Đời sống văn nghệ
Nhà thơ hậu sinh làng Nghi Tàm
15:43 | 09/09/2008
XUÂN ĐÀI(Trích ký sự)Trong gần mấy trăm vòng hoa viếng Phùng Quán, có một vòng hoa rất đặc biệt. Đó là vòng hoa của "những người câu cá trộm" cư ngụ ở những làng dọc đê Yên Phụ, chủ yếu là làng Nghi Tàm, xã Quảng An, Hà Nội. Kèm theo vòng hoa là một phong bì phúng điếu mà số tiền gấp đôi tiền phúng điếu của cơ quan Hội Nhà văn Việt .
Nhà thơ hậu sinh làng Nghi Tàm
Nhà thơ Phùng Quán với vợ và hai con

Sáng ấy đội quân câu cá trộm, người ăn mặc chỉnh tề complê cà vạt hẳn hoi, người ăn mặc luộm thuộm, tóc tai bù xù như vừa mới chui dưới hồ lên. Chỉ có một điều giống nhau: đều mang băng tang ở đầu hoặc tay. Đội quân ấy vốn là những người hay cười, hay nói, lấy chuyện tếu táo làm niềm vui, hôm nay khác hẳn, trên những khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác, tất cả đều đượm buồn, đượm một vẻ mất mát lớn lao, như mất một người thân trong gia đình, trong gia tộc. Với họ, Phùng Quán thực sự là người anh em ruột thịt. Họ xếp hàng từ ngoài ngõ, theo vòng hoa, chầm chậm bước vào, tập hợp quanh linh cữu thành vòng tròn. Một người lớn tuổi nhất bước lên một bước, dõng dạc hô: “Nghiêm, phút mặc niệm người đồng đội vô cùng thương yêu của chúng ta, nhà văn tài năng, nhà câu cá bậc thầy, bắt đầu!”. Xong phút mặc niệm nghiêm trang, ông rút từ áo bông ra mảnh giấy đánh bằng vi tính. Lời chia buồn của họ có văn bản hẳn hoi, chứ không "nói vo" như một số đoàn của các cơ quan văn hóa. Lời văn không được suôn sẻ, không được hùng hồn. Có lẽ quá xúc động nên giọng đọc của anh đứt quãng, ngọng nghịu, những người đến viếng đang đứng chật cứng quanh linh cữu đều xúc động khi nghe. Anh Phùng Quán ơi, chúng tôi là đồng đội của anh, hầu như tất cả ở đây đều đã làm lính cụ Hồ thời chống Pháp, chống Mỹ, tất cả đều là bạn thân của anh thời câu cá trộm Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Cũng như anh, trên mình chúng tôi có những vết sẹo do bom đạn giặc để lại và những vết sẹo do tuần hồ "ban tặng". Các "chiến sĩ tuần hồ" đánh mình cũng là sai luật, phải không anh Phùng Quán? Nhưng họ có quyền làm sai, còn chúng ta không được quyền làm sai là đánh lại họ dù chân tay cũng ngứa ngáy lắm! Vì đánh họ là ta đi tù, bỏ đói vợ con. Nhà văn Phùng Quán ơi, người bạn ao hồ của chúng tôi ơi, xin báo cho anh một tin mừng, tất cả những người đang đứng quanh chiếc hòm của anh (có tiếng xì xào, sao không dùng từ linh cữu. Có tiếng đáp lại nhỏ nhẻ: thế mới là dân câu trộm chứ). Anh đại diện quệt nước mắt vào ống tay áo, đọc lại: tất cả những người đang đứng quanh linh cữu của anh đã chấm dứt nghề câu cá trộm, trở thành công nhân quốc doanh đánh cá hồ Tây được vào biên chế, có lương hàng tháng, tốt quá Quán ơi! Vĩnh biệt anh, chúng tôi tự hào về người đồng đội của mình, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, được toàn dân yêu mến. Anh đại diện đột ngột dừng lại, hô: “Nghiêm, tất cả đọc thơ!” Gần hai chục con người đồng loạt đọc:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
...
Sét đánh trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao khắc văn lên đá!
Dứt lời điếu văn độc đáo của những con người độc đáo có một không hai của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tất cả từ ông đại tá đến chị hàng cá, hàng gà vịt, hàng bún riêu... chợ Châu Long, chợ vỉa hè, các nhà thơ, nhà văn, cho đến các em nhỏ tất cả đều sụt sịt, không ai cầm được nước mắt. Có tiếng xì xào bình luận:
- Hay lắm, sâu sắc lắm, dân ao hồ phơi lòng mình ra cho mọi người biết, xúc động hơn các bài thơ của các thi hữu đọc từ hôm qua tới giờ, kể cả bài thơ của Hoàng Cầm.
Lúc đương thời, Phùng Quán rất thích bài thơ của Maiakovsky khóc Lênin: "Em nhỏ nghiêm trang như các cụ già/ Các cụ già khóc như em nhỏ". Phùng Quán ơi, quanh linh cữu bạn, em nhỏ và các cụ già không ai nghiêm trang, tất cả đều khóc, nước mắt như mưa xối xuống Hồ Tây. Thương một đời lao lực, một đời cơ cực, một đời thơ của anh.
Trong những người đang đứng quanh quan tài không biết có anh Trần Văn Tôn, có biệt danh là Tôn Tẩn không? Tôi muốn kể với mọi người về anh, một người mà Phùng Quán yêu mến, mang ơn. Trong các câu chuyện bên chiếu rượu kể về những ngày lận đận của mình, Phùng Quán không bao giờ quên nhắc tới anh.
Anh Tôn mang biệt danh là Tôn Tẩn. Tôn Tẩn là "hắc danh" do trẻ con câu cá trộm làng Nghi Tàm đặt cho. Tẩn là đấm, Tẩn là đánh. Tẩn là vừa đánh vừa đá vừa đạp. Nghe có tợn không các bạn! Đó chỉ là cái bề ngoài, không phải bản chất của anh. Tôn Tẩn là đội trưởng đội tuần hồ, anh có nhiệm vụ chỉ huy đồng đội của mình dẹp loạn đội quân trộm cắp cá mú ở Hồ Tây. Đã bao lần anh nói năng nhẹ nhàng rồi tịch thu cần câu, không thể nào dẹp nổi. Mất cần này sắm cần khác, dây câu và lưỡi câu thiếu gì ngoài chợ, chỉ một con chép cỡ hai ký lô là sắm được mấy bộ đồ nghề. Mất bộ này sắm bộ khác, nhanh như trở bàn tay. Cực chẳng đã anh Tôn mới ra tay, vũ phu đấm đá. Anh biết đánh người là sai, là phạm luật, phạm nội quy của công ty cá đề ra, nhưng phải nói thật, từ ngày anh ra đòn chân tay, nạn câu trộm bớt dần, nhất là trẻ con. Bố mẹ thấy con mình đầu u, mắt thâm quầng, sưng húp, liền bẻ cần câu, không cho con "hành nghề" nữa, mặc dù rất căm giận Tôn Tẩn ra "đòn thù" với con mình. Dân câu trộm, người lớn thì lì đòn hơn và cũng tháo chạy mau hơn, trong đó có Phùng Quán. Nhiều lần Phùng Quán thấy nhục định bỏ "nghề", nhưng bỏ thì lấy tiền đâu mua gạo, mua bột, mua đường sữa cho đứa con gái đầu lòng mới sinh. Kể từ lúc Tôn Tẩn xuất hiện, một lần Quán phát hiện từ xa, kịp quăng cần câu xuống hồ, tháo chạy. Lần thứ hai vì bọn trẻ con không báo động kịp, Phùng Quán bị Tôn Tẩn đạp cho hai đạp ngã dúi xuống hồ. Lần đó Quán chỉ mất bộ đồ nghề câu cá, chứ tính mạng an toàn vì anh là người bơi lặn vào cỡ cá kình. Lần thứ ba Tôn Tẩn đánh theo lối đặc công, nhô từ mép hồ lên. Phùng Quán đang ngồi trên cành cây to vươn là đà mặt nước, không tháo chạy kịp. Tôn Tẩn cầm lấy ngực áo Phùng Quán, thoi hai thoi vào mặt, rồi nhoay nhoay ngực áo định lấy đà xô Phùng Quán vào thân cây. Phùng Quán liền hét: Mày đánh tao bao nhiêu cũng được, đánh đến chết cũng được, tao không thiết sống nữa, nhưng mày giật đứt huy hiệu chiến sĩ Điện Biên tao đang đeo trên ngực là tao ăn thua đủ với mày”. Nghe vậy, Tôn Tẩn nới lỏng tay, Phùng Quán lấn tới: không chơi bằng tay thì tao chơi bằng súng. Bỗng Tôn Tẩn buông tay ra khỏi ngực áo của Quán, hỏi: mày cũng đánh Điện Biên hả? Ở sư nào? Tao là dân 308 đây!
Lúc đó trời nhá nhem tối, lất phất mưa phùn, không rõ mặt người. Tôn Tẩn chỉ nhận ra khuôn mặt lờ đờ hốc hác của Phùng Quán. Phùng Quán bị đòn đột ngột, hoa đom đóm, trước mặt anh Tôn Tẩn chỉ là một cái bóng đen. Tôn Tẩn dịu giọng bảo với Phùng Quán: Tao đánh mày có đau lắm không? Rồi cầm tay lắc lắc, mày là đồng đội của tao lại là cán bộ miền tập kết, nghe giọng mày tao biết không phải Quảng Trị cũng Thừa Thiên, sao mày lại đến nông nổi này hả? Mày tên là gì? Phùng Quán liền đáp như đã quen miệng xưa nay trả lời những người xa lạ: Tao là Trần Lực Điền, con bà Trưởng Giới trong xóm!
- Mày là con đẻ hay con nuôi?
- Con nuôi, làm sao mà có một bà mẹ Hà Nội đẻ ra một đứa con nói tiếng Huế như tao được, hỏi chi mà dị hợm rứa!
Tôn Tẩn hất hàm: Thôi, hôm nay cầm cả cần câu, cả cá về đi.
- Vừa mới xách cần ra ngồi chưa ấm chỗ thì mày đến, đã được con mẹ nào đâu. Mày cứ tịch thu cần câu đi cho tròn nhiệm vụ, tao không cần đứa nào thương hại cả.
Tôn Tẩn sẵng giọng: Mày coi tao là đồ chó à. Nói rồi Tôn Tẩn xọc tay vào túi áo bông lôi ra hộp dầu cù là đưa cho Phùng Quán, dầu con hổ đấy, mang về mà xoa những vết bầm. Cầm cá về đi nó đang vẫy kia kìa, lừa tao không dễ đâu. Cầm về đi, cầm về đi! Vờ vĩnh làm gì. Tao không phải là đồ chó mà bắt lại cá của mày. Nói rồi Tôn Tẩn cúi xuống mép hồ xách cái oi đựng cá lên, phán: con chép này bỏ rẻ cũng cân tám!
Phùng Quán mặt đầy máu, thất thểu xách giỏ cá đi về. Cay đắng ngập lòng.

Gió mùa Đông Bắc giật từng cơn thổi vào làng Nghi Tàm. Những ngôi nhà ngói kín cổng cao tường, yên lành giấc ngủ. Trong ngôi nhà tranh xập xệ, hai mẹ con Phùng Quán thao thức không ngủ được. Mẹ ở trong gian bếp, cái giường một kê sát vách. Gian ngoài, Phùng Quán trải rơm, lót một lớp bao bố, loại bao bố đựng gạo, Quán mua về tháo ra khâu lại làm chiếu, làm chăn. Gió từ Hồ Tây vẫn thốc lên từng cơn. Cột, kèo xà nhà làm bằng tre, kêu răng rắc như sắp đổ ập xuống đè lấy hai mẹ con. Cứ như vậy, cơn bão rớt kéo dài có dễ vài tiếng đồng hồ. Mưa vừa lạnh, gió đã yếu dần bỗng có tiếng gọi bên vách nhà. Cụ Trưởng Giơi vừa hỏi ai đó, vừa lách cửa bước ra.
- Con đây mà, Tôn tuần hồ. Con muốn gặp anh Điền, Điền có nhà không mẹ?
- Mưa gió thế này có việc gì cần mà anh đến vậy?
Cụ Trưởng Giơi liếc nhìn xâu cá gần chục con trên tay Tôn, thầm đoán có dễ đến năm ký lô, gọi với vào nhà: Điền với Lực đâu rồi! có cái tên cha mẹ đặt không chịu nói lại cứ khai tên bậy tên bạ.
Phùng Quán ngồi dậy bật diêm châm đèn Hoa Kỳ. Châm xong, anh vặn to ngọn lửa, rồi cầm đèn bước ra thềm nhà: khách quý đâu, xin mời vào. Người khách vừa cười vừa nói đùa: tên gì mà như sắp sửa đánh nhau, hết Lực lại đến Điền. Có cái tên đẹp đẽ ai cũng biết, vậy mà không xưng ra. Tối hôm qua mà cứ nói ngay là Phùng Quán thì có phải tớ đã không mắc khuyết điểm đánh người. Người đó lại là nhà văn nổi tiếng mới chết chứ!
- Thôi, Tôn Tẩn vào đi – Phùng Quán giục – vào trong khép cửa lại cho bớt gió, rồi ta trò chuyện.
Bà Trưởng Giơi xuống bếp, chui vào cái ổ của mình, nằm lắng nghe "anh tuần hồ" với anh "nhà văn câu trộm" trò chuyện. Bà nghe không bỏ sót một câu nào. Tôn Tẩn bảo từ nay Quán không cần đi câu trộm nữa, đêm đêm Tôn Tẩn sẽ quăng cá qua hàng rào cho Quán, ăn con nào thì ăn, còn nữa thì mang đi bán lấy tiền mua gạo. Phùng Quán một mực từ chối vì biết cá đó là Tôn Tẩn tịch thu của dân câu trộm, phần lớn là trẻ con. Làm vậy hóa ra cướp công của bọn trẻ, dân gian gọi cướp... cơm chim. Chỉ mong Tôn để cho Quán câu thoải mái một chút, Tôn cứ đuổi bắt nhưng đừng đánh là được rồi. Tôn Tẩn lý lẽ nếu vậy thì không được, dân trộm cá Hồ Tây sẽ cho Tôn Tẩn là không công bằng, có cảm tình với Phùng Quán. Hai bên chuyện trò qua lại, phân tích điều hơn lẽ thiệt, cuối cùng Tôn cũng chiều theo ý Phùng Quán là để cho Quán câu và yêu cầu Quán ngồi thật xa bọn trẻ con ra, để khi động thì bỏ chạy là được, trẻ con làng Nghi Tàm nó ranh ma quỷ quái lắm.
Nhận định của Tôn Tẩn quả là chính xác, chỉ mấy hôm là tụi nhỏ "bắt bài" được. Mấy đứa khôn lanh cứ thấy Quán ngồi câu ở đâu là chúng tìm cách ngồi gần, chúng nó nói hụych toẹt là nếu Tôn Tẩn bao che cho chú Quán mà mạnh tay trị chúng là không xong đâu. Phùng Quán thấy khó xử quá, bị tuần hồ ghét cũng khổ, được tuần hồ thương cũng không sung sướng gì hơn. Tôn Tẩn không phải là người nông cạn, anh cũng biết cách cư xử của một người lính từng trải. Từ đó đi tuần nếu là đi bộ dọc bờ hồ, anh lên giọng húng hắng từ đằng xa. Nếu là đi xuồng, vào gần đến bờ là anh khua chèo loạn xị ngậu, báo động cho mọi người biết.
Khi đã tường tận chuyện này, các cụ già làng Nghi Tàm bình luận: thế là từ nay quân trộm cắp đồng lõa với tuần hồ, tuần hồ đồng lõa với trộm cắp. Được vậy là nhờ cái danh của anh nhà thơ nhà văn. Phùng Quán sống cả làng phải nuôi, Phùng Quán chết là làng phải thờ.
Trước sự ưu ái của Tôn Tẩn với dân làng Nghi Tàm, nói hẹp lại với dân câu trộm, lòng Phùng Quán không yên. Anh nghĩ tới dân câu trộm xung quanh hồ ở những làng khác bị dân tuần hồ ra tay không thương tiếc. Hạnh phúc của làng anh là bất hạnh của làng khác. Người làng khác cho rằng dân Nghi Tàm đã mua được Tôn Tẩn bằng tiền. Hễ cứ gặp dân Nghi Tàm là chửi xéo: tiên sư cha quân vô lại, chúng mày cậy có tiền mua chuộc quan nha. Chúng mày cứ liệu hồn, chúng ông không để yên đâu.
Gần nửa đêm một ngày nọ Tôn Tẩn lại mò đến nhà Phùng Quán, gọi Phùng Quán ra thuyền đang neo ở sát bờ. Tôn Tẩn chèo thuyền chở Phùng Quán ra giữa Hồ Tây, cắm sào dừng lại. Trên thuyền chỉ có hai người. Tôn Tẩn bày mâm ra, trên mâm có hai khúc cá luộc, ba khúc cá rán và ở gần đầu thuyền nồi cháo cá đặt trên bếp dầu đang sôi sùng sục. Tôn Tẩn vừa rót rượu ra ly vừa bảo: Tớ cứ thậm thụt ra vào nhà cậu, không tiện cho tớ và cũng không tiện cho cả cậu. Tớ mới nghĩ ra cái sáng kiến chở cậu ra giữa hồ để hai thằng trò chuyện
với nhau cho thoải mái. Tớ muốn biết vì sao cậu bị liệt vào hạng chống Đảng chính phủ. Tớ thấy mặt cậu hiền lành, nói năng nhỏ nhẻ, dáng bộ thư sinh, tớ không thấy một nét nào của dân chống đối. Cảm cái tình người, tình bộ đội cụ Hồ với nhau, Quán trút bầu tâm sự với Tôn Tẩn như trút bầu tâm sự với một văn hữu. Phùng Quán nói ngắn gọn về vụ "Nhân văn Giai phẩm" cho Tôn Tẩn nghe. Quán bị quy là chống Đảng với hai bài thơ đăng báo. Một bài "Chống tham ô lãng phí" đăng ở "Giai phẩm mùa xuân" tháng 03 năm 1956 và bài "Lời mẹ dặn" đăng ở báo Văn – cơ quan ngôn luận của hội nhà văn tháng 09 năm 1957. Có rượu vào, thường là Quán rất bốc. Anh đọc cho Tôn Tẩn nghe lại cả hai bài thơ từ câu đầu đến câu cuối, không sai một chữ. Nghe xong Tôn Tẩn tư lự một lúc, lát sau bảo với Phùng Quán: hai bài thơ đó có gì là phản động đâu, nếu không nói là hết sức xây dựng nữa là đằng khác. Phùng Quán vốn là người rất ít thích thanh minh, anh chỉ thích bộc bạch tâm sự đời mình qua thơ "thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi" như anh từng tuyên bố. Rượu đúng là thiên tài làm cho con người ta hưng phấn, trung thực trước mọi người. Quán liền đọc cho Tôn Tẩn nghe một loạt bài thơ tình của anh chưa đăng ở báo nào. Tôn Tẩn ngồi gật gù, ra chiều tâm đắc lắm. Mà anh tâm đắc thật sự. Tôn Tẩn lấy giấy bút, đề nghị Quán chép cho mấy câu thơ tình vừa đọc, trước hết là chép cho anh bài "Tình yêu và Biển". Phùng Quán bảo hôm này rãnh rỗi sẽ chép tặng riêng Tôn Tẩn một tập. Hôm nay để thời giờ hai thằng uống rượu bù khú với nhau cho sướng cái đã. Tôn Tẩn yêu cầu Phùng Quán đọc lại bài thơ một lần nữa. Với giọng Huế ngọt ngào, lên bổng xuống trầm đúng chỗ. Phùng Quán bắt đầu:
Ngày xưa tôi chưa ra biển bao giờ
Tôi tưởng biển xanh màu xanh phẳng lặng.
Ngày xưa tôi chưa yêu bao giờ
Tôi tưởng tình yêu toàn là mộng.

Ngày nay tôi ra biển rồi
Tôi biết biển sóng to gió lớn.

Ngày nay tôi yêu rồi
Tôi biết tình yêu mộng nhiều, nhiều cay đắng

Không sóng gió to, không còn là biển
Chưa nhiều cay đắng chưa phải tình yêu

Phùng Quán định đọc tiếp vài bài thơ tình khác, song Tôn Tẩn gạt đi, bắt Quán đọc lại bài vừa rồi một lần nữa. Có lẽ anh chàng tuần hồ vừa bị người yêu nghỉ chơi, thất tình, nên mới thích bài thơ đến vậy. Chiều bạn, Phùng Quán vốn là người rất thích chiều bạn, anh vui vẻ đọc lại một lần nữa. Phùng Quán vừa dứt câu cuối cùng bài thơ tình anh làm năm hai mươi tuổi khi mối tình đầu tan vỡ. Tôn Tẩn bảo để anh tự đọc lại. Và Tôn Tẩn đã dõng dạc đọc, không sai một chữ nào.
Qua trò chuyện câu được câu mất, ngất ngưỡng bên chén rượu, Phùng Quán biết được lý lịch trích ngang của Tôn Tẩn. Tôn Tẩn quê ở Thái Bình, cha mẹ được xếp vào loại giàu có nhất nhì ở một làng ven biển huyện Tiền Hải. Gia đình anh vừa có ruộng cho tá điền lĩnh canh vừa có thuyền thuê ngư phủ đánh cá. Ngày cải cách ruộng đất, cha mẹ anh được xếp vào loại tầng lớp trên. Nếu là bần cố nông với học lực hết lớp đệ nhị trường Thăng Long, cộng với bảy năm lính dạn dày chiến trận, Tôn Tẩn đã được một ghế ngồi sang trọng ở cơ quan thuỷ sản, chứ không phải làm cái chân tuần hồ. Tôn Tẩn lại nghĩ khác, anh cảm ơn trời phật đã dun dủi cho anh làm nghề này. Nghề tuần hồ đã giúp anh biết được nhiều thân phận bất hạnh, trong đó có thân phận của những đồng đội lính tráng của anh, thân phận của một số văn nghệ sĩ anh hiểu được qua sự truyền đạt của Phùng Quán. Anh không có ý định viết văn làm thơ mà chỉ yêu văn, yêu thơ. Qua văn thơ anh yêu con người, yêu thương cuộc đời hơn.
Làng Nghi Tàm là "hòn đảo" chạy dài thoai thoải nằm sát bờ đê Yên Phụ, cách đường khoảng gần một trăm mét. Những người già trong làng nói về sự hình thành hòn đảo nhỏ này mỗi người một phách. Có cụ bảo khi con trâu vàng quần thảo vùng đất bây giờ là Hồ Tây nó chừa ra một khoảng đất để nghếch đầu lên nghỉ ngơi. Cái để nghếch đầu lúc nhàn tản của con trâu làm nên cái làng thơ mộng này. Người khác lại cho rằng Nghi Tàm là vùng đất do nhân dân đắp nên mà thành từ thời nhà Lý. Tất cả là truyền thuyết, là chuyện đơm đặt. Chỉ có điều chắc chắn là Bà Huyện Thanh Quan và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng cư ngụ ở đây. Người ta khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột, thời cụ Nguyễn Du ghé thăm nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn phải đi đò, chứ chưa có con đường để vào như bây giờ. Sau khi lang bạt khắp Hà Nội, Phùng Quán về trú ngụ ở làng Nghi Tàm. Từ đó Nghi Tàm có thêm một nhà thơ hậu sinh.
X.Đ

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng