Đời sống văn nghệ
Nhà văn Sơn Nam nghèo mà sang
16:49 | 30/09/2008
NGUYỄN QUANG SÁNG“Cách đây ba năm tôi có viết về nhà văn Sơn , chớ không phải khi nghe tin anh đi xa rồi, tôi mới nghĩ đến anh. Tôi viết về anh lúc anh còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Anh đã đọc, gật đầu, cười…”.
Nhà văn Sơn Nam nghèo mà sang

Hai mươi mốt năm (1954-1975) gặp lại nhà văn Sơn giữa Sài Gòn, câu đầu tiên tôi hỏi anh:
- Anh chạy xe đạp, xe máy được chưa?
Anh cười hề:
- Vẫn đi bộ!
Và từ đó đến nay, nhà văn Sơn vẫn đi bộ. Anh không nói với tôi vì sao anh thích đi bộ. Nhưng tôi có một người bạn cũng thích đi bộ, anh bạn nói: đi bộ thấy, nghe chuyện đời nhiều hơn, sâu hơn. Đúng vậy!
Ngày đầu giải phóng, có một số bạn không hiểu vì sao, một nhà văn ở R (Nguyễn Quang Sáng) và nhà văn Sơn Nam sống trong đô thị Sài Gòn lại có những câu đối đáp thân tình như vậy?

Năm 1950, tôi và nhà văn Sơn cùng làm việc trong phòng chính trị Phân Liên Khu Miền Tây bộ. Phòng chính trị có hai ban: Ban Tuyên huấn và Ban Địch ngụy vận. Trong Ban Tuyên huấn có một tiểu ban văn nghệ, gồm có nhiều văn nghệ sĩ. Trong số đó có ca sĩ Quốc Hương, nhà thơ Hoàng Tấn, Hoàng Phố (gọi đùa là ông Hai Hoàng), nhà văn Thái Bạch và nhà văn Sơn . Năm ấy, nhà văn Sơn lấy bút danh là Phạm Anh Tài (giấy khai sanh là Phạm Anh Tày). Tôi là người của Ban Địch ngụy vận, cơ quan chuyên nghiên cứu và theo dõi các sắc lính của quân đội Pháp và các tôn giáo. Tôi là cán bộ nghiên cứu, chả biết gì về văn chương. Hai cơ quan thường đóng quân trên một dòng kinh, tới lui qua lại thường gặp nhau.

Trong số văn nghệ sĩ ấy, người oai vệ nhất là ca sĩ Quốc Hương, lúc nào quân phục cũng chỉnh tề, cây súng ngắn đeo xề xệ đến tận gối, còn Phạm Anh Tài thì lang thang lếch thếch. Mấy bộ bà ba màu cháo lòng vừa cũ vừa nhàu nát. Thấy hết ham! Nhưng tôi nể tài văn chương qua hai truyện ngắn: “Cù lao dung” và “Tây đầu đỏ” của anh mà tôi được đọc. Anh ít khi ở cơ quan lâu ngày. Mới thấy anh đó thì ngày mai anh đã đi rồi. Anh về các làng của miền Tây, mỗi lần anh về, anh kể không biết bao nhiêu chuyện, kể liên miên. Nhiều chuyện lạ về đời sống của rừng. Qua chuyện của anh, tôi đoán là anh đi khắp cả rừng U Minh. Tôi nể anh hơn khi được biết anh là tỉnh uỷ viên dự khuyết của tỉnh Rạch Giá, không hiểu sao anh từ bỏ cương vị lãnh đạo tỉnh mà dấn thân vào con đường văn chương? Miền Tây bộ là miền sông nước, phương tiện đi lại là xuồng ghe. Xuồng ghe cơ quan cấp cho tuỳ theo cấp bậc. Cán bộ cao cấp thì đi ghe có mui bốn chèo. Lái hai chèo, mũi hai chèo, tức là hai giao liên. Dưới đó một cấp thì cũng ghe mui, nhưng chỉ có hai chèo, nếu không có mui thì hai mái lá che nắng, che mưa, cán bộ dưới nữa thì cơ quan cấp cho một chiếc tự chèo lấy, và dưới nữa nếu gặp chuyến thì theo giao liên còn không thì quá giang xuồng ghe của thương hồ. Ở cương vị cán bộ lãnh đạo như anh, anh phải đi trên chiếc xuồng hai chèo hoặc có mui hoặc có rèm. Là nhà văn, đi đâu anh cũng quá giang theo xuồng ghe của thương hồ. Anh đi sông lớn, sông nhỏ, theo kinh theo rạch, anh đi khắp cả sông nước miền Tây.

Chiến dịch Long Châu Hà năm 1950, một số văn nghệ sĩ và cán bộ các phòng ban cùng hành quân theo bộ đội. Qua sông, qua đồn bót địch, qua các cánh đồng, thọc sâu vào vùng địch. Trên đường hành quân, tôi nghe ca sĩ Quốc Hương, gặp nhà văn Phạm Anh Tài, nghe nhà thơ Vũ Anh Khanh đọc thơ…
Có một lần, tôi với anh cùng một chuyến đi, hai người một chiếc xuồng, tự chèo lấy, đi từ Rạch Ráng Cà Mau về huyện Tân Biên Rạch Giá. Xô xuồng ra đi từ buổi chiều. Đường dài như vậy thì phải thay nhau chèo. Tôi chèo, anh kể chuyện cho tôi nghe. Vừa kể chuyện vừa tự mình tranh luận với mình, anh đưa một giả thuyết sai trái trong văn chương, trong nghệ thuật rồi anh đập lại, nghe thật sướng tai. Nếu anh chèo thay, tôi nghỉ thì ai nói chuyện, nghĩ vậy nên tôi tự nguyện chèo suốt đêm để nghe chuyện của anh. Tuổi 20 tôi chèo xuồng suốt đêm là chuyện thường.

Sau chuyến đi ấy, bẵng đi rất lâu không gặp anh . Năm 1954, những ngày chuẩn bị tập kết thì anh về cơ quan để nhận quyết định đi hay ở. Anh ở cùng một xóm với tôi thuộc làng Phó Sinh. Anh được quyết định ở lại, còn tôi thì trên chưa quyết định đi hay ở. Anh yên phận là ở lại, nhưng ở lại thì ở đâu, anh nấn ná vài hôm để chờ. Bất ngờ, trên cho anh biết, Trung ương điện vào, anh phải ra Trung ương, nghĩa là tập kết ra Bắc. Anh nói với tôi:
- Tao không đi. Mày còn nhỏ, nếu trên cho đi thì đi, ra ngoài đó học tập (năm ấy tôi 22 tuổi).
Tôi hỏi:
- Ở lại, anh ở đâu?
- Sài Gòn.
Năm 1945, 13 tuổi, tôi có dịp lên Sài Gòn. Sài Gòn xe cộ quá chừng, tôi hỏi anh:
- Lên Sài Gòn, anh không biết chạy xe, làm sao sống?
Anh cười hề hề:
- …Đi bộ, lo gì.

Ấy là buổi chiều bên bờ kinh Phó Sinh, xuồng ghe thương hồ qua lại nườm nượp. Sáng hôm sau, không thấy anh đâu, vậy là tối hôm qua, anh ngoắc một chiếc ghe nào đó, quá giang đi rồi!
Tôi không nhớ năm nào, chắc cũng đã mười năm, Hà Nội có đại hội nhà văn trẻ, đại hội mời các nhà văn lão thành, trong đó có nhà văn Tô Hoài và nhà văn Sơn Nam. Là đại hội nhà văn trẻ, nhưng bài phát biểu hay nhất, ấn tượng nhất là bài phát biểu của hai nhà văn lão thành: Tô Hoài và Sơn . Nhà văn Sơn Nam phát biểu:
- Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu, thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu!
Đại hội nhà văn trẻ bùng lên tiếng hoan hô. Đó là triết lý sống của anh! Có một lần anh đến Hội Nhà văn Thành phố, anh than đang túng, với tư cách là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Thành phố, tôi đề nghị văn phòng chi cho anh hai trăm đồng. Cầm hai trăm đồng, với cái tánh hài hước của anh, anh cười hề:
- Cám ơn Hội, cám ơn mày. Khi tao chết Hội khỏi phải đi vòng hoa! - Nói vậy rồi anh te te ra đường.
Nhà văn Sơn nghèo nhưng lại rất sang. Cái tên Sơn là cái tên sang trọng trong làng văn của nước nhà.
N.Q.S

(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng