không có gì ngoại trừ bức chân dung vẽ trên lụa còn lưu lại trong Viện Bảo tàng lịch sử. Nếu làm một phim tiểu sử thông thường thì không có đủ tư liệu để quay, chưa kể còn phải nói đến di sản thơ ca đồ sộ của ông nữa... Cuối cùng tôi đã chọn cho mình một cách thể hiện riêng: tôi sẽ làm một bộ phim không theo một thể loại nào đã có từ trước đến nay trong điện ảnh. Bộ phim của tôi sẽ là một tuỳ bút điện ảnh về Nguyễn Trãi, giống như một thứ tùy bút trong trong văn học vậy. Sở dĩ tôi có được quyết định đó là vì tôi nghĩ đến những tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà tôi đã được đọc và vô cùng khâm phục. Đương nhiên người viết thuyết minh cho phim tôi sẽ không phải là ai khác ngoài nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và như vậy lần đầu tiên tôi đã đến với anh Tường để rồi từ đó chúng tôi trở thành bạn thân của nhau. Bộ phim tài liệu Nguyễn Trãi dài 30 phút đã được chiếu trước hơn 100 nhà văn hóa của Việt và thế giới tham dự Hội nghị quốc tế về Nguyễn Trãi vào cuối năm 1980. Bộ phim đã làm mọi người hài lòng, cảm động và về sau đã được tặng giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt lần thứ 6. Thành công của phim có được một phần lớn nhờ chất uyên bác thâm trầm trong lời bình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó thực sự là một thiên tuỳ bút có giá trị mà về sau đã được đăng lại trên một tạp chí văn học. Hai năm sau chúng tôi lại có duyên nợ với nhau một lần nữa. Trước khi lên Lạng Sơn để quay phim truyện Thị xã trong tầm tay (bộ phim đầu tiên do tôi tự viết kịch bản) tình cờ tôi lại gặp anh Tường từ Huế ra để đi thực tế lên biên giới phía Bắc. Tôi liền rủ anh đi cùng. Anh đã lăn lộn với đoàn phim chúng tôi suốt một tháng trời ở Lạng Sơn. Trong những ngày ấy tôi có nhờ anh làm một bài thơ để nhạc sỹ Trịnh Công Sơn phổ nhạc, trở thành một ca khúc trong phim. Tôi còn nhớ hai câu đầu của bài thơ ấy như sau: Mãi còn nơi biên giới/ Mây trời và ải xưa/ Một miền đất nắng mưa/ Suốt đời tôi mang nặng... Những miền đất mà Hoàng Phủ Ngọc Tường mang nặng có nhiều lắm, suốt từ Bắc chí . Đó là những nơi anh đã từng đặt chân qua, cho dù đó chỉ là một lối mòn lau lách trên Trường Sơn... Nhưng có một miền đất mà anh nặng lòng hơn cả, đó là Huế. Chúng ta đã nghe nói nhiều về sự uyên bác, về cái hành trang văn hoá đầy đặn của anh. Đôi khi tôi tự hỏi, không biết bằng cách nào và từ lúc nào anh đã trang bị cho mình được cái vốn kiến thức đông tây kim cổ một cách toàn diện đến như vậy? Nền giáo dục nào đã nhào nặn nên con người văn hoá trong anh, một người chỉ có một văn bằng cử nhân Triết? (về điểm này những nhà cải cách giáo dục ngày nay nếu tìm hiểu chắc sẽ có nhiều điều bổ ích). Nhưng cái làm nên giá trị văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo tôi nghĩ lại không nằm trong những kiến thức văn hoá uyên thâm ấy, mà nằm trong cái chất Huế của con người anh. Những tầng văn hoá kia, những suy ngẫm nọ trên từng trang tuỳ bút của anh đều được phản chiếu qua một tâm hồn rất Huế. Những rung động trong anh là những rung động của một tâm hồn rất Huế. Có thể nói cái chất Huế đầy ắp trong con người anh. Nếu có một ai đó muốn tìm hiểu thế nào là một tâm hồn Huế, thiết nghĩ chỉ cần đọc tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường là có thể biết được phần nào. Thật vậy, không một người Huế nào lại không bắt gặp trong văn thơ của anh một chút trạng thái tâm hồn của chính mình. Anh đã nói hộ cho họ rất nhiều. Anh đã biến cái tầm thường trở nên có ý nghĩa, biến cái bình dị trở nên cao siêu và biến cái cao siêu trở nên gần gũi bình dị. Hãy để các nhà nghiên cứu chuyên môn phân tích xem cái chất Huế ấy gồm những tố chất gì? Riêng tôi, tôi chỉ biết cảm nhận được nó mà thôi. Đối với tôi Huế là cha mẹ tôi, là chú bác cô gì nội ngoại của tôi... và Huế là Hoàng Phủ NgọcTường. Những bút ký của anh từ lâu đã nuôi dưỡng, đánh thức dậy cái chất Huế trong tôi. Điều đó vô cùng quan thiết đối với tôi, một người làm sáng tác điện ảnh. Cái chất Huế đó bàng bạc khắp trong các phim mà tôi đã làm mặc dù đề tài của các phim rất khác nhau. Người ta đã tôn tạo, bảo tồn rất nhiều lâu đài thành quách ở cố đô này. Nhưng mảnh đất này sẽ không quyến rũ đến như vậy nếu không có những tâm hồn Huế, cái chất Huế. Về phương diện này có thể nói Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đã miệt mài nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị phi vật thể đó. Những gì vô hình sẽ còn lại mãi mãi với thời gian. Xin cám ơn anh, một tâm hồn rất Huế. |